Bản tin thời sự sáng 23/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công Thương đề xuất PVN, EVN thí điểm làm điện gió ngoài khơi; Thủ tướng giục Bộ Tài chính trình giảm phí trước bạ ôtô trong nước; Hà Nội giải ngân đầu tư công gần 21.000 tỷ đồng; Bình Dương dự kiến thu 6.700 tỷ đồng khi đấu giá 8 khu đất…

Bộ Công Thương đề xuất PVN, EVN thí điểm làm điện gió ngoài khơi

Bộ Công Thương đề xuất các phương án giao tập đoàn kinh tế nhà nước thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.

Bộ Công Thương cho rằng điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, việc triển khai thực hiện cần nghiên cứu kỹ lưỡng

Bộ Công Thương cho rằng điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, việc triển khai thực hiện cần nghiên cứu kỹ lưỡng

Bộ Công Thương vừa có báo cáo trình Chính phủ về thực hiện Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó có phương án lựa chọn nhà đầu tư.

Theo đó, tại báo cáo, Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án chọn nhà đầu tư thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi là các tập đoàn kinh tế nhà nước. Phương án 1 là giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là đơn vị thí điểm đầu tư.

Bộ Công Thương cho rằng, một số hạng mục, công trình của điện gió ngoài khơi tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi, PVN sẽ có lợi thế nhất định như cơ sở dữ liệu (địa kỹ thuật, địa vật lý) sẵn có của ngành dầu khí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng trong triển khai loại hình điện này.

Phương án 2 là Bộ Công Thương đề xuất giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm đơn vị thí điểm. Bởi theo cơ quan này, EVN là tập đoàn có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện.

Theo Bộ Công Thương, EVN sẽ có những lợi thế nhất định khi tận dụng kinh nghiệm, năng lực đã có trong triển khai điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, việc giao EVN đầu tư thí điểm cũng có ưu điểm nhất định do không phải tiến hành đàm phán giá (do EVN đồng thời là đơn vị mua và bán điện). Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới nên có những đòi hỏi khác so với các dự án truyền thống…

Phương án 3 là Bộ đề xuất giao đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng làm thí điểm điện gió ngoài khơi. Bộ Công Thương cho rằng, phương án này cần được đánh giá về sự phù hợp với chủ trương của Đảng, cũng như việc đánh giá tính khả thi sau khi xem xét năng lực của đơn vị cụ thể thuộc Bộ Quốc phòng.

Phương án giao chủ đầu tư còn lại được Bộ Công Thương đề xuất giao cho tư nhân trong nước thực hiện. Với những vướng mắc về pháp luật hiện nay và điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, có liên quan tới quốc phòng, an ninh, nên Bộ Công Thương cho rằng chưa nên giao tư nhân đầu tư thí điểm trong khi chưa đánh giá hết được các vấn đề về quốc phòng, an ninh, giá, vướng mắc pháp luật.

Thủ tướng giục Bộ Tài chính trình giảm phí trước bạ ôtô trong nước

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trong tháng 7 trình Chính phủ dự thảo Nghị định về giảm phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Thủ tướng giục Bộ Tài chính trình giảm phí trước bạ ôtô trong nước

Thủ tướng giục Bộ Tài chính trình giảm phí trước bạ ôtô trong nước

Tại công điện mới ban hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III.

Trong đó, Bộ Tài chính được yêu cầu thực hiện sớm các chính sách đã ban hành như gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất hay giảm 2% thuế VAT.

Bộ này cũng cần sớm hoàn thiện, trình Chính phủ chính sách giảm phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7. Thực tế, nhiệm vụ này từng được Thủ tướng giao Bộ hoàn thành từ tháng 5, nhưng ở phương án đưa ra khi đó cơ quan quản lý tài chính đề nghị Chính phủ cân nhắc không thực hiện chính sách. Lý do là thời gian qua Việt Nam nhận được nhiều yêu cầu giải thích khi chính sách có sự phân biệt áp dụng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu.

