Bản tin thời sự sáng 23/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lần đầu tiên có quy định về tiền điện tử; 5 tháng đấu giá hơn 15.000 biển số ô tô, thu về gần 1.400 tỷ đồng; chuyển tải gần 2.700 hành khách của 12 đoàn tàu do sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh; Hà Nội, TP.HCM giảm mạnh thu ngân sách từ tiền sử dụng đất…

Lần đầu tiên có quy định về tiền điện tử

Khái niệm tiền điện tử lần đầu được định nghĩa theo Nghị định 52 có hiệu lực từ 1/7, là giá trị tiền đồng lưu trữ trên các ví điện tử và thẻ trả trước.

Nghị định 52 quy định ví điện tử, thẻ trả trước là phương tiện lưu trữ tiền điện tử

Nghị định 52 quy định ví điện tử, thẻ trả trước là phương tiện lưu trữ tiền điện tử

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52, quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế cho các Nghị định 101/2012 và Nghị định 80/2016.

Theo đó, lần đầu tiên khái niệm tiền điện tử được chính thức đề cập trong nghị định này, được xác định là "giá trị tiền đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng, trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng và trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử".

Hai phương tiện lưu trữ tiền điện tử, theo Nghị định 52, là ví điện tử và thẻ trả trước.

Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (đơn vị trung gian thanh toán) phải duy trì tổng số dư trên tất cả tài khoản bảo đảm thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại ngân hàng không thấp hơn tổng số dư tất cả ví điện tử đã phát hành cho khách hàng. Đồng thời, các tổ chức chỉ cho phép sử dụng dịch vụ đối với các ví điện tử có liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của chính khách hàng.

Khái niệm ví điện tử và thẻ trả trước không được định nghĩa cụ thể trong Nghị định này. Còn theo các nghị định về thanh toán không tiền mặt trước đây, ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính... Còn thẻ trả trước là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào tương ứng với số tiền đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, Việt Nam có hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử tham gia thị trường thanh toán cùng với các ngân hàng. Tính đến cuối năm ngoái, theo báo cáo của FiinGroup, có khoảng 36 triệu ví điện tử đang hoạt động.

Ngoài quy định về tiền điện tử neo theo đồng tiền pháp định, Việt Nam hiện chưa xây dựng khung pháp lý nhưng cũng không cấm tiền số, tài sản ảo.

5 tháng đấu giá hơn 15.000 biển số ô tô, thu về gần 1.400 tỷ đồng

Trong 5 tháng, 15.185 biển số ô tô được đấu giá trực tuyến thành công với tổng số tiền thu được hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, đã có 14.062 biển số xe trúng đấu giá được khách hàng nộp gần 1.400 tỷ đồng.

Một phiên đấu giá trực tuyến biển số ô tô

Một phiên đấu giá trực tuyến biển số ô tô

Chiều 22/5, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh trình Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.

Liên quan quy định về đấu giá biển số ô tô, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, đa số ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện việc này để bổ sung vào dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh có văn bản đề nghị Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số ô tô (tính đến hết tháng 2/2024), làm rõ tính khả thi, tính hiệu quả và đánh giá tác động việc bổ sung vào trong dự thảo Luật.

Tại Phiên họp thứ 31 hồi tháng 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng việc luật hóa nội dung đấu giá biển số xe. Trường hợp luật hóa, cần có báo cáo kết quả thực hiện và đánh giá tác động đối với nội dung này.

Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Trong 5 tháng đầu đã tổ chức đấu giá trực tuyến thành công 15.185 biển số xe ô tô, với tổng số tiền đấu giá thành công hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó đã có 14.062 biển số xe ô tô trúng đấu giá, được khách hàng thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền gần 1.400 tỷ đồng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc luật hóa quy định đấu giá biển số xe là rất cần thiết, kết hợp với việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công.

Việc mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng rất cần thiết.

Chuyển tải gần 2.700 hành khách của 12 đoàn tàu do sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh

Ngày 22/5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bỏ kế hoạch chạy tàu SE9 xuất phát tại ga Hà Nội; bỏ kế hoạch chạy tàu SE10 xuất phát tại ga Sài Gòn cùng ngày, để khắc phục sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh.

