Kiều hối chuyển về TP.HCM cao nhất 10 năm
Lượng kiều hối chuyển về TP.HCM năm 2023 đạt 9,5 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2022.
Kiều hối chuyển về TP.HCM trong năm 2023 ghi nhận mức cao nhất 10 năm qua |
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong năm 2023 duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đạt 9,46 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2022.
Ông Lệnh cho rằng, kết quả này thể hiện trên 4 phương diện chính. Thứ nhất, kiều hối năm 2023 ghi nhận sự tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và tiếp tục duy trì tỷ trọng cao so với tổng lượng kiều hối của cả nước ở mức trên 50%.
Bên cạnh đó, nếu đặt quy mô kiều hối trong mối liên hệ so sánh với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thành phố năm 2023, thì lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% GRDP của Thành phố.
Điểm thứ 3 là kiều hối chuyển về gắn liền với xu hướng tăng trưởng lao động và làm việc ở nước ngoài. Theo đó, phân tích kiều hối theo khu vực, thì lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 50% và tăng trưởng 143% so với cuối năm 2022.
Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về từ khu vực châu Phi và châu Mỹ đều giảm. Đặc biệt, kiều hối từ khu vực châu Mỹ chiếm tỷ trọng cao, sau khu vực châu Á (chiếm 29,1%), song giá trị kiều hối chuyển về lại giảm 10,2%.
Tại các nước khu vực châu Á, thị trường lao động, dịch vụ và du lịch mở cửa và phát triển sau đại dịch, cùng môi trường kinh tế, chính trị ổn định là yếu tố tác động tích cực đến kiều hối chuyển năm nay và trong thời gian tới, ông Lệnh đánh giá.
Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cùng với cơ chế chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về thu hút kiều hối; các hoạt động văn hóa, du lịch và thể thao… đã trở thành yếu tố nền tảng và động lực thúc đẩy tăng trưởng nguồn lực kiều hối trong thời gian qua.
Đề nghị hướng dẫn cụ thể điều phối vật liệu khai thác phục vụ thi công Cao tốc Bắc-Nam
Tỉnh Phú Yên đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể để có cơ sở thống nhất giải quyết điều phối vật liệu khai thác phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam.
Phú Yên đề nghị hướng dẫn cụ thể điều phối vật liệu khai thác phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam |
Tỉnh Phú Yên đang triển khai thi công 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam và nhiều dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Việc cùng lúc thực hiện nhiều công trình xây dựng dẫn đến thừa, thiếu cục bộ nguồn vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất, đá).
Trong khi đó, do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng, chính quyền địa phương và các chủ đầu tư không thể thực hiện việc điều phối nguồn vật liệu từ dự án này sang dự án khác để đẩy nhanh tiến độ và tiết giảm chi phí.
Ông Phạm Văn Việt, Chỉ huy trưởng Gói thầu 13XL Dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh chia sẻ, đơn vị thi công rất mong, có sự điều phối nguồn vật liệu dôi dư để sử dụng cho các dự án khác. Như vậy, chủ đầu tư sẽ tiết kiệm được chi phí, quỹ đất để làm bãi thải.
Nếu như Dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh đang dôi dư vật liệu, Dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong lại thiếu. Ban Quản lý dự án 7 (Chủ đầu tư) cho biết, nhu cầu cát của Dự án rất lớn (khoảng 1,73 triệu m3), riêng cát sử dụng cho hạng mục xử lý đất yếu mỗi ngày cần khoảng 20.000 m3.
Thống kê của Sở GTVT tỉnh Phú Yên cho thấy, sau khi điều phối, tận dụng vật liệu từ hạng mục đào, khối lượng đắp cho từng dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, tổng nhu cầu vật liệu hiện nay khoảng 5,5 triệu m3 đất; 2,34 triệu m3 cát và 2,47 triệu m3 đá.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, việc sử dụng khoáng sản dôi dư từ dự án cao tốc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có 2 văn bản hướng dẫn tuy nhiên quan điểm còn khác nhau.
Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, UBND Tỉnh nhận thấy việc sử dụng đất dôi dư từ công tác đào nền đường của Dự án xây dựng công trình đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 sẽ không làm tăng tổng mức đầu tư của Dự án… Để có cơ sở thống nhất giải quyết việc điều phối vật liệu khai thác, đề nghị Bộ GTVT xem xét, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể, nhất là việc khẳng định cơ sở pháp lý.
