Bản tin thời sự sáng 23/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất đầu tư hơn 230.000 tỷ đồng làm 59 dự án giao thông trọng điểm ở TP.HCM; nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa; lãnh đạo TP.HCM giải ngân đầu tư công dưới 80% không được hưởng thu nhập tăng thêm….

Đề xuất đầu tư hơn 230.000 tỷ đồng làm 59 dự án giao thông trọng điểm ở TP.HCM

59 dự án bao gồm xây cao tốc, quốc lộ, vành đai... được đề xuất ưu tiên đầu tư trong 7 năm tới với tổng vốn hơn 230.000 tỷ đồng nhằm phát triển giao thông ở TP.HCM.

Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4, công trình thiết kế nâng hạ nhịp chính

Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4, công trình thiết kế nâng hạ nhịp chính

Thông tin trên được nêu trong tờ trình kế hoạch phát triển các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực giao thông tập trung thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2030, được Sở Giao thông vận tải (GTVT) gửi UBND TP.HCM chiều 22/12. Kế hoạch này nhằm xác định dự án cần ưu tiên bố trí ngân sách, hoặc chủ động phương án kêu gọi vốn từ bên ngoài.

Theo đó, nhóm dự án cao tốc có 4 công trình, gồm hai tuyến xây mới được kiến nghị ưu tiên, gồm: TP.HCM - Mộc Bài và TP.HCM - Chơn Thành. Hai tuyến khác là TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương sẽ đầu tư mở rộng đoạn qua địa bàn.

Nhóm nâng cấp, mở rộng quốc lộ với nhu cầu vốn gần 34.000 tỷ đồng cũng được đề xuất ưu tiên, gồm: Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu), Quốc lộ 22 (từ An Sương đến Vành đai 3).

Với nhóm dự án đường vành đai, Sở GTVT đề xuất ưu vốn khép kín ba đoạn còn lại của Vành đai 2. Trong đó, hai đoạn ở phía Đông dài 6 km, đã được thông qua chủ trương đầu tư với tổng vốn gần 14.000 tỷ đồng. Đoạn còn lại ở phía Nam dài dài 5,3 km, đang chuẩn bị đầu tư.

Nhóm dự án vành đai còn hai dự án khác, gồm đường nối Vành đai 3 tới đại lộ Võ Nguyên Giáp và Vành đai 4, đoạn qua địa bàn Thành phố.

Cùng với những công trình trên, ngành giao thông Thành phố kiến nghị sớm đầu tư hai cầu vượt là Thủ Thiêm 4 và Cần Giờ cùng 6 nút giao trọng điểm trên địa bàn như: ngã tư Bốn Xã, ngã 6 Công trường Dân Chủ, ngã 5 Đài liệt sỹ... Các tuyến liên kết vùng như xây cầu Rạch Dơi, mở đường mới phía Tây Bắc, xây đường trục Đông Tây nối dài Quốc lộ 1 đến Long An...

Theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030, việc đầu tư các dự án được xác định theo mức độ ưu tiên, không làm dàn trải. Trong tổng nhu cầu vốn, Sở GTVT tính toán ngân sách tham gia đầu tư khoảng 156.560 tỷ đồng (chiếm khoảng 67,8%), còn lại là các nguồn vốn khác (Trung ương, PPP).

Nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa

Thủ tướng yêu cầu tính toán gói tín dụng ưu đãi 20.000 - 30.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp dịch vụ văn hóa, giải trí.

Thủ tướng yêu cầu tính toán gói tín dụng ưu đãi 20.000 - 30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa

Thủ tướng yêu cầu tính toán gói tín dụng ưu đãi 20.000 - 30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa

"Công nghiệp văn hóa" là ngành sản xuất những sản phẩm có tính nghệ thuật, giá trị và sáng tạo như phim ảnh, âm nhạc, thiết kế nội dung số.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công nghiệp dịch vụ văn hóa, giải trí đóng góp trên 3,9% GDP năm 2021 và tăng lên 4,04% năm 2022. Theo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, ngành này sẽ đóng góp 7% vào GDP, tức gần gấp đôi hiện nay.