Vận chuyển vật liệu vào hầm gia cố đoạn sạt lở

Vận chuyển vật liệu vào hầm gia cố đoạn sạt lở

Sau sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh làm gián đoạn chạy tàu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện phương án chuyển tải hành khách của 12 đoàn tàu xuất phát từ ga Sài Gòn và Hà Nội. Gần 2.700 hành khách đã được chuyển tải bằng ô tô giữa 2 ga La Hai và Tuy Hòa để tiếp tục đi tàu.

Ngày 22/5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bỏ kế hoạch chạy tàu SE9 xuất phát tại ga Hà Nội; bỏ kế hoạch chạy tàu SE10 xuất phát tại ga Sài Gòn cùng ngày.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thông báo cho hành khách biết việc gián đoạn chạy tàu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM do sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh và điều chỉnh phương án bán vé phù hợp; tổ chức đổi hoặc trả vé khi hành khách có yêu cầu.

Trước đó, tối 21/5, các đơn vị đường sắt đã thực hiện chuyển tải những hành khách đầu tiên. Trong thời gian chờ đợi chuyển tải, ngành đường sắt sẽ phục vụ miễn phí nước uống và suất ăn cho hành khách.

Trong quá trình thi công gia cố hầm Chí Thạnh (Km 1.168+700 tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM) đã xảy ra sự cố sạt lở trong hầm, cách cửa hầm phía Bắc khoảng 160 m.

Sự cố khiến đất, đá lấp kín bề ngang hầm, buộc phải phong tỏa đoạn đường sắt giữa hai ga La Hai (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) và ga Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện tình hình sạt lở vẫn hầm Chí Thạnh đang diễn biến phức tạp, chưa xác định được mức độ hậu quả của sự cố và vẫn phải phong tỏa đường sắt giữa hai ga La Hai - Chí Thạnh để khắc phục, cứu chữa. Trước khi xảy ra sự cố, những ngày gần đây, trong phạm vi đường sắt giữa hai ga La Hai - Chí Thạnh thường xuyên có mưa.

Hà Nội, TP.HCM giảm mạnh thu ngân sách từ tiền sử dụng đất

Hà Nội, TP.HCM thu tiền sử dụng đất giảm hàng nghìn tỷ đồng, không đạt dự toán năm 2023, theo Bộ Tài chính.

Bất động sản khu Đông TP.HCM

Bất động sản khu Đông TP.HCM

Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách năm 2023 gửi Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, số thu tiền sử dụng đất đạt 153.500 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 2,3% so với dự toán và báo cáo Quốc hội. Lý do là nhiều địa phương đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hoàn tất thủ tục đấu giá đất, thu hồi nợ đọng của các dự án. Trong đó, 3 địa phương tăng thu tiền sử dụng đất hơn nghìn tỷ đồng là Nghệ An (tăng gần 3.300 tỷ đồng), Thái Nguyên (hơn 1.400 tỷ đồng) và Hà Nam (gần 1.100 tỷ đồng). Nhiều địa phương cũng tăng thu ngân sách so với báo cáo Quốc hội là Huế, Quảng Nam, Kiên Giang, Tây Ninh...

Tuy nhiên, theo báo cáo, 2 đô thị lớn nhất là TP.HCM và Hà Nội đều không đạt dự toán, giảm thu tiền sử dụng đất lần lượt 6.900 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng. Nhiều địa phương khác cũng giảm số thu tiền sử dụng đất so với năm 2022 như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Phước...

Nguyên nhân được Bộ nêu là thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Việc duyệt dự án đấu thầu, đấu giá, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc. Nhiều địa phương còn đùn đẩy trách nhiệm, công tác chuẩn bị đầu tư chưa chủ động.

Về cho thuê đất, báo cáo nêu tổng thu ngân sách tăng khoảng 20.000 tỷ đồng, do các địa phương đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho thuê. Một số dự án tăng đột biến số thu cho thuê đất như Khu công nghiệp VSIP III Bình Dương (tăng 5.500 tỷ đồng), Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước (2.300 tỷ đồng), Dự án trung tâm thương mại Aeon Hạ Long - Quảng Ninh (770 tỷ đồng).

Trong 4 tháng đầu năm nay, báo cáo cho biết, các khoản thu ngân sách về nhà, đất mới đạt gần 26%, khá thấp so với dự toán. Tuy nhiên mức này vẫn tăng trưởng 74% so với cùng kỳ do một số địa phương tổ chức tốt công tác đấu giá đất.

91 trung tâm đăng kiểm nguy cơ đóng cửa

91 trung tâm đăng kiểm có thể phải đóng cửa trong 3 tháng nếu các vụ án sai phạm đăng kiểm được đồng loạt xét xử vào tháng 6 - 7, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam.

91 trung tâm đăng kiểm có thể phải đóng cửa trong 3 tháng

91 trung tâm đăng kiểm có thể phải đóng cửa trong 3 tháng

Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã hoàn tất cáo trạng chuyển cùng hồ sơ sang Tòa án nhân dân (TAND) cùng cấp để đưa ra xét xử 254 bị can thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng. Các bị can bị truy tố về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Dự kiến, các vụ án này sẽ được TAND TP.HCM đưa ra xét xử trong tháng 6.

Nhiều địa phương khác cũng đã chuyển hồ sơ vụ án đăng kiểm sang TAND để chuẩn bị xét xử trong 2 tháng tới.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có hơn 900 đăng kiểm viên làm việc tại 112 trung tâm đã bị khởi tố, trong đó 291 người đang hỗ trợ kiểm định và đợi tòa án xét xử. Trường hợp các đăng kiểm viên bị đưa ra xét xử đồng loạt vào tháng 6 - 7 sẽ gây thiếu hụt đăng kiểm viên, nhiều đơn vị phải đóng cửa.

Điều này dẫn đến nguy cơ ùn tắc tại 36 địa phương. Đó là Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Kon Tum, Lâm Đồng, Nam Định, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, TP.HCM, Trà Vinh và Tuyên Quang.

Trong đó, ùn tắc nghiêm trọng nhất có thể xảy ra tại Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai. Đặc biệt, có những địa phương không còn đơn vị đăng kiểm hoạt động như Bắc Kạn và Thái Bình.

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, 91 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động 3 tháng do Nghị định 30/2023 quy định đăng kiểm viên bị kết tội liên quan đến kiểm định xe cơ giới sẽ bị thu hồi chứng chỉ. Ngoài ra, trung tâm có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ sẽ bị tạm dừng hoạt động 3 tháng.

Để giảm nguy cơ ùn tắc kiểm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị các địa phương giãn cách việc xét xử đăng kiểm viên. Nếu đăng kiểm viên bị xét xử và kết án không cùng một thời điểm thì có thể duy trì hoạt động của một số đơn vị, tình hình ùn tắc sẽ đỡ nghiêm trọng hơn.

Hiện nay, cả nước có 274 trong số 294 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hoạt động, công suất tối thiểu một tháng là 642.240 phương tiện.

Chủ tịch huyện Trảng Bom bị kỷ luật vì liên quan 448 biệt thự xây trái phép

Bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), bị kỷ luật cảnh cáo vì sai phạm trong vụ 448 căn biệt thự xây trái phép.

Bà Vũ Thị Minh Châu bị kỷ luật vì liên quan 448 biệt thự xây trái phép

Bà Vũ Thị Minh Châu bị kỷ luật vì liên quan 448 biệt thự xây trái phép

Quyết định cảnh cáo bà Châu được quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức ký ngày 22/5. Động thái được thực hiện sau khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã cảnh cáo về mặt Đảng đối với bà Châu do liên quan sai phạm vụ án 488 căn biệt thự xây trái phép tại Khu dân cư Tân Thịnh. Dự này này do Công ty CP Đầu tư LDG làm Chủ đầu tư.

Bà Vũ Thị Minh Châu, được bầu làm Chủ tịch huyện Trảng Bom từ tháng 10/2015. Sau khi bị xác định liên quan sai phạm tại vụ án 488 căn biệt thự xây trái phép, bà Châu đã có đơn xin thôi việc.

Chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng phê bình nguyên Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Nguyễn Thị Thành; đồng thời, đề nghị UBND huyện Trảng Bom có văn bản phê bình ông Nguyễn Cảnh Tiến, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Cả hai có khuyết điểm, vi phạm theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

UBND huyện Trảng Bom được yêu cầu nâng cao trách nhiệm công vụ, chấp hành quy định trong công tác tham mưu, đề xuất theo từng ngành, lĩnh vực trên địa bàn, tránh phát sinh sai phạm tương tự.

