Bản tin thời sự sáng 23/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là vaccine tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM chỉ đủ dùng vài ngày; cổ phiếu công ty của Shark Thủy bị hủy niêm yết; di dời tượng đài Dầu khí ở Vũng Tàu; TP.HCM dự kiến dành 88 khu đất để đầu tư dự án nhà ở xã hội; 13 toa tàu hạng sang phủ bạt do vướng đăng kiểm…

Vaccine tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM chỉ đủ dùng vài ngày

Nhiều vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tại TP.HCM đã hết, một số chỉ còn đủ dùng trong một vài ngày tới, khả năng cuối tháng 12 mới được cung ứng trở lại.

Nhiều vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tại TP.HCM đã hết. Ảnh minh họa

Nhiều vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tại TP.HCM đã hết. Ảnh minh họa

Ngày 22/11, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, trên địa bàn không còn vaccine DPT (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván), IPV (bại liệt tiêm), VGB (ngừa viêm gan B), DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib). Các vaccine khác như sởi, bại liệt uống, lao, sởi-rubella (MR), uốn ván, viêm não Nhật Bản còn lại rất ít, chỉ đủ dùng trong một hoặc vài ngày tới.

Các vaccine này thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, tiêm miễn phí cho trẻ nhỏ. Sở Y tế khuyến cáo nguồn vaccine dịch vụ (có trả phí) vẫn có ở nhiều cơ sở trên địa bàn. Trong trường hợp cần thiết, phụ huynh có thể cân nhắc đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vaccine theo nhu cầu.

Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, các vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng sản xuất trong nước dự kiến sớm nhất có thể được cung ứng trở lại là cuối tháng 11, các vaccine nhập khẩu phải chờ đến cuối tháng 12.

Trước đó, Sở kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương phân bổ vaccine, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho người dân trên địa bàn. Ngày 27/10, Bộ Y tế có công văn phúc đáp, cho biết thời gian qua đã tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đang tiến hành mua sắm vaccine để phân bổ đến TP.HCM và các địa phương trong thời gian sớm nhất.

Nhiều năm qua, việc cung ứng vaccine do Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương đảm trách. Từ năm 2022 đến nay, việc cung ứng bị gián đoạn do thay đổi về cơ chế mua sắm, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua, các địa phương phải tự mua sắm, song các tỉnh thành đều gặp khó. Để tháo gỡ vướng mắc, hồi tháng 7, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết yêu cầu Bộ Y tế mua vaccine. Theo đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện đàm phán giá đối với vaccine sản xuất trong nước và đấu thầu mua sắm vaccine nhập khẩu.

Cổ phiếu công ty của Shark Thủy bị hủy niêm yết

Mã IBC do ông Nguyễn Ngọc Thủy làm chủ tịch, bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Nhà đầu tư đang theo dõi cổ phiếu IBC

Nhà đầu tư đang theo dõi cổ phiếu IBC

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC của Công ty CP Đầu tư Apax Holdings. Nguyên nhân là IBC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa công bố nhiều văn bản gồm Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Báo cáo tài chính quý I và quý II, Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 và Báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023. Ngoài ra, Apax Holdings còn chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Trước đó, IBC đã bị HoSE đưa vào các diện theo dõi gồm đình chỉ giao dịch, kiểm soát và cảnh báo. Kể từ khi bị đình chỉ giao dịch đến nay, Công ty chưa khắc phục các vi phạm công bố thông tin kể trên. HoSE cho rằng, doanh nghiệp này có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài tình trạng, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.

Apax Holdings là công ty con duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán thuộc Egroup - hệ sinh thái giáo dục của ông Nguyễn Ngọc Thủy. Công ty này đứng sau Apax Leaders, mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia... Sau nhiều đợt bị bán giải chấp, hiện Egroup mất quyền công ty mẹ khi tỷ lệ sở hữu tại Apax Holdings giảm về mức 17,66%. Tuy nhiên, ông Thủy vẫn đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Hồi tháng 7, ông Thủy giải thích rằng, thời gian qua công tác quản trị nội bộ phát sinh vấn đề, thiếu nhân sự và đang trong quá trình tái cấu trúc làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành báo cáo tài chính. Công ty dự kiến họp thường niên vào tháng 11, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tổ chức.

TP.HCM dự kiến dành 88 khu đất để đầu tư dự án nhà ở xã hội

Theo kế hoạch, TP.HCM dự kiến bố trí 88 dự án, khu đất để phát triển nhà ở xã hội. Danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên và có sự thay đổi.

Một khu lưu trú công nhân tại TP.Thủ Đức, TP.HCM

Một khu lưu trú công nhân tại TP.Thủ Đức, TP.HCM

Sở Xây dựng TP.HCM vừa báo cáo UBND Thành phố về công tác triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2025.

Giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM có 19 dự án NƠXH đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đạt 69,2% chỉ tiêu đề ra. Hoàn tất đầu tư một dự án nhà lưu trú công nhân, đáp ứng 7.596 chỗ ở, đạt 2,75% chỉ tiêu.

Về ký túc xá sinh viên, trong giai đoạn này, TP.HCM chỉ có một dự án hoàn thành, cung ứng 423 chỗ ở, đạt 6,02% chỉ tiêu đặt ra.

Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM dự kiến phát triển 35.000 căn NƠXH. Trong đó, có 7.000 căn nhà cho thuê và 45.000 căn nhà lưu trú công nhân.

Theo Sở Xây dựng, tính đến quý III/2023, mới có 2 dự án NƠXH hoàn thành và đưa vào sử dụng theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, quy mô 623 căn hộ, đạt 2,39% chỉ tiêu đề ra.

Ngoài ra, có 7 dự án NƠXH khác đang xây dựng với tổng quy mô 4.996 căn, gồm 6 dự án NƠXH và 1 dự án nhà lưu trú cho công nhân.

Về quỹ đất để đầu tư dự án NƠXH, giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM dự kiến bố trí 68 dự án, khu đất để phát triển NƠXH. Trong đó, có 32 dự án, khu đất được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang và bổ sung thêm 36 khu đất mới.

Theo thống kê của UBND TP.HCM vào tháng 9/2023, trên địa bàn có 88 dự án, khu đất thuộc kế hoạch phát triển NƠXH dựa trên sự phù hợp của chương trình phát triển nhà ở theo từng giai đoạn được phê duyệt.

“Đây là cơ sở để xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời công nhận nhà đầu tư theo quy định. Danh sách này được cập nhật thường xuyên và có sự thay đổi”, Sở Xây dựng TP.HCM thông tin.

13 toa tàu hạng sang phủ bạt do vướng đăng kiểm

Sau hai năm hoàn thành, 13 toa tàu trị giá hơn 275 tỷ đồng do Tập đoàn Jinxin (Trung Quốc) thuê đóng tại Việt Nam không thể khai thác do chưa hoàn tất kiểm định.

Toa tàu khách của Trung Quốc được đóng tại Nhà máy CP Xe lửa Gia Lâm

Toa tàu khách của Trung Quốc được đóng tại Nhà máy CP Xe lửa Gia Lâm

Năm 2019, Tập đoàn Jinxin (Trung Quốc) thuê Công ty CP Xe lửa Gia Lâm và Công ty CP Toa xe Dĩ An (thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) đóng vỏ thép thùng xe và lắp ráp 13 toa tàu hạng sang, thiết kế chạy trên khổ đường sắt 1 m. Toàn bộ thành vách toa, nội thất, thiết bị bên trong tàu, hệ thống điện và bộ phận chạy được nhập khẩu từ Trung Quốc.

13 toa bao gồm 6 toa giường nằm (loại 28 giường), 5 toa ghế ngồi (loại 56 ghế), một toa nhà hàng và một toa công vụ phát điện. Nội thất trong toa được thiết kế hiện đại, có nhiều tiện ích cho hành khách. Tổng giá trị đóng 13 toa hơn 275 tỷ đồng, hoàn thành cuối năm 2021.

Sau khi chạy thử nghiệm 15.000 km trên các tuyến đường sắt Việt Nam, các toa hạng sang này đang "phủ bạt" tại Công ty CP Xe lửa Gia Lâm.

Theo ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Đường sắt Việt Nam, các toa tàu (toa xe) Trung Quốc chưa thể vận hành do chưa được cấp giấy chứng nhận kiểm định của Cục Đăng kiểm và giấy đăng ký phương tiện của Cục Đường sắt Việt Nam.

Để được cấp giấy kiểm định, theo Thông tư 30/2018, các toa tàu đóng mới cần phải chạy thử nghiệm 100.000 km để đảm bảo các điều kiện an toàn. Tuy nhiên, đường sắt Việt Nam là khổ đường đơn, năng lực thông qua hạn chế, nên các toa chạy thử nghiệm phải mất nhiều thời gian hoàn thành.

Ông Cảnh cho hay, Thông tư 30/2023 của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực từ 21/12 quy định các toa tàu đóng mới chỉ phải chạy thử nghiệm 5.000 km. Lý do với công nghệ hiện nay, các toa đóng mới không nhất thiết phải chạy thử nghiệm nhiều.

Như vậy, từ cuối năm nay, Jinxin có thể xin giấy chứng nhận kiểm định do các toa đã đạt số km chạy thử nghiệm, sau đó làm thủ tục đăng ký phương tiện để đưa vào khai thác thương mại.

Hơn 4.300 tỷ đồng mở rộng đường huyết mạch cửa ngõ TP.HCM

Đường Vĩnh Lộc dài hơn 7 km qua huyện Bình Chánh, quận Bình Tân sẽ được mở rộng lên 30 m, kinh phí 4.344 tỷ đồng, giúp giảm ùn tắc cửa ngõ phía Tây Thành phố.

Đường Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh hiện hữu

Đường Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh hiện hữu

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Vĩnh Lộc vừa được Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND TP.HCM xem xét, trình HĐND Thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư tại kỳ họp sắp tới.

Việc điều chỉnh Dự án do thay đổi quy mô đầu tư mở rộng nhằm tạo kết nối giao thông đồng bộ giữa các huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn ở cửa ngõ Tây Nam Thành phố. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư, khi được thông qua sẽ thực hiện giai đoạn từ nay đến năm 2027.

Theo đó, đường Vĩnh Lộc rộng khoảng 7 - 8 m, 2 làn xe, sẽ được mở lên 30 m trên đoạn dài 7,2 km, từ nút giao với tuyến Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10 - huyện Bình Chánh) đến giao lộ với đường 2A trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân. Từ đây, giao thông sẽ được kết nối đồng bộ qua huyện Hóc Môn.

Cùng với mở rộng đường, trong phạm vi Dự án sẽ nâng cấp nút giao Vĩnh Lộc - Trần Văn Giàu để bố trí các lối rẽ cho xe thuận tiện ra vào. Đồng thời, nút giao ngã 5 giữa các đường Vĩnh Lộc - Quách Điêu - Võ Văn Vân - Nguyễn Thị Tú cũng được xây dựng đồng bộ. Ngoài ra, công trình sẽ xây mới cầu Bà Tri với chiều rộng khoảng 30 m, dài hơn 31 m.

Nợ thuế hàng chục tỷ, doanh nghiệp ở Khánh Hòa bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn

Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa đã cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty TNHH Cat Tiger Khareal, chủ đầu tư Dự án Chung cư Napoleon Castle I ở TP. Nha Trang.

Dự án Chung cư Napoleon Castle I do Công ty TNHH Cat Tiger Khareal làm chủ đầu tư.

Dự án Chung cư Napoleon Castle I do Công ty TNHH Cat Tiger Khareal làm chủ đầu tư.

Ngày 22/11, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị vừa ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty TNHH Cat Tiger Khareal. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 2/11/2023 đến ngày 1/11/2024.

Công ty này có địa chỉ tại số 25-26, Nguyễn Đình Chiểu (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang), nợ thuế quá 90 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp với số tiền hơn 44,3 tỷ đồng. Theo quy định, sau khi ban hành quyết định cưỡng chế nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục sử dụng hóa đơn thì bị coi là vi phạm pháp luật.

Trước đó, cuối tháng 10/2023, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hoà cũng có thông báo về việc bán đấu giá tài sản để thi hành án đối với 24 căn hộ thuộc Dự án Chung cư Napoleon Castle I (số 25-26 đường Nguyễn Đình Chiểu, TP. Nha Trang) do Công ty TNHH Cat Tiger Khareal làm chủ đầu tư.

24 căn hộ có diện tích từ 54 - 76 m2 với giá thẩm định thấp nhất hơn 900 triệu đồng, cao nhất 1,5 tỷ đồng. Thời gian đấu giá vào ngày 24/11.

Doanh nghiệp đề xuất tặng TP.HCM cầu đi bộ nghìn tỷ bắc qua sông Sài Gòn

Một doanh nghiệp đề xuất tài trợ toàn bộ kinh phí để xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Cầu có hình dáng lá dừa nước, dự kiến khởi công năm 2025.

Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có hình lá dừa nước.

Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có hình lá dừa nước.

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở ngành và đơn vị liên quan về đầu tư xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn và quy trình tổ chức thực hiện, tiếp nhận công trình xây dựng từ nguồn tài trợ của những tổ chức, cá nhân trong nước.

UBND TP.HCM giao Sở GTVT Thành phố tổ chức đàm phán, thống nhất ký kết biên bản thỏa thuận với đơn vị tài trợ về tiếp nhận công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Đồng thời, Sở tham mưu, đề xuất và dự thảo văn bản UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng từ nguồn tài trợ để xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy.

Trước đó, một doanh nghiệp đã đề xuất với UBND TP.HCM được xây tặng cây cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn, kết nối Quận 1 và TP. Thủ Đức. Phía doanh nghiệp cam kết sẽ tài trợ toàn bộ. Dự kiến, công trình có kinh phí nghìn tỷ đồng này sẽ khởi công vào dịp lễ 30/4/2025 và hoàn thành vào năm 2027.

Hồi tháng 10 vừa qua, UBND TP.HCM quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn “Phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn”.

Phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ được chọn có hình lá dừa nước do Liên danh Chodai - Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam thực hiện.

Cầu được bố trí thác nước tuần hoàn, chiếu sáng mỹ thuật. Thành phố đánh giá, đây là hình thức kiến trúc độc đáo, ấn tượng, kỳ vọng tạo sức hút với người dân, du khách đến TP.HCM.

Cầu đi bộ dự kiến xây ở vị trí giữa cầu Ba Son và hầm sông Sài Gòn. Điểm đầu cầu nằm trong khu vực công viên cảng Bạch Đằng (Quận 1), điểm đầu phía TP. Thủ Đức tại công viên bờ sông thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, một cá nhân bị xử phạt 325 triệu đồng

Thời gian vừa qua, Nam Định đã quyết liệt kiểm tra và xử lý các đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trái phép và vi phạm môi trường đối với hàng chục đối tượng vi phạm.

Khu Bảo tồn thuộc Vườn Quốc gia Xuân Thủy

Khu Bảo tồn thuộc Vườn Quốc gia Xuân Thủy

Ngày 22/11, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Phê (ở tại tổ dân phố Đông Nhất, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy) vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại từ 2.000 m2 đất, đất ngập nước, mặt nước trở lên tại khu vực không thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn thuộc Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Phê đã vi phạm quy định tại Điểm g, Khoản 3 Điều 47 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; bị phạt 325 triệu đồng và bị buộc khôi phục lại trạng thái ban đầu do vi phạm hành chính gây ra.

Ông Nguyễn Văn Phê phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này. Nếu quá thời hạn 10 ngày, ông Phê không tự nguyện chấp hành, sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

UNESCO vinh danh đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

UNESCO đã thông qua Nghị quyết về danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 - 2024, trong đó có đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

UNESCO vinh danh đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

UNESCO vinh danh đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Kỳ họp Đại hội đồng các quốc gia thành viên UNESCO lần thứ 42 đã thông qua Nghị quyết về danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 - 2024 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm.

Tại kỳ họp này, hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cùng với 52 hồ sơ khác của các quốc gia thành viên đã được tổ chức UNESCO thông qua.

Việc tổ chức UNESCO vinh danh đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam là sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về những đóng góp của cá nhân đại danh y đối với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người” và tinh thần “học tập suốt đời”, là những giá trị mà tổ chức đang thúc đẩy.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) là đại danh y, nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc. Ông đã để lại cho hậu thế một khối di sản văn hóa đồ sộ, tiêu biểu là bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh - bộ sách được coi là bách khoa thư y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại và còn nguyên giá trị.

Đến nay, tổ chức UNESCO đã thông qua Nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các cá nhân tiêu biểu của Việt Nam như kỷ niệm 600 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Trãi (1980), 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), 250 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Du (2015), 650 năm ngày mất của nhà giáo Chu Văn An (2019), 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (2021), 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (2021) và 300 năm ngày sinh của đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (2023).

Chuyên đề