Bản tin thời sự sáng 22/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tạm đình chỉ kiểm soát viên không lưu liên quan vụ 2 máy bay bị cảnh báo xung đột; nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện lại lập đỉnh mới với 1,025 tỷ kWh/ngày; Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục; tiền gửi của người dân vào ngân hàng đạt kỷ lục mới…

Tạm đình chỉ kiểm soát viên không lưu liên quan vụ 2 máy bay bị cảnh báo xung đột

Công ty Quản lý bay miền Nam đã tạm thời đình chỉ các kiểm soát viên không lưu và lập tổ điều tra xác minh cảnh báo xung đột máy bay tại không phận do ACC HCM kiểm soát.

Hiện nay, VATM đã thành lập Tổ điều tra xác minh nội bộ do Trưởng ban An toàn chất lượng làm tổ trưởng để làm rõ nguyên nhân sự việc. Ảnh minh hoạ

Hiện nay, VATM đã thành lập Tổ điều tra xác minh nội bộ do Trưởng ban An toàn chất lượng làm tổ trưởng để làm rõ nguyên nhân sự việc. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến vụ việc hai chuyến bay tại Phân khu 1 (Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh) bị cảnh báo xung đột ngắn hạn (STCA) do lỗi không lưu vào sáng 21/6, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết đã nhận được báo cáo sơ bộ của Công ty Quản lý bay miền Nam.

Theo đó, sau khi Hệ thống Quản lý không lưu (ATM) phát tín hiệu cảnh báo, kiểm soát viên không lưu (KSVKL) đã cấp huấn lệnh để điều chỉnh quỹ đạo các chuyến bay liên quan. Đồng thời, các tổ lái cũng thực hiện vòng tránh, đảm bảo an toàn cho chuyến bay.

Ngay khi sự việc xảy ra, kíp trực đã có báo cáo. Công ty Quản lý bay miền Nam đã tạm thời đình chỉ các kiểm soát viên không lưu liên quan và tiến hành xác minh sự việc, cũng như báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

VATM đã lập tức thành lập Tổ điều tra xác minh nội bộ do Trưởng ban An toàn chất lượng làm tổ trưởng để làm rõ nguyên nhân sự việc.

"Tổ điều tra đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Công ty Quản lý bay miền Nam. Khi nào có kết quả chính thức, bộ phận chức năng sẽ chính thức thông tin theo quy định", đại diện VATM thông tin và nhấn mạnh, doanh nghiệp luôn xác định điều hành bay an toàn, hiệu quả cho tất cả các chuyến bay là mục tiêu hàng đầu. VATM luôn chủ trương không ngừng nâng cao năng lực và đảm bảo chất lượng dịch vụ bay.

Trước đó, sáng 21/6, đã xảy ra sự cố không lưu giữa chuyến bay từ Hà Nội đến Đà Lạt và một chuyến bay khác từ TP.HCM đi Thanh Hoá tại không phận ACC Hồ Chí Minh.

Nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện lại lập đỉnh mới với 1,025 tỷ kWh/ngày

Theo báo cáo của EVN vừa công bố, vào lúc 13h30 ngày 19/6, công suất đỉnh của hệ thống điện toàn quốc đã lên tới 49.533 MW. Còn sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc ngày 14/6 cũng lên tới 1,025 tỷ kWh.

Tiêu thụ điện lại lập đỉnh mới với 1,025 tỷ kWh/ngày

Tiêu thụ điện lại lập đỉnh mới với 1,025 tỷ kWh/ngày

Trong những ngày giữa tháng 6 vừa qua, thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng nhất là ở miền Bắc và miền Trung với một số ngày liên tiếp có nhiệt độ trên 35 độ lại làm tiêu thụ điện toàn quốc lập đỉnh kỷ lục mới.

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, trong tháng 6/2024, cả công suất cực đại (Pmax) và sản lượng điện tiêu thụ điện ngày (A ngày) trên quy mô toàn quốc đã tăng cao với những con số đạt kỷ lục mới của hệ thống điện quốc gia.