Đà Nẵng bắn pháo hoa 15 phút tại 3 địa điểm trong đêm giao thừa Tết Giáp Thìn 2024
UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa tại 3 địa điểm trên địa bàn trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Đà Nẵng tổ chức 3 điểm bắn pháo hoa trong đêm giao thừa. |
Theo kế hoạch, Đà Nẵng sẽ bắn pháo hoa trong vòng 15 phút, vào lúc 0 giờ ngày 10/2 (mùng 1 Tết Giáp Thìn 2024) tại 3 điểm, gồm: đường Bạch Đằng, đoạn giao nhau giữa đường Bạch Đằng và Bình Minh 6; khu vực trước Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu và khu Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang.
Sự kiện này nhằm tạo không khí vui tươi, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân và quảng bá hình ảnh Đà Nẵng tươi đẹp đến du khách trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Năm nay, Đà Nẵng sẽ bắn gần 2.000 quả pháo tầm cao và 120 giàn pháo tầm thấp; theo phương pháp trình diễn pháo hoa nghệ thuật (không nhạc nền), sử dụng hệ thống bắn pháo hoa FireOne và hệ thống bán tự động bắn pháo hoa L100S.
Vừa qua, Đà Nẵng cũng đầu tư gần 20 tỷ đồng để trang trí hoa và điện chiếu sáng phục vụ Xuân Giáp Thìn 2024. Trong đó có 15 vị trí trang trí hoa, tập trung tại đường Bạch Đằng dọc theo sông Hàn, các khu vực quảng trường rộng, nơi có không gian cảnh quan đẹp, thoáng đãng.
Hà Đô muốn làm cụm công nghiệp 100 ha ở Ninh Thuận
Tập đoàn Hà Đô đã đề xuất Ninh Thuận cho phép khảo sát, lập quy hoạch 2 cụm công nghiệp 100 ha gần Khu công nghiệp Cà Ná.
Hà Đô muốn mở đầu tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp với các dự án đầu tiên tại Ninh Thuận |
Đề xuất trên đã được Tập đoàn Hà Đô gửi tới Sở Công Thương Ninh Thuận. Theo đó, công ty này muốn được nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và làm chủ đầu tư dự án 2 cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2, gần với Khu công nghiệp Cà Nà. Trước đây, Hà Đô chưa tham gia vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Mỗi cụm công nghiệp này đều có quy mô 50 ha. Hai cụm công nghiệp trên được quy hoạch các nhóm ngành nghề chính như công nghiệp ít gây ảnh hưởng đến môi trường, công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tập đoàn Hà Đô đánh giá, Ninh Thuận có dư địa phát triển lớn, với vị trí cửa ngõ kết nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Hiện tại, tỉnh này có 3 khu công nghiệp là Du Long, Phước Nam, Thành Hải với quy mô trên 855 ha, cùng Khu công nghiệp Cà Ná quy mô 827 ha đang trình chấp thuận chủ trương đầu tư.
VNG xin rút đơn IPO trên sàn chứng khoán Mỹ
VNG quyết định chưa chào bán ra công chúng ở thời điểm hiện tại nên xin Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cho rút hồ sơ IPO.
VNG quyết định chưa chào bán ra công chúng ở thời điểm hiện tại |
Thông tin này được VNG Limited cho biết trong bản thông báo gửi SEC hôm 19/1. Theo đó, Công ty đề nghị SEC chấp thuận việc rút lại hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 đã nộp, bởi quyết định chưa chào bán ra công chúng (IPO) ở thời điểm hiện tại. Doanh nghiệp này cũng khẳng định chưa có cổ phiếu nào đã hoặc sẽ được phát hành hay bán theo hồ sơ đã nộp.
VNG Limited cũng cho biết trong thông báo hôm 19/1 rằng vẫn có ý định nộp lại hồ sơ đăng ký IPO trong tương lai. Do những khoản phí đã nộp sẽ không được hoàn lại, VNG Limited đề nghị SEC cho sử dụng trong trường hợp tiếp tục nộp hồ sơ xin IPO, căn cứ theo điều 457 của Luật Chứng khoán Mỹ.
