Hà Nội cho phép mở lại hoạt động kinh doanh ăn, uống phục vụ trong nhà
Hoạt động kinh doanh ăn, uống phục vụ trong nhà ở Thủ đô được mở cửa trở lại từ 0h ngày 2/3, nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Hà Nội cho phép mở lại hoạt động kinh doanh ăn, uống phục vụ trong nhà |
Theo Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, kể từ 0h ngày 2/3, nhà hàng kinh doanh ăn, uống phục vụ trong nhà được mở cửa trở lại nhưng phải đảm bảo giãn cách một mét với khách, hoặc có tấm chắn giữa chỗ ngồi; khuyến khích bán hàng mang về.
Các dịch vụ vũ trường, bar, karaoke, cà phê và trà đá ở vỉa hè... tiếp tục bị dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, Thủ đô đã qua 14 ngày (từ ngày 16/2 đến nay) không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, ông Hạnh cho rằng vẫn có nguy cơ xuất hiện ca mắc mới trong thời gian tới, khi các trường cao đẳng, đại học mở cửa trở lại và đón những trường hợp đến từ vùng dịch; chuyên gia tiếp tục nhập cảnh...
Tiếp tục hỗ trợ thuế và phí cho các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19
Bộ Tài chính đề xuất gia hạn, điều chỉnh giảm 29 loại thuế, phí với mức giảm từ 50 - 100% đến ngày 30/6 và tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm nay.
Bộ Tài chính trình tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 |
Bộ Tài chính cho biết để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, cơ quan này đã chủ động nghiên cứu và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng những giải pháp, cơ chế tài chính thiết thực, như giảm nhiều loại thuế, phí trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, áp dụng trong năm 2021.
Cụ thể, Bộ trình Chính phủ thông qua chính sách giãn, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư để sửa đổi 31 Thông tư thu phí, lệ phí hiện hành theo hướng miễn hoặc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí có hiệu lực đến hết năm 2020.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, trước tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, theo đánh giá của các bộ, ngành thì ảnh hưởng của dịch sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2021, do đó Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất gia hạn, điều chỉnh giảm mức thu của 29 loại thuế, phí với mức giảm từ 50 - 100% đến ngày 30/6. Bộ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021.
Hải Dương dừng cách ly xã hội từ 3/3
Từ 0h ngày 3/3, toàn tỉnh Hải Dương kết thúc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, chuyển sang trạng thái mới thực hiện "mục tiêu kép”.
Hải Dương dừng cách ly xã hội từ 3/3 |
Theo ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, tỉnh Hải Dương kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, gỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với TP. Chí Linh và huyện Cẩm Giàng từ 0h ngày 3/3.
Hải Dương chuyển sang trạng thái mới quyết liệt dập dịch triệt để và tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, bởi chống dịch nhưng người dân vẫn phải cần thu nhập, cần phát triển kinh tế - xã hội.
12 đơn vị hành chính được phân ra làm hai nhóm nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh hiệu quả hơn, phù hợp với nguy cơ trên từng địa bàn. Các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Cẩm Giàng và TP. Hải Dương cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng (giãn cách xã hội, tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu).
8 huyện thị, thành phố còn lại gồm TP. Chí Linh, Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Nam Sách, Ninh Giang, Thanh Hà thực hiện Chỉ thị 19, có thể nới lỏng biện pháp chống dịch, khôi phục hoạt động kinh tế xã hội trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh...
Ban thường vụ Tỉnh ủy giao quyền cho lãnh đạo cấp huyện áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông, dịch vụ theo từng địa bàn. Nơi nguy cơ cao có thể áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn. Ngược lại, nơi nguy cơ thấp áp dụng biện pháp linh hoạt để kéo dần sản xuất kinh doanh trở lại bình thường.
Những địa bàn diện hẹp đang phong tỏa thì tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt, không phụ thuộc vào việc hết cách ly của toàn Tỉnh.
Gỡ bỏ lệnh cấm các loại xe qua tuyến đường bị sạt lở Sao Bọng - Đăng Hà
Bình Phước có văn bản điều chỉnh giao thông tuyến ĐT 755B (đường Sao Bọng - Đăng Hà), tuyến đường độc đạo nối tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng sau thời gian khắc phục sự cố sạt lở, trượt lún nền mặt đường.
Taluy mặt đường Sao Bọng-Đăng Hà tại vị trí km 18+600 bị sạt lở xuống vực sâu |
UBND tỉnh Bình Phước vừa có văn bản thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến ĐT 755B (đường Sao Bọng - Đăng Hà), tuyến đường độc đạo nối tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng sau thời gian khắc phục sự cố sạt lở, trượt lún nền mặt đường.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, đến nay, công tác thi công, khắc phục sự cố sạt lở, trượt lún nền mặt đường tại Km 18+300 tuyến Sao Bọng - Đăng Hà đã hoàn thành.
Để tạo điều kiện lưu thông qua đoạn tuyến này được thuận lợi, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của nhân dân trong khu vực, UBND Tỉnh gỡ bỏ lệnh cấm các xe tải có tổng trọng tải lớn hơn 16 tấn lưu thông qua đoạn tuyến từ Km 16+000 đến Km 21+369 tuyến đường Sao Bọng - Đăng Hà.
Trước đó, tháng 10/2020, tuyến đường Sao Bọng - Đăng Hà xuất hiện hiện tượng sạt lở và trượt lún nền mặt đường. Ngoài vị trí trượt lún tại Km 18 +600, có 10 vị trí khác trên tuyến cũng xảy ra sạt lở phần taluy âm, có nhiều nơi tạo thành hàm ếch ăn sâu vào mặt đường, gây nguy hiểm cho phương tiện giao thông qua lại.
Khởi tố nguyên giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thành phố Huế
Ông Hồ Chí Quý, nguyên Giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP. Huế đã bị Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến việc ký khống giấy tờ đất.
Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố các cán bộ liên quan đến sai phạm ký khống giấy tờ đất đai diễn ra ở phường Thủy Xuân (TP. Huế, Thừa Thiên Huế) |
Theo đó, ông Quý bị khởi tố, bắt tạm giam để làm rõ hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ việc ký khống giấy tờ đất để trục lợi, gây thất thoát hơn 4 tỷ đồng diễn ra tại phường Thủy Xuân (TP. Huế).
Cũng liên quan đến vụ việc này, trước đó Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Văn Hòa, nguyên chủ tịch UBND phường Thủy Xuân (TP. Huế) và các cán bộ liên quan.
Theo đó, vào năm 2015, UBND phường Thủy Xuân (TP. Huế) có nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của bà Nguyễn Thị Cẩn (trú tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) tại hai thửa đất số 51 và 52 tại tờ bản đồ số 12 (địa chỉ tổ 19, khu vực 5, phường Thủy Xuân, TP. Huế).
Hai thửa đất này lần lượt có diện tích là 2.259,1m2 và 1.613,3m2, loại đất ở tại đô thị, không thu tiền sử dụng đất.
Sau khi nhận hồ sơ, ông Hòa lúc này là chủ tịch UBND phường Thủy Xuân đã cấu kết với những người trên không xác minh, thẩm định độ chính xác, tính pháp lý của bộ hồ sơ. Ông Hòa đã ký khống phê duyệt rồi trình lên UBND TP. Huế để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho bà Cẩn tại hai thửa đất nói trên.