Giá xăng giảm nhẹ 450-630 đồng mỗi lít tại kỳ điều hành ngày 21/9
Từ 15h ngày 21/9, mỗi lít xăng giảm 450 - 630 đồng, dầu giảm mạnh hơn, ở mức 380 - 1.970 đồng mỗi lít.
Giá xăng dầu đồng loạt giảm từ chiều 21/9 |
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 21/9, mỗi lít xăng RON 95-III giảm 630 đồng về 22.580 đồng và E5 RON 92 giảm 450 đồng về mức 21.780 đồng. Giá xăng trong nước có kỳ giảm lần thứ 8 trong 2,5 tháng qua, về mức thấp nhất từ đầu năm.
Giá dầu diesel giảm mạnh hơn, với mức 1.650 đồng một lít, có giá bán tối đa là 22.530 đồng/lít. Tương tự, mỗi lít dầu hỏa cũng giảm 1.970 đồng, còn 22.440 đồng/lít. Dầu mazut giảm 380 đồng/kg, chỉ còn 14.650 đồng.
Ở kỳ điều hành ngày 21/9, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục không chi sử dụng Quỹ bình ổn với xăng. Mức chi Quỹ với dầu cũng giảm về 0 đồng. Mức trích lập vào Quỹ với xăng RON 95-III và E5 RON 92 vẫn giữ nguyên, lần lượt là 450 đồng và 451 đồng một lít. Trong khi đó, mức trích với dầu tăng từ 90 đồng lên 300 đồng, dầu hoả từ 200 đồng lên 300 đồng một lít. Mỗi kg dầu mazut vẫn có mức trích lập 741 đồng một kg, như cách đây 10 ngày.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 25 lần điều chỉnh với 13 lần tăng, 11 lần giảm và một lần giữ nguyên.
TP.HCM đề xuất mở rộng, kéo dài thời gian hỗ trợ tiền thuê nhà đến 30/9
UBND TP.HCM đề xuất mở rộng hỗ trợ tiền thuê nhà đến tất cả người lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp, tổ chức và kéo dài thời gian hỗ trợ đến 30/9.
Thành phố đề xuất mở rộng, kéo dài thời gian hỗ trợ tiền thuê nhà đến 30/9 |
Vừa qua, trong báo cáo gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), UBND TP.HCM đã nêu kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng đối tượng hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ đến tất cả người lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp, tổ chức.
Theo UBND TP.HCM, nguyên nhân đề xuất như vậy do người lao động làm việc đủ điều kiện hưởng hỗ trợ nhưng lại không làm việc ở loại hình hoạt động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng hỗ trợ.
Để giải quyết những khó khăn trong việc hỗ trợ, UBND TP.HCM cũng đề xuất Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục giải quyết các trường hợp đã có xác nhận của cơ quan BHXH trước ngày 18/5. Đồng thời, kéo dài thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 20/9 (thay vì 15/8 theo quy định) và hoàn thành công tác giải ngân đến ngày 30/9.
Đến nay, TP.HCM đã phê duyệt hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà đến gần 70.000 lượt hồ sơ doanh nghiệp với hơn 1,6 triệu lượt người, số tiền hỗ trợ 975 tỷ đồng đạt 100% hồ sơ đủ điều kiện. Thành phố đã chuyển kinh phí đến gần 65.000 lượt doanh nghiệp với hơn 1,5 triệu lượt người, số tiền hỗ trợ gần 950 tỷ đồng, chiếm hơn 97% so với phê duyệt.
Đường sắt tiếp tục lỗ 30 tỷ
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nửa đầu năm lỗ 30 tỷ đồng và dự kiến cả năm lỗ 570 tỷ đồng, nối mạch kinh doanh ảm đạm 3 năm liền. Năm nay, công ty này đã giảm lỗ đáng kể so với khoản lỗ 100 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nửa đầu năm lỗ 30 tỷ đồng và dự kiến cả năm lỗ 570 tỷ đồng |
Báo cáo tài chính của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (công ty mẹ) ghi nhận doanh thu nửa đầu năm tăng trưởng 36% so với cùng kỳ, đạt gần 1.050 tỷ đồng. Các chỉ tiêu khác như chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi vay, cổ tức đều cải thiện đáng kể so với cùng kỳ nhưng Tổng công ty vẫn lỗ sau thuế khoảng 30 tỷ đồng. Giai đoạn này năm ngoái, khoản lỗ lên đến 100 tỷ đồng.
