Bản tin thời sự sáng 24/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chứng khoán tiếp tục giằng co, VN-Index tăng nhẹ lên sát 1.178 điểm; Hải Phòng phun hóa chất khử khuẩn trên diện rộng; VNR hủy nhiều tàu do vắng khách; TP.HCM đề xuất cho học sinh trở lại trường từ 1/3…

Chứng khoán tiếp tục giằng co, VN-Index tăng nhẹ lên sát 1.178 điểm

Giá trị giao dịch phiên ngày 23/2 đạt hơn 15.400 tỷ đồng, cao nhất từ khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại sau Tết Nguyên đán. Thị trường tiếp tục tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 23/2 trước áp lực rung lắc và giằng co trong cả phiên. Chốt phiên, thị trường tăng điểm, thanh khoản tăng nhẹ.

Phiên giao dịch ngày 23/2, VN-Index diễn ra với áp lực bán ngay từ những phút mở cửa. Trong phiên, bên bán có phần chiếm ưu thế hơn, sắc đỏ bao trùm ở nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn… Tuy nhiên, lực cầu vẫn luôn thường trực khiến thị trường nhanh chóng hồi lại về quanh mốc tham chiếu. Trong phiên chiều, tiếp tục dư âm đi ngang nhưng tới gần cuối phiên, lực tăng lan tỏa toàn thị trường.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/2, chỉ số VN-Index tăng 2,60 điểm (+0,22%), lên 1.177,64 điểm với 233 mã tăng và 201 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 598,2 triệu đơn vị, giá trị 15.421,8 tỷ đồng, giảm 5% về khối lượng nhưng tăng nhẹ chưa đến 1% về giá trị so với phiên giao dịch ngày 22/2.

Trên sàn HNX, HNX-Index đóng cửa với 73 mã tăng và 61 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 0,81 điểm (+0,34%), lên 238,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 124,68 triệu đơn vị, giá trị 2.054,5 tỷ đồng.

Phiên giao dịch ngày 23/2, khối ngoại tiếp tục bán ròng với tổng giá trị bán ròng trên HOSE là 700,07 tỷ đồng. Trong đó, tổng mua 822,31 tỷ đồng, tổng bán 1.522,38 tỷ đồng.

Hải Phòng phun hóa chất khử khuẩn trên diện rộng

TP. Hải Phòng tổ chức phun hóa chất khử khuẩn ở 7 khu vực phong tỏa, giãn cách liên quan đến 3 bệnh nhân nhiễm nCoV cùng một số tuyến phố khác.

Khu vực gần nhà bệnh nhân 2391, phường Dư Hàng, quận Lê Chân được phun hóa chất khử khuẩn chiều 23/2

Khu vực gần nhà bệnh nhân 2391, phường Dư Hàng, quận Lê Chân được phun hóa chất khử khuẩn chiều 23/2

Chiều 23/2, lực lượng chức năng chia làm 2 tổ đã triển khai phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ trục đường chính của các xã Hoa Động, Lâm Động, Hoàng Động, khu vực xung quanh nhà "bệnh nhân 2385" và Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng...

Tương tự, các phố Nguyễn Tường Loan, Dư Hàng, Hoàng Minh Thảo, Khu đô thị ven sông Lạch Tray..., liên quan đến lịch trình của "bệnh nhân 2391 và 2392" cũng được phun khử khuẩn.

Sáng ngày 24/2, lực lượng chức năng tiếp tục phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ các tuyến phố trung tâm, tuyến đường chính ở 4 quận Hải An, Hồng Bàng, Ngô Quyền và Lê Chân.

Dự kiến, tổng tuyến đường được phun hóa chất lần này sẽ dài 300 km, ngoài các đường phố lớn, xe quân đội sẽ vào sâu xung quanh nhà các F0, F1 để khử khuẩn.

VNR hủy nhiều tàu do vắng khách

Ngành đường sắt bãi bỏ đôi tàu SE1/2 chạy tuyến Bắc Nam và 3 đôi tàu địa phương từ Sài Gòn đi Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng do vắng khách.

Hành khách đi tàu tại ga Hà Nội

Hành khách đi tàu tại ga Hà Nội

Ngày 23/2, ông Trần Thiện Cảnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại một số địa phương khiến nhu cầu đi lại của hành khách giảm mạnh từ trước Tết đến nay.

Ngành đường sắt quyết định dừng nhiều chuyến tàu Bắc - Nam như SE1 khởi hành Hà Nội từ ngày 23/2 đến 28/2, tàu SE2 từ ga Sài Gòn từ 23/2. Tàu Thống Nhất giờ chỉ còn hai đôi hoạt động hàng ngày là SE3/SE4 và SE7/SE8, các tàu này được đón trả khách thêm một số ga để thay thế cho tàu SE1/SE2

Từ ngày 24/2, ngành đường sắt dừng đôi tàu SE21/SE22 Sài Gòn - Đà Nẵng.

