Bản tin thời sự sáng 2/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng đồng loạt giảm giá từ chiều ngày 1/3; Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng sẽ diễn ra từ tháng 6; khởi tố vụ án chuyển sân golf Phan Thiết thành khu đô thị; Lý Sơn sẽ là thành phố biển; nợ thuế hơn 445 tỷ đồng, Công ty Trung Nam bị cưỡng chế…

Giá xăng đồng loạt giảm giá từ chiều ngày 1/3

Từ 15h ngày 1/3, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng. Theo đó, xăng E5 RON 92 và RON 95 đều giảm giá.

Giá xăng đồng loạt giảm giá

Giá xăng đồng loạt giảm giá

Trong kỳ điều chỉnh ngày 1/3, giá mặt hàng xăng đồng loạt giảm. Sau điều chỉnh của Liên bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95-III giảm xuống mức 23.320 đồng (giảm 120 đồng), xăng E5 RON 92 là 22.420 đồng (giảm 120 đồng) một lít.

Giá các mặt hàng dầu có loại tăng, có loại giảm. Cụ thể, dầu diesel là 20.250 đồng một lít, giảm 550 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 20.470 đồng, giảm 370 đồng; dầu mazut tăng 300 đồng, có giá mới là 14.550 đồng/kg.

Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập từ 200 - 250 đồng với xăng và trích lập từ 300 - 500 đồng với dầu hoả và dầu DO. Còn dầu mazut không trích cũng không chi sử dụng Quỹ bình ổn.

Trước đó, giá bán các loại xăng dầu trong nước áp dụng theo mức giá điều chỉnh ngày 21/2. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 không quá 22.542 đồng/lít, xăng RON 95 23.443 đồng/lít, dầu diesel 20.806 đồng/lít, dầu hỏa 20.846 đồng/lít, dầu mazut 14.251 đồng/kg.

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng sẽ diễn ra từ tháng 6

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 dự kiến diễn ra từ ngày 3/6 - 8/7, với sự tham gia của 8 đội.

Đà Nẵng tổ chức trình diễn pháo hoa quốc tế sau 3 năm tạm dừng

Đà Nẵng tổ chức trình diễn pháo hoa quốc tế sau 3 năm tạm dừng

Ngày 1/3, UBND TP. Đà Nẵng và Tập đoàn Sun Group cho biết, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 (DIFF 2023) sẽ chính thức diễn ra từ ngày 3/6 - 8/7 sau ba năm tạm dừng vì dịch Covid-19.

Theo đó, DIFF 2023 sẽ diễn ra tại sân khấu pháo hoa bên sông Hàn. Có 8 đội tham gia gồm: Anh, Italy, Ba Lan, Pháp, Australia, Canada, Phần Lan và Việt Nam.

Đêm khai mạc Lễ hội sẽ diễn ra tối 3/6 với phần thi đấu mở màn giữa hai đội Việt Nam và Phần Lan.

Các đêm tiếp theo lần lượt chứng kiến cuộc tranh tài giữa các đội: Canada - Pháp (đêm 10/6); Australia - Italy (đêm 17/6); Ba Lan - Anh (đêm 24/6). Chung kết cuộc thi sẽ diễn ra tối 8/7.

Tương tự các kỳ DIFF trước, mỗi đội có 20 phút trình diễn các màn pháo hoa theo chủ đề từng đêm do ban tổ chức thống nhất bao gồm: Tình yêu không khoảng cách; hòa bình cho thế giới; bình đẳng cho nhân loại; sáng tạo không giới hạn; phát triển du lịch bền vững.

DIFF 2023 sẽ có chủ đề “Thế giới không khoảng cách”, tôn vinh sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch thế giới sau dịch bệnh. Bên cạnh những màn pháo hoa rực rỡ, các sự kiện sôi động cũng đồng loạt diễn ra tại TP. Đà Nẵng trong thời gian lễ hội nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách.

Đại diện Ban tổ chức cho biết, lễ hội pháo hoa năm nay là lần thứ 11 DIFF được tổ chức tại Đà Nẵng. Trong hành trình 11 năm qua, lễ hội pháo quốc tế DIFF đã trở thành điểm nhấn, đưa thành phố sông Hàn trở thành tâm điểm lễ hội mỗi mùa hè. Đây cũng là một trong những sự kiện văn hóa tạo nên thương hiệu riêng cho TP. Đà Nẵng.

Khởi tố vụ án chuyển sân golf Phan Thiết thành khu đô thị

Bộ Công an khởi tố vụ án để điều tra các sai phạm liên quan Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết của Tập đoàn Rạng Đông.

Một phần dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết

Một phần dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết

Ngày 1/3, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) khởi tố vụ án về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Vụ án mới này được mở ra khi nhà chức trách điều tra mở rộng vụ Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2.

Đại diện C01 cho biết đang củng cố hồ sơ để xác định hành vi của những người liên quan.

Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết của Tập đoàn Rạng Đông được UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi từ Dự án sân golf Phan Thiết với diện tích hơn 62 ha. Trong số này, hơn 300.000 m2 chuyển đổi làm Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết tại thời điểm năm 2015 có giá trị hơn 2.800 tỷ đồng, theo thông báo về kết luận định giá tài sản hồi tháng 9/2022 của C01.

Đây là phần đất UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển sang đất ở đô thị, sau đó chủ đầu tư chia lô bán thương mại.

Đầu tháng 8/2021, vụ án sân golf Phan Thiết thành khu đô thị đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi.

Cùng thời điểm, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo tạm dừng giao dịch dự án này theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Lý Sơn sẽ là thành phố biển

Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) sẽ là thành phố biển, có sân bay hơn 150 ha và cảng biển, để phát triển du lịch và dịch vụ, theo quy hoạch đến năm 2045.

Đảo Lý Sơn rộng 1.000 ha, cách đất liền 15 hải lý

Đảo Lý Sơn rộng 1.000 ha, cách đất liền 15 hải lý

Nội dung được đề cập trong quyết định duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký, theo đề nghị của tỉnh Quảng Ngãi.

Lý Sơn là đảo tiền tiêu nổi tiếng của Quảng Ngãi với lịch sử cắm mốc chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, và là địa điểm du lịch nổi tiếng. Theo quy hoạch mới, 1.000 ha đảo nổi ở Lý Sơn cùng 500 ha không gian phát triển mới và diện tích mặt nước sẽ thuộc Khu kinh tế Dung Quất mở rộng.

Trên đảo Lý Sơn cũng sẽ xây dựng sân bay 153 ha. Trước đó, kế hoạch này đã được Cục Hàng không và tỉnh Quảng Ngãi nhiều lần đề xuất để phát triển hạ tầng, khai phá tiềm năng du lịch vì hiện chỉ có thể đi đường biển đến đảo.

Huyện đảo Lý Sơn đang là đô thị loại 5 và được quy hoạch thành đô thị loại 4, giai đoạn 2026 - 2035. Định hướng, đảo sẽ là thành phố, cùng với huyện Bình Sơn, trở thành vùng đô thị động lực phát triển phía bắc tỉnh Quảng Ngãi vào năm 2045.

Nợ thuế hơn 445 tỷ đồng, Công ty CP Trung Nam bị cưỡng chế

Ngày 1/3, Cục Thuế TP. Đà Nẵng cho biết, cơ quan này đã ra quyết định cưỡng chế thuế đối với Công ty CP Trung Nam.

Công ty Trung Nam bị cưỡng chế do nợ thuế hơn 445 tỷ đồng

Công ty Trung Nam bị cưỡng chế do nợ thuế hơn 445 tỷ đồng

Theo quyết định do ông Phạm Đức Thường, Cục trưởng Cục Thuế TP. Đà Nẵng ký, việc cưỡng chế được thực hiện bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty CP Trung Nam, mã số thuế 0400405307, địa chỉ tầng 2 tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, (quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Lý do cưỡng chế là Công ty CP Trung Nam nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đã quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế theo quy định.

Số tiền bị cưỡng chế là hơn 445,5 tỷ đồng. Trong đó, hơn 445,2 tỷ đồng là tiền sử dụng đất, còn lại hơn 345 triệu đồng là tiền thuê đất.

Cục Thuế TP. Đà Nẵng yêu cầu, Công ty CP Trung Nam phải nghiêm chỉnh thực hiện quyết định này.

Đồng thời Cục Thuế TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu, HDBank chi nhánh Đà Nẵng trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của Công ty CP Trung Nam.

Trường hợp số tiền trên tài khoản của Công ty nhỏ hơn số tiền trên quyết định cưỡng chế, Ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản.

Bên cạnh đó, HDBank chi nhánh Đà Nẵng được yêu cầu tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của Công ty CP Trung Nam trong thời gian quyết định có hiệu lực.

Cùng với quyết định cưỡng chế thuế trên, Cục Thuế TP. Đà Nẵng cũng ra thông báo về việc ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty CP Trung Nam. Công ty này sẽ không được sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đối với hóa đơn giá trị gia tăng.

Cục Thuế TP. Đà Nẵng cũng nêu rõ, nếu Công ty sử dụng số hóa đơn điện tử nêu trên kể từ ngày quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành được coi là sử dụng hóa đơn không hợp pháp.

Lào Cai công bố quy hoạch khu đô thị mới bờ hữu ngạn sông Hồng

Khu đô thị mới này được quy hoạch bao gồm các công trình công cộng, phúc lợi xã hội, dịch vụ, hệ thống dân cư đô thị, công viên cây xanh, cảnh quan đô thị, các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ…

Thành phố Lào Cai đang phát triển theo trục dòng sông Hồng

Thành phố Lào Cai đang phát triển theo trục dòng sông Hồng

UBND thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) vừa công bố quy hoạch Khu đô thị bờ hữu ngạn sông Hồng từ đường B10 đến suối Ngòi Đường (phường Bình Minh).

Dự án có tổng diện tích 46,8 ha, thuộc địa phận phường Bình Minh, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai). Phía Bắc, Đông và Đông Bắc của Dự án giáp bờ hữu ngạn sông Hồng; phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam giáp Tiểu khu đô thị số 6 và số 7 Lào Cai, Khu dân cư B9, đường Võ Nguyên Giáp và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai; phía Nam giáp cửa suối Ngòi Đường chảy ra sông Hồng.

Quy mô dân số Dự án là 20.000 người. Đây là khu vực phát triển khu đô thị mới thuộc phường Bình Minh với các công trình công cộng, phúc lợi xã hội, dịch vụ, hệ thống dân cư đô thị, công viên cây xanh...

Dự án được chia thành 2 phân khu chức năng chính: Khu dân cư đô thị bao gồm các khu ở liền kế kết hợp với các công trình dịch vụ thương mại phục vụ cho khu dân cư đô thị và các khu cây xanh cảnh quan đô thị.

Khu công viên chuyên đề gồm khu công viên, cây xanh cảnh quan kết hợp với các hoạt động thể dục thể thao, các khu vui chơi công cộng, sân tập ngoài trời, quảng trường, khu bảo tồn thực vật, vườn đa dạng sinh học phục vụ cho nhu cầu dân cư đô thị...

Khu dân cư đô thị với hình thức ở liền kề được bố trí dọc theo các tuyến đường giao thông nội bộ tạo thành các cụm dân cư tập trung với 2 hướng nhìn chủ đạo là hướng ra phía bờ sông Hồng và hướng ra phía tuyến đường trục chính Võ Nguyên Giáp chạy dọc theo sông Hồng nằm trong khu vực quy hoạch.

Bộ Giáo dục chấn chỉnh việc cấp chứng chỉ Aptis của Hội đồng Anh

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, việc Hội đồng Anh cấp chứng chỉ Aptis sau ngày 11/11/2022 là không tuân thủ quyết định của Bộ, yêu cầu Hội đồng đảm bảo quyền lợi người dự thi.

Sinh viên trường Tôn Đức Thắng đến trung tâm của Hội đồng Anh tại quận 10, TP.HCM đề nghị được giải thích về chứng chỉ Aptis

Sinh viên trường Tôn Đức Thắng đến trung tâm của Hội đồng Anh tại quận 10, TP.HCM đề nghị được giải thích về chứng chỉ Aptis

Ngày 1/3, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ GD&ĐT cho biết, ngày 27/2, đơn vị đã có văn bản gửi Hội đồng Anh và các bên liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis.

Cục khẳng định, việc các bên sử dụng mẫu chứng chỉ Aptis cũ (General) để cấp cho người dự thi sau ngày 11/11/2022 mà không báo cáo Bộ GD&ĐT là chưa tuân thủ quyết định của Bộ. Trước đó, Bộ đã tiến hành cấp phép, để Hội đồng Anh cấp chỉ một loại chứng chỉ có tên Aptis ESOL.

Ông Phong cũng cho biết, trước đó đã nhận được tường trình của Hội đồng Anh, trong đó nêu từ khi được Bộ cấp phép đến ngày 22/12/2022, Hội đồng Anh và các bên liên kết đã tổ chức thi và cấp chứng chỉ Aptis cho hơn 6.000 người.

Theo Hội đồng Anh, chứng chỉ Aptis và Aptis ESOL có giá trị pháp lý như nhau. Trong thời gian nói trên, Hội đồng Anh và các bên liên kết cấp mẫu chứng chỉ Aptis cũ do phôi chứng chỉ mới chưa kịp về Việt Nam. Ngoài ra, do sơ suất về mặt hành chính, các bên chưa kịp thời báo cáo Cục Quản lý chất lượng.

Nhiều sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thi và được cấp chứng chỉ Aptis General từ 11 - 22/12/2022. Sinh viên đem nộp cho Trường đại học để xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ thì không được Trường tiếp nhận; quay lại Hội đồng Anh yêu cầu giải thích, sinh viên cho biết tổ chức này đề nghị họ tự làm việc với Trường để được công nhận chứng chỉ.

Trong lúc đó, ngày 24/2, Trường Đại học Tôn Đức Thắng ra thông báo loại chứng chỉ Aptis khỏi danh mục chứng chỉ xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Theo thống kê của các sinh viên, hơn 700 người bị ảnh hưởng vì sự việc, có thể phải tốt nghiệp muộn hơn so với kế hoạch, lỡ các cơ hội việc làm.

Thêm 715 thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn

Ngày 1/3, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Vũ Tuấn Cường đã ký quyết định gia hạn đợt 2 cho 715 số đăng ký thuốc trong nước và nước ngoài. Nâng tổng số thuốc được gia hạn đến thời điểm hiện tại là 9.593 thuốc, kịp thời đáp ứng nguồn cung về thuốc cho khám chữa bệnh.

Cục Quản lý Dược gia hạn thêm 715 thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế

Cục Quản lý Dược gia hạn thêm 715 thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 80 ngày 9/1/2023 của Quốc hội, trong ngày 1/3, Cục Quản lý Dược đã có quyết định công bố Danh mục 715 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15.

Theo đó, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Đây là đợt gia hạn thứ 2 của năm 2023 theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.

Trong số 715 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn lần này, có 713 thuốc sản xuất trong nước; 2 sản phẩm thuốc nước ngoài.

Các thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố gia hạn đợt này có cả thuốc điều trị bệnh lý thông thường đến điều trị bệnh lý chuyên khoa đặc trị như tim mạch, tiêu hoá, tiểu đường, cơ xương khớp, hô hấp, nhiễm khuẩn, ung thư..., kháng sinh, kháng viêm.

Tại quyết định này, Cục Quản lý Dược nêu rõ, trong trường hợp thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã thực hiện thay đổi, bổ sung trong quá trình lưu hành hoặc có đính chính, sửa đổi thông tin liên quan đến giấy đăng ký lưu hành đã được cấp, doanh nghiệp xuất trình văn bản phê duyệt hoặc xác nhận của Cục Quản lý Dược với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật.

TP.HCM tháo dỡ cầu đi bộ ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất

Cầu đi bộ trên đường Phan Thúc Duyện được phá dỡ để thi công đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà (TP.HCM), giảm kẹt xe ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất, sáng 1/3.

Cầu đi bộ băng qua đường Phan Thúc Duyện

Cầu đi bộ băng qua đường Phan Thúc Duyện

Cầu đi bộ dài khoảng 20 m, rộng 4 m, cao hơn 5 m nối hai bên công viên Hoàng Văn Thụ được xây hơn 10 năm trước để thuận tiện cho người dân ra, vào công viên.

Đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, buộc phải phá dỡ cầu đi bộ để thi công đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, đang triển khai gần công viên Hoàng Văn Thụ. Sau khi các hạng mục tại khu vực này hoàn thành, cầu sẽ được xây lại.

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, dài 4 km, được TP.HCM khởi công cuối năm ngoái với tổng kinh phí hơn 4.800 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục hầm chui tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện là gói thầu đầu tiên được triển khai.

Điểm đầu tuyến đường mới ở nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; điểm cuối tại đoạn giao đường C12 - Cộng Hoà - Trường Chinh. Mặt đường chính rộng 25 - 48 m, 6 làn xe, hai đường nhánh quy mô 3 - 4 làn. Trên tuyến có một cầu cạn dài gần một km, 4 làn xe; hai hầm chui ở các nút giao, mỗi hầm cho 2 làn xe.

Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 8/2024, giúp kết nối đồng bộ nhà ga T3 và giảm ùn tắc cho cửa ngõ Tân Sơn Nhất, hoàn thiện hệ thống tại quận Tân Bình...

Chuyên đề