Cụ thể, vào lúc 13h30 ngày 19/6, công suất đỉnh của hệ thống điện toàn quốc đã lên tới 49.533 MW. Còn sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc ngày 14/6 đã lên tới 1,025 tỷ kWh.

Mặc dù tiêu thụ điện toàn quốc đã thiết lập các mức kỷ lục mới như trên nhưng nếu không có mưa vào chiều tối trong một số ngày gần đây thì mức tiêu thụ điện kỷ lục có thể còn lên cao hơn nữa cả về công suất và sản lượng. Tình trạng tăng cao về tiêu thụ điện cũng gia tăng áp lực đáng kể về cung cấp điện.

Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục

Công ty mẹ Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu 80.894 tỷ đồng, nhưng lãi dự kiến chỉ 105 tỷ - chưa bằng 1% nguồn thu.

Công ty mẹ Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu 80.894 tỷ đồng

Công ty mẹ Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu 80.894 tỷ đồng

Thông tin này được Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết trong tài liệu chuẩn bị cho phiên họp thường niên ngày 21/6.

Năm nay, hãng hàng không quốc gia vẫn xây dựng hai kịch bản cao và trung trình cho thị trường. Trong đó, theo kịch bản cao, Vietnam Airlines dự kiến tổng lượng khách quốc tế tăng gần 20% so với năm ngoái, tương đương 92% năm 2019. Khách nội địa tăng lần lượt 13%, 10% so với 2023 và 2019.

Theo kịch bản trung bình, khách quốc tế tăng 13% và phục hồi được 87% mức trước dịch. Khách trong nước tăng 5,8% so với 2023 và 1,3% so với 2019. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở các giải pháp kích cầu có tác động chậm, sức mua của người dân chưa cải thiện rõ rệt, trong khi hãng bay không có phương án bù đắp tải cho phần tàu bay bị thiếu hụt.

Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ ở mức 80.984 tỷ đồng, thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng. Đây đều là các mức cao nhất từ trước đến nay của hãng bay này. Thời điểm đạt đỉnh doanh thu năm 2019, công ty cũng chỉ ghi nhận nguồn thu khoảng 72.980 tỷ đồng và hợp nhất 99.099 tỷ.

Tuy nhiên, mức lãi công ty mẹ dự kiến chưa tới 1% doanh thu, khoảng 105 tỷ đồng. Hãng dự báo năm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Hãng hàng không quốc gia lên kế hoạch thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) trong năm nay, giúp mang về nguồn thu khoảng 1.700 tỷ đồng. Nhờ thương vụ này và lợi nhuận các công ty con khác cải thiện, hãng đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trên 4.230 tỷ đồng.

Ba tháng đầu năm 2024, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công ty mẹ thu hơn 22.100 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi hãng chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.

Sau khi trừ các chi phí, công ty mẹ lãi khoảng 1.500 tỷ đồng. Còn lợi nhuận hợp nhất trong quý I hơn 4.500 tỷ đồng, chủ yếu nhờ phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines.

Cải tạo hồ tôm bỏ hoang thành công viên đẹp nhất Phan Thiết

Hồ nước bỏ hoang rộng hơn 4 ha kề sông Cà Ty, phường Phú Tài, được cải tạo thành công viên đẹp nhất Phan Thiết, phục vụ người dân, du khách.

Hồ Văn Thánh và công viên được chỉnh trang nằm gần sông Cà Ty, phường Phú Tài

Hồ Văn Thánh và công viên được chỉnh trang nằm gần sông Cà Ty, phường Phú Tài

Ngày 21/6, ông Đỗ Minh Trí, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Phan Thiết cho biết, sau một năm thi công đến nay dự án cải tạo hồ Văn Thánh làm công viên đi bộ đã hoàn thành, sẽ đưa vào sử dụng ngày 30/6.

