Bản tin thời sự sáng 22/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam sản xuất lô vaccine Sputnik V đầu tiên; Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh thi đợt 2; đề xuất giảm chuyến bay chặng TP.HCM - Hà Nội; hơn 1.000 người đã được tiêm 2 mũi vaccine Nano Covax giai đoạn 3; TP.HCM yêu cầu lập khu cách ly F0 không triệu chứng…

Việt Nam sản xuất lô vaccine Sputnik V đầu tiên

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và Công ty Dược Vabiotech vừa công bố sản xuất thử nghiệm lô vaccine Sputnik V đầu tiên phòng chống Covid-19.

Vaccine Sputnik V đang được kỹ thuật viên đóng gói tại Công ty Vabiotech

Vaccine Sputnik V đang được kỹ thuật viên đóng gói tại Công ty Vabiotech

Theo Vabiotech, lô vaccine Sputnik V sản xuất đầu tiên khoảng 30.000 liều. Công việc gia công, đóng ống vaccine Sputnik V bắt đầu từ 3 tuần trước. Công ty đã gửi lô vaccine sang Viện Gamaleya tại Nga kiểm định, dự kiến Nga sẽ trả lời sau khoảng 30 ngày.

Trước đó, ngày 23/3, Bộ Y tế đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V.

RDIF cho biết, đến nay Sputnik V đã được đăng ký tại 68 quốc gia. Dữ liệu thu được từ chương trình tiêm chủng của nhiều nước, như Argentina, Serbia, Bahrain, Hungary, Mexico, UAE, Philippines…, cho thấy Sputnik V là một trong những vaccine phòng virus corona hiệu quả nhất, RDIF khẳng định.

Theo RDIF, vaccine Sputnik V sử dụng các véc-tơ adenovirus và dùng hai véc-tơ khác nhau cho hai mũi tiêm dùng cho một người, tạo nên khả năng miễn dịch lâu hơn những loại vaccine sử dụng cùng một véc-tơ cho cả hai mũi tiêm.

Giám đốc điều hành RDIF Kirill Dmitriev cho biết, RDIF và VABIOTECH đang tích cực hợp tác trong quá trình chuyển giao công nghệ để giúp người dân Việt Nam tiếp cận vaccine Sputnik dễ dàng hơn. Khi đại dịch vẫn chưa kết thúc và các biến chủng mới xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, RDIF đang tăng cường năng lực sản xuất Sputnik V nhằm tăng tốc tiêm chủng.

Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh thi đợt 2

Sở GD&ĐT TP.HCM tham mưu cho UBND Thành phố đề xuất Bộ GD&ĐT xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021 cho các thí sinh đủ điều kiện thi đợt 2.

Thí sinh TP.HCM dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1

Thí sinh TP.HCM dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1

Trong tờ trình gửi UBND Thanh phố, Sở GD&ĐT TP.HCM đánh giá tình hình dịch bệnh còn phức tạp, thời gian kết thúc thực hiện Chỉ thị 16 cận kề ngày thi.

Do đó, Sở cho rằng việc tổ chức thi đợt 2 bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu nghiêm túc, khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và tạo sự an tâm cho phụ huynh, thí sinh khó có thể thực hiện.

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, Sở cho rằng thí sinh TP.HCM chưa dự thi đợt 1 hoặc không thể hoàn thành thi đợt 1, đã đăng ký dự thi đợt 2, được xếp vào diện "có việc đột xuất đặc biệt" nên có thể xét đặc cách tốt nghiệp.

Hồ sơ xét đặc cách theo quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT. Để đảm bảo quyền lợi tuyển sinh đại học cho những thí sinh được đặc cách trong đợt 2, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất Bộ GD&ĐT, UBND TP.HCM yêu cầu các trường đại học bổ sung kỳ thi đánh giá năng lực hoặc các phương thức xét tuyển khác với những em này.

Hơn 85.000 thí sinh của TP.HCM đã dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Đợt 2, địa phương này có 3.234 thí sinh đăng ký thi, trong tổng số hơn 26.000 thí sinh của cả nước. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 kéo dài từ 5 - 7/8.

Đề xuất giảm chuyến bay chặng TP.HCM - Hà Nội

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị khai thác 2 chuyến bay khứ hồi chặng TP.HCM - Hà Nội hàng ngày, thay cho 8 chuyến hiện nay.

Đường bay TP.HCM - Hà Nội chỉ khai thác 2 chuyến khứ hồi với khoảng 100- 200 khách mỗi ngày.