Trước đó, cuối tháng 8/2023, VNG thông báo VNG Limited đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên SEC. VNG Limited - cổ đông lớn nhất của VNG - dự kiến chào bán ra công chúng cổ phiếu phổ thông loại A trên Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch VNG.
VNG được thành lập năm 2004, tên ban đầu là Công ty CP Trò chơi Vi Na (Vinagame), vốn điều lệ 15 tỷ đồng, và hiện đạt hơn 287 tỷ đồng, sau khi vừa hủy hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ.
Việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán quốc tế là một trong những kế hoạch VNG ấp ủ từ lâu. Năm 2017, VNG đã ký kết một biên bản ghi nhớ về việc niêm yết trên sàn Nasdaq tại Mỹ.
PNJ lãi kỷ lục
Năm 2023, chuỗi bán lẻ nữ trang PNJ lãi sau thuế hơn 1.970 tỷ đồng, vượt kế hoạch và là mức cao nhất trong 35 năm hoạt động.
Năm 2023, chuỗi bán lẻ nữ trang PNJ lãi sau thuế hơn 1.970 tỷ đồng |
Theo báo cáo kết quả kinh doanh vừa công bố, Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đạt doanh thu hơn 33.100 tỷ đồng, giảm 2,2% so với năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp lại tăng, giúp lãi sau thuế nâng thêm 8,9%, lên hơn 1.970 tỷ đồng - cao nhất kể từ khi thành lập năm 1988.
Công ty chỉ hoàn thành 93% chỉ tiêu doanh thu nhưng vượt gần 2% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2023. Ban lãnh đạo cho biết, nguyên nhân là PNJ chiếm thêm thị phần, gia tăng khách hàng mới, mở rộng mạng lưới, tung ra sản phẩm đa dạng và tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Năm trước, công ty này đóng 7 điểm bán nhưng mở mới 48 cửa hàng. Đây là động thái giúp tăng cường độ phủ và tối ưu hóa vận hành.
Lợi nhuận Techcombank giảm
Techcombank đứt chuỗi 10 năm tăng trưởng khi lợi nhuận năm 2023 giảm 10%, đạt 22.900 tỷ, song lần đầu công bố kế hoạch chia cổ tức bằng tiền sau một thập kỷ.
Techcombank đứt chuỗi 10 năm tăng trưởng khi lợi nhuận năm 2023 giảm 10% |
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất 2023 với lãi trước thuế 22.888 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022. Đây là năm đầu tiên Techcombank giảm lợi nhuận, kể từ 2014.
Sau giai đoạn tăng trưởng với tốc độ bình quân 40% một năm và gắn với vị trí "á quân" lợi nhuận ngành ngân hàng, kết quả kinh doanh của Techcombank hiện xếp sau các ngân hàng có vốn nhà nước như Vietcombank, BIDV và Agribank.
Có hai yếu tố chính khiến lợi nhuận Techcombank đi xuống trong năm 2023. Trước hết là thu nhập chính từ hoạt động tín dụng của nhà băng này giảm 9% còn 27.691 tỷ đồng, do chi phí trả lãi tiền gửi tăng với tốc độ nhanh hơn thu nhập từ cho vay. Đây cũng là bối cảnh chung của nhiều ngân hàng sau giai đoạn chạy đua huy động với lãi suất cao từ cuối 2022 nhưng sau đó lại khó cho vay.
Ngoài ra, trước áp lực nợ xấu dâng lên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Techcombank tăng lên 3.920 tỷ, gấp đôi so với 2022. Trong bối cảnh này, ngân hàng tìm cách tiết giảm chi phí bằng cách giảm nhẹ chi phí hoạt động so với năm ngoái.
Điểm tích cực là sau 4 quý liên tiếp giảm lợi nhuận, Techcombank bắt đầu ghi nhận tăng trưởng kết quả kinh doanh trong quý IV/2023. Bên cạnh đó, nền thấp của quý IV/2022 cũng khiến nhà băng này ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 20% trong quý cuối 2023, đạt hơn 5.770 tỷ đồng.
Năm 2024, Techcombank cho biết đặt mục tiêu chia cổ tức tiền mặt dài hạn với tỷ lệ ít nhất 20% lợi nhuận sau thuế. Kế hoạch này dự kiến trình đại hội cổ đông vào tháng 4 sắp tới. Với lợi nhuận 2023 gần 23.000 tỷ đồng, theo đó mỗi cổ phiếu TCB dự kiến nhận cổ tức tiền 1.500 đồng trong năm 2024.
200 xe buýt điện chở khách tham quan TP.HCM sắp lăn bánh
200 xe buýt điện từ 5 đến 14 chỗ chở khách tham quan ở khu trung tâm TP.HCM được đề xuất triển khai thí điểm từ quý I/2024 đến đến hết ngày 31/12/2025.
Xe điện loại 12 chỗ chở khách tham quan ở TP.HCM |
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM dự thảo Quyết định của UBND Thành phố về phê duyệt Đề án thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách tham quan, du lịch trong khu vực thành phố. Dự thảo này đã được cập nhật các góp ý của một số Ủy viên UBND TP.HCM.
Theo dự thảo Quyết định của UBND TP.HCM về phê duyệt Đề án, phạm vi hoạt động của phương tiện được thực hiện trên các tuyến đường và trong giới hạn bởi các điểm, tuyến đường như sau:
Quận 1 và Quận 4: Bến Nhà Rồng - cầu Khánh Hội - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thị Minh Khai - Hoàng Sa - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - cầu Calmette - Đoàn Văn Bơ - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành - Bến Nhà Rồng.
Quận 5 và Quận 6: Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi - Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương - Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ - Lê Quang Sung - Phạm Đình Hổ - Tháp Mười - Hải Thượng Lãn Ông - Võ Văn Kiệt - Nguyễn Văn Cừ.
Số lượng phương tiện khoảng 200 xe điện từ 5 - 14 chỗ, thời gian hoạt động từ 6h - 24h mỗi ngày. Kế hoạch triển khai thí điểm từ quý I/2024 đến hết ngày 31/12/2025.
Theo Sở GTVT TP.HCM, việc triển khai loại hình xe điện trên góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là khách tham quan du lịch. Xe điện cũng kết nối với các phương thức khác như buýt, xe đạp... giúp phát triển giao thông công cộng.
Truy tố Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm ở Đắk Nông về tội nhận hối lộ
Ngày 23/1, VKSND tỉnh Đắk Nông đã ban hành cáo trạng truy tố đối với ông Nguyễn Tài An (trú tại xã Đức Minh, huyện Đắk Mil) - Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 48-02D về tội "Nhận hối lộ”.
Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 48-02D |
Theo cáo trạng, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 48-02D (địa chỉ tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil) là chi nhánh của Công ty CP Thương mại Dịch vụ tổng hợp Xuân Tùng. Năm 2020, trung tâm này đã bổ nhiệm ông Nguyễn Tài An là đăng kiểm viên bậc cao, giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm.
Sau khi giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm, từ năm 2020 - 2023, dù biết các chủ xe không đưa xe đến các cơ sở có đủ điều kiện để thi công cải tạo xe cơ giới nhưng ông An vẫn đồng ý nhận làm hồ sơ cải tạo và nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận xe cơ giới cải tạo tại Trung tâm Đăng kiểm 48-02D cho chủ xe với giá tiền từ 3,8 - 7 triệu đồng/xe.
Sau khi nhận hồ sơ của khách hàng, ông An liên hệ với một số công ty để lập khống hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công nhằm hợp thức hồ sơ đăng kiểm cho xe cải tạo.
Từ năm 2020 - 2023, ông An đã nhận số tiền 74,4 triệu đồng của 15 chủ xe để làm 17 bộ hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công và nghiệm thu cấp giấy chứng nhận xe cải tạo trái quy định.
Trong đó, ông An chuyển 65,3 triệu đồng cho Lã Thu Chiền (GĐ Công ty TNHH Dịch vụ ô tô Công ty An Bình -TP. Hà Nội), Phạm Văn Lịch (PGĐ Công ty TNHH Thiết kế và cải tạo xe Gia Phạm - TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và Lê Đức Thiện (GĐ Công ty TNHH Dịch vụ thiết kế kỹ thuật ô tô Đức Thịnh - TP. Hà Nội) để hợp thức hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công xe cải tạo và đóng hơn 1,5 triệu đồng phí kiểm định cho chủ xe.
Riêng bị can Nguyễn Tài An hưởng lợi số tiền là hơn 5,5 triệu đồng. Hiện bị can An đã nộp lại toàn bộ số tiền này cho cơ quan chức năng.