Bản tin thời sự sáng 21/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương sớm tính đơn giá thuê đất; Quốc lộ 4H sạt lở lớn, chia cắt giao thông Lai Châu và Điện Biên; hạn chế ô tô qua đèo Bảo Lộc để xử lý sạt lở; vàng miếng lên 81 triệu đồng; giá USD trong ngân hàng giảm mạnh…

Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương sớm tính đơn giá thuê đất

Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các địa phương sớm ban hành các mức tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất, để áp cho các hồ sơ phát sinh từ 1/8.

Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương sớm tính đơn giá thuê đất

Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương sớm tính đơn giá thuê đất

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng nêu tại hội nghị triển khai quy định về tiền sử dụng đất, thuê đất, ngày 20/8. Yêu cầu của Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh Luật Đất đai 2024 và nghị định hướng dẫn có hiệu lực từ 1/8, nên cần sớm thực hiện các quy định mới để tránh phát sinh ách tắc.

Nghị định 103/2024 quy định cách tính, thu, nộp tiền sử dụng, thuê đất và chuyển tiếp với trường hợp được giao, cho thuê trước ngày 1/8.

Theo đó, công thức tính đơn giá thuê đất hàng năm là tỷ lệ phần trăm (x) giá tiền thuê đất. Trong đó, giá để tính tiền thuê được áp dụng theo bảng giá đất tại Luật Đất đai 2024. Còn các mức tỷ lệ phần trăm tính đơn giá sẽ do UBND cấp tỉnh quy định.

Theo Luật Đất đai 2024, tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất một năm từ 0,25 - 3%, giảm một nửa so với quy định cũ. Với đất xây công trình ngầm, đơn giá này không quá 30% so với mức thuê đất trên bề mặt (nếu cùng hình thức thuê). Trường hợp đất có mặt nước, đơn giá thuê không thấp hơn 20% so với loại đất nằm liền kề (giả định cùng mục đích sử dụng và thời hạn sử dụng).

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng đề nghị, các địa phương sớm ban hành mức tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất, để tính tiền thu với các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đề nghị, các địa phương lưu ý quy định liên quan giá đất để tính tiền sử dụng, thuê đất và miễn, giảm các khoản này, cũng như xử lý chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Luật Đất đai 2024 đã mở rộng các trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm và xác định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.

Quốc lộ 4H sạt lở lớn, chia cắt giao thông Lai Châu và Điện Biên

Giao thông giữa xã biên giới Mù Cả và các xã khác của huyện Mường Tè đã bị chia cắt; đặc biệt giao thông giữa huyện Mường Tè (Lai Châu) và huyện Mường Nhé (Điện Biên) bị chia cắt hoàn toàn.

Quốc lộ 4H sạt lở lớn, chia cắt giao thông Lai Châu và Điện Biên

Quốc lộ 4H sạt lở lớn, chia cắt giao thông Lai Châu và Điện Biên

Ngày 20/8, thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu cho biết, vừa xảy ra sạt lở lớn trên Quốc lộ 4H thuộc địa phận xã Mù Cả (huyện Mường Tè) gây chia cắt giao thông xã Mù Cả với trung tâm huyện Mường Tè; chia cắt lưu thông huyện Mường Tè (Lai Châu) và huyện Mường Nhé (Điện Biên).

Theo đó, rạng sáng 20/8, cả một sườn núi trên Quốc lộ 4H tại km 218+750 thuộc địa phận bản Xi Nế (xã Mù Cả) xảy ra sạt lở ta luy dương chắn ngang đường. Chiều dài khoảng 150 m, cao từ 15 - 20 m, tổng khối lượng ước tính khoảng 40.000 m3. Vụ sạt lở đã gây đứt sụt khoảng 70 m chiều dài nền đường nhựa.

Hiện, giao thông giữa xã biên giới Mù Cả và các xã khác của huyện Mường Tè đã bị chia cắt. Đặc biệt, giao thông giữa huyện Mường Tè (Lai Châu) và huyện Mường Nhé (Điện Biên) bị chia cắt hoàn toàn.

Công ty CP Bảo trì đường bộ I (đơn vị quản lý tuyến) đã phối hợp với lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương cắm biển cấm đường, cảnh báo nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông Hoàng Tiến Quý, Giám đốc Công ty CP Bảo trì đường bộ I Lai Châu cho biết, điểm sạt ta luy dương và đứt đường trên Quốc lộ 4H có địa chất rất phức tạp.

Hiện, Công ty đã báo cáo về Sở Giao thông vận tải Lai Châu và đề xuất phương án phân luồng cho các loại phương tiện. Công ty đang nỗ lực tập trung nhân công, máy móc mở nền, thông đường và sẽ cố gắng thực hiện thông xe trong thời gian sớm nhất.

Hiện, việc lưu thông của người dân huyện biên giới Mường Tè đi huyện Mường Nhé và các huyện khác của tỉnh Điện Biên được phân luồng đi theo Quốc lộ 4H hoặc Tỉnh lộ 127 ra huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) rồi đi theo Quốc lộ 12 về thị xã Mường Lay (Điện Biên).

Hạn chế ô tô qua đèo Bảo Lộc để xử lý sạt lở

Ô tô sẽ bị hạn chế qua đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) trên Quốc lộ 20 từ ngày 20 - 30/8 để phục vụ việc khoan địa chất, xử lý các điểm sạt lở.

Đường đèo bị hạn chế lưu thông để khoan thăm dò địa chất

Đường đèo bị hạn chế lưu thông để khoan thăm dò địa chất

Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng cho biết, ô tô bị hạn chế qua đèo từ 7h - 11h30 và 13 - 17h hàng ngày. Ngoài thời gian trên, việc lưu thông qua đèo Bảo Lộc trên Quốc lộ 20 diễn ra bình thường.

Việc khoan khảo sát địa chất để phục vụ cho công tác thiết kế công trình nhằm xử lý 12 điểm sạt lở trên đèo. Tại các vị trí thăm dò, mặt đường quốc lộ có thể bị lấn chiếm rộng nhất 2,5 m để đặt thiết bị khoan.

Theo Sở Giao thông vận tải, đơn vị thi công sẽ căng dây, lắp biển cảnh báo ở các vị trí khoan địa chất. Lực lượng CSGT Trạm Mađaguôi phối hợp phân luồng, điều tiết giao thông qua đèo.

Đèo Bảo Lộc dài khoảng 10 km, hai làn xe, nằm trên Quốc lộ 20 - một trong tuyến chính từ TP.HCM, Đồng Nai tới TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Với nhiều đoạn cua gấp, dốc cao, đèo là một trong những cung đường nguy hiểm với tài xế, xảy ra nhiều vụ tai nạn. Nhiều vụ sạt lở đất đã xảy ra trên đèo Bảo Lộc, nhất là vào mùa mưa.

Vàng miếng lên 81 triệu đồng

Giá vàng miếng SJC sáng 20/8 tăng 1 triệu, lên 81 triệu đồng mỗi lượng, cao nhất từ khi Ngân hàng Nhà nước thay đổi cách bình ổn thị trường.

Giá vàng miếng SJC sáng 20/8 tăng 1 triệu, lên 81 triệu đồng mỗi lượng

Giá vàng miếng SJC sáng 20/8 tăng 1 triệu, lên 81 triệu đồng mỗi lượng

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 79 - 81 triệu đồng mỗi lượng, tăng 1 triệu cả hai chiều mua bán. Mức này cao nhất từ khi Ngân hàng Nhà nước thay đổi cách bình ổn thị trường từ đầu tháng 6, thông qua bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh và SJC, thay vì đấu thầu.

Theo quy định, 4 nhà băng quốc doanh và SJC được phép bán chênh tối đa 1 triệu đồng so với giá họ mua từ Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, mức bán ra từ cơ quan quản lý cho các đơn vị kinh doanh khoảng 80 triệu đồng một lượng.

Một số thương hiệu khác, như Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, cũng điều chỉnh giá bán loại vàng này lên ngang với SJC.

Sau nhịp tăng mạnh cuối tuần, vàng nhẫn đi ngang ở vùng giá trên 78 triệu đồng. Sáng nay, mỗi lượng nhẫn trơn 24K giao dịch ở mức 76,8 - 78,2 triệu, thấp hơn 200.000 đồng so với cuối tuần trước.