Đường bay TP.HCM - Hà Nội chỉ khai thác 2 chuyến khứ hồi với khoảng 100- 200 khách mỗi ngày.

Bộ Giao thông vận tải vừa xin ý kiến Chính phủ về hai phương án khai thác đường bay từ Hà Nội đến các tỉnh phía Nam.

Phương án 1 sẽ dừng khai thác các đường bay Cần Thơ - Hà Nội, Phú Quốc - Hà Nội. Đường bay TP.HCM - Hà Nội giảm xuống còn 800 khách mỗi ngày (hiện nay tối đa là 1.700 khách). Ưu điểm của phương án này là đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách cần di chuyển giữa hai thành phố lớn, song nhược điểm là nguy cơ lây nhiễm giữa hành khách đi từ TP.HCM đến Hà Nội cao.

Phương án 2 sẽ dừng khai thác các đường bay Cần Thơ - Hà Nội, Phú Quốc - Hà Nội. Đường bay TP.HCM - Hà Nội chỉ khai thác 2 chuyến khứ hồi với khoảng 100 - 200 khách mỗi ngày.

Bộ Giao thông vận tải đánh giá phương án này lượng khách đi lại không nhiều nên việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 dễ dàng hơn, nhược điểm là nhu cầu đi lại của hành khách bị hạn chế tối đa. Để bảo vệ thủ đô Hà Nội không diễn biến xấu, Bộ này kiến nghị lựa chọn phương án 2.

Hiện nay, các cảng hàng không phía Nam thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch gồm: Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo. Ngành hàng không đã dừng khai thác các đường bay đến Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo; còn các đường bay từ TP.HCM, Cần Thơ, Phú Quốc đến Hà Nội giảm tối thiểu chuyến bay.

Đường bay Cần Thơ, Phú Quốc và Hà Nội hiện nay chỉ có một chuyến mỗi ngày. Đường bay TP.HCM - Hà Nội có 8 chuyến khứ hồi.

Hơn 1.000 người đã được tiêm 2 mũi vaccine Nano Covax giai đoạn 3

Đại diện Học viện Quân y (Hà Nội) cho biết, ngày hôm nay (22/7), những người này được lấy máu để phân tích kháng thể.

Nano Covax là vaccine Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam được thử nghiệm lâm sàng trên người

Nano Covax là vaccine Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam được thử nghiệm lâm sàng trên người

Ngày 21/7, Thiếu tướng, GS.TS Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc Học viện Quân y (Hà Nội), cho biết hơn 1.000 tình nguyện viện đầu tiên tham gia tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax đã hoàn thành mũi 2. Sau tiêm, những người này đều có sức khỏe ổn định, không xuất hiện trường hợp gặp phản ứng ngoài dự kiến.

Trước đó, hơn 1.000 tình nguyện viên này hoàn thành mũi tiêm thứ nhất vào khoảng giữa tháng 6 theo tỷ lệ 6:1, tức 6 người tiêm vaccine, 1 người tiêm giả dược. Từ ngày 2/7, các đơn vị triển khai tiêm thử nghiệm đợt 2 trên 12.000 tình nguyện viên còn lại theo tỷ lệ 2:1, tức 2 người tiêm vaccine, 1 người tiêm giả dược.

Theo GS.TS Hoàng Văn Lương, ngày 22/7, tại các trung tâm tham gia nghiên cứu thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 Nano Covax giai đoạn 3, 1.000 tình nguyện viện đầu tiên tiêm mũi 2 sẽ được lấy máu ngày thứ 42 để phân tích kháng thể. Việc lấy mẫu dự kiến hoàn tất vào 3/8.

Sau đó, nhóm nghiên cứu bắt đầu tổng hợp, phân tích và làm báo cáo gửi Bộ Y tế vào ngày 15/8.

Ông Lương cho biết, dự kiến ngày 27/7, các đơn vị tiếp tục triển khai tiêm thử nghiệm mũi 2 cho 12.000 tình nguyện viên còn lại (trong tổng số 13.000 tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm đợt cuối)... Việc tiêm thử nghiệm mũi 2 của giai đoạn 3 cho tất cả tình nguyện viên sẽ hoàn tất vào ngày 14/8.

Sau 7 tháng nghiên cứu, ngày 17/12/2020, Nano Covax bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 và chính thức thử nghiệm giai đoạn 3 từ tháng 6/2021.

Công suất hiện tại của Nanogen đạt 8 triệu liều/tháng. Dự kiến, vào tháng 8 khi được nâng cấp thêm, nhà máy có thể sản xuất 10 triệu liều vaccine Nano Covax/tháng.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có phương án đi thẳng

Với phương án mới đi thẳng, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ qua Kiên Giang rút ngắn khoảng cách còn gần 125 km so với qua Sóc Trăng.

Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi thẳng qua Kiên Giang so với phương án qua Sóc Trăng trước đây

Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi thẳng qua Kiên Giang so với phương án qua Sóc Trăng trước đây

Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi (đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao lập phương án) cho biết, phương án này rút ngắn khoảng cách nhất, có chi phí xây dựng thấp, tuyến đi mới qua vùng đất chủ yếu là nông nghiệp nên thuận tiện cho công tác giải phóng mặt bằng.

Theo đó, công trình dài gần 125 km với 112 cầu, 13 nút giao; tổng mức đầu tư gần 50.000 tỷ đồng. Điểm đầu tại nút giao Chà Và (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) - cầu Cần Thơ 2 (cách cầu Cần Thơ hiện tại khoảng 4,5 km); điểm cuối giao với đường Vành đai tại xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, Cà Mau.

Tuyến đường có 4 làn xe với mặt cắt ngang gần 25 m, vận tốc thiết kế 100 km/h. Trong giai đoạn 1 sẽ đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, chiều rộng mặt cắt ngang 17 m, vận tốc khai thác 80 km/h.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị phân chia tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thành 2 đoạn. Đoạn Vĩnh Long - Cần Thơ hơn 15 km, mức đầu tư gần 12.600 tỷ đồng, dự kiến xây dựng sau năm 2025.

Đoạn Cần Thơ - Cà Mau hơn 109 km, vốn đầu tư gần 29.400 tỷ đồng, theo hình thức BOT có hỗ trợ của Nhà nước bằng tiền 50%; dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025. Ở giai đoạn hoàn thiện, tổng mức đầu tư đoạn này tăng lên 37.000 tỷ đồng.

Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, phương án này được chọn đề xuất vì phù hợp với quy hoạch xây dựng Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2019.

TP.HCM yêu cầu lập khu cách ly F0 không triệu chứng

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu UBND các địa phương sớm thành lập cơ sở cách ly tập trung cho trường hợp F0 không có triệu chứng.

Nhân viên y tế điều trị F0 tại bệnh viện dã chiến ở TP.HCM

Nhân viên y tế điều trị F0 tại bệnh viện dã chiến ở TP.HCM

Nội dung được đề cập trong văn bản khẩn do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký sáng 21/7 về hướng dẫn phối hợp giữa y tế, địa phương và gia đình tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho F0 trên địa bàn.

Trường hợp áp dụng là các F0 và không có triệu chứng lâm sàng; không bệnh lý nền hoặc có bệnh lý nền nhưng đã được điều trị ổn định, không béo phì.

Về thời gian cách ly tập trung, với F0 không có triệu chứng lâm sàng sẽ cách ly 7 ngày nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 7 là âm tính hoặc dương tính với tải lượng virus thấp. Trường hợp dương tính có tải lượng virus thấp sẽ xét nghiệm nhanh kháng nguyên mỗi 2 ngày, khi kết quả này âm tính cho phép người bệnh tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.

Với F0 mới phát hiện, không có triệu chứng lâm sàng, ngành y tế xem xét cách ly tại nhà nếu kết quả xét nghiệm PCR có tải lượng virus thấp và hội đủ điều kiện theo quy định của ngành y tế.

Các cơ sở cách ly F0 tập trung nói trên có thể dùng cơ sở hạ tầng có sẵn như ký túc xá trường học; chung cư mới chưa đưa vào sử dụng; khách sạn; nhà nghỉ; trường học...

Chính quyền địa phương phải bố trí khu cách ly riêng biệt cho người có xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính và người đã có kết quả PCR dương tính.

Tại cơ sở cách ly tập trung, khi người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng cần nhanh chóng được thở oxy và liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc bệnh viện địa phương để điều trị kịp thời.

Động thái yêu cầu thành lập các khu cách ly cho F0 không có triệu chứng nhằm giảm tải cho các bệnh viện điều trị Covid-19 khi dịch ở TP.HCM diễn biến phức tạp, số ca F0 hàng ngày vẫn tăng cao.

