22h là giờ giới nghiêm ở Hải Phòng
Đối phó với dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, TP. Hải Phòng khuyến cáo, người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết, sau 22h đêm không ra khỏi nhà...
Khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết |
Sau khi phát hiện một ca nhiễm SARS-CoV-2 là điều dưỡng làm việc tại Bệnh viện GTVT Hải Phòng, sáng ngày 22/2, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đề nghị cho tái thành lập lại các tổ kiểm soát phòng, chống dịch bệnh tại các thôn, tổ dân phố; đẩy nhanh truy vết và xét nghiệm đối với các trường hợp liên quan đến ca bệnh; cho tạm dừng các hoạt động, dịch vụ không thiết yếu.
Đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết, sau 22h đêm không ra khỏi nhà. Yêu cầu tất cả người dân phải khai báo tạm trú, tạm vắng; có phương án đầu mối để cung cấp lương thực, thực phẩm cho những khu vực khi bị phong tỏa, xử phạt nghiêm đối với những trường hợp khai báo không trung thực…
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng chỉ đạo thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đối với các vùng liên quan đến ca dương tính. Phong tỏa khu vực thuộc thôn Lôi Động, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên.
Chiều 22/2, chứng khoán lại nghẽn
Giao dịch của thị trường bị gián đoạn khi lực bán bắt đầu tăng khiến đà giảm được tiết chế phần nào, VN-Index chốt phiên vẫn vượt nhẹ tham chiếu.
VN-Index chốt phiên trên tham chiếu khi giao dịch gián đoạn trong nửa cuối phiên chiều 22/2 |
Thị trường khởi đầu tuần cuối cùng của tháng 2 với trạng thái giằng co. Nhịp tăng mạnh trong tuần đầu sau nghỉ Tết, cùng thông tin về tình trạng căng margin xuất hiện trên nhiều diễn đàn khiến tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng.
Sau phiên ATO tương đối bình yên, VN-Index vượt nhẹ trên tham chiếu với biên độ hơn 5 điểm khi lực mua chiếm ưu thế. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu. Sau khi đạt đỉnh hơn 1.180 điểm cuối giờ sáng, VN-Index chững lại và đi ngang đến khi nghỉ trưa.
Sang phiên chiều, xu hướng giảm là chủ đạo. VN-Index lùi nhanh về dưới tham chiếu khi lực bán bất ngờ dâng cao. Tuy nhiên, khi sắc đỏ đang chiếm ưu thế, giao dịch bị gián đoạn. Thị trường bị nghẽn cho tới khi khép phiên khiến đà giảm được tiết chế. Chốt phiên, VN-Index trở lại sắc xanh sau ATC, tăng 0,13%. VN30-Index gần như không đổi, dừng ở ngưỡng 1.180 điểm.
Sắc đỏ chiếm ưu thế vào cuối phiên dù chỉ số gần như đi ngang. Sàn HoSE ghi nhận 231 mã giảm, 72 mã đứng tham chiếu và 199 mã tăng.
Thanh khoản hai sàn niêm yết đạt hơn 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng HoSE giao dịch gần 15.300 tỷ đồng. Sau tuần mua ròng trước đó, khối ngoại phiên hôm nay bán ròng hơn 600 tỷ đồng trên HoSE.
Tiếp tục đóng cửa sân bay Vân Đồn đến ngày 3/3
Sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, tiếp tục dừng hoạt động đến ngày 3/3 để phòng chống Covid-19, theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải.
Sân bay Vân Đồn được phun khử trùng thường xuyên |
Bộ Giao thông vận tải đã đóng cửa sân bay Vân Đồn từ 28/1 đến 13/2, sau khi nhân viên an ninh được phát hiện mắc Covid-19. Hết thời hạn này, tỉnh Quảng Ninh lại phong tỏa tạm thời thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn từ 12h ngày 30/1 đến 12h ngày 21/2 nên sân bay Vân Đồn tiếp tục phải đóng cửa.
Ngày 19/2, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đóng cửa sân bay Vân Đồn từ ngày 21/2 đến 6h ngày 3/3 để các nhân viên hoàn thành tự cách ly tại nơi cư trú. Vì thế, sân bay Vân Đồn phải tiếp tục đóng cửa đến ngày 3/3.