Dự án được đầu tư với tổng vốn hơn 14,8 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan đô thị và môi trường xanh, sạch, đẹp quanh khu vực hồ tôm bỏ hoang từ lâu. Tổng diện tích cải tạo là 5,5 ha, gồm: 4 ha hồ Văn Thánh; 1,5 ha công viên, đường giao thông và bãi đất hoang gần hồ phía sông Cà Ty.

Đơn vị thi công xử lý rác ứ đọng, bùn thối trong lòng hồ, tạo cảnh quan quanh bờ hồ chu vi hơn 800 m, lát gạch terazzo ở vỉa hè và lối đi dạo quanh hồ với chiều rộng 2,5-5m; bố trí hố thu nước, gia cố mái taluy quanh hồ bằng bêtông.

Cây xanh được trồng quanh hồ tạo cảnh quan, bóng mát, cùng hệ thống điện chiếu sáng, đèn led đổi màu quanh bờ hồ tạo hiệu ứng thẩm mỹ vào ban đêm, phục vụ khách bộ hành hóng mát, tập thể dục.

Các tuyến đường xung quanh công viên như Nguyễn Viết Xuân, Võ Văn Tần, Trương Gia Hội... cũng được cải tạo, mở rộng, lát đá làm mới vỉa hè. Một bãi để xe rộng 600 m2 cũng được thiết kế... Khu công viên gần 10.000 m2 cũng được cải tạo: lát lại gạch mới, làm lại bồn trồng cây, trồng bổ sung cỏ và cây xanh.

Văn Thánh là địa danh xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử hình thành Phan Thiết. Thời triều Nguyễn, quan đầu tỉnh đã cho xây dựng trên khu đất gần bờ sông làng Phú Tài một văn bia ghi công đức của Thánh Hiền (Đức Khổng Tử), nên nơi đây được gọi là "Văn Thánh". Văn bia đã mất trong thời chiến tranh.

Tiền gửi của người dân vào ngân hàng đạt kỷ lục mới

Lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng tiếp tục đạt kỷ lục sau quý đầu năm, khi các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động, sau hơn 1 năm giảm liên tục.

Lượng tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục đạt kỷ lục mới

Lượng tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục đạt kỷ lục mới

Số liệu mới nhất liên quan đến tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng trong tháng 3 đạt 6,676 triệu tỷ đồng, tăng thêm gần 39.000 tỷ đồng so với tháng liền trước đó, đồng thời cao hơn 2,2% so với cuối năm 2023. Đây tiếp tục là mức kỷ lục mới về lượng tiền gửi.

Tiền gửi của người dân vào hệ thống các tổ chức tín dụng liên tục tăng cao, bất chấp mặt bằng lãi suất huy động tháng 3 ở mức thấp.

Thực tế, lãi suất huy động chưa thể "hồi phục" song một số ngân hàng cũng đã bắt đầu rục rịch tăng lãi suất trở lại từ tháng 3. Thậm chí, đến cuối tháng 3, số ngân hàng tăng lãi suất huy động đã nhiều hơn số ngân hàng điều chỉnh giảm. Với các kỳ hạn 9 tháng, lãi suất phổ biến từ 3%/năm đến 4,8%/năm; 6 tháng dao động 2%/năm đến 4,7%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, các ngân hàng niêm yết lãi suất phổ biến từ 4,8-5,3%/năm.

Ngược lại, tiền gửi của khối tổ chức và doanh nghiệp giảm 3,14% so với cuối năm 2023, đạt 6,6 triệu tỷ đồng. Nhưng nếu so với tháng liền trước đó, con số này tăng gần 1,6%, đạt hơn 6,627 triệu tỷ đồng.

Tính chung, tổng tiền gửi chảy vào hệ thống tín dụng (gồm cả các khoản giấy tờ có giá) tính đến hết quý đầu năm nay đạt hơn 16 triệu tỷ đồng, tăng từ mức 15,91 triệu tỷ đồng hồi tháng 2.

TP.HCM thí điểm hộ dân trên kênh rạch được thuê, mua nhà xã hội

Thành phố sẽ thí điểm hộ dân có nhà trên kênh, rạch bị di dời để chỉnh trang đô thị được thuê, mua nhà ở xã hội.

