Bản tin thời sự sáng 22/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cảnh báo giả mạo văn bản của BHXH Việt Nam yêu cầu cập nhật VssID; Quốc lộ 32 qua đèo Khau Phạ đã được thông tuyến sau sạt lở; sáng 22/7, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết hầu tòa; TP.HCM sẽ xây hầm chui hơn 1 km, 4 làn xe nối Quận 1 và Quận 4…

Cảnh báo giả mạo văn bản của BHXH Việt Nam yêu cầu cập nhật VssID

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cảnh báo hiện tượng giả mạo văn bản nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản cá nhân, gây thiệt hại về tài chính của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của ngành BHXH.

Nội dung văn bản giả mạo

Nội dung văn bản giả mạo

Ngày 21/7, BHXH Việt Nam ra văn bản cảnh báo về việc có hiện tượng giả mạo văn bản yêu cầu cập nhật mới ứng dụng VssID 4.0.

BHXH cho biết, ngày 19/7/2024, BHXH Việt Nam nhận được thông tin từ BHXH tỉnh Bình Dương về việc có một văn bản giả mạo BHXH Việt Nam với số ký hiệu 2133/BHXH-CSYT ngày 1/7/2024 gửi đến một trường tiểu học thuộc tỉnh Bình Dương qua email.

Trong văn bản này có nội dung: “Điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng theo quy định tại khoản 2, Điều 1 Nghị định số 75/2024/NĐ-CP và triển khai bảo hiểm số VssID 4.0. Đồng thời, hủy sổ bảo hiểm, thẻ y tế và chuyển đổi số đồng loạt sang ứng dụng VssID 4.0 bằng căn cước công dân gắn chíp...”.

BHXH Việt Nam khẳng định, văn bản với nội dung nêu trên là giả mạo, nhằm thông tin về ứng dụng VssID 4.0 mà đối tượng lừa đảo đã lập trên app, nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản cá nhân, gây thiệt hại về tài chính của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của ngành BHXH.

Để kịp thời ngăn chặn hành vi có dấu hiệu lừa đảo và xử lý thông tin mạo danh BHXH Việt Nam trong chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, bảo hiểm y tế, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

Kịp thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị, người lao động trên địa bàn quản lý biết thông tin, hình thức giả mạo văn bản để nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng BHXH số VssID của BHXH Việt Nam theo Văn bản số 2207/KH-BHXH ngày 12/8/2022 của BHXH Việt Nam.

Chỉ tiếp nhận và xử lý văn bản của BHXH Việt Nam gửi qua Hệ thống văn bản quản lý và điều hành (phần mềm Eoffice) hoặc trường hợp văn bản mật, văn bản giấy gửi theo hệ thống bưu cục Trung ương, Bưu điện; chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời nhận biết, ngăn chặn các thông tin giả mạo ngay từ khi phát hiện…

Quốc lộ 32 qua đèo Khau Phạ đã được thông tuyến sau sạt lở

Đến gần 13h ngày 21/7, Quốc lộ 32 (đoạn từ UBND xã Cao Phạ đến đỉnh đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đã được thông tuyến, các phương tiện lưu thông trở lại.

Mưa lớn làm sạt lở 15 điểm trên Quốc lộ 32 (đoạn qua địa phận xã Khau Phạ), trong đó có 6 điểm tắc đường, xe ô tô không qua lại được

Mưa lớn làm sạt lở 15 điểm trên Quốc lộ 32 (đoạn qua địa phận xã Khau Phạ), trong đó có 6 điểm tắc đường, xe ô tô không qua lại được

Đêm 20, rạng sáng 21/7, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có đã xảy ra mưa lớn kéo dài, sạt lở đất gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp và hệ thống giao thông.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, mưa lớn, sạt lở đất đã gây thiệt hại 13 ngôi nhà dân ở các huyện Trấn Yên, Mù Cang Chải và Yên Bình; trong đó có 9 ngôi nhà bị sạt lở đất đá vào, 3 nhà bị ngập úng và 1 nhà bị tốc mái.

Ngoài ra, giao thông trên tuyến Quốc lộ 32, đoạn từ UBND xã Cao Phạ đến đỉnh đèo Khau Phạ (từ km259+100+Km269+300) có 9 vị trí bị sạt lở với khoảng 2.100 m3 đất đá, gây chia cắt giao thông; sạt lở taluy dương với khối lượng khoảng 100 m3 đất đá tại tuyến đường thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên đi xã Đại Sơn. Có một số diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại (hơn 0,3 ha); có 153 con gia súc, gia cầm bị chết…

Ngay sau khi nhận được tin báo từ cơ sở, chính quyền các địa phương đã khẩn trương phân công lực lượng thống kê thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ bị thiệt hại dọn dẹp bùn đất tràn vào nhà, sớm ổn định cuộc sống; đồng thời, cắt cử lực lượng trực tại các điểm giao thông bị sạt lở, không cho người dân qua lại, tránh nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.

Công ty CP Xây dựng đường bộ I-Yên Bái đã phối hợp với các lực lượng tại chỗ huy động nhiều phương tiện, máy móc, nhân lực khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở.

Đến gần 13h ngày 21/7, Quốc lộ 32 (đoạn từ UBND xã Cao Phạ đến đỉnh đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải) đã được thông tuyến, các phương tiện lưu thông trở lại.

Sáng 22/7, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết hầu tòa

Sáng 22/7, TAND TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hàng không Tre Việt) và 49 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC) và bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC) bị xét xử về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Liên quan đến hành vi phạm tội của Trịnh Văn Quyết, 4 cựu lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Trần Đắc Sinh (cựu chủ tịch HĐQT), Lê Hải Trà (cựu Tổng Giám đốc, cựu ủy viên HĐQT, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết), Trần Tuấn Vũ (cựu Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng niêm yết) và Lê Thị Tuyết Hằng (cựu Giám đốc Phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết).

3 cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bị truy tố về tội “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” gồm: Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng), Dương Văn Thanh (cựu Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) và Phạm Minh Trung (cựu Trưởng phòng đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam).

40 bị cáo khác bị xét xử về các tội: “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

TAND TP. Hà Nội xác định, 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) của Công ty CP Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS) là bị hại trong vụ án. Hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của Công ty CP Xây dựng FLC Faros được xác định là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Đề xuất giảm hạn mức đất ở tại nhiều quận, huyện TP.HCM

Hạn mức đất ở tại TP. Thủ Đức, quận 7, 12, Bình Tân dự kiến giảm còn tối đa 160 m2, các huyện không quá 250 m2 mỗi hộ do đô thị nhanh, quỹ đất không còn nhiều.

Một khu đô thị đang xây dở tại phường An Khánh, TP. Thủ Đức

Một khu đô thị đang xây dở tại phường An Khánh, TP. Thủ Đức

Nội dung vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cùng các sở ngành liên quan góp ý triển khai. Việc điều chỉnh như trên áp dụng với các hộ, cá nhân sử dụng đất trước 15/10/1993 trên địa bàn Thành phố.

Đất ở là diện tích được sử dụng cho xây dựng nhà, công trình phục vụ đời sống; đất vườn, ao gắn liền với nhà ở trong cùng thửa. Hạn mức đất ở được đưa ra để cơ quan quản lý dựa vào khi công nhận quyền sử dụng đất, giao đất cho người dân. Mỗi tỉnh, thành phố có hạn mức đất ở khác nhau.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện TP. Thủ Đức và quận 7, 12, Bình Tân có hạn mức đất ở tối đa 200 m2 mỗi hộ. Với dự thảo quy định mới, hạn mức đất ở tại 4 địa bàn này còn 160 m2, tương đương các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú.

Ngoài những địa bàn trên, các khu dân cư nông thôn thuộc huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ, hạn mức đất ở được đề xuất không quá 250 m2, thay vì 300 m2 mỗi hộ, cá nhân như trước. Riêng các thị trấn thuộc 5 huyện ngoại thành, hạn mức đất ở không thay đổi, vẫn mức tối đa 200 m2.

Lý giải đề xuất giảm hạn mức đất ở tại các khu vực trên, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết TP. Thủ Đức (sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức cũ) cùng với quận 7, 12, Bình Tân có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu phát triển nhà ở tương tự quận nội thành. Mặt khác, nhu cầu sử dụng đất ở để xây nhà tại thành phố rất lớn, song quỹ đất không còn nhiều.

Thống kê 6 tháng đầu năm nay, nguồn thu từ đất đai tại TP.HCM đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 4,1% tổng thu ngân sách Thành phố. Nguồn thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, thuê đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất cùng các khoản phí và lệ phí.

Đức Long Gia Lai lại bị chủ nợ yêu cầu mở thủ tục phá sản

Lilama 45.3 có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản Đức Long Gia Lai và được Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai thụ lý. Đức Long Gia Lai cho biết đã trả tổng cộng 6 tỷ đồng cho Lilama 45.3.

DLG vừa nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Lilama 45.3

DLG vừa nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Lilama 45.3

Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và cổ đông, cho biết đã nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của Công ty CP Lilama 45.3.

Lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận có phát sinh khoản nợ đối với Công ty CP Lilama 45.3. Theo Bản án phúc thẩm ngày 8/2/2023 của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai, Công ty phải trả cho Lilama 45.3 khoản nợ gốc hơn 14,7 tỷ đồng và lãi chậm thanh toán hơn 2,3 tỷ đồng.

Tháng 7/2023, Lilama 45.3 đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai và Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS.

Đức Long Gia Lai sau đó có đơn đề nghị Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xem xét lại Quyết định. Cơ quan này đã xem xét quá trình hoạt động, nhận thấy công ty không mất khả năng thanh toán và có thiện chí, cam kết trả nợ cho Lilama 45.3, từ đó đã ra Quyết định hủy Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai.

Từ đó cho đến nay khoảng 8 tháng, Công ty vẫn đang triển khai các hoạt động bình thường, tiếp tục có thiện chí, trả nợ cho Lilama 45.3 theo đúng cam kết.

Hiện Đức Long Gia Lai đã gửi văn bản đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai xem xét lại điều kiện của việc Lilama 45.3 gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, để không thụ lý đơn và thu hồi Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

TP.HCM sẽ xây hầm chui hơn 1 km, 4 làn xe nối Quận 1 và Quận 4

Đường Tôn Đức Thắng sẽ được xây hầm chui hơn 1 km, có 4 làn xe với tổng vốn 2.100 tỷ đồng.

Đường Tôn Đức Thắng qua công viên bến Bạch Đằng sẽ được ngầm hóa, phía trên dành cho không gian đi bộ

Đường Tôn Đức Thắng qua công viên bến Bạch Đằng sẽ được ngầm hóa, phía trên dành cho không gian đi bộ

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM đưa vào kế hoạch ưu tiên đầu tư Dự án xây dựng hầm chui đường Tôn Đức Thắng trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Theo đó, hầm chui dưới đường Tôn Đức Thắng dài hơn 1 km (từ cầu Khánh Hội đến cầu Ba Son), rộng 20,5 m, đáp ứng 4 làn xe lưu thông hai chiều.

Tổng mức đầu tư hầm chui khoảng 2.100 tỷ đồng bằng ngân sách TP.HCM, triển khai giai đoạn 2024 - 2030.

Đường Tôn Đức Thắng nằm ở trung tâm Quận 1, dài khoảng 2 km, điểm đầu giao tuyến Lê Duẩn, sau đó chạy qua khu Ba Son rồi uốn theo công viên bến Bạch Đằng ven sông Sài Gòn đến cầu Khánh Hội.

Trục đường này kết nối trực tiếp phố đi bộ Nguyễn Huệ, công trường Mê Linh, công viên bến Bạch Đằng và là một trong vài tuyến chính qua lại giữa khu trung tâm với Quận 4 và khu Nam TP.HCM.

Theo Sở GTVT TP.HCM, việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng đã được đưa vào Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) Khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930 ha).

Theo đồ án trên, TP.HCM sẽ mở rộng không gian đô thị về phía sông Sài Gòn, trong đó tổ chức các không gian công cộng liên hoàn dọc bờ Tây sông Sài Gòn.

Mặt đất đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Hàm Nghi đến Công trường Mê Linh) dành cho không gian đi bộ và xe điện; chuyển giao thông cơ giới xuống đường ngầm bên dưới kết hợp với bãi xe ngầm.

Thời gian qua, sau khi công viên bến Bạch Đằng được chỉnh trang, thu hút nhiều người đến vui chơi, giải trí, nhưng khó kết nối qua trục Nguyễn Huệ. Điều này gây mất an toàn cho người đi bộ khi phải băng ngang đường Tôn Đức Thắng vốn có lượng xe qua lại rất cao.

Do đó, nếu ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng, khu vực trên có thể hình thành một trục không gian công cộng hấp dẫn, vì có thể tổ chức các hoạt động từ trên bờ ra sông Sài Gòn như nhạc nước, điểm ngắm pháo hoa.

Bị xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng vì sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng

Ngày 21/7, thông tin từ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Cục CSMT) cho biết, sau thời gian xem xét kết quả kiểm tra, thử nghiệm, giám định chất lượng và xác nhận từ cơ quan chức năng, Cục CSMT đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (tỉnh Thanh Hóa) số tiền hơn 1,3 tỷ đồng về hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón không đảm bảo chất lượng…

Số phân bón không đảm bảo chất lượng

Số phân bón không đảm bảo chất lượng

Kết quả thử nghiệm 14 mẫu phân bón của 7 loại sản phẩm phân bón NPK được Đoàn kiểm tra của Cục CSMT thu thập có các chỉ tiêu chính đạt yêu cầu, nhưng chỉ tiêu chất lượng bổ sung là Silic hữu hiệu đều không đạt. Lô hàng này có khối lượng hơn 525 tấn, Cục CSMT quyết định xử phạt ở mức hơn 1,2 tỷ đồng.

Đối với số hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ từ 3 lô phân bón hỗn hợp NPK có hàm lượng Silic hữu hiệu không phù hợp với quy chuẩn tại Công ty TNHH Vật tư Nông nghiệp Nam Hằng, Cục CSMT quyết định xử phạt Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông số tiền hơn 157 triệu đồng.

Hình phạt bổ sung được Cục CSMT đưa ra là buộc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông thay đổi mục đích sử dụng đối với 14 lô phân bón hỗn hợp NPK với số lượng đã sản xuất trên. Đồng thời buộc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông thu hồi, thay đổi mục đích sử dụng với 9,6 tấn phân bón tại Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Nam Hằng.

Đối với việc Công ty TNHH Giám định Viancontrol TP.HCM cấp Chứng nhận hợp quy cho Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, Cục CSMT xác định đơn vị này không áp dụng phương pháp thử đối với chỉ tiêu Silic hữu hiệu theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng phân bón. Ngược lại, đã xác định hàm lượng Silic hữu hiệu trong phân Silicat kiềm bằng phương pháp khối lượng để ban hành Chứng nhận hợp quy cho một số sản phẩm phân bón hỗn hợp NPK có chứa thành phần bổ sung Silic hữu hiệu phù hợp với Quy chuẩn Việt Nam là không đúng với quy định pháp luật.

Chuyên đề