Bản tin thời sự sáng 24/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khởi tố 4 cựu nhân viên Sacombank Cam Ranh tội “Tham ô tài sản”; chi gần 7,4 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu trong 10 tháng; khai trừ Đảng nguyên Trưởng phòng Giáo dục Quảng Ninh vì 'thổi giá' thiết bị trường học; Hà Nội chi 2.400 tỷ đồng làm nút giao Vành đai 3,5 - Đại lộ Thăng Long…

Khởi tố 4 cựu nhân viên Sacombank Cam Ranh tội “Tham ô tài sản”

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố bị can đối với 4 cựu cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh về tội Tham ô tài sản.

Phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh nơi mà 4 bị can làm việc trước đó

Phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh nơi mà 4 bị can làm việc trước đó

2 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Tham ô tài sản giam là: Nguyễn Thị Thanh Hà, cựu Phó phòng Giao dịch Sacombank Chi nhánh thành phố Cam Ranh; Ngô Thị Hồng Nhạn, cựu Thủ quỹ Phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh. Công an cũng đã tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 2 người này.

Cũng bị khởi tố liên quan tội danh tham ô tài sản, song 2 bị can còn lại được tại ngoại, gồm: Nguyễn Thị Trà My, cựu giao dịch viên Phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh và Ngô Nữ Hồng Hải, cựu giao dịch viên Phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh. Hai người này bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

4 cựu cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Sacombank bị cáo buộc đã lấy tư cách cá nhân vay vốn ở bên ngoài và vay vốn khách hàng. Khi các khách hàng đến làm thủ tục rút tiền tại Chi nhánh Sacombank Cam Ranh, sự việc mới bị phát giác. Những khách hàng này sau đó gửi đơn tố cáo lên cơ quan điều tra.

Chi gần 7,4 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu trong 10 tháng

Số lượng và trị giá nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đều tăng mạnh.

Nhập khẩu xăng dầu trong 10 tháng tăng gần 23%

Nhập khẩu xăng dầu trong 10 tháng tăng gần 23%

Số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 10 năm nay, lượng xăng dầu các loại nhập khẩu đạt 602.000 tấn với trị giá là 556 triệu USD, giảm 4,1% về lượng và giảm 9,8% về trị giá so với tháng trước.

Tính lũy kế 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi 7,37 tỷ USD để nhập khẩu 7,12 triệu tấn xăng dầu các loại, tăng 22,7% về lượng và tăng gần 124% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lượng dầu diesel nhập về đạt 4,15 triệu tấn, tăng gần 84% và chiếm đến 56% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước; lượng xăng nhập về đạt 1,5 triệu tấn, tăng gấp 3 lần và chiếm 20%; lượng nhiên liệu bay đạt 1,32 triệu tấn, tăng 4,5 lần và chiếm 18% lượng nhập khẩu xăng dầu của cả nước.

Các thị trường Việt Nam nhập khẩu xăng dầu trong 10 tháng qua chủ yếu từ các nước: Hàn Quốc với 2,75 triệu tấn, tăng 98,46%; Singapore 1,1 triệu tấn, tăng 4,3%; Malaysia là 1,09 triệu tấn, giảm 43,6%.

Khai trừ Đảng nguyên Trưởng phòng Giáo dục Quảng Ninh vì 'thổi giá' thiết bị trường học

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Hoàng Thu Hiền, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã Quảng Yên.

Phòng GD-ĐT thị xã Quảng Yên nơi bà Hiền công tác
Phòng GD-ĐT thị xã Quảng Yên nơi bà Hiền công tác

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Hoàng Thu Hiền, Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Ủy viên UBKT Thị ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối cơ quan Thị ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; Bí thư Chi bộ, Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ thị xã Quảng Yên; nguyên Thị ủy viên nhiệm kỳ 2015 - 2020, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Bà Hoàng Thu Hiền trong thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Quảng Yên (giai đoạn 2015 - 2020) đã có những vi phạm, khuyết điểm như: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại một số gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục do Phòng GD&ĐT thị xã Quảng Yên làm chủ đầu tư, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam.

Hà Nội chi 2.400 tỷ đồng làm nút giao Vành đai 3,5 - Đại lộ Thăng Long

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt Dự án Đầu tư, xây dựng nút giao khác mức giữa Vành đai 3,5 và Đại lộ Thăng Long, với tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng.