Trước đó, Thanh tra tỉnh Đồng Nai xác định bà Châu đã thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm về đất đai như: kiểm kê, áp giá bồi thường, không đúng chủ sử dụng đất.

Liên quan sai phạm 488 căn biệt thự xây trái phép, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bắt tạm giam nhiều cán bộ cấp dưới của bà Châu để điều tra.

Lâm Đồng không cho Thành Bưởi mở bến xe ở Đà Lạt

Chính quyền tỉnh Lâm Đồng không đồng ý cho Thành Bưởi khai thác bến xe tạm ở TP. Đà Lạt do hết thời hạn và thủ tục xây dựng không đúng.

Bến xe tạm của Công ty TNHH Thành Bưởi ở số 54 Hùng Vương đã xây dựng xong

Bến xe tạm của Công ty TNHH Thành Bưởi ở số 54 Hùng Vương đã xây dựng xong

Thông tin được ông Nguyễn Văn Gia, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng cho biết ngày 22/5, sau khi làm việc với Công ty TNHH Thành Bưởi về việc đưa vào sử dụng bến xe tạm tại số 54 Hùng Vương, phường 9. TP. Đà Lạt.

Trước đó, năm 2006, Thành Bưởi được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thành lập bến xe tại số 5 Lữ Gia, Đà Lạt để vận chuyển hành khách và ký gửi hàng hóa đi TP.HCM và Cần Thơ. Do nơi này thường xuyên xảy ra ùn tắc, năm 2020, Tỉnh cho doanh nghiệp này làm bến tạm tại số 54 Hùng Vương để di dời. Thời hạn sử dụng bến tạm là 3 năm. Tuy nhiên, do Covid-19, việc xây dựng bị chậm tiến độ nên thời gian được gia hạn.

Sau khi xây dựng xong hạ tầng, tháng 6/2023, Thành Bưởi đề nghị Tỉnh bổ sung quy hoạch điểm đấu nối bến xe tạm vào Quốc lộ 20 để đưa bến vào sử dụng. Lúc này bến ở số 5 Lữ Gia đã đóng cửa. Cuối tháng 4, UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản không đồng ý với lý do "không có quy định của pháp luật về việc tổ chức và hoạt động của bến xe tạm".

Ngoài ra, theo cơ quan chức năng Lâm Đồng, thủ tục xây dựng doanh nghiệp đã làm không đúng. Cụ thể, Công ty TNHH Thành Bưởi được đồng ý cho xây công trình bến xe tạm, nhưng xin giấy phép làm nhà ở tư nhân và sử dụng làm bến xe.

Chính quyền tỉnh Lâm Đồng cho biết đã quy hoạch 3 bến xe ở ngoại ô TP. Đà Lạt là Cam Ly, Phương Trang và Đarahoa. Bên cạnh đó, tại địa phương đang có hàng chục doanh nghiệp chuyển hành khách, nếu đơn vị nào cũng muốn mở bến xe riêng sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý.

"Trước mắt, doanh nghiệp muốn hoạt động thì phải tham gia các bến hiện có trên địa bàn. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư xây bến xe Đarahoa (huyện Lạc Dương), họ có thể tham gia đầu tư, tổ chức hoạt động", lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng nói.

Công bố sai phạm khiến Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng bị bắt

Công an tỉnh Phú Thọ vừa công bố lý do khiến ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ông Lê Trường Giang tại cơ quan công an

Ông Lê Trường Giang tại cơ quan công an

Ngày 22/5, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP. Việt Trì ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Lê Trường Giang là Giám đốc, Bí thư Đảng ủy khu di tích lịch sử Đền Hùng. Bước đầu, cơ quan điều tra cáo buộc ông đã lợi dụng vị trí công tác, nhiệm vụ được giao để làm trái quy định về cơ chế quản lý tài chính của đơn vị. Cơ chế này do UBND tỉnh Phú Thọ quy định.

Ông Giang bị cho là đã để Công ty Venus Phú Thọ do ông Bùi Quốc Huy (Trưởng phòng Tổ chức hành chính khu di tích lịch sử Đền Hùng) điều hành, được hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng ôtô điện tại khu di tích.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước.

Chuyên đề