Kênh Đôi, quận 8 - nơi TP.HCM đang có kế hoạch di dời nhà hai bên để chỉnh trang

Kênh Đôi, quận 8 - nơi TP.HCM đang có kế hoạch di dời nhà hai bên để chỉnh trang

Nội dung nêu trong thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường tại cuộc họp về nhà ở xã hội, lưu trú, chỗ ở cho công nhân và ven, trên kênh rạch thuộc địa bàn.

Đề án thí điểm cho hộ dân sống ven, trên kênh rạch được mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ được Sở Xây dựng chủ trì thực hiện dựa trên các quy định pháp luật liên quan đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở mới. Việc này kỳ vọng giúp thành phố đẩy nhanh và giải quyết dứt điểm số lượng nhà trên và ven kênh rạch còn lại.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đặt mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch để làm 17 dự án chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, do gặp một số khó khăn, dự kiến chỉ di dời được 4.987 căn, đạt tỷ lệ gần 77%.

Hiện thành phố triển khai 5 dự án gồm cải tạo rạch Xuyên Tâm, nạo vét, cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (quận 8) với tổng quy mô di dời, bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 4.051 căn; Dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường Kênh Tẻ (quận 4) có gần 1.983 căn cần di dời.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, có nhiều nguyên nhân việc di dời nhà ở không đạt chỉ tiêu như nguồn vốn từ ngân sách hạn chế, trong khi thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài lại gặp khó khăn. Mặt khác, thủ tục bồi thường, tái định cư ở các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch rất phức tạp, bởi đa số các hộ không có giấy tờ, xây dựng lấn chiếm... Điều này dẫn đến quá trình xác minh, đền bù chậm, kéo dài thời gian. Nhiều trường hợp người dân khiếu nại, chậm giao mặt bằng cho các chủ đầu tư.

PNJ công bố doanh thu gần 19.550 tỷ đồng sau 5 tháng đầu năm 2024

Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố doanh thu thuần 5 tháng đầu năm 2024 đạt 19.546 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.051 tỷ.

Doanh thu trang sức bán lẻ năm tháng đầu 2024 tăng 12,8% so với cùng kỳ

Doanh thu trang sức bán lẻ năm tháng đầu 2024 tăng 12,8% so với cùng kỳ

Doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, cho thấy doanh thu thuần và lợi nhuận tăng lần lượt 36,9% và 8,5% so với cùng kỳ. Theo đại diện PNJ, xét cơ cấu từng kênh, hoạt động kinh doanh tăng trưởng đồng bộ.

Cụ thể, doanh thu trang sức bán lẻ tăng 12,8% so với cùng kỳ nhờ chiến lược linh hoạt, liên tục tung ra thị trường các bộ sưu tập mới phù hợp thị hiếu khách hàng. Trong khi đó, doanh thu trang sức bán sỉ năm tháng đầu năm cũng tăng 16,4% so với 2023. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp trung bình năm tháng đầu năm đạt 16,5%, giảm so với mức 19% hồi 2023, do thay đổi cơ cấu doanh thu từng mảng kinh doanh.

Đại diện PNJ chỉ ra dù doanh thu vàng miếng 24K tăng mạnh nhờ người dân tăng mua vàng tích trữ, đầu tư, biên lợi nhuận vàng 24K vẫn rất thấp, đồng thời cũng không mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Tính đến cuối tháng 5, đơn vị sở hữu 405 cửa hàng trên toàn quốc, trong đó có 396 chi nhánh PNJ, năm Style by PNJ, ba CAO Fine Jewellery và một trung tâm kinh doanh sỉ.

Hôm 18/6, tạp chí Fortune, Mỹ, công bố PNJ vào top Southeast Asia 500 (500 công ty lớn nhất Đông Nam Á dựa theo doanh thu năm tài chính 2023, lần đầu có danh sách này).

Chuyên đề

Kết nối đầu tư