Đầu tư 2.400 tỷ đồng làm nút giao Vành đai 3,5 - Đại lộ Thăng Long

Đầu tư 2.400 tỷ đồng làm nút giao Vành đai 3,5 - Đại lộ Thăng Long

Theo đó, Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội làm chủ đầu tư.

Về quy mô đầu tư xây dựng, nút giao gồm các nhánh tuabin kết hợp hầm trực thông. Trong đó, hầm chui trực thông theo hướng Lê Trọng Tấn đi Quốc lộ 32, tim tuyến trùng với đường Lê Trọng Tấn, gồm 4 làn xe với tổng chiều dài 975 m.

Đoạn đi dưới Đại lộ Thăng Long sẽ thiết kế hầm kín dài 150 m; phía đường Lê Trọng Tấn thiết kế hầm hở dài 157,5 m, tường chắn dài 220 m; phía Quốc lộ 32 được thiết kế hầm hở dài 157,5 m và tường chắn dài 200 m.

Phần còn lại của Dự án là gờ chắn bánh, cầu nhánh tuabin dầm bản bê tông cốt thép dự ứng lực có chiều dài hơn 2.350 m trên 4 nhánh. Bề rộng cầu là 8,8 m, được bố trí 2 làn xe cơ giới và tường chắn bê tông cốt thép có chiều dài 619 m/8 vị trí sau mố.

Nút giao được xây dựng trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội), cần bố trí diện tích đất hơn 22 ha.

Theo quyết định phê duyệt, tổng mức đầu tư xây dựng là 2.384 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Hà Nội, trong đó chi phí xây dựng là hơn 1.480 tỷ đồng; tiến độ thực hiện Dự án năm 2022 - 2026.

Tỉnh Vĩnh Long khánh thành cầu Cái Cam 2 thuộc Dự án đường Võ Văn Kiệt

Cầu Cái Cam 2 dài 482 m, rộng 34 m, vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng, thuộc Dự án đường Võ Văn Kiệt, kết nối TP. Vĩnh Long với Quốc lộ 1, hoàn thành ngày 23/11.

Cầu Cái Cam 2 trên tuyến đường Võ Văn Kiệt qua TP. Vĩnh Long

Cầu Cái Cam 2 trên tuyến đường Võ Văn Kiệt qua TP. Vĩnh Long

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, Dự án đường Võ Văn Kiệt dài 3,6 km, điểm đầu từ đường Mậu Thân thuộc Phường 3 và kết thúc tại Quốc lộ 1 thuộc phường Tân Ngãi, TP. Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long). Dự án khởi công năm 2020, với tổng đầu tư 1.490 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương (khoảng 720 tỷ đồng) và địa phương.

Công trình có 5 gói thầu, đến nay đã hoàn thành 2 gói, gồm cầu Cái Cam 2 và hơn 500 m đường. Ba gói còn lại đang thực hiện, dự kiến hoàn thành cuối năm nay và năm sau. Cầu Cam 2 được thông xe sẽ tạo thêm đường mới xuyên TP. Vĩnh Long, giúp giảm ùn tắc.

Ninh Thuận thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam với tổng diện tích 43.900 ha

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành kế hoạch triển khai thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam của Tỉnh với tổng diện tích 43.900 ha.

Ninh Thuận thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam với tổng diện tích 43.900 ha. Ảnh minh họa

Ninh Thuận thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam với tổng diện tích 43.900 ha. Ảnh minh họa

Ranh giới dự kiến thành lập Khu kinh tế bao gồm 9 xã, trong đó có 7 xã thuộc huyện Thuận Nam (Nhị Hà, Phước Minh, Phước Ninh, Cà Ná, Phước Nam, Phước Dinh, Phước Diêm) và hai xã thuộc huyện Ninh Phước (An Hải, Phước Hải).

Theo tỉnh Ninh Thuận, việc thành lập Khu kinh tế nhằm khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển và huy động tối đa nguồn lực, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; tranh thủ các chính sách ưu đãi, vượt trội của Nhà nước để tập trung thu hút đầu tư những dự án động lực, có quy mô lớn như: cảng và dịch vụ cảng, logistics, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp nặng, quy mô lớn, các khu đô thị hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, tăng cường liên kết vùng giữa Khu kinh tế với các khu kinh tế ven biển miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước, để khai thác các thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển của vùng…

Tổng nguồn cung xăng dầu năm 2023 tăng 10 - 15%

Bộ Công Thương giao các doanh nghiệp đầu mối năm 2023 mua và nhập 25,9 - 26,7 triệu m3, tấn xăng dầu, tức tăng 10 - 15% so với năm 2022.

Bộ Công Thương giao các doanh nghiệp đầu mối năm 2023 mua và nhập 25,9 - 26,7 triệu m3, tấn xăng dầu

Bộ Công Thương giao các doanh nghiệp đầu mối năm 2023 mua và nhập 25,9 - 26,7 triệu m3, tấn xăng dầu

Cơ sở tính toán sản lượng xăng dầu giao cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, và mua năm sau được tính toán dựa trên số thực hiện năm nay (20,7 triệu m3, tấn xăng dầu) và 1,3 - 1,4 lần mục tiêu GDP năm 2023 (6,5%).

Theo phương án một, các doanh nghiệp đầu mối sẽ phải nhập, mua từ hai nhà máy lọc dầu trong nước khoảng 25,9 triệu m3, tấn, tăng 10% so với năm 2022. Phương án hai là gần 26,76 triệu m3, tấn, tăng 15% so với 2022. Sản lượng này được phân bổ từng tháng, quý.

Kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của Bộ Công Thương gồm nguồn nhập khẩu và mua từ hai nhà máy lọc dầu trong nước. Các doanh nghiệp được yêu cầu có phương án nhập, mua hàng bù đắp trong trường hợp hai nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn bảo dưỡng, bảo trì...

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2022, cơ quan này phân giao cho 36 doanh nghiệp đầu mối hơn 20,72 triệu m3, tấn xăng dầu. Tuy nhiên, nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt cuối quý I do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, buộc cơ quan này giao sản lượng nhập khẩu tăng thêm khoảng 2,4 triệu m3, tấn cho các doanh nghiệp.

9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp nhập, mua được gần 17,3 triệu m3, tấn, tương đương hơn 83% kế hoạch Bộ Công thương giao. Quý IV, Bộ đã giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước... cho các doanh nghiệp đầu mối là 5,5 triệu m3, tấn. Trong đó, 57% trong số này là dầu diesel (khoảng 3,13 triệu m3, tấn), xăng chiếm 41% (2,24 triệu m3, tấn), còn lại là dầu mazut, dầu hoả.

TP. Buôn Ma Thuột đề xuất giao về Bộ GTVT tuyến đường gần 700 tỷ đồng xuống cấp

Dự án đường vành đai tránh Tây thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (nay là đường 10/3 và 30/4) có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, đưa vào sử dụng 3 năm nhưng nhiều đoạn đã hư hỏng xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông.

Mới hết hạn bảo hành, đường vành đai tránh Tây thành phố Buôn Ma Thuột đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng.

Mới hết hạn bảo hành, đường vành đai tránh Tây thành phố Buôn Ma Thuột đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng.

Dự án đường vành đai phía Tây thành phố Buôn Ma Thuột dài gần 14 km, là tuyến giao thông quan trọng trên Quốc lộ 14 nhằm giảm lượng xe qua trung tâm Thành phố. Tổng mức đầu của Dự án là gần 700 tỷ đồng, quy mô đường cao tốc miền núi cấp II với 4 làn xe cho 2 chiều mỗi bên và có giải phân cách cứng, do UBND thành phố Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư.

Tuyến đường được xây dựng từ năm 2009 đến 2019 mới hoàn thành. Nhưng chỉ sau 3 năm sử dụng, nhiều đoạn đường đã bị sụt lún, các vị trí bong tróc cả phần đá lót, tạo thành những ổ voi ổ gà tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đoạn hư hỏng nặng nhất là khu vực từ ngã tư đường 10/3 - Phạm Ngũ Lão đến ngã tư Phan Bội Châu.

Theo ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, sau nhiều lần khắc phục bằng cách sử dụng đá cấp phối lấp lên và lu tạm thời phục vụ việc đi lại, Thành phố đã quyết định bố trí 9,5 tỷ đồng tiến hành sửa chữa đường tránh Tây trong thời gian tới. Về lâu dài, đoạn đường này nên được giao về cho Bộ GTVT quản lý, vận hành, vì đây là một đoạn tuyến quan trọng trên Quốc lộ 14.

Đoạn hư hỏng nặng nhất nằm ở gói thầu số 2, do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thuận An thi công, đơn vị giám sát là Công ty CP Tư vấn Lực Việt.

Chuyên đề