Tại Hội nghị về phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, ngày 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ngành này có triển vọng lớn, phát triển nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa hay huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa tương xứng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu chính sách tiếp cận tín dụng cho cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp văn hóa, nhất là những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. "Các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt 20.000 - 30.000 tỷ đồng cho phát triển công nghiệp văn hóa", Thủ tướng nêu.

Ngoài vốn, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công tư, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp lĩnh vực này.

Nêu ý kiến trước đó, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa cho hay, họ gặp khó khăn về tiếp cận vốn, thuế.

Lãnh đạo TP.HCM giải ngân đầu tư công dưới 80% không được hưởng thu nhập tăng thêm

TP.HCM sẽ không chi thu nhập tăng thêm cho người đứng đầu đơn vị giải ngân đầu tư công dưới 80%.

Thi công Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, dự án sử dụng vốn đầu tư công

Thi công Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, dự án sử dụng vốn đầu tư công

Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi liên quan đến đánh giá xếp loại thủ trưởng đơn vị trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Theo đó, việc đánh giá xếp loại tập thể lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị (đối với các địa phương bao gồm giải ngân vốn bồi thường của toàn bộ dự án trên địa bàn) theo 3 mức.

Nếu giải ngân dưới 50%, tập thể lãnh đạo đơn vị chỉ được xếp loại cao nhất hoàn thành nhiệm vụ; người đứng đầu không được hưởng thu nhập tăng thêm quý IV.

Nếu giải ngân 50 - 80%, lãnh đạo đơn vị chỉ được xếp loại cao nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ; người đứng đầu không được hưởng thu nhập tăng thêm quý IV.

Trường hợp giải ngân từ 80% trở lên, lãnh đạo đơn vị được xếp loại cao nhất hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xét tặng bằng khen của TP.HCM và bộ, ngành Trung ương. Người đứng đầu sẽ được xét hưởng thu nhập tăng thêm.

Theo Nghị quyết 08 của HĐND TP.HCM, hiện cán bộ có chức vụ, ngạch bậc, mức chi thu nhập tăng thêm tối đa 1,5 lần so với tiền lương.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố, tổng vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 68.600 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm, Thành phố có thể giải ngân 48.500 tỷ đồng, tương đương 70%. So với năm 2022 (giải ngân đạt 26.200 tỷ đồng), năm nay Thành phố giải ngân cao gấp 1,8 lần.

Giá vàng miếng vọt lên 77 triệu đồng/lượng

Mỗi lượng vàng miếng tăng nhanh 1,5 triệu đồng trong sáng 22/12, có lúc lập kỷ lục mới 77,2 triệu đồng trước khi đảo chiều về dưới 77 triệu.

Mỗi lượng vàng miếng tăng nhanh 1,5 triệu đồng trong sáng 22/12, có lúc lập kỷ lục mới 77,2 triệu đồng

Mỗi lượng vàng miếng tăng nhanh 1,5 triệu đồng trong sáng 22/12, có lúc lập kỷ lục mới 77,2 triệu đồng

Đầu sáng 22/12, biểu giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu kinh doanh vàng liên tục điều chỉnh.

Tới 9h50, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) yết giá mua bán vàng miếng tại 75,8 - 76,8 triệu đồng, cao hơn 1 triệu đồng so với cuối ngày 21/12. Chênh lệch giữa hai chiều mua bán vẫn đang được neo quanh 1 triệu đồng/lượng.

Đến 10h30, đà tăng vẫn chưa dừng lại. Vàng miếng SJC tiếp tục tăng thêm 400.000 đồng mỗi lượng, chính thức vượt mốc 77 triệu đồng. Tại SJC và DOJI, giá mua bán vàng miếng lên 76,2 - 77,2 triệu đồng/lượng.

Đến cuối giờ chiều, giá vàng miếng lùi về dưới vùng 77 triệu. SJC niêm yết chiều mua 75,8 triệu đồng, bán ra 76,8 triệu đồng/lượng, giảm tới nửa triệu đồng so với mức đỉnh thiết lập vào buổi sáng. DOJI cũng hạ giá vàng xuống 75,7 - 77 triệu đồng/lượng, nới rộng chênh lệch mua bán.

Như vậy từ đầu tuần tới nay, mỗi lượng vàng miếng tăng gần 3 triệu đồng, tương đương mức tăng hơn 3,9%. Còn so với đầu năm nay, vàng miếng SJC đã tăng hơn 10 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng 15% - gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng.

Giá vàng trong nước tăng nhanh hơn thế giới khiến chênh lệch giữa hai thị trường có xu hướng nới rộng.

Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng giao ngay cũng tăng 17 USD lên gần 2.050 USD. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), giá vàng thế giới tương đương 60,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn 2,35 triệu đồng so với vàng nhẫn và 16,7 triệu đồng so với giá vàng miếng trong nước.

Người Thái thâu tóm thêm một "ông lớn" ngành bao bì

SCG Packaging (SCGP) của Thái Lan đã chi gần 700 tỷ đồng để mua lại 70% vốn nhà sản xuất bao bì carton in offset hàng đầu Starprint Việt Nam.

Công nhân làm việc tại nhà máy của Starprint Việt Nam

Công nhân làm việc tại nhà máy của Starprint Việt Nam

SCGP - một công ty thành viên của SCG Group (Thái Lan), vừa thông báo đã mua lại 70% vốn của Công ty CP Starprint Việt Nam (SPV). Việc đầu tư được thực hiện thông qua SCGP Solutions - công ty con 100% vốn của SCGP. Tổng vốn đầu tư hơn 676 tỷ đồng, tương đương hơn 987 triệu baht. Như vậy, SPV được định giá khoảng 965 tỷ đồng.

Trước đó, hồi cuối tháng 4/2023, doanh nghiệp Thái này từng cho biết đang mua lại 70% vốn của Starprint Việt Nam với giá 1,53 tỷ baht. Ban đầu, mọi thủ tục dự kiến được hoàn thành trong quý III.

Wichan Jitpukdee - CEO của SCGP cho biết, thương vụ trên giúp mở rộng dấu ấn của họ trong lĩnh vực bao bì tại Việt Nam, một thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao. Đồng thời, sở hữu SPV còn giúp nâng cao năng lực giải pháp đóng gói của SCGP để phục vụ cơ sở khách hàng ngày càng mở rộng tại khu vực ASEAN.

Kết quả kinh doanh và chỉ tiêu tài chính của SPV sẽ được hợp nhất từ tháng 1/2024 trở đi. Ngoài SCGP, Starflex - một công ty bao bì mềm nổi tiếng có trụ sở tại Thái Lan, cũng nắm giữ 25% cổ phần SPV, số còn lại do cổ đông trước đây của Công ty nắm giữ. Như vậy, tổng cộng người Thái sở hữu đến 95% tại SPV.

Starprint Việt Nam hoạt động từ năm 2001. Đây là nhà sản xuất bao bì carton in offset hàng đầu tại Việt Nam, với tổng công suất 16.500 tấn in offset và 8 triệu hộp cứng mỗi năm từ hai cơ sở sản xuất đặt tại Khu công nghiệp Long Bình (Amata) ở Đồng Nai. Khách hàng của doanh nghiệp này chủ yếu là các công ty trong nước và đa quốc gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh và tăng trưởng cao như Unilever, Colgate, Nestle, Heineken, P&G, Walmart, Trung Nguyên...

Năm 2022, SPV ghi nhận doanh thu 1.013 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sau thuế là 92,5 tỷ đồng. Công ty có tổng tài sản khoảng 601 tỷ đồng.

Cổ phiếu Vietnam Airlines thoát khỏi diện cảnh báo

Ra khỏi diện cảnh báo nhưng 2,2 tỷ cổ phiếu HVN vẫn đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.

9 tháng đầu năm 2023, Vietnam Airlines ghi nhận 68.089 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 3.535 tỷ đồng

9 tháng đầu năm 2023, Vietnam Airlines ghi nhận 68.089 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 3.535 tỷ đồng

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa quyết định đưa cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 26/12.

Lý do là hãng hàng không này đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên vào ngày 16/12, khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định tại khoản 4 Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.

Cổ phiếu HVN bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/7 do chưa họp ĐHĐCĐ thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.

Trước ngày 16/12, Vietnam Airlines đã có tổng cộng 4 lần dời lịch họp ĐHĐCĐ do công tác chuẩn bị chưa hoàn thành.

Ra khỏi diện cảnh báo nhưng 2,2 tỷ cổ phiếu của Vietnam Airlines vẫn đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết. HVN vi phạm cả ba điều kiện gồm kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Vietnam Airlines, 9 tháng đầu năm, hãng đã ghi nhận 68.089 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 3.535 tỷ đồng.

Tại phiên họp vừa qua, ban lãnh đạo Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất cả năm nay đạt khoảng 91.658 tỷ đồng, tăng gần 28% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến ở mức âm 5.823 tỷ đồng.

TP.HCM thu được gần 4.000 tỷ đồng phí cảng biển

Sau gần 2 năm triển khai, TP.HCM thu được gần 4.000 tỷ đồng phí hạ tầng cảng biển và đang phân bổ cho 27 dự án trọng điểm, với nhiều đường kết nối cảng.

Bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP.HCM

Bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP.HCM

Thông tin trên được Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển trên địa bàn, ngày 22/12.

TP.HCM bắt đầu thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển từ đầu tháng 4/2022, với mức thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM), cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu). Quy trình thu phí triển khai qua hệ thống điện tử. Hiện trên hệ thống thu phí có hơn 68.800 doanh nghiệp đăng ký. Bình quân mỗi ngày có 2.000 - 3.000 đơn vị khai báo và nộp phí.

Theo ông Lâm, phí sử dụng hạ tầng cảng biển sau khi trích lại 1,3% cho đơn vị vận hành được nộp toàn bộ vào ngân sách để phân bổ cho các dự án giao thông kết nối cảng. Hiện, HĐND Thành phố đã thông qua danh mục 27 công trình trọng điểm được sử dụng nguồn này.

Trong đó, một số công trình lớn ở cửa ngõ phía đông hiện đã được phân bổ từ nguồn phí sử dụng cảng biển, như: nút giao An Phú, hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy, Vành đai 2 (đoạn cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp)... Đây đều là những dự án trọng điểm, giúp khơi thông đường vào cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ.

Ngoài ra, Thành phố đang nghiên cứu đầu tư tuyến đường mới dài 6 km nối cảng Cát Lái - Phú Hữu qua cao tốc Long Thành - Dầu Giây và Vành đai 3. Dự án này ước tính có tổng vốn 8.000 tỷ đồng, cũng dự định dùng nguồn thu phí cảng biển để đầu tư.

Bình Định hút 82 dự án đầu tư

Trong năm 2023, Bình Định thu hút 82 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 16.300 tỷ đồng; điều chỉnh vốn 64 dự án tăng thêm hơn 3.478 tỷ đồng.

Một góc Khu kinh tế Nhơn Hội

Một góc Khu kinh tế Nhơn Hội

Theo thống kê, một số dự án lớn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong thời gian qua như Dự án Nhà máy gạch, ngói Takao với tổng vốn đầu tư 1.920 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất và chế biến gỗ Tekcom Central với tổng vốn đầu tư 980 tỷ đồng; Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ với vốn đăng ký là 1.177,3 tỷ đồng...

Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để đạt được kết quả trên, Tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn; rút ngắn hơn một nửa thời gian giải quyết các thủ tục - từ chấp thuận chủ trương đến khi có giấy phép xây dựng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Theo đó, thời gian giải quyết các thủ tục đối với các dự án trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp lần lượt là 60 ngày (trước đây là 145 ngày) và 118 ngày (trước là 242 ngày).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, Bình Định đặt mục tiêu thu hút đầu tư mới 100 dự án. Trong đó có 30 dự án kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp có vốn đăng ký đầu tư tối thiểu 100 tỷ đồng/dự án; 70 dự án kêu gọi đầu tư vào các địa phương, các cụm công nghiệp có vốn đăng ký tối thiểu 20 tỷ đồng/dự án.

Nhà máy Keyhinge Toys Việt Nam đóng cửa 3 tháng, 1.250 lao động Đà Nẵng bị ngừng việc trước Tết

Công ty CP Keyhinge Toys Việt Nam vừa thông báo sẽ đóng cửa tạm thời Nhà máy tại Đường số 3 Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng 3 tháng. Khoảng 1.250 người lao động sẽ phải ngưng việc trong khi Tết đang đến gần.

Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết sẽ triển khai các phương án hỗ trợ người lao động Công ty CP Keyhinge Toys Việt Nam

Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết sẽ triển khai các phương án hỗ trợ người lao động Công ty CP Keyhinge Toys Việt Nam

Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã nhận được phản ánh của người lao động về việc doanh nghiệp trên cho đóng cửa nhà máy từ ngày 25/12/2023, khoảng 1.250 người sẽ phải ngừng việc và hưởng chế độ tiền lương theo khoản 1 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019.

Trước tình hình trên, Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết sẽ triển khai các phương án hỗ trợ người lao động.

Đơn vị sẽ rà soát toàn bộ số lao động ngoại tỉnh có nhu cầu về quê để hỗ trợ chi phí vé xe cho người lao động trong chương trình Hành trình Tết công đoàn.

Để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Công ty với người lao động, Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đề xuất với Thường trực Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố kiểm tra nhanh về việc đóng cửa tạm thời doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng, phương án trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian 3 tháng, các chế độ theo thỏa ước lao động tập thể và các thỏa thuận khác (nếu có) trong thời gian cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Liên đoàn Lao động Thành phố cần trình UBND Thành phố, Thành ủy hỗ trợ cho 1.250 lao động bị ngừng việc để ổn định tình hình an ninh trật tự, an ninh công nhân trên địa bàn trong giai đoạn cuối năm.

TP.HCM chi bồi thường, sớm khởi công rạch Xuyên Tâm vốn đầu tư 9.600 tỷ đồng

Ngày 22/12, UBND quận Gò Vấp (TP.HCM) trao quyết định thu hồi đất và chi tiền bồi thường cho các hộ dân trong Dự án Cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật). Tổng số tiền chi trả cho 5 hộ dân đầu tiên giao đất gần 23 tỷ đồng.

Khu nhà ổ chuột cạnh rạch Xuyên Tâm ngập rác thải

Khu nhà ổ chuột cạnh rạch Xuyên Tâm ngập rác thải

Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết, Quận có 135 trường hợp ảnh hưởng giải tỏa, với tổng diện tích thu hồi hơn 24.000 m2, chi phí bồi thường hơn 350 tỷ đồng. Địa phương đã chuẩn bị căn hộ tái định cư cho những trường hợp bị giải tỏa trắng tại chung cư Khang Gia, Phường 14. Địa phương cố gắng bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư khởi công Dự án vào tháng 8/2024.

Còn ở quận Bình Thạnh, cuối tháng 10/2023, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (Chủ đầu tư) cho biết, việc giải phóng mặt bằng ở địa phương này sẽ gặp khó khăn bởi có tới gần 1.800 hộ, tổ chức bị ảnh hưởng.

Đến nay, Bình Thạnh dự kiến bố trí được 300 nền đất và căn hộ tái định cư, còn thiếu 807 căn. Sắp tới, Thành phố sẽ xây khu tái định cư tại khu đất số 4 Phan Chu Trinh (Phường 12), diện tích 12 ha, quy mô 850 căn. Quận sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng vào tháng 4/2025 để khởi công các gói thầu xây lắp.

Rạch Xuyên Tâm dài gần 9 km, chảy qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp, là một trong tuyến rạch ô nhiễm nhất TP.HCM. Sau hơn 20 năm ấp ủ kế hoạch triển khai, công trình nạo vét, cải tạo và xây dựng hạ tầng cho tuyến rạch hiện được Thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng từ vốn ngân sách, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2028.

Dự án gồm tuyến rạch chính dài gần 6,7 km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật và ba nhánh dài hơn 2,2 km (nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi)…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư