Bản tin thời sự sáng 23/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 1,9 triệu người hưởng lương hưu 3 - 7 triệu đồng mỗi tháng; Quảng Ninh mua điện từ Trung Quốc; mở rộng đường huyết mạch cửa ngõ TP.HCM; hệ sinh thái Vietracimex thế chấp cổ phần, loạt dự án năng lượng ở ngân hàng; xử phạt Công ty Thủy điện Trung Nam - Krông Nô vận hành 2 nhà máy thủy điện 'chui'…

1,9 triệu người hưởng lương hưu 3 - 7 triệu đồng mỗi tháng

Khoảng 1,9 triệu người, chiếm gần 70% người hưởng lương hưu từ Quỹ Bảo hiểm xã hội có mức lương 3 - 7 triệu đồng mỗi tháng, gấp 1,5 - 3,5 chuẩn nghèo thành thị.

1,9 triệu người hưởng lương hưu 3 - 7 triệu đồng mỗi tháng

1,9 triệu người hưởng lương hưu 3 - 7 triệu đồng mỗi tháng

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ngày 22/5 cho biết, cả nước có hơn 2,7 triệu người đang hưởng lương hưu từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Mức lương 3 - 7 triệu đồng nếu so sánh với lương tối thiểu vùng năm 2023 dành cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp ở đô thị (vùng 1) chiếm 64 - 149%.

Giai đoạn 2016 - 2022, trung bình mỗi năm có thêm 109.000 người nhận lương hưu. Ngoài tiền hưu trí, lao động sau tuổi nghỉ hưu có thêm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí với mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh.

Hiện người hưởng lương hưu cao nhất cả nước là 120 triệu đồng. Do nhiều năm làm quản lý ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người này có thu nhập lẫn tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội cao. Để rút khoảng cách lương hưu giữa người đóng cao với đóng thấp, luật hiện hành quy định tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở, tức 29,8 triệu đồng và lên 36 triệu từ 1/7 khi lương cơ sở tăng.

Ngược lại, thống kê đến tháng 6/2022, cả nước có hơn 67.300 người hưởng lương hưu dưới mức chuẩn nghèo (chuẩn nghèo thành thị là 2 triệu đồng).

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tiền lương hưu không cố định tại thời điểm người lao động nghỉ hưu mà định kỳ tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tình hình kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất điều chỉnh tăng 12,5 - 20,8% với từng nhóm từ ngày 1/7. Nếu được thông qua, khoảng 3,4 triệu người được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trong đó 1,062 triệu người do ngân sách chi trả và 2,361 triệu người từ Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Quảng Ninh mua điện từ Trung Quốc

Trong các tháng 5 - 7, toàn bộ TP. Móng Cái và huyện Hải Hà (Quảng Ninh) sẽ sử dụng điện do Công ty Lưới điện Quảng Tây (Trung Quốc) cung cấp.

Thành phố Móng Cái cắt điện để đấu nối đường dây 110kV Móng Cái - Đông Hưng

Thành phố Móng Cái cắt điện để đấu nối đường dây 110kV Móng Cái - Đông Hưng

UBND TP. Móng Cái cho biết, ngày 22/5 tại TP. Đông Hưng (Quảng Tây), đoàn công tác của Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã có buổi làm việc với Công ty Lưới điện Quảng Tây để đàm phán mua điện.

Công ty Lưới điện Quảng Tây nhất trí với phương án bán điện qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái do phía Việt Nam đề xuất; chuẩn bị ngay hạ tầng cơ sở, kỹ thuật vận hành để đảm bảo cung cấp điện cho trạm 110kV Móng Cái (TP. Móng Cái) và 110kV Quảng Hà (huyện Hải Hà).

Dự kiến ngày 23/5, hai bên ký kết hợp đồng mua bán điện và vào 0h ngày 24/5 sẽ đóng điện từ phía Thâm Câu (Trung Quốc) sang Việt Nam. Hiện sản lượng cũng như giá mua bán điện chưa được công bố.

Để chuẩn bị cho việc này, từ 3h đến 6h ngày 22/5, Điện lực TP. Móng Cái đã cắt điện để đấu nối đường dây 110Kv Móng Cái - Đông Hưng.

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), miền Bắc có nguy cơ thiếu 1.600 - 4.900 MW điện trong các tháng 5 và 6. Thủ tướng Chính phủ đã đốc thúc Bộ Công Thương, EVN huy động mọi nguồn để đủ điện cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Mở rộng đường huyết mạch cửa ngõ TP.HCM

Đường Tân Kỳ Tân Quý (TP.HCM), đoạn dài gần 2 km trên địa bàn quận Bình Tân được mở rộng 8 - 10 m lên 30 m, giúp giảm kẹt xe, khơi thông cửa ngõ Tây Bắc Thành phố.

Dãy nhà mặt tiền đường Tân Kỳ Tân Quý, đoạn gần kênh Nước Đen, quận Bình Tân lùi sâu giao mặt bằng cho dự án

Dãy nhà mặt tiền đường Tân Kỳ Tân Quý, đoạn gần kênh Nước Đen, quận Bình Tân lùi sâu giao mặt bằng cho dự án

Khởi công hồi tháng 3, Dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn qua Bình Tân dài gần 2 km, từ đường Bình Long đến Mã Lò. Đây cũng là đoạn đi qua nghĩa trang Bình Hưng Hoà - nghĩa trang lớn nhất TP.HCM, rộng khoảng 53 ha, đang được chính quyền địa phương đề xuất dành toàn bộ diện tích để xây trường học, công viên sau khi di dời. Đoạn đường sẽ được mở lên 30 m, đồng thời xây hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, tổng kinh phí hơn 237 tỷ đồng.

Để triển khai công trình, 380 hộ dân, tổ chức thuộc 2 phường Bình Hưng Hoà và Bình Hưng Hoà A bị giải toả một phần, được tách thành dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng riêng do địa phương thực hiện với tổng kinh phí khoảng 995 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP - chủ đầu tư), Dự án đang được thi công song song với công tác đền bù, giải toả. Dự kiến trong năm nay, quận Bình Tân sẽ hoàn tất bồi thường và bàn giao toàn bộ mặt bằng để Chủ đầu tư thi công hoàn thành Dự án vào quý IV năm sau.

"Hiện, quá trình thi công gặp một số khó khăn như mặt bằng nhỏ hẹp, chưa liên thông, một số đoạn vướng hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời cũng ảnh hưởng tiến độ Dự án", đại diện TCIP nói và cho biết đang tập trung phối hợp các bên liên quan giải quyết vướng mắc và tổ chức giao thông phù hợp, bởi đường vừa thi công vừa phải cho xe chạy.

Hệ sinh thái Vietracimex thế chấp cổ phần, loạt dự án năng lượng ở ngân hàng

Ngoài huy động vốn từ kênh trái phiếu để tập trung cho các dự án năng lượng, các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái Vietracimex cũng thế chấp dự án của mình tại các ngân hàng.

Dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (Hinode Royal Park) tại huyện Hoài Đức

Dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (Hinode Royal Park) tại huyện Hoài Đức

Từ năm 2018 - 2022, Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) đã phát hành 14 lô trái phiếu. Trong đó, 1 lô trái phiếu đã được Vietracimex mua lại trước hạn, còn lại 13 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng dư nợ khoảng 2.343 tỷ đồng.

Cụ thể, dữ liệu từ HNX cho thấy, mục đích phát hành cho các đợt trái phiếu Vietracimex phần lớn dùng để hợp tác đầu tư (BCC) với Công ty CP Năng lượng Cà Mau 1B để thực hiện Dự án Điện gió Cà Mau 1B; tài trợ phương án đầu tư (BCC) với Công ty CP Năng lượng Cà Mau 1A để thực hiện Dự án Điện gió Cà Mau 1A.

Ngoài huy động vốn từ kênh trái phiếu để tập trung cho các dự án năng lượng, các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái Vietracimex còn thế chấp dự án của mình tại các ngân hàng.

Đơn cử, tháng 9/2021, Công ty CP Năng lượng Cà Mau 1B đã thế chấp toàn bộ các khoản lợi thu được từ Dự án Điện gió Cà Mau 1B do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư tại Ngân hàng MB Bank.

Trước đó, tháng 6/2021, Công ty CP Năng lượng Cà Mau 1A cũng sử dụng toàn bộ toàn bộ các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất phát sinh từ Dự án Điện gió Cà Mau 1A làm tài sản bảo đảm cho khoản tín dụng của mình tại Ngân hàng MB Bank.

Tương tự, vào tháng 5/2020, Công ty CP Năng lượng Hồng Phong 2 - đơn vị phát triển Dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B tại địa chỉ xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cũng đã thế chấp các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất gắn liền với Dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B cũng ở Ngân hàng MB Bank.

Trong năm 2020, một phần tài sản liên quan đến Dự án Kim Chung - Di Trạch được dùng làm tài sản đảm bảo các lô trái phiếu do Công ty CP Năng lượng Hồng Phong 2 (thuộc hệ sinh thái Vietracimex) phát hành.

Sở GTVT TP.HCM đề xuất cấm hẳn xe khách giường nằm vào nội đô

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đề xuất cấm hẳn xe khách giường nằm vào nội đô, thay vì chỉ cấm từ 6h đến 22h như hiện nay.

Xe khách giường nằm đón khách trên Quốc lộ 1, trước Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức)

Xe khách giường nằm đón khách trên Quốc lộ 1, trước Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức)

Đề xuất trên đang được Sở GTVT TP.HCM lấy ý kiến UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện và đơn vị liên quan.

Phương án cấm xe khách giường nằm vào nội đô từ 6h đến 22h đã được TP.HCM triển khai từ ngày 10/1/2023, nhằm giảm ùn tắc, tai nạn, hạn chế tình trạng "bến cóc, xe dù". Hành lang cấm xe giường nằm vào nội đô theo vành đai các tuyến: Quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 1.

Sau hơn 4 tháng thực hiện, Sở GTVT đánh giá tình hình giao thông trên các tuyến đường vành đai và khu vực nội đô ổn định hơn. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng xe khách giường nằm thường xuyên dừng, đỗ trên các tuyến đường hành lang và vành đai để đón và trả khách. Các đơn vị liên quan đã xử lý 51 trường hợp vi phạm của xe khách có giường nằm.

Ngoài ra, thời gian qua cũng phát sinh các bãi xe trái phép (bến cóc) tại các tuyến đường hành lang và vành đai.

Bên cạnh đó, theo Sở GTVT, tình trạng các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải thành lập các điểm tập kết (bến cóc) và sử dụng xe trung chuyển để vận chuyển hành khách về các điểm tập kết này gây ảnh hưởng đến tình hình giao thông chung và hoạt động của các bến xe trên địa bàn Thành phố.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở GTVT đề nghị các đơn vị quản lý bến xe khách tăng cường biện pháp quản lý và phối hợp chặt chẽ với lực lượng có chức năng để xử lý tình trạng xe khách giường nằm lưu thông và đón trả khách không đúng quy định.

Đáng chú ý, Sở GTVT đề xuất cấm hẳn xe khách giường nằm vào nội đô thay vì chỉ cấm từ 6h - 22h như hiện nay, vành đai cấm xe vẫn như cũ.

Bình Dương đã có đơn giá bồi thường Dự án Vành đai 3

Ngày 22/5, UBND tỉnh Bình Dương có cuộc họp khẩn với các sở, ngành để thông qua đơn giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Vành đai 3 đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương.

Bản đồ đường Vành đai 3

Bản đồ đường Vành đai 3

Theo đó, đơn giá bồi thường Dự án Vành đai 3 qua địa phận tỉnh Bình Dương được tính theo đơn giá đất ở từng địa phương.

Cụ thể, tại TP. Thủ Dầu Một, đơn giá bồi thường cao nhất là đất thổ cư với giá hơn 42 triệu đồng/m2 nằm trên Quốc lộ 13; đất nông nghiệp, thương mại dịch vụ có giá bồi thường cao nhất 27 triệu đồng/m2, thấp nhất 3 triệu đồng/m2.

Tại TP. Thuận An, đơn giá cao nhất 41,7 triệu đồng/m2 đối với đất thổ cư trên đường Cách Mạng Tháng Tám; còn đất nông nghiệp, thương mại dịch vụ có giá bồi thường khác nhau tùy vị trí.

Tại TP. Dĩ An, đơn giá cao nhất hơn 41,9 triệu đồng/m2 là đất thổ cư trên đường Xa lộ Hà Nội, xếp sau là 35 triệu đồng/m2 đất thổ cư trên đường ĐT.743.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương dài hơn 26 km. Trong đó, Bình Dương đã chủ động làm và đưa vào sử dụng 15,3 km, còn gần 11 km đi qua 3 địa phương là TP. Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An chưa đầu tư.

Qua kiểm đến, Bình Dương có hơn 1.500 trường hợp bị ảnh hưởng bởi Dự án Vành đai 3, với diện tích đất thu hồi 85,8 ha, trong đó gần 1.000 trường được bồi thường với số tiền khoảng 13.528 tỷ đồng, số còn lại được hỗ trợ tái định cư.

Trước đó, theo kế hoạch của UBND tỉnh Bình Dương, thời gian dự kiến UBND Tỉnh phê duyệt đơn giá bồi thường đất trước ngày 15/3/2023. Tuy nhiên, đến nay Tỉnh mới phê duyệt đơn giá bồi thường.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, việc chậm phê duyệt, thông qua giá bồi thường cũng đã làm ảnh hưởng đến thời gian trình thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, chi trả tiền bồi thường và bàn giao 70% mặt bằng toàn tuyến trước ngày 30/6/2023 theo kế hoạch đã đề ra.

Xử phạt Công ty Thủy điện Trung Nam - Krông Nô vận hành 2 nhà máy thủy điện 'chui'

UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt theo quy định đối với Công ty CP Thủy điện Trung Nam - Krông Nô. Lý do, công ty này vận hành khai thác 2 nhà máy thủy điện gần 7 năm qua nhưng chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu.

Một công trình thủy điện của Trung Nam tại Lâm Đồng

Một công trình thủy điện của Trung Nam tại Lâm Đồng

Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị Công ty CP Thủy điện Trung Nam - Krông Nô cung cấp kết quả hoạt động kinh doanh từ năm 2016 đến nay để làm cơ sở xử lý vi phạm của doanh nghiệp tại các công trình thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3.

Nhà máy Thủy điện Krông Nô 2 (xã Đưng K'Nớ, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng và xã Krông Nô, huyện Lắk, Đắk Lắk) chính thức vận hành khai thác vào tháng 12/2016 với tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, sản lượng điện trên105 triệu kWh/năm.

Nhà máy Thủy điện Krông Nô 3 (xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) và xã Krông Nô, huyện Lắk), chính thức vận hành khai thác vào tháng 5/2016 với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, sản lượng điện hơn 63 triệu kWh/năm.

Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, đoàn thanh tra của Sở Công Thương đã kiểm tra phát hiện 2 công trình thủy điện nói trên chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình nhưng đã đưa vào vận hành phát điện.

Chuyên đề