Trên tuyến phía nam, nhiều tàu địa phương cũng dừng hoạt động như đôi tàu SPT2/SPT1 Sài Gòn - Phan Thiết dừng từ 22/2; tàu SNT2 Sài Gòn đi Nha Trang từ 23/2, trừ các ngày 26/2, 5/3 và tàu SNT1 Nha Trang đi Sài Gòn, trừ các ngày 28/2, 7/3.

Ở phía bắc, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội chỉ khai thác một đôi tàu LP5/LP6 chạy hàng ngày trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng thay vì hai đôi tàu trước đây. Công ty chạy thêm đôi tàu LP3/LP8 các ngày thứ bảy và chủ nhật.

Các tàu đến Hải Phòng không nhận đón trả khách tại ga Phú Thái, Hải Dương, Cẩm Giàng để đảm bảo phòng Covid-19.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Hải Phòng tháo gỡ cho xe chở hàng từ Hải Dương

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hải Phòng xem xét tháo gỡ lưu thông hàng hóa giữa Thành phố và tỉnh Hải Dương.

Nhiều xe tải biển số tỉnh Hải Dương lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị yêu cầu quay đầu, đi hướng khác

Nhiều xe tải biển số tỉnh Hải Dương lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị yêu cầu quay đầu, đi hướng khác

Theo ông Lê Quý Tiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương, Hải Phòng phân luồng không cho các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 5, đặc biệt là người và phương tiện từ Hải Dương. Các xe phải đi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ra vào Hải Dương qua nút giao với Quốc lộ 38 gây ùn tắc.

Ngoài ra, theo yêu cầu của Hải Phòng, xe chở hàng hóa từ Hải Dương chỉ được vào Thành phố khi có hợp đồng, đơn hàng cụ thể, lái xe phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 3 ngày gần nhất; phải có giấy xác nhận của chủ doanh nghiệp vận tải là lái xe được ăn ở, quản lý tập trung. Các yêu cầu này dẫn đến khó khăn cho lưu thông hàng hóa ra vào cảng Hải Phòng.

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ngày 23/2, Sở GTVT tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi Bộ GTVT, đề nghị có ý kiến với Hải Phòng để giải quyết vấn đề nêu trên theo hướng dừng việc phân luồng từ Quốc lộ 5 đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Đồng thời, hai bên thống nhất đề xuất phương án vận chuyển hàng, nhất là nông sản của Hải Dương qua cảng Hải Phòng.

Phương án đề xuất của Hải Dương là tài xế chở nông sản từ tỉnh này sau khi khử khuẩn, sẽ lái thẳng container ra cảng Hải Phòng để xuống hàng; riêng tài xế và phụ xe sẽ không xuống. Hàng xuống xong sẽ quay lại Hải Dương ngay.

Theo ông Lê Quý Tiệp, từ khi bùng dịch ngày 28/1 và dừng lưu thông đến nay, đã có hơn 100 đơn hàng xuất khẩu nông sản, tức khoảng 650 container loại 40 feet đã phải hủy lịch tầu và hủy hợp đồng, thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.

TP.HCM đề xuất cho học sinh trở lại trường từ 1/3

Ngày 23/2, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có báo cáo công tác chuẩn bị cho học sinh quay trở lại trường từ ngày 1/3 sau khi căn cứ vào tình hình công tác phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố.

TPHCM đề xuất cho học sinh trở lại trường từ 1/3

TPHCM đề xuất cho học sinh trở lại trường từ 1/3

Theo Sở GD&ĐT, sau khi cho học sinh tạm dừng đến trường để phòng dịch Covid-19, từ mùng 6 Tết Nguyên đán, các cán bộ, chuyên viên Sở GD&ĐT đã đi cơ sở, nắm tình hình tổ chức dạy - học trên internet để hỗ trợ giáo viên.

Từ ngày 22/2, Sở đã đẩy mạnh hơn việc cán bộ đi cơ sở, chủ yếu rà soát, hướng dẫn đơn vị thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

Báo cáo về tình hình triển khai, dạy trên internet, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, theo thống kê sơ bộ, hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn Thành phố đều đã triển khai đa dạng các hình thức dạy học với trên 80% học sinh tham gia (tỷ lệ tăng dần theo các cấp học, khối lớp 12 đạt trên 96%).