Việc thua lỗ không nằm ngoài dự kiến của ban lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Theo kế hoạch công bố đầu năm, Tổng công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.622 tỷ đồng và lỗ sau thuế 570 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp Tổng công ty kinh doanh dưới giá vốn, chủ yếu vì sản lượng hành khách giảm mạnh bởi dịch bệnh. Hai năm trước, Tổng công ty lần lượt lỗ sau thuế 1.327 tỷ đồng và 565 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 6, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có tài sản hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng công ty đang nợ gần 2.230 tỷ đồng và khoản lỗ chưa phân phối hơn 1.850 tỷ đồng.
Chủ tịch huyện Kon Plông bị cách chức
Ông Đặng Thanh Nam bị cách chức Chủ tịch UBND huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) do vi phạm trong quản lý đất đai, giao đất trái luật.
Ông Đặng Thanh Nam |
Quyết định kỷ luật ông Nam được công bố ngày 21/9, sau gần một tháng ông bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum cách hết chức vụ trong Đảng, do sai phạm khi triển khai dự án khu biệt thự ở huyện Kon Plông.
Trước đó, từ năm 2019, dự án rộng hơn 21 ha nói trên được huyện thống nhất triển khai, làm đường, cơ sở hạ tầng khi UBND Tỉnh chưa chấp thuận. Ngoài ra, khu vực thực hiện dự án có hơn 6 ha rừng sản xuất (rừng tự nhiên 5,75 ha, rừng trồng 0,26 ha). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau đó đề nghị địa phương làm rõ vì sao để mất rừng, kiểm điểm và xử lý sai phạm.
Ông Nam cũng bị cho đã ký 5 quyết định giao đất quy hoạch là các khu biệt thự không qua đấu giá, trái luật. Các lô đất này nằm ở thị trấn Măng Đen, rộng 300 m2, thời hạn sử dụng lâu dài.
Đà Nẵng xin ý kiến về khu vực được xây nhà cao tầng hơn 80 m
Dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Đà Nẵng đang được xin ý kiến nhân dân, trong đó có quy định khu vực được xây nhà cao tầng trên 80 m.
Trung tâm mở rộng của Đà Nẵng sẽ bao gồm một phần quận Sơn Trà và khu vực này dự kiến được phép xây nhà cao tầng trên 80m |
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết, đơn vị đề xuất khu vực được xây nhà cao tầng trên 80 m là trung tâm thành phố mở rộng, gồm một phần quận Hải Châu và một phần Sơn Trà. Đây là khu đô thị hướng biển, từng được nhiều chuyên gia hiến kế xây nhà cao tầng vì không bị hạn chế bởi tĩnh không sân bay.
Thành phố khuyến khích phát triển cao tầng tại khu vực giao cắt các trục đường chính đô thị, hướng biển theo điểm, cụm, tuyến để tạo nhịp điệu và tạo hình ảnh chung cho từng khu vực đô thị. Hành lang ven biển sẽ hạn chế các công trình cao tầng, tránh tạo vách bêtông liên tục dọc bờ biển, ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan chung.
Theo Dự thảo, khu vực cho xây dựng nhà trung bình từ 60 - 80 m là trung tâm thành phố hiện hữu, gồm một phần quận Hải Châu, phù hợp với tĩnh không sân bay và đảm bảo hài hòa giữa các tòa nhà, đường phố với cảnh quan hiện tại. Cạnh đó là phân khu đô thị sườn đồi, nhằm khuyến khích phát triển các mô hình nhà ở cao tầng mới.
Dọc vịnh Đà Nẵng, người dân được phép xây dựng nhà cao từ 40 - 60 m, để tầm nhìn ra vịnh không bị hạn chế.
Khu vực quanh sân bay thì được xây các tòa nhà tầm trung, do ảnh hưởng tĩnh không sân bay. Riêng khu vực nằm trong hành lang cất - hạ cánh của sân bay, các nhà xưởng trong khu công nghiệp, nhà ở riêng lẻ phía Nam Thành phố phải xây nhà thấp tầng.
Dự thảo cũng nêu rõ, khu vực an ninh quốc phòng cần kiểm soát tầng cao công trình để đảm bảo các quy định về an ninh quốc phòng và khu vực phòng thủ theo Nghị định số 32/2016 của Chính phủ.
Sở GTVT TP.HCM kiến nghị "giải cứu" cầu Tân Kỳ Tân Quý
Nhằm đảm bảo tính kết nối giao thông, Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản khẩn kiến nghị HĐND TP.HCM về việc đầu tư hoàn thiện cầu Tân Kỳ Tân Quý bằng nguồn vốn ngân sách.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý xây dựng dang dở gần 4 năm nay |
Dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân, TP.HCM) có chiều dài 385 m, tổng mức đầu tư 491,6 tỷ đồng, đề xuất xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố, dự kiến thực hiện giai đoạn 2022 - 2025.
