Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị truy tố 10 - 15 năm tù
Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, bị cáo buộc hai lần nhận tài liệu mật vụ án Nhật Cường từ Phạm Quang Dũng, cựu cán bộ C03 Bộ Công an.
Ông Nguyễn Đức Chung |
Ông Nguyễn Đức Chung, cùng Phạm Quang Dũng, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Khung hình phạt 10 -15 năm tù.
Cùng tội danh, tài xế riêng của ông Chung là Nguyễn Hoàng Trung, chuyên viên Phòng Thư ký biên tập Văn phòng UBND Hà Nội và Nguyễn Anh Ngọc, cựu phó trưởng Phòng Thư ký biên tập bị đề nghị truy tố, khung hình phạt 2 - 7 năm tù.
5 tháng trước vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước được khởi tố. Hành vi của 4 bị can xảy ra trong quá trình Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an điều tra về sai phạm của Công ty Nhật Cường.
Ngày 14/5/2019, Bộ Công an khởi tố vụ án Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.
Ông Chung bị xác định liên quan vụ án nên thông qua trung gian làm quen với bị can Dũng - người được trưng dụng để hỗ trợ điều tra vụ án Nhật Cường. Ông Chung đề nghị Dũng thu thập thông tin liên quan và được đồng ý, nhà chức trách cáo buộc.
Cơ quan điều tra cho rằng Dũng ba lần chuyển 12 tài liệu vụ án cho ông Chung. Một nửa trong số này thuộc danh mục mật.
Trong vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước này, ông Chung được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Ba bị can còn lại giữ vai trò đồng phạm giúp sức. Quá trình điều tra, ông Chung thừa nhận, khai báo rõ hành vi phạm tội.
VNPT sẽ thử nghiệm 5G tại phố đi bộ Hà Nội, TP.HCM
VNPT sẽ thử nghiệm 5G thương mại tại một số khu vực ở TP.HCM, Hà Nội, trong đó có phố đi bộ Hồ Gươm và Nguyễn Huệ từ tháng 12.
VNPT sẽ thử nghiệm 5G tại phố đi bộ Hà Nội |
Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông (VNPT) vừa trở thành nhà mạng thứ 3 được cấp phép thử nghiệm thương mại 5G tại Việt Nam sau Viettel và Mobifone. Theo đó, VNPT được thử nghiệm thương mại 5G với số lượng không quá 100 trạm thu phát sóng (BTS) tại các băng tần 2.600MHz, 3.700-3.800MHz.
VNPT cho biết sẽ phủ sóng 5G tại một số địa điểm ở Hà Nội, chủ yếu ở khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng. Còn ở TP.HCM, doanh nghiệp sẽ phủ sóng 5G tại các địa điểm tập trung đông người như phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực Nhà thờ Đức Bà (Quận 1) và trung tâm Quận 3, Quận 10.
VNPT cho biết để triển khai thử nghiệm thương mại 5G, Tổng công ty Hạ tầng mạng VNPT - Net đang hoàn tất việc đầu tư trang thiết bị mạng, để chuẩn bị lắp đặt tại Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, doanh nghiệp sẽ lắp đặt 50 BTS 5G, số lượng BTS còn lại được lắp tại TP.HCM.
Nhà mạng này cũng lên kế hoạch đầu tư mạng lõi để bảo đảm hỗ trợ 5.000 thuê bao 5G trong giai đoạn thử nghiệm tiền thương mại tại hai thành phố trên. Đồng thời, VNPT phối hợp với nhà sản xuất điện thoại để kiểm tra tích hợp các thiết bị đầu cuối 5G đang có mặt trên thị trường nhằm bảo đảm tối ưu trải nghiệm của khách hàng trên mạng 5G VinaPhone.
Khởi tố cựu Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM Phạm Văn Thông
Ông Phạm Văn Thông (cựu Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM) bị Công an TP.HCM khởi tố do có sai phạm liên quan đến việc tăng vốn điều lệ tại Công ty Sadeco.
Lực lượng chức năng khám xét tại căn nhà trên đường Bình Lợi, Q.Bình Thạnh |
Ngày 21/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can ông Phạm Văn Thông (cựu Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM), ông Lê Hoàng Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ngoài 2 người này, Công an TP.HCM còn khởi tố thêm 11 người khác cùng về tội danh trên.
Theo đó, 13 bị can này được xác định có liên quan đến hành vi vi phạm của ông Tề Trí Dũng, cựu Tổng giám đốc Công ty IPC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Công ty Sadeco).
Hồi tháng 5/2019, Công an TP.HCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng về 2 tội danh tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng với ông Dũng, bà Hồ Thị Thanh Trúc - Tổng Giám đốc Công ty Sadeco cũng bị bắt tạm giam để điều tra về 2 tội danh nêu trên.
Dự án 5.000 tỷ đồng ở Hà Nội chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa dân vào ở
Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, đến nay Dự án Hinode City (201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chưa được nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng theo quy định.
Dự án Hinode City đến nay vẫn chưa được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chấp nhận kết quả nghiệm thu, hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng. |
Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng vừa có văn bản thông tin về việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng đối với Dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ tại số 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội (tên thương mại là Hinode City).
Cục khẳng định, công trình Hinode City do Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư đã được Cục kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng và có thông báo ngày 6/2/2020, trong đó, kết luận chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng.
Điều đáng nói là dù chưa có kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng từ cuối năm 2019 chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ cho khách hàng về ở trái với quy định.
Liên quan đến dự án này, ngày 24/6/2020, Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ (PCCC&CNCH) thuộc Bộ Công an đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex 103 triệu với các vi phạm về xây dựng. Cụ thể, chủ dự án đã thi công, lắp đặt không đúng thiết kế PCCC được cơ quan chức năng thẩm duyệt; đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC. Dù chưa được nghiệm thu công trình nhưng chủ đầu tư dự án Hinode City đã đưa cả trăm hộ dân vào ở tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Hà Tĩnh: Vườn quốc gia Vũ Quang được công nhận là vườn di sản ASEAN
Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN vừa công nhận vườn quốc gia Vũ Quang là Vườn di sản ASEAN.
Một góc của Vườn quốc gia Vũ Quang |
Vườn quốc gia Vũ Quang được công nhận là Vườn di sản bởi hội tụ đủ các tiêu chí như: Tính toàn vẹn sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên, tính bảo tồn cao, kế hoạch quản lý, bảo tồn và tính pháp lý.
Vườn quốc gia Vũ Quang được thành lập năm 2002, tổng diện tích 57.000 ha, trong đó có 52.000 ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
Kết quả điều tra và thống kê đến hết năm 2015, vườn có hệ thực vật đa dạng với gần 1.800 loài trong tổng số 737 chi và 202 họ thực vật. Trong đó 131 loài nguy cấp cần được bảo tồn có danh mục nằm trong Sách đỏ và Nghị định 32 của Chính phủ.
Chương trình Vườn di sản ASEAN là một trong những sáng kiến của Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, được thực hiện từ năm 2002. Vườn quốc gia Vũ Quang là di sản thứ 11 của Việt Nam được tổ chức này công nhận.
Bình Thuận: Đường du lịch bị hư hỏng nặng
Tuyến đường Thuận Quý – Hòn Giồ nối khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú với biển Tiến Thành dài 10 km sụp lún, vỡ nát do xe quá tải.
Gần 10 km đường du lịch Thuận Quý - Hòn Giồ (Bình Thuận) đang bị sụp lún, hư hỏng |
Đường Thuận Quý - Hòn Giồ qua địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết. Đây là tuyến đường du lịch trọng điểm nối khu du lịch biển Tiến Thành với rừng Tà Cú, rút ngắn hành trình cho các phương tiện từ đường ven biển ra quốc lộ 1A. Trọng tải cho phép của đường này không quá 10 tấn.
Những ngày qua, các phương tiện chở khách du lịch cũng như người dân địa phương đi qua tuyến đường này không khỏi ngao ngán. Mặt đường lỗ chỗ, nham nhở, ổ gà, ổ voi dày đặc. Lớp nhựa bề mặt bị bong tróc, vỡ nát, sụp lún.
Theo người dân địa phương, con đường bị cày nát trong vòng 3 tháng qua do lượng xe chở vật liệu xây dựng thi công hạ tầng tại các dự án bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng giáp biển Tiến Thành tăng đột biến. Xe ben vận chuyển đất, đá, xe trộn bêtông, xe tải chở gạch, chở cống thoát nước, cây xanh... đều đổ về đây.
Đến 2025, Hà Nội lắp đặt đồng bộ điện mặt trời mái nhà
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.
Đến 2025, Hà Nội lắp đặt đồng bộ điện mặt trời mái nhà. Ảnh minh họa: KT |
Theo đó, với mục tiêu phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường. UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2021 - 2025 như sau:
Đến năm 2025, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt đến khoảng 1%, trong đó, tổng công suất nguồn điện năng lượng mặt trời ước đạt khoảng 100MWp (triển khai lắp đặt đồng bộ điện mặt trời mái nhà tại các chung cư thấp tầng, tòa nhà cao tầng của Thành phố) và điện rác khoảng 150MWp...
Ưu tiên sử dụng năng lượng điện mặt trời và điện rác cho phát điện, khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường….
Bên cạnh đó, ưu tiên phát điện mặt trời phù hợp với khả năng đảm bảo an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà trên mặt nước, thí điểm mô hình phù hợp cho Thành phố.