Đồng Nai giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 9 ngày

Thay vì kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày, Đồng Nai kéo dài thêm 9 ngày trong bối cảnh Tỉnh đã ghi nhận 1.566 ca nhiễm.

Cầu Hóa An nối TP Biên Hòa đi Bình Dương, TP HCM

Cầu Hóa An nối TP Biên Hòa đi Bình Dương, TP HCM

UBND Đồng Nai vừa quyết định giãn cách xã hội toàn tỉnh đến ngày 1/8, thêm 9 ngày so với quy định trước. Tỉnh yêu cầu 3,2 triệu dân ở TP. Biên Hòa, TP. Long Khánh và 9 huyện thực hiện nghiêm gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện...

Đồng Nai là một trong ba địa phương, cùng với TP.HCM và Bình Dương, đã thực hiện Chỉ thị 16 trước khi Thủ tướng yêu cầu 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng chỉ thị này từ ngày 19/7.

Sau 12 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 (từ ngày 9/7), UBND Đồng Nai đánh giá việc thực hiện của nhiều địa phương vẫn chưa tốt. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các ban ngành, địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, phải xác định phòng chống Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.

Đồng Nai yêu cầu tất cả doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân. Từ ngày 22/7, các doanh nghiệp phải áp dụng 1 trong 3 phương án gồm: 3 tại chỗ (sản xuất, ăn, ngủ tại chỗ), một cung đường 2 địa điểm (một đường chở công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở) và linh động cùng lúc áp dụng 2 phương án trên. Nếu doanh nghiệp không thực hiện sẽ phải ngừng sản xuất.

Ngành y tế tỉnh này nhận định dịch bệnh đang lây lan nhanh vào cộng đồng nên rất khó kiểm soát. Ổ dịch lớn là Công ty Changshin Việt Nam đã lây lan thứ phát vào các khu trọ ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu và một số phường ở TP. Biên Hòa. Nhiều công ty có số lượng công nhân lớn đã phát hiện ca nhiễm.

Bệnh viện dã chiến ở Thuận Kiều Plaza chuẩn bị tiếp nhận người chữa trị Covid-19

Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 5 quy mô gần 1.000 giường bệnh, chuyên tiếp nhận điều trị các bệnh nhân Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Bệnh viện dã chiến ở Thuận Kiều Plaza chuẩn bị tiếp nhận người chữa trị COVID-19

Bệnh viện dã chiến ở Thuận Kiều Plaza chuẩn bị tiếp nhận người chữa trị COVID-19

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho biết, Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 5 tại Thuận Kiều Plaza (tên mới là The Garden Mall) đã hoàn tất việc cải tạo và sẽ bàn giao cho TP.HCM sớm đưa vào sử dụng.

Bệnh viện này gồm 3 tầng với tổng diện tích hơn 30.000 m2, quy mô gần 1.000 giường bệnh, chuyên tiếp nhận điều trị các bệnh nhân Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Các phân khu chức năng cơ bản, gồm khu điều hành, hành chính; khu tiếp nhận sàng lọc và phân loại người bệnh; khu chẩn đoán hình ảnh; khu xét nghiệm; khu chăm sóc, điều trị người bệnh ở mức độ nhẹ; khu chăm sóc đặc biệt; khu cung cấp thức ăn; khu tiếp nhận hàng hóa thân nhân; khu xử lý rác thải…

Ngoài ra, nơi này còn có buồng khử khuẩn di động được đặt tại khu tiếp nhận, xét nghiệm sàng lọc và phân loại người bệnh.

Trước đó, từ ngày 8/7, gần 700 công nhân, kỹ sư đã được huy động làm việc ngày đêm để hoàn thành việc thi công cải tạo Thuận Kiều Plaza trở thành Bệnh viện Dã chiến số 5.

Bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, được phân công làm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 5. Ông Minh cho biết, nhân lực phục vụ Bệnh viện bao gồm 20 bác sĩ, 40 điều dưỡng và 10 nhân sự hậu cần. Bác sĩ, điều dưỡng và nhân sự hậu cầu đến từ Bệnh viện Răng Hàm Mặt, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, Bộ tư lệnh TP.HCM...

Thuận Kiều Plaza được xây dựng năm 1994, với diện tích xây dựng khoảng 100.000 m2. Công trình này có 3 tòa nhà cao 33 tầng. Khu căn hộ của Thuận Kiều Plaza có tổng diện tích khoảng 60.000 m2, gồm 648 căn hộ chia đều cho ba tháp A, B, C.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư