Bản tin thời sự sáng 22/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhiều vi phạm trong công tác quản lý đất ở TP. Thủ Đức; đề xuất 2 phương án nâng mức trợ cấp xã hội hằng tháng từ 1/7/2024; dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản kém xa năm 2022; doanh thu Bến xe miền Tây cao kỷ lục; Bộ Công an sẽ định danh số nhà…

Nhiều vi phạm trong công tác quản lý đất ở TP. Thủ Đức

Thanh tra TP.HCM vừa thông báo Kết luận thanh tra về trách nhiệm thủ trưởng trong thực hiện quản lý nhà, đất do Nhà nước quản lý tại UBND TP. Thủ Đức thời điểm 2021 - 2022.

Công tác quản lý đất đai ở TP. Thủ Đức còn nhiều vấn đề

Công tác quản lý đất đai ở TP. Thủ Đức còn nhiều vấn đề

Theo Kết luận thanh tra, trong công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, UBND TP. Thủ Đức và các đơn vị trực thuộc còn một số thiếu sót như: không lập đầy đủ phụ lục đính kèm báo cáo, không cập nhật đầy đủ các số liệu, biểu mẫu; chưa xây dựng đầy đủ mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm tại kế hoạch, việc lập và công khai kế hoạch còn trễ hạn; chưa xây dựng các tiêu chí chi tiêu cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ; cơ sở báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí của đơn vị chưa chính xác.

Đối với việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Dự án Khu công nghệ cao, Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, các dự án tái định cư do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Quận 9 làm Chủ đầu tư, hầu hết các nhiệm vụ đang trong quá trình thực hiện, có nhiều nhiệm vụ thực hiện rất chậm và có nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng trễ hạn so với chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Về việc quản lý nhà, đất do Nhà nước quản lý, một số khu đất chưa được UBND TP. Thủ Đức thống nhất phê duyệt chủ trương xử lý; đất thuộc diện Nhà nước trực tiếp quản lý (đất trống, đất dôi dư sau bồi thường giải tỏa của các dự án) chưa được kê khai, xác lập quản lý Nhà nước.

Các Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích (Quận 9, quận Thủ Đức) chưa bàn giao đầy đủ quỹ nhà ở sản xuất kinh doanh và nền tái định cư cho Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Có một số mặt bằng hết thời hạn thuê, bên thuê vẫn tiếp tục sử dụng nhưng đơn vị được giao quản lý chưa kịp thời thu hồi mặt bằng nhà đất và tiền thuê nhà đất như đã nêu tại kết quả kiểm tra, xác minh.

Đề xuất 2 phương án nâng mức trợ cấp xã hội hằng tháng từ 1/7/2024

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đang hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến đề xuất bổ sung 3 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến đề xuất bổ sung 3 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội

Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết, Bộ được giao nghiên cứu xây dựng, sửa đổi Nghị định số 20 với đề xuất 2 phương án tăng mức trợ cấp, hiện đang tổng hợp để hoàn thiện báo cáo Chính phủ.

Phương án 1: Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng, mức này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.

Với phương án này, số kinh phí thực hiện mỗi năm sẽ khoảng 37.000 tỷ đồng, tăng hơn so với mức quy định hiện tại là gần 10.000 tỷ đồng. Dự kiến nếu phương án này được thực hiện từ ngày 1/7/2024, năm 2024, ngân sách nhà nước cần bố trí thêm khoảng 4.700 tỷ đồng.

Phương án 2: Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.

Với mức chuẩn trợ giúp xã hội là 750.000 đồng, tổng kinh phí thực hiện mỗi năm khoảng 54.000 tỷ đồng, ngân sách nhà nước bố trí tăng thêm khoảng 26.000 tỷ đồng/năm. Dự kiến nếu thực hiện từ ngày 1/7/2024, năm 2024 ngân sách nhà nước bố trí thêm khoảng 13.000 tỷ đồng.

Theo ông Thanh, hiện phương án Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu để trình Chính phủ là, ngoài tăng mức trợ cấp từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng theo phương án 1, dự kiến sẽ bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội gồm: trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không có người nuôi dưỡng; trẻ em dưới 3 tuổi và người cao tuổi từ 75 - 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

“Nếu như tăng mức trợ cấp như trên và mở rộng thêm 3 nhóm đối tượng thì kinh phí tăng thêm trong năm 2024 dự kiến khoảng 17.000 tỷ đồng. Do còn liên quan đến tiêu chí xác định đối tượng, tác động, nguồn kinh phí nên Bộ tiếp tục lấy ý kiến của Bộ Tài chính để xem xét, thống nhất phương án đề xuất. Sau đó, sẽ sớm trình Chính phủ để ban hành trong năm 2024", ông Thanh nói.

Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản kém xa năm 2022

Thống kê cho thấy, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đến hết tháng 8 là 986.477 tỷ đồng, trong khi năm 2022 là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đến hết tháng 8/2023 là 986.477 tỷ đồng

Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đến hết tháng 8/2023 là 986.477 tỷ đồng

Báo cáo thị trường của Bộ Xây dựng cho thấy, đến quý III, lượng tiền lớn từ ngân hàng đã được đổ vào bất động sản. Tính đến ngày 31/8, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản là 986.477 tỷ đồng (tăng hơn 26.200 tỷ đồng so với cuối tháng 7 là 960.269 tỷ đồng).

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở ghi nhận cao nhất với 266.248 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 27% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Tiếp theo là dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê với 132.165 tỷ đồng, chiếm 13%.

Ngoài ra, dư nợ tín dụng của các dự án nhà hàng, khách sạn là 64.211 tỷ đồng; Vay mua quyền sử dụng đất là 62.701 tỷ đồng; Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 56.571 tỷ đồng; Dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng là 53.860 tỷ đồng; Dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê là 40.622 tỷ đồng. Còn lại là nợ tín dụng bất động sản khác.

Song so với năm 2022, số dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản trên vẫn khiêm tốn. Theo thống kê, đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là hơn 2,36 triệu tỷ đồng, trong đó nợ tín dụng đối với bất động sản kinh doanh chiếm 33% (khoảng 78.000 tỷ). Đến cuối năm 2022, số dư nợ tín dụng tăng lên thành 2,58 triệu tỷ. Kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 31,28% (khoảng 86.000 tỷ).

Trước đó, trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết trong 7 tháng đầu năm 2023, tín dụng bất động sản chỉ tăng 4,99%.

Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (18,95%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%), đây là mức tăng trưởng rất cao (gấp hơn 4 lần tăng trưởng tín dụng chung) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản (chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản) lại giảm 1,36%.

Bộ Công an sẽ định danh số nhà

Bộ Công an dự kiến định danh số nhà và căn hộ chung cư để xác định mỗi người đang sở hữu bao nhiêu bất động sản, tạo thuận lợi cho việc giao hàng.

Một biển số nhà tại TP.HCM

Một biển số nhà tại TP.HCM

Ngày 21/10, khi ký hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, đã tham mưu về giải pháp giúp minh bạch thị trường bất động sản thông qua định danh số nhà.

Theo đó, phía bưu điện có sẵn thông tin về số nhà, cảnh sát khu vực có dữ liệu về hộ khẩu và Bộ Công an còn có dữ liệu về dân cư và giấy tờ nhà đất. "C06 sẽ phối hợp cùng bưu điện để liên thông dữ liệu, sau đó định danh số nhà", C06 cho biết.

Bộ Công an kỳ vọng kế hoạch này được triển khai "sẽ tiết kiệm nhiều chi phí" cho Nhà nước khi tận dụng được dữ liệu có sẵn, không phải chờ làm sạch dữ liệu về bất động sản.

Đây cũng là giải pháp để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 13/CT-TTg về lập lại trật tự, khắc phục những bất cập với công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải.

Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư của C06, giải thích, thông qua định danh số nhà sẽ dễ dàng xác định được mỗi người đang sở hữu bao nhiêu bất động sản và ở đâu. Có dữ liệu này, các đơn vị như bưu điện, chuyển phát nhanh sẽ dễ dàng khai thác thông tin khi giao hàng.

Ông Vĩnh nói, Bộ Xây dựng cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì việc xây dựng dữ liệu về số nhà, nhà ở. Bộ Công an sau đó sẽ dựa vào đây cùng với thông tin thu thập từ UBND các cấp để định danh số nhà.

Doanh thu Bến xe miền Tây cao kỷ lục

Bến xe miền Tây ghi nhận gần 37 tỷ đồng doanh thu quý III, mức kỷ lục từ khi công bố thông tin, lợi nhuận cao nhất gần 9 năm.

Bến xe miền Tây ghi nhận gần 37 tỷ đồng doanh thu quý III, kỷ lục từ khi công bố thông tin

Bến xe miền Tây ghi nhận gần 37 tỷ đồng doanh thu quý III, kỷ lục từ khi công bố thông tin

Số liệu từ báo cáo tài chính của Công ty CP Bến xe miền Tây (WCS) cho thấy, doanh thu tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 36,8 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin năm 2009.

Doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác cũng tăng nhờ lượng tiền gửi dài hạn tại ngân hàng được hưởng lãi suất huy động cao. Tính chung, WCS đang có gần 240 tỷ đồng tiền gửi, mang về hơn 3 tỷ đồng lãi trong quý III.

Trừ các chi phí, doanh nghiệp này lãi gần 19 tỷ đồng sau thuế quý III. Đây là mức cao nhất kể từ quý IV/2014.

Lũy kế 9 tháng, công ty này đạt hơn 105 tỷ đồng doanh thu và hơn 51 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 61,5% và gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành khoảng 87% chỉ tiêu doanh thu và vượt 13% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Năm nay, Bến xe miền Tây dự kiến đón gần 8,8 triệu lượt khách, tăng hơn 30% so với năm 2022.

WCS dự kiến chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ từ 20% trở lên. Doanh nghiệp này 4 năm liên tiếp, từ 2020 đến nay, đều chia cổ tức ở mức 20%. Trước đó, Bến xe Miền Tây được biết đến với tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt hằng năm cao ngất ngưởng, riêng năm 2018 là 400%, năm 2019 là 516%.

Sai phạm bị cáo buộc của cựu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại Đồng Nai

Ông Trần Quốc Tuấn, cựu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai, bị cáo buộc thiếu trách nhiệm trong quản lý, để các quỹ tín dụng vỡ nợ gây thất thoát 1.352 tỷ đồng.

Ông Trần Quốc Tuấn khi còn làm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai

Ông Trần Quốc Tuấn khi còn làm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai

Ông Trần Quốc Tuấn sẽ bị Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vào ngày 25/10.

Theo cáo trạng, ông Tuấn làm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai từ năm 2014 đến 2017. Ngày 10/2/2014, cơ quan này ban hành kế hoạch thanh tra Quỹ tín dụng Tân Tiến nhưng ông Tuấn không cho thanh tra theo kế hoạch mà điều chỉnh thanh tra sang năm 2015.

Từ năm 2015 và 2016, các báo cáo giám sát chỉ ra dấu hiệu mất an toàn của Quỹ tín dụng Tân Tiến nhưng ông Tuấn vẫn không cho thanh tra.

Tháng 4/2017, khi biết đơn vị này có nhiều sai phạm, ông Tuấn vẫn chỉ đạo không thanh tra mà ký văn bản đóng dấu "mật" yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm.

Đến tháng 11/2017, Quỹ tín dụng Tân Tiến vỡ nợ, gây thiệt hại gần 810 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, cũng trong khoảng thời gian này, Quỹ tín dụng Thanh Bình, Thái Bình, Dầu Giây, Gia Kiệm, Quảng Tiến cũng có hàng loạt sai phạm như: huy động vốn lãi suất cao, lập hồ sơ khống nhằm hợp thức hóa hồ sơ vay vốn để rút tiền của khách hàng gửi tiết kiệm, lập khống số tiền gửi, đem tiền huy động được gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng khác dưới tên các cá nhân để chiếm đoạt; để ngoài sổ sách tiền gửi, không đưa vào hạch toán... Hậu quả là đã vỡ nợ, mất khả năng chi trả hơn 500 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát cáo buộc, với vai trò Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai, ông Tuấn đã không làm đúng công tác kiểm tra, giám sát; can thiệp kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra, đồng thời chấp thuận dự kiến bầu Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Bình khi chưa đủ điều kiện.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng không thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên không kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật của các quỹ tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, dẫn đến 6 quỹ tín dụng bị vỡ nợ, gây thiệt hại hơn 1.352 tỷ đồng.

Tìm nhà đầu tư 2 dự án nghỉ dưỡng biển gần 7.800 tỷ đồng ở Bình Định

Hai dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng biển nằm trong Khu kinh tế Nhơn Hội, có diện tích 70 ha, với tổng mức đầu tư gần 7.800 tỷ đồng đang tìm nhà đầu tư.

Tuyến đường ven biển qua thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Tuyến đường ven biển qua thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Ngày 21/10, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án tại khu du lịch biển Nhơn Lý - Cát Tiến bằng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư.

Mục tiêu của 2 dự án trên là đầu tư khu du lịch theo quy hoạch với các loại hình khu lưu trú nghỉ dưỡng biển, nhà hàng, khu vui chơi giải trí biển và các dịch vụ phụ trợ khác.

Cụ thể, dự án số 2 (2-1) rộng hơn 28 ha với tổng vốn đầu tư hơn 3.212 tỷ đồng được chia làm 2 khu. Trong đó có một khu nghỉ dưỡng rộng hơn 12 ha, mật độ xây dựng hơn 20%. Tại đây, xây dựng 734 căn (biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn đa năng…) với chiều cao tối đa 10 tầng.

Một khu nghỉ dưỡng khác rộng hơn 12 ha, mật độ xây dựng hơn 21%, với 810 căn (biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn đa năng…), chiều cao tối đa 10 tầng. Phần còn lại là đất mặt nước, bãi cát (không gian không cho thuê).

Dự án số 2 (2-2) rộng hơn 40 ha được chia làm 2 khu, có tổng vốn đầu tư hơn 5.320 tỷ đồng. Trong đó, khu 1 rộng hơn 13 ha, mật độ xây dựng hơn 20% với 919 căn (biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn đa năng...), chiều cao tối đa 10 tầng.

Khu nghỉ dưỡng số 2 rộng gần 16 ha, mật độ xây dựng gần 23%, gồm 992 căn (biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn đa năng...).

Ngoài ra, trong khuôn viên dự án này còn có khu phố đi bộ rộng hơn 6 ha. Phần còn lại là đất bãi cát và mặt nước.

Tiến độ thực hiện các dự án không quá 60 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất hoặc quyết định chấp thuận nhà đầu tư. Trong đó, tiến độ hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư không quá 12 tháng.

Nhựa Bình Minh lãi kỷ lục hơn 784 tỷ đồng trong 9 tháng

Nhựa Bình Minh lãi hơn 784 tỷ đồng trong 9 tháng, vượt kế hoạch đề ra và cao hơn tất cả mức lợi nhuận hàng năm trong quá khứ.

Nhựa Bình Minh hiện là công ty con của Nawaplastic Industries, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan)

Nhựa Bình Minh hiện là công ty con của Nawaplastic Industries, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan)

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP) có doanh thu hơn 926 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Công ty cắt giảm giá vốn đến hơn một nửa, giúp biên lợi nhuận gộp được nâng lên 43% - cao nhất từ khi Nhựa Bình Minh thành công ty con của Nawaplastic Industries, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan), vào đầu năm 2018.

Kỳ này, các chi phí thường xuyên đều được tiết giảm mạnh. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế tăng 19% so với quý III/2022, đạt gần 209 tỷ đồng. Với con số này, Nhựa Bình Minh cũng lập kỷ lục về biên lãi ròng khi đạt 22,5%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, BMP có hơn 3.700 tỷ đồng doanh thu và hơn 784 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu giảm gần 16% nhưng lợi nhuận tăng tới 75%, vượt kế hoạch lãi cả năm 20% dù chỉ hoàn thành 58% chỉ tiêu doanh thu.

Con số 784 tỷ đồng cũng giúp BMP lập kỷ lục mới, cao hơn tất cả mức lợi nhuận hàng năm trong quá khứ của doanh nghiệp này. Nhiều khả năng kết thúc năm nay, Nhựa Bình Minh sẽ nối dài mạch tăng trưởng dương liên tiếp từ sau dịch Covid-19.

Tính đến cuối tháng 9, BMP có tổng tài sản gần 3.500 tỷ đồng. Tiền gửi ngân hàng (không kỳ hạn và có kỳ hạn) chiếm hơn 2.000 tỷ đồng trong số này, tăng hơn 700 tỷ đồng so với đầu năm.

Kinh doanh thuận lợi, Nhựa Bình Minh dự kiến năm nay dành ít nhất 50% lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức. Năm ngoái, Nhựa Binh Minh dành đến 99% lợi nhuận (khoảng 690 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận được 8.400 đồng.

Gần đây, doanh nghiệp này bị xử phạt gần 9 tỷ đồng về thuế. Tổng cục Thuế kết luận Nhựa Bình Minh khai thuế sai trong ba năm 2020 - 2022 nên phải truy thu kèm phạt tiền chậm nộp.

Chuyên đề