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, hiện nay nhu cầu cho trẻ đến trường của phụ huynh là rất lớn; đặc biệt phụ huynh khối mầm non có nhu cầu gửi trẻ đến trường, các nhóm lớp… nhằm ổn định công việc. Căn cứ tình hình công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay của TP.HCM, Sở GD&ĐT nhận thấy việc học sinh quay trở lại trường từ ngày 1/3 là phù hợp.

Hà Nội tập trung đầu tư đường vành đai 3,5 nhằm giảm ùn tắc cho đường vành đai 3

Từ nay đến năm 2030, TP. Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống đường vành đai 3,5 để giảm tải lưu lượng cho đường vành đai 3.

Hà Nội sớm hoàn thành đường vành đai 3,5 để "chia lửa" cho vành đai 3

Hà Nội sớm hoàn thành đường vành đai 3,5 để "chia lửa" cho vành đai 3

Tình trạng ùn tắc giao thông đường vành đai 3 (Hà Nội) thường xuyên xảy ra do lưu lượng xe quá lớn, nhất là vào giờ cao điểm.

Kết quả đếm xe mới đây của Ban Duy tu Sở GTVT Hà Nội cho thấy, mật độ phương tiện lưu thông trên đường vành đai 3 khoảng 5.000 lượt xe/h, cao gấp 2,5 lần so với lưu lượng tiêu chuẩn. Đây là nguyên nhân khiến đường vành đai 3 ùn tắc và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.

Từ thực tế trên, Ban Duy tu đề xuất Sở GTVT Hà Nội giảm tốc độ khai thác của đường vành đai 3 trên cao (đoạn từ nút giao Pháp Vân đến cầu vượt Mai Dịch và ngược lại) từ 80 km/h xuống 60km/h để bảo đảm an toàn giao thông.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đường vành đai 3,5 là tuyến kết nối khu vực phía Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng, nhiều phân khu đô thị và khu dân cư...

Tuyến vành đai 3,5 chia làm 4 đoạn: từ Pháp Vân đến trục Xa La - Thanh Hà; từ đường trục phía Nam đến Đại lộ Thăng Long; từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32; các phần còn lại và cầu Thượng Cát.

Ông Viện cho biết, từ nay đến năm 2030, TP. Hà Nội sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư hệ thống vành đai theo quy hoạch. Riêng với tuyến vành đai 3,5, Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành đoạn Đại lộ Thăng Long - Quốc lộ 32 và tiếp tục đầu tư các đoạn từ Quốc lộ 5 kéo dài đến cầu Thượng Cát; cầu Thượng Cát - Quôc lộ 32; nút giao Đại lộ Thăng Long.

6.000 tỷ đồng làm 5 dự án môi trường ở TP.HCM

Xây bãi chôn lấp, nhà máy đốt rác phát điện, xanh hóa nghĩa trang, xử lý rác nguy hại, thay xe chở rác sẽ được ngành môi trường thực hiện trong 5 năm tới.

Xử lý rác tại khu liên hợp chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM

Xử lý rác tại khu liên hợp chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM

Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM vừa công bố sáng ngày 23/2 về kế hoạch phối hợp nhằm hướng đến mục tiêu chương trình là ứng dụng công nghệ tiên tiến để xử lý, tái chế rác thải, góp phần thúc đẩy kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Khởi công trong quý I, dự kiến hoàn thành trong 3 tháng, Dự án hoàn thiện bãi chôn lấp rác số 3 ở Khu liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi) quy mô 20 ha, công suất xử lý 2.000 tấn mỗi ngày bằng công nghệ chôn lấp của Hàn Quốc. Đây là bãi chôn lấp dự phòng của TP.HCM nếu các bãi chôn lấp hiện hữu quá tải hay ngưng hoạt động. Dự án có vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.

Ở bãi chôn lấp số 3 cũng xây dựng nhà máy đốt rác phát điện quy mô 1.000 tấn mỗi ngày, vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng theo công nghệ Martin của Đức, xử lý rác sinh hoạt của Thành phố.

Dự án di dời nhà máy xử lý chất thải nguy hại từ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn về xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2023. Dự án mở rộng quy mô xử lý lên 1.000 tấn rác thải nguy hại, y tế, công nghiệp theo công nghệ đốt thân thiện môi trường... với tổng mức đầu tư 400 - 600 tỷ đồng. Đối với rác xà bần, dự án sử dụng công nghệ Nhật Bản, tái chế vật liệu xây dựng.

Giai đoạn 2 Dự án Nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh, vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 46 ha.

Nhằm thay thế các xe chuyên dùng vận chuyển rác, máy hút bùn, thiết bị thông cống... ngành môi trường Thành phố dự kiến mua 50 - 100 xe, tổng kinh phí từ 100 - 200 tỷ đồng.

Chuyên đề