Tại hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định hôm 11/7, Bộ Tài chính vẫn hoàn thiện chính sách giảm 50% phí trước bạ với xe trong nước theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương rà soát, đưa ra phương án để ứng phó trong trường hợp Việt Nam có thể bị khởi kiện. Ước tính, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 5.200 tỷ đồng khi tiếp tục chính sách này.

Thực tế, giảm phí trước bạ không giúp giảm giá xe nhưng sẽ giảm các chi phí để xe lăn bánh. Việc giảm loại phí này cũng nhằm kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh thị trường xe trong nước nửa đầu năm kém nhiệt.

Hà Nội giải ngân đầu tư công gần 21.000 tỷ đồng

Theo thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, đến trung tuần tháng 7 năm nay, toàn Thành phố giải ngân đầu tư công được gần 21.000 tỷ đồng (đạt 25,8% kế hoạch). Con số này sẽ là áp lực đối với Hà Nội về mục tiêu giải ngân giải ngân đầu tư công trên 95% trong năm 2024.

Đến trung tuần tháng 7 năm nay, toàn thành phố Hà Nội giải ngân đầu tư công được gần 21.000 tỷ đồng

Đến trung tuần tháng 7 năm nay, toàn thành phố Hà Nội giải ngân đầu tư công được gần 21.000 tỷ đồng

Năm 2024, thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trên 81.000 tỷ đồng. Trong đó, việc tập trung tiến độ các công trình, dự án được xem là “đòn bẩy” để Hà Nội đảm bảo kế hoạch giải ngân đầu tư công, nhất là Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, các dự án, công trình trọng điểm, các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng văn hóa, xã hội, các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực (y tế, văn hóa, giáo dục) của Thành phố.

Để hoàn thành kế hoạch năm 2024, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đề cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các cá nhân, đơn vị được giao với tiến độ thực hiện giải ngân của từng dự án.

Bình Dương dự kiến thu 6.700 tỷ đồng khi đấu giá 8 khu đất

Bình Dương dự kiến đấu giá 8 khu đất công với diện tích 284 ha để thu về 6.700 tỷ đồng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2024.

Bình Dương dự kiến thu 6.700 tỷ đồng khi đấu giá 8 khu đất

Bình Dương dự kiến thu 6.700 tỷ đồng khi đấu giá 8 khu đất

Thông tin được ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cho biết ngày 22/7.

Theo ông Sự, các khu đất gồm: khu đất của Công ty Sobexco tại TP. Bến Cát, khu đất của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng tại TP. Bến Cát và huyện Dầu Tiếng; khu đất là trụ sở cũ của Thành ủy, UBND TP. Thủ Dầu Một; khu đất thu hồi của Công ty TNHH San Miguel Pure Foods (Việt Nam) tại huyện Bàu Bàng; khu đất thu hồi của Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Tấn Lợi tại TP. Thủ Dầu Một; 2 khu đất thu hồi của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đông Hòa và Công ty TNHH Khánh Hiệp tại TP. Tân Uyên...

Theo đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế, xã hội Tỉnh, từ nay đến 2030, Bình Dương sẽ có 117 khu đất với tổng diện tích 22.200 ha được xem xét để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trong 8 khu đất dự kiến đấu giá năm 2024, có khu đất xã An Thái, huyện Phú Giáo đã được đưa ra khỏi kế hoạch đấu giá, giao cho UBND huyện quản lý, sử dụng phù hợp nhu cầu địa phương.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng bắt đầu phục vụ du khách từ ngày 25/7

Sau 32 năm hoạt động cơ sở vật chất xuống cấp, TP.HCM khởi công xây dựng công trình “Xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng” với tổng diện tích sàn hơn 8.551 m2. Đến nay, công trình Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã hoàn thành các hạng mục và sẽ tổ chức phục vụ hoạt động thăm viếng, dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kể từ ngày 25/7.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng sẽ tổ chức phục vụ hoạt động thăm viếng, dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kể từ ngày 25/7

Bảo tàng Tôn Đức Thắng sẽ tổ chức phục vụ hoạt động thăm viếng, dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kể từ ngày 25/7

Bảo tàng Tôn Đức Thắng được thành lập nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/1988). Sau 32 năm hoạt động cơ sở vật chất xuống cấp, tháng 10/2020, TP.HCM khởi công xây dựng công trình “Xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng” gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nổi có chiều cao 20 m, diện tích xây dựng hơn 1.700 m2, tổng diện tích sàn hơn 8.551 m2.

