Bản tin thời sự sáng 22/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sau nghỉ Tết Nguyên đán, người dân đổ xô đi cấp đổi giấy phép lái xe tại Hà Nội; TP.HCM xây dựng cầu vượt tạm ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất; cà phê, tiêu tăng giá mạnh 5 phiên liên tiếp; tàu liên vận từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc mỗi tuần một chuyến…

Sau nghỉ Tết Nguyên đán, người dân đổ xô đi cấp đổi giấy phép lái xe tại Hà Nội

Một số địa điểm làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại Hà Nội đã rơi vào tình trạng quá tải, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã đưa ra biện pháp để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Khu vực làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe tại bộ phận một cửa ở Võ Chí Công, Hà Nội luôn đông đúc

Khu vực làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe tại bộ phận một cửa ở Võ Chí Công, Hà Nội luôn đông đúc

Hiện nay, người dân đến làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe tại Hà Nội tăng đột biến đã dẫn đến quá tải, xếp hàng dài chờ đến lượt.

Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, ở bộ phận một cửa của sở tại 258 Võ Chí Công tiếp nhận xử lý 320 hồ sơ; tại 16 Cao Bá Quát tiếp nhận xử lý hơn 350 hồ sơ.

“Những ngày gần đây, 2 điểm cấp đổi giấy phép lái xe tiếp nhận trung bình gần 700 hồ sơ/ngày và đều trong tình trạng quá tải, tái diễn cảnh người dân phải xếp hàng”, đại diện Sở GTVT thông tin.

Mặc dù đã triển khai cấp, đổi giấy phép lái xe ở bộ phận một cửa thuộc 4 huyện gồm Đông Anh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây, tuy nhiên có rất nhiều người dân chưa biết tại địa phương mình sinh sống đã được ủy quyền tiếp nhận và trả kết quả đối với thủ tục hành chính đổi giấy phép lái xe do ngành GTVT cấp và cấp lại giấy phép lái xe.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, đến nay đã tiếp nhận thành công gần 140.000 hồ sơ, trung bình ngày nhận 1.000 hồ sơ, cá biệt có ngày đã tiếp nhận thành công 1.500 hồ sơ.

TP.HCM xây dựng cầu vượt tạm ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất

Hai cầu tạm sẽ được bố trí ở giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện để giảm kẹt xe khi nới rộng rào chắn thi công hầm chui đoạn qua nút giao này từ ngày 25/2.

Công trường đoạn qua nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện

Công trường đoạn qua nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện

Theo phương án vừa được Sở GTVT TP.HCM đưa ra, phạm vi rào chắn hiện hữu trên đường Phan Thúc Duyện (phía đường Thăng Long) sẽ được mở rộng về tuyến Trần Quốc Hoàn. Đây là khu vực thi công hầm chui, thuộc Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, đang được TP.HCM triển khai tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Việc nới rộng rào chắn khiến đường Trần Quốc Hoàn từ 5 làn xe còn 3 làn. Là trục huyết mạch cửa ngõ sân bay nên để hạn chế ùn tắc, 2 cầu tạm sẽ được xây trên tuyến đường này cho xe qua lại trong thời gian tập trung thi công hầm chui.

Theo đó, từ 25/2 - 25/4, các nhà thầu sẽ xây 1 cầu tạm (phía đường Thăng Long) dài 66 m, 3 làn xe. Tiếp đó, từ 25/4 - 25/6, cầu tạm thứ hai cũng được thi công với quy mô 2 làn xe, dài 100 m về phía công viên Hoàng Văn Thụ cho xe đi qua. Hầm chui ở nút giao sẽ được xây hoàn thiện trong thời gian từ tháng 6 tới cuối năm nay.

Khởi công cuối năm 2022, Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa được đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Đây là tuyến đường mới dài 4 km, điểm đầu ở nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, điểm cuối tại nơi giao giữa các đường C12 - Cộng Hoà - Trường Chinh. Công trình xây dựng tuyến chính rộng 25 - 48 m với 6 làn xe, cùng 2 đoạn đường nhánh kết nối, 1 cầu cạn, 2 hầm chui ở nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.

Cà phê, tiêu tăng giá mạnh 5 phiên liên tiếp

Sau Tết Giáp Thìn, giá cà phê tăng 5 phiên liền và lập đỉnh mới, còn tiêu cũng lên cao nhất 4 năm.

Thu hoạch cà phê tại Gia Lai

Thu hoạch cà phê tại Gia Lai

Kết phiên 21/2, giá cà phê nhân xô lên 82.500 đồng một kg, tăng 300 đồng so với ngày 20/2 và tăng 3.500 đồng so với tuần trước. Đây phiên tăng thứ năm liên tiếp của cà phê từ sau Tết Nguyên đán đến nay.

Tương tự, hạt tiêu xô cũng tăng liên tiếp 5 ngày, lên 91.000 đồng một kg, tăng 10.000 đồng so với trước Tết. Như vậy, giá tiêu đã tăng 10 - 12% trong tháng 2.

Theo các hiệp hội, giá cà phê, tiêu tăng mạnh những phiên đầu năm do nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung giảm so với cùng kỳ 2023. Nhiều doanh nghiệp đang tăng mua để bảo đảm tiến độ xuất khẩu, đẩy giá lên cao. Năm nay, sản lượng hạt tiêu toàn cầu có thể thiếu hụt do biến đổi khí hậu. Những năm qua, giá tiêu xuống thấp nên nhiều nơi giảm diện tích.

Số liệu của Tổ chức Cà phê quốc tế cho thấy, Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê (giai đoạn tháng 2/2021 - 1/2022), chỉ xếp sau Brazil. Vựa cà phê lớn nhất Việt Nam là Đắk Lắk, chiếm trên 30% sản lượng, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý "cà phê Buôn Ma Thuột" đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việt Nam hiện cũng là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới với 40% sản lượng, nhiều sản phẩm phong phú như tiêu đen, tiêu xanh, tiêu trắng, tiêu bột, tiêu ngâm dấm. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt 267.000 tấn, trị giá 912 triệu USD, tăng 16,6% về lượng, nhưng giảm 6% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam năm ngoái đạt khoảng 3.420 USD một tấn, giảm 19,4% so với năm 2022.

Tàu liên vận từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc mỗi tuần một chuyến

Chiều 21/2, chuyến tàu hàng liên vận quốc tế đầu tiên trong năm nay bắt đầu khởi hành từ ga Sóng Thần, Bình Dương đi Trung Quốc. Tàu gồm 21 toa, chở nông sản, dự kiến đến Trịnh Châu và Hà Nam của nước láng giềng sau 9 - 10 ngày.

Tàu hàng liên vận khởi hành ở ga Sóng Thần

Tàu hàng liên vận khởi hành ở ga Sóng Thần

Đây là chuyến tàu được ngành đường sắt Việt Nam và Trung Quốc cùng tổ chức thực hiện nhằm tăng cường kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ và xuất nhập khẩu trên tuyến vận tải hàng hóa 2 nước.

Sau đoàn tàu đầu tiên, dự kiến mỗi tuần có một chuyến tàu liên vận được tổ chức chạy từ ga Sóng Thần (trước đây mỗi tháng 1 - 2 chuyến) và tăng thêm tuỳ thực tế để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hàng hóa ở Bình Dương và khu vực lân cận được tập kết về nhà ga này, sau đó chở đến ga Yên Viên, Giáp Bát (Hà Nội), chuyển tiếp qua tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc.

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có nhiều chuyển biến, sản lượng liên tục tăng. Nhiều doanh nghiệp chọn đường sắt vận chuyển hàng bởi được rút ngắn thời gian so với chờ chuyển tải tại biên giới, nhất là khi xảy ra ùn ứ. Quá trình làm thủ tục xuất, nhập khẩu đối với tàu hàng cũng thuận tiện hơn.

Sóng Thần là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam. Hiện, nhà ga được Bộ Giao thông vận tải triển khai nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, dự kiến giai đoạn 2025 - 2030 sẽ nâng năng lực khai thác lên 3,5 triệu tấn mỗi năm. Khi đó, ga này sẽ được tổ chức chạy các đoàn tàu đi thẳng từ tới Trung Quốc, quá cảnh sang nước thứ ba và ngược lại, thay vì phải chuyển tiếp ở các ga trong nước.

98% doanh nghiệp trong các KCN-KCX ở TP.HCM hoạt động trở lại

Đến nay, đã có hơn 98% doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và công nghệ cao của TP.HCM hoạt động bình thường trở lại sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024. Nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến tháng 6/2024.

Doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Hiệp Phước trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết

Doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Hiệp Phước trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết

Năm nay, ngày kết thúc kỳ nghỉ Tết Âm lịch rơi vào ngày cuối tuần nên một số doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM đã chủ động cho người lao động nghỉ thêm ngày và bắt đầu trở lại việc từ mùng 10 Tết (tức 19/2 dương lịch). Đến nay, người lao động của các doanh nghiệp ở đây đã trở lại làm việc gần đầy đủ.

Ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho biết, một số doanh nghiệp dệt may, giày da… trong khu công nghiệp, khu chế xuất đã có đơn hàng đến giữa năm. Đây là tín hiệu tích cực trong tình hình kinh tế còn khó khăn.

Thời điểm này, các nhà nhập khẩu không dám đặt đơn hàng dài hơi cả năm như trước đây mà còn thăm dò tín hiệu của thị trường tiêu dùng. Riêng doanh nghiệp ngành thiết bị điện, điện tử thì đơn hàng khá ổn định.

“Kỳ nghỉ Tết dài ngày vừa rồi, một số công ty chủ động cho người lao động nghỉ phép thêm nên công nhân cũng yên tâm sắp xếp được thời gian quay trở lại làm việc. Đơn hàng còn khó khăn nhưng một số doanh nghiệp có đến đơn hàng đến tháng 6, còn đơn hàng cả năm còn phụ thuộc vào thị trường như thế nào thì họ mới tiếp tục đặt thêm đơn hàng cho những tháng cuối năm 2024”, ông Đào Xuân Đức nói.

9 trung tâm đăng kiểm TP.HCM nguy cơ tạm dừng do chưa hoàn tất kiểm định thiết bị

9/18 trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM nguy cơ phải tạm dừng hoạt động do chưa hoàn tất kiểm định các thiết bị phân tích khí xả, đo độ ồn sử dụng trong đăng kiểm.

Trung tâm đăng kiểm 50-03S (TP Thủ Đức) vắng xe kiểm định

Trung tâm đăng kiểm 50-03S (TP Thủ Đức) vắng xe kiểm định

Ngày 21/2, tại một số trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM như: 50-03S (TP. Thủ Đức), 50-07V (quận Bình Tân), 50-05V (Quận 12), 50-02S (Quận 11)…, lượng xe đến đăng kiểm vẫn khá thưa thớt. Thậm chí, như ở Trung tâm Đăng kiểm 50-03S có thời điểm chỉ còn vài chiếc xe chờ đăng kiểm.

Việc đăng kiểm diễn ra khá thuận lợi khi chủ phương tiện không phải chờ đợi quá lâu, quá trình hoàn thành công tác đăng kiểm diễn ra trong khoảng 20 - 30 phút.

Ông Đoàn Bảo Tân - Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-03S (phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức) cho biết, công suất của trạm đạt 250 xe/ngày. Những ngày sau Tết, số lượng phương tiện đến trung tâm dao động khoảng 90 - 110 xe/ngày. Trong đó, một nửa số chủ xe tới đăng kiểm đã đặt trước qua hệ thống đăng ký online.

Tuy nhiên, thời gian tới, một số trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM có nguy cơ phải dừng hoạt động do một số thiết bị đo sử dụng trong đăng kiểm chưa được kiểm định.

Sở GTVT TP.HCM cho biết, theo quy định hiện hành, các thiết bị phân tích khí xả, đo độ ồn sử dụng trong đăng kiểm phải được kiểm định định kỳ 12 tháng/lần.

Đến nay, toàn địa bàn TP.HCM có 9/18 trung tâm đăng kiểm đã hoàn tất kiểm định các thiết bị trên. 9 trung tâm còn lại chưa thể hoàn tất được kiểm định các thiết bị.

Hà Nội công khai hơn 2.000 tổ chức, cá nhân chây ỳ nộp thuế

Cục Thuế TP. Hà Nội vừa thực hiện công khai thông tin người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước đến thời điểm khóa sổ 31/12/2023. Danh sách công bố gồm 2.238 người nộp thuế với số tiền nợ hơn 993 tỷ đồng.

Trụ sở Cục Thuế TP Hà Nội.

Trụ sở Cục Thuế TP Hà Nội.

Cơ quan thuế cho biết, việc công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế là thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Trong danh sách do Cục Thuế TP. Hà Nội vừa công bố, một số doanh nghiệp có số tiền nợ thuế lớn được điểm danh như: Công ty CP Công nghiệp Hàn Việt Nam nợ 75,8 tỷ đồng. Trong đó, nợ 51 tỷ đồng tiền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê

Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản Văn hóa - Thông tin nợ 19 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Thành Nam nợ hơn 14 tỷ đồng; Công ty TNHH Quốc tế Tăng Thành Công nợ 13 tỷ đồng; Công ty TNHH Phát triển dự án Toàn Cầu nợ hơn 8,6 tỷ đồng; Công ty CP Thương mại và Thực phẩm Mini Garden nợ hơn 3,4 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng Cầu Đường 369 nợ hơn 2,7 tỷ đồng…

Theo lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội, thời gian qua, công tác quản lý, đôn đốc, thu hồi nợ đọng về thuế, nợ tiền sử dụng đất, thuế đất và nghĩa vụ tài chính đã được triển khai và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, nợ đọng về thuế, nợ tiền sử dụng đất, thuê đất và nghĩa vụ tài chính giảm qua các năm. Tuy nhiên, số tiền nợ nghĩa vụ tài chính, tiền nợ thuế có tỷ lệ nợ đọng chiếm tỷ trọng lớn.

Nhằm đôn đốc thu hồi nợ đọng, cuối năm vừa qua, Cục Thuế Hà Nội mời 30 đơn vị nợ thuế lớn đến làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội cũng công khai lại trên 100 doanh nghiệp "chây ì" nộp thuế, với tổng số nợ hơn 1.000 tỷ đồng.

Chuyên đề