Theo Sở GTVT TP.HCM, cầu Tân Kỳ Tân Quý mới là công trình trọng điểm nhằm thay thế cầu cũ. Xét thấy vị trí khu vực sự cố nằm liền kề với Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc thực hiện theo hợp đồng BOT đã ký kết giữa Công ty IDICO-IDI với UBND TP.HCM, UBND Thành phố đã xin ý kiến Chính phủ bổ sung cầu tạm và cầu mới Tân Kỳ Tân Quý vào hợp đồng này. Việc này được Chính phủ đồng ý. Dự án xây cầu sau đó được khởi công từ quý I/2018, riêng hạng mục cầu tạm đưa vào sử dụng năm 2016.
Theo phụ lục hợp đồng BOT, nhà đầu tư sẽ thu phí tại trạm thu phí An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1 để hoàn vốn cho Dự án. Tuy nhiên, khi công trình đạt 70% khối lượng, do vướng mặt bằng nên nhà đầu tư tạm dừng thi công từ tháng 12/2018 đến nay.
Các hạng mục còn lại gồm: Xây dựng cầu mới Tân Kỳ Tân Quý với chiều dài đường vào cầu 225 m, bề rộng cầu 16 m; xây dựng phần đường đầu cầu; xây dựng đường gom 2 bên cầu…
Năm 2019, thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, đảm bảo lợi ích người dân sử dụng công trình công cộng, Thành phố đã có quyết định tạm dừng dự án này theo hình thức BOT.
Để sớm hoàn thành công trình dang dở, phục vụ việc đi lại thuận tiện cho người dân, Sở GTVT kiến nghị HĐND Thành phố xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án này bằng nguồn vốn ngân sách gần 492 tỷ đồng.
Khó khăn nhiều nhất theo Sở GTVT, do việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ dự án đối tác công tư (PPP) sang vốn đầu tư công là chưa có tiền lệ.
Huế chi 20 tỷ đồng chỉnh trang khu du lịch bỏ hoang
Chính quyền TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) chi 20 tỷ đồng để chỉnh trang Hồ Thủy Tiên ở xã Thủy Bằng thành công viên cộng đồng sau nhiều năm bỏ hoang.
Nhà thủy cung với kiến trúc con rồng ở hồ Thủy Tiên |
Ngày 21/9, Chủ tịch TP. Huế Võ Lê Nhật cho biết, một tuyến đường dạo quanh hồ Thủy Tiên sẽ được xây dựng với chiều dài hơn 2 km, rộng 4,5 - 6 m, lót bằng đá granit trên nền bêtông. Hệ thống đèn chiếu sáng, cấp thoát nước cũng được đầu tư.
Theo ông Nhật, Dự án thực hiện trong hai năm với mục tiêu chỉnh trang môi trường đô thị, tạo cảnh quan sinh thái, điểm nhấn tham quan du lịch.
Khu vui chơi, giải trí hồ Thủy Tiên do Công ty Du lịch Cố đô Huế đầu tư xây dựng từ năm 2001 với tổng kinh phí 70 tỷ đồng. Công trình bao gồm nhiều hạng mục như nhà thủy cung, sân khấu nhạc nước, hệ thống các trò chơi nước, đường dạo quanh hồ. Trong đó, nhà thủy cung với kiến trúc con rồng uốn lượn trên mặt hồ là công trình nổi bật nhất.
Năm 2008, Công ty Haco Huế tiếp quản Dự án để nâng cấp, đầu tư song chậm triển khai. Đến năm 2017, công ty này không còn khả năng hoàn thành Dự án. Tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định thu hồi đất Dự án và giao lại cho Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh quản lý.
Từ đó đến nay, khu du lịch này bị bỏ hoang, các công trình bên trong xuống cấp. Dù vậy, nơi đây lại trở thành điểm tìm đến check-in nổi tiếng của nhiều du khách nước ngoài và những người trẻ bởi không gian có phần ma mị, hoang vu.
Quảng Ninh thu ngân sách 9 tháng từ xuất nhập khẩu tăng 53%
9 tháng năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt trên 40.600 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Quảng Ninh thu ngân sách 9 tháng từ xuất nhập khẩu tăng 53% |
Theo thống kê, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 10.800 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ; thu nội địa đạt trên 29.800 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Dự kiến, thu ngân sách nhà nước ước thực hiện cả năm 2022 của tỉnh Quảng Ninh sẽ đạt trên 55.000 tỷ đồng, tăng 5% cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 13.000 tỷ đồng, thu nội địa ước đạt trên 42.000 tỷ đồng, bằng 100% dự toán.
Nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả cao là nhờ tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gắn với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với chính sách của phía Trung Quốc.