Theo kế hoạch, Bảo tàng Tôn Đức Thắng sẽ tổ chức phục vụ hoạt động thăm viếng, dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kể từ ngày 25/7.

Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng Phạm Thành Nam cho biết, việc xây dựng mới Bảo tàng nhằm đáp ứng các yêu cầu đổi mới các hoạt động của bảo tàng, tạo không gian trưng bày mới, mở rộng diện tích kho bảo quản, chuyên đề trưng bày về chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng như chuyên đề lịch sử văn hóa khác liên quan…

Công trình mới xứng tầm với việc giáo dục truyền thống về những đóng góp to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và hòa bình cho thế giới, đồng thời, phù hợp định hướng phát triển, nâng cấp bảo tàng lên bảo tàng loại 1 về lịch sử, lưu niệm danh nhân tại TP.HCM.

Đây cũng là bảo tàng sử dụng công nghệ và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế khi vận hành, bảo trì, sử dụng tối đa công năng, thuận lợi nhất cho hoạt động bảo tàng và phục vụ công chúng.

Đà Nẵng dự kiến mua thêm robot chữa cháy

Thành phố dự kiến chi 70 tỷ đồng đầu tư thêm 17 phương tiện chữa cháy, cứu nạn cho các tòa nhà cao tầng, chung cư, trong đó có một robot.

Robot TAF35 tại Đà Nẵng tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia

Robot TAF35 tại Đà Nẵng tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa ký tờ trình gửi HĐND Thành phố xem xét, thông qua tại Kỳ họp ngày 29 - 30/7 về chủ trương đầu tư Dự án nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ nhà cao tầng trên địa bàn.

Dự án có tổng kinh phí 70 tỷ đồng với các hạng mục đầu tư gồm: 9 xe tiếp nước phòng cháy chữa cháy, 7 xe chở phương tiện (trang bị cho Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và 7 quận, huyện), 5 bộ thiết bị cứu nạn trong không gian hạn chế như ròng rọc cứu hộ, dây... và một robot chữa cháy.

Nếu được thông qua, Đà Nẵng sẽ có robot chữa cháy thứ hai. Trước đó đầu năm 2023, Bộ Công an đã cấp cho Công an TP. Đà Nẵng 1 robot chữa cháy do công ty của Đức chế tạo, có khả năng phun nước xa 80 m, tốc độ phun đạt 4.700 lít nước/phút và có thể điều khiển từ xa trong vòng bán kính 300 m.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, hiện nay địa bàn có hơn 200 công trình từ 10 tầng trở lên, tập trung vào các loại hình nhà ở căn hộ, văn phòng, khách sạn, chung cư. Trong đó, Trung tâm hành chính thành phố 34 tầng, cao 167 m; nhiều tổ hợp khách sạn cao từ 155 - 167 m.

UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị nâng cao năng lực về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ là rất cần thiết, nhất là tại các công trình cao tầng và trong khu vực nguy hiểm con người không thể tiếp cận.

Công an TP. Đà Nẵng sẽ là chủ đầu tư Dự án. Việc đầu tư dự kiến trong năm 2025 - 2026, khi được cân đối bố trí kế hoạch vốn.

Xử phạt hàng trăm tài xế dừng đỗ, chuyển làn sai trên cao tốc

Cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử phạt hơn 400 tài xế do chạy quá tốc độ, chuyển làn, dừng đỗ không đúng quy định trên 9 tuyến cao tốc trong 5 ngày qua.

CSGT tăng cường kiểm tra trên các tuyến cao tốc

CSGT tăng cường kiểm tra trên các tuyến cao tốc

Sáng 22/7, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trước nhiều vụ tai nạn liên quan đến việc dừng, đỗ không đúng quy định, chạy quá tốc độ, sai làn trên cao tốc, từ ngày 16/7 Cục đã tập trung ghi hình, xử lý phương tiện vi phạm trên tất cả 9 tuyến cao tốc.

Kết quả sau 5 ngày, Cục Cảnh sát giao thông đã phát hiện 706 xe vi phạm, lập biên bản 426 trường hợp, gửi thông báo 280 tài xế, phạt gần 2,5 tỷ đồng, tước hơn 330 giấy phép lái xe, tạm giữ 2 phương tiện.

Trong đó, vi phạm về chuyển làn không đúng quy định chiếm nhiều nhất với 240 trường hợp, lỗi tốc độ 206, lỗi dừng đỗ 124, chạy xe ở làn dừng khẩn cấp 28, đi không đúng phần đường 66 trường hợp.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông đánh giá, việc quyết liệt xử lý bước đầu ghi nhận hiệu quả, 5 ngày qua 9 tuyến cao tốc không ghi nhận tai nạn. Thời gian tới, Cục tiếp tục bố trí cán bộ ghi hình phương tiện vi phạm để xử lý, đồng thời tuyên truyền hỗ trợ tài xế dán phản quang.

Nửa đầu tháng 7, cả nước xảy ra ba vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Trung Lương - Mỹ Thuận làm 5 người chết, nhiều người bị thương. Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đánh giá, tai nạn chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, không tuân thủ nguyên tắc, thiếu kinh nghiệm khi tham gia giao thông trên cao tốc.

Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai mất thanh khoản

Mã QCG chỉ giao dịch gần 60.000 cổ phiếu trong phiên ngày 22/7, với dư bán sàn khi đóng cửa hơn 6 triệu đơn vị.

Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai mất thanh khoản

Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai mất thanh khoản

Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai giao dịch với khối lượng trung bình hơn 1 triệu cổ phiếu trong một năm gần đây. Nhưng sau khi CEO Nguyễn Thị Như Loan bị bắt hôm 19/7, mã này "trắng bảng bên mua", thanh khoản giảm mạnh.

Trong phiên ngày 22/7, cổ phiếu QCG của doanh nghiệp này khớp lệnh chưa tới 60.000 đơn vị. Đến cuối phiên, trên 6 triệu cổ phiếu được treo bán giá sàn trong tình trạng "trắng bảng bên mua". Mã này giảm gần 7%, xuống 8.440 đồng một cổ phiếu. Đây là phiên thứ hai mã QCG giảm sàn.

Ngày 22/7 cũng là phiên biến động mạnh của thị trường chứng khoán, với sắc đỏ chiếm áp đảo. VN-Index mở cửa gần tham chiếu, rơi hơn 10 điểm sau vài phút đầu giờ, xuống dưới 1.255 điểm. Chỉ số của sàn HoSE được kéo lại vào giữa phiên sáng, có lúc trở lại sắc xanh. Tuy nhiên, đà giảm trở lại ngay sau đó.

VN-Index rơi liên tục khi áp lực bán tăng vọt. Chỉ số của sàn HoSE mất gần 20 điểm, lùi về dưới ngưỡng 1.250 điểm vào cuối phiên giao dịch sáng. Thị trường nối dài sắc đỏ sang phiên chiều khi rơi thêm một nhịp ngay khi mở cửa, về vùng 1.245 điểm. Chỉ số giằng co ở vùng giá thấp trong 30 phút đầu phiên chiều trước khi dần hồi phục.

Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 10 điểm (0,8%) xuống 1.254,64 điểm. VN30-Index hạ hơn 3 điểm nhờ lực đỡ của nhóm ngân hàng. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index giảm quanh ngưỡng 1%.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 24.000 tỷ đồng, riêng sàn HoSE là trên 21.000 tỷ, tăng hơn 3.400 tỷ đồng so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài ngày 22/7 mua ròng khoảng 440 tỷ đồng. Cuối phiên, sàn HoSE có 96 cổ phiếu tăng giá, so với 350 mã giảm giá.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư