Bản tin thời sự sáng 22/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giảm thời gian cách ly F1 đã tiêm đủ liều vaccine xuống 5 ngày; đề xuất đầu tư 3.300 tỷ đồng xây hầm đèo Hoàng Liên; đề xuất cho khách quốc tế tự do đi lại ở Việt Nam sau khi test nhanh; kiến nghị bố trí hơn 13.600 tỷ đồng làm Vành đai 2; giá xăng dầu lại đồng loạt tăng mạnh, vượt 26.280 đồng/lít…

Giảm thời gian cách ly F1 đã tiêm đủ liều vaccine xuống 5 ngày

Người tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 (F1), đã tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc là F0 khỏi bệnh trong ba tháng, được giảm thời gian cách ly từ 7 xuống 5 ngày.

Lực lượng chức năng huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng hướng dẫn F1 cách ly tại nhà

Lực lượng chức năng huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng hướng dẫn F1 cách ly tại nhà

Theo hướng dẫn ban hành ngày 21/2 của Bộ Y tế, địa điểm cách ly F1 có thể tại nhà, nơi lưu trú; khu vực đủ điều kiện do địa phương, trường học bố trí. Sau 5 ngày cách ly, F1 được lấy mẫu xét nghiệm PCR, nếu kết quả âm tính thì tự theo dõi sức khỏe 5 ngày tiếp theo; báo cơ sở y tế nếu có dấu hiệu bất thường như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác...

F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine Covid-19 phải cách ly 7 ngày; tự theo dõi sức khỏe 3 ngày tiếp theo.

Định nghĩa về F1 vẫn được Bộ Y tế giữ nguyên như hồi cuối tháng 12/2021, gồm bốn trường hợp. Thứ nhất, người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với F0 trong thời kỳ lây truyền của ca nhiễm. Thứ hai, người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp với F0 trong vòng 2 m hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu 15 phút.

Thứ ba, người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần F0 trong vòng 2 m hoặc ở cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền. Thứ tư, người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị F0 mà không sử dụng đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

Đề xuất đầu tư 3.300 tỷ đồng xây hầm đèo Hoàng Liên

Hầm đường bộ Hoàng Liên nằm giữa tỉnh Lai Châu và Lào Cai dài 8,8 km, được đề xuất đầu tư để thay thế 22 km đường đèo trên Quốc lộ 4D.

Phương án mặt cắt ngang hầm

Phương án mặt cắt ngang hầm

UBND tỉnh Lai Châu vừa kiến nghị Chính phủ đầu tư Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên, kết nối với thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, và huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, bằng nguồn vốn ngân sách.

Dự án gồm tuyến hấm và đường dẫn thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi với chiều dài khoảng 8,8 km, trong đó dài hầm 2,5 km, đường dẫn và cầu dài 6,3 km. Điểm đầu dự án tại Km78, Quốc lộ 4D, điểm cuối thuộc phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa.

Công trình có tổng mức đầu tư dự kiến 3.300 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã giao cho tỉnh Lai Châu là 2.500 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước năm 2025.

Theo UBND tỉnh Lai Châu, Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên khi hoàn thành sẽ giúp phương tiện tránh được 22 km đường đèo trên Quốc lộ 4D, rút ngắn thời gian di chuyển qua đèo từ 52 phút với xe con và khoảng 120 phút với xe tải, xe container xuống còn 11 phút nếu đi qua hầm.

Đề xuất cho khách quốc tế tự do đi lại ở Việt Nam sau khi test nhanh

Để chuẩn bị cho lộ trình mở cửa du lịch từ 15/3, Bộ Văn hóa đề xuất Chính phủ khôi phục chính sách miễn thị thực như trước khi có dịch và chấp nhận test nhanh với du khách.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất khôi phục chính sách miễn thị thực như trước đại dịch cho du khách quốc tế đến Việt Nam

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất khôi phục chính sách miễn thị thực như trước đại dịch cho du khách quốc tế đến Việt Nam

Theo phương án được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi đến Chính phủ và xin ý kiến bộ, ngành, trước hết Việt Nam sẽ mở rộng phạm vi với đối tượng khách du lịch quốc tế (inbound) và khách du lịch ra nước ngoài (outbound) thông qua cửa khẩu quốc tế đường hàng không, đường bộ, đường biển.

Bộ Văn hóa kiến nghị khôi phục chính sách về thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế đã thực hiện từ trước năm 2020. Việt Nam trước đây đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ. Song, do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020, Chính phủ đã có nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế này.

Trong điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép khi đến thời điểm 15/3 dừng biện pháp giới hạn cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.

Về yêu cầu với khách quốc tế, ngoài việc phải đáp ứng quy định về tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19, Bộ Văn hóa đề xuất khách nhập cảnh qua đường hàng không được chọn xét nghiệm bằng phương pháp PCR có giá trị 72 giờ hoặc kết quả test nhanh có giá trị 24 giờ trước khi đến Việt Nam.

Sau khi nhập cảnh, khách đi thẳng về nơi lưu trú đã đăng ký và không được tiếp xúc với cộng đồng; xét nghiệm nhanh tại nơi lưu trú, trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh. Trường hợp có kết quả âm tính, khách được tham gia hoạt động du lịch với hình thức tự do lựa chọn điểm đến.

Ngoài ra, khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu giảm xuống 10.000 USD ở giai đoạn 2…

Kiến nghị bố trí hơn 13.600 tỷ đồng làm Vành đai 2

Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị bố trí 13.639 tỷ đồng ngân sách trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 cho Vành đai 2, để sớm khép kín tuyến đường.

Đoạn 2,7 km Vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) triển khai theo hình thức BT đang dừng thi công

Đoạn 2,7 km Vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) triển khai theo hình thức BT đang dừng thi công

Đây là một trong nội dung cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, vừa được lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải đề xuất Chủ tịch UBND TP.HCM. Động thái này đưa ra nhằm chuẩn bị các nội dung trình HĐND Thành phố xem xét tại kỳ họp dự kiến tháng 3 năm nay.

Mức vốn 13.639 tỷ đồng được đề xuất bố trí cho hai dự án thuộc Vành đai 2 đi qua TP. Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2025, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng. Mức vốn này tương đương 80% tổng mức đầu tư hai công trình trên (khoảng 17.049 tỷ đồng). Phần còn lại hơn 3.400 tỷ đồng sẽ được cân đối để bố trí cho các dự án ở giai đoạn sau.

Giá xăng dầu lại đồng loạt tăng mạnh, vượt 26.280 đồng/lít

Kể từ 15h chiều ngày 21/2, Liên Bộ Công thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh tăng mạnh giá xăng dầu, đồng loạt tăng tiếp gần 1.000 đồng với tất cả các mặt hàng.

Kể từ 15h chiều ngày 21/2, giá xăng dầu lại đồng loạt tăng mạnh

Kể từ 15h chiều ngày 21/2, giá xăng dầu lại đồng loạt tăng mạnh

Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 960 đồng/lít; xăng RON 95 cũng tăng tương tự ở mức 960 đồng/lít. Các loại dầu lần lượt tăng giá, trong đó giá dầu diesel tăng 940 đồng/lít, dầu hỏa tăng 750 đồng/lít còn dầu mazut tăng 280 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 25.530 đồng/lít; RON 95 là 26.280 đồng/lít; dầu diesel 20.800 đồng/lít, dầu hỏa 19.500 đồng/lít; dầu mazut 17.930 đồng/kg.

Tại kỳ này cơ quan điều hành chi quỹ bình ổn cho RON 95, E5 RON 92 và diesel ở mức 100-300 đồng/lít. Còn trích lập với dầu mazut là 300 đồng/kg.

Như vậy, thị trường xăng dầu trải qua lần thứ 5 tăng liên tiếp, ở mức rất cao. Trước đó kỳ điều chỉnh gần đây nhất vào ngày 11/2 đã đưa ra giá xăng RON 95 vượt mốc 25.000 đồng/lít, cao nhất 8 năm trở lại đây.

Đắk Lắk đề xuất làm cao tốc bằng 100% vốn Trung ương

Do địa phương khó khăn, không thể cân đối ngân sách, Tỉnh xin đầu tư cao tốc Khánh Hoà - Buôn Mê Thuột từ 100% vốn của Trung ương thay vì gần 50% như trước.

Hướng tuyến cao tốc Khánh Hoà - Buôn Mê Thuột

Hướng tuyến cao tốc Khánh Hoà - Buôn Mê Thuột

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, Tỉnh uỷ Đắk Lắk vừa có văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành xem xét, bố trí 100% vốn ngân sách Trung ương để đầu tư Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Lý do, ngân sách Tỉnh khó khăn, không thể cân đối để làm; việc huy động vốn thực hiện dự án như vậy khó khả thi với địa phương.

Trước đó, dự án này được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo tiền khả thi Dự án. Tuyến cao tốc dài hơn 117 km (qua Khánh Hòa dài hơn 32,7 km, Đắk Lắk khoảng 84,8 km), 4 làn xe, rộng 17 m, tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng.

Dự án có điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh tránh đông TP. Buôn Ma Thuột, thuộc xã Hòa Đông, huyện Krông Păc, tỉnh Đắk Lắk. Dự án sẽ được thực hiện từ 2023 và hoàn thành năm 2027.

Hồi tháng 5/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi Thủ tướng xin Trung ương 10.000 tỷ đồng để thực hiện Dự án. Số còn lại tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa sẽ cân đối ngân sách địa phương và kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Chuyên đề