Ngày 28/1, Việt Nam ghi nhận hai ca nhiễm là nhân viên an ninh sân bay Vân Đồn và nữ công nhân Công ty Poyun (TP. Chí Linh, Hải Dương). Sân bay bị phong tỏa, các nhân viên phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Đến nay, nhân viên an ninh đã có kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần. Toàn bộ 132 nhân viên sân bay đang thực hiện cách ly đều đã có kết quả âm tính sau hai lần xét nghiệm. Bộ Y tế đánh giá ổ dịch tại Vân Đồn cơ bản đã được kiểm soát.
Dự kiến, toàn thể nhân viên sân bay Vân Đồn và các đơn vị làm việc tại đây sẽ được xét nghiệm tiếp lần ba trước khi hết thời gian cách ly, mở cửa trở lại.
Bộ Công Thương gỡ khó lưu thông hàng hóa cho Hải Dương
Trước tình trạng ách tắc lưu thông hàng hóa tại Hải Dương, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản.
Hàng chục ha cà chua, bắp cải... ở Chí Linh (Hải Dương) đến kỳ thu hoạch nhưng không thể xuất bán đi các tỉnh |
Qua ý kiến đề xuất của tỉnh Hải Dương, các địa phương và doanh nghiệp, mới đây Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành cùng phối hợp xử lý.
Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương và hệ thống phân phối thực hiện việc đảm bảo lưu thông hàng hoá và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Đồng thời, Bộ đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.
Đặc biệt, ngay sau khi Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội từ 0h ngày 16/2, Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (chuỗi siêu thị BRG Mart)… để thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh đang vào mùa thu hoạch từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của Tỉnh.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Công Thương, trong quá trình thực hiện, đã có một số vướng mắc khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản của một số địa phương vùng đang có dịch (đặc biệt là tỉnh Hải Dương) và các tỉnh giáp ranh.
Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay.
Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội bị đình chỉ công tác
Đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội bị đình chỉ công tác để cơ quan điều tra xác minh, làm rõ dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp.
Đại tá Phùng Anh Lê bị đình chỉ chức vụ để nhà chức trách điều tra một số dấu hiệu liên quan đến hoạt động xâm phạm hoạt động tư pháp của ông này khi còn là Trưởng Công an quận Tây Hồ |
Ngày 22/2, cơ quan chức năng TP. Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với Đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội.
Đại tá Phùng Anh Lê bị đình chỉ công tác để cơ quan chức năng làm rõ một số dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp khi ông còn làm Trưởng Công an quận Tây Hồ.
Đến nay, toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được Công an TP. Hà Nội chuyển sang Cơ quan điều tra VKSND Tối cao thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Đại tá Phùng Anh Lê được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội từ tháng 1/2019. Trước đó, ông Lê làm Trưởng Công an quận Tây Hồ.
Công an thành phố Hải Dương khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh
Công an thành phố Hải Dương khởi tố vụ án "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người", theo Khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự.
Phố Trần Sùng Dĩnh, khu dân cư số 14, Hải Tân, TP. Hải Dương bị phong tỏa |
Người bị điều tra là nữ bệnh nhân Covid-19 sống tại thành phố Hải Dương, lãnh đạo cơ quan công an trong chiều 22/2 cho biết.
Ngày 3/2, bệnh nhân sốt về chiều, ho và mệt nhưng di chuyển đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người trong thành phố Hải Dương. Hôm 8/2 khi sức khỏe yếu hơn, bà cùng chồng đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương xét nghiệm sàng lọc và có kết quả dương tính với nCoV.
Công an cho rằng, bệnh nhân không khai báo cụ thể lịch trình di chuyển và tiếp xúc với những ai nên việc xác định nguồn lây F0 tưởng chừng mất dấu vết... Tuy nhiên, qua khai thác và tiếp nhận từ nhiều nguồn thông tin, công an đã dựng được lịch trình di chuyển và tìm ra nguồn lây F0.
Theo Khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự, người nào làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.