Đà tăng của vàng miếng diễn ra khi kim loại quý trên thị trường quốc tế đi ngang ở vùng đỉnh, trên 2.500 USD. Chốt phiên đầu tuần, mỗi ounce vàng thế giới giao ngay ở 2.504 USD. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, vàng thế giới khoảng 76 triệu đồng. Như vậy, giá vàng nhẫn trong nước hiện cao hơn khoảng 2 triệu đồng so với thế giới, còn vàng miếng là gần 5 triệu.

Giá USD trong ngân hàng giảm mạnh

Vietcombank niêm yết giá bán USD còn 25.080 đồng, giảm 130 đồng so với hôm qua và gần 1,6% so với mức đỉnh cuối tháng 6.

Giao dịch ngoại tệ tại quầy một ngân hàng thương mại ở TP.HCM

Giao dịch ngoại tệ tại quầy một ngân hàng thương mại ở TP.HCM

Sáng 20/8, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.251 đồng, thấp hơn 10 đồng so với ngày 19/8. Với biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch USD trong khoảng 23.038 - 25.463 đồng.

Trên thị trường ngân hàng, tỷ giá đồng loạt giảm mạnh. Vietcombank ngày thứ ba liên tiếp hạ giá mua - bán USD, xuống 24.710 - 25.080 đồng. Mức này giảm 130 đồng so với sáng 19/8. BIDV báo giá đồng bạc xanh ở mức 24.740 - 25.080 đồng, giảm 140 đồng. Tỷ giá tại Techcombank, Eximbank cũng thấp hơn 90 - 110 đồng so với ngày 19/8.

So với mức đỉnh xác lập cuối tháng 6, tỷ giá trên thị trường ngân hàng hiện thấp hơn 1,6%, khoảng 390 - 400 đồng.

Trên thị trường tự do, giá bán USD đi ngang, quanh ngưỡng 25.380 - 25.400 đồng. Mức này thấp hơn 600 - 610 đồng, khoảng 2,3% so với cách đây hai tháng.

Tỷ giá bắt đầu giảm mạnh trong hơn một tháng gần đây, đặc biệt từ cuối tuần trước. Với động thái này, chênh lệch giữa tỷ giá thị trường tự do và niêm yết tại các ngân hàng thương mại không còn đáng kể.

Sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 18B Quảng Ninh

Một hố sụt rộng khoảng 6 m ngay trên mặt đường Quốc lộ 18B, huyện Hải Hà (Quảng Ninh), chia cắt cửa khẩu Bắc Phong Sinh nối tới Quốc lộ 18.

Sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 18B Quảng Ninh

Sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 18B Quảng Ninh

Sau trận mưa lớn chiều 20/8, tại vị trí Km4/10, Quốc lộ 18B đoạn đi qua bản Tài Phố, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 16h ngày 20/8. Sạt lở đã tạo thành 1 hố sụt rộng khoảng 6 m, chiếm 2/3 lòng đường nhựa, chia cắt hoàn toàn tuyến đường từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh nối tới Quốc lộ 18.

Tại hiện trường, các lực lượng chức năng đã cắm biển, đặt hàng rào, chăng dây cảnh báo nguy hiểm, đồng thời hướng dẫn người và phương tiện tạm thời không lưu thông để đảm bảo an toàn.

Đà Nẵng xử phạt nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Bốn doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm cho người lao động đã bị thành phố xử phạt, trong đó công ty bị phạt nhiều nhất 180 triệu đồng.

Bốn doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm cho người lao động đã bị thành phố Đà Nẵng xử phạt

Bốn doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm cho người lao động đã bị thành phố Đà Nẵng xử phạt

Theo UBND TP. Đà Nẵng cho biết, xử phạt Công ty TNHH Max Planning Vina (trụ sở tại đường số 2, KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) 150 triệu đồng vì chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp; 30 triệu đồng vì chậm đóng bảo hiểm y tế.

Doanh nghiệp này đã chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp hơn 1,1 tỷ đồng, chậm đóng bảo hiểm y tế cho 137 lao động.

Trước đó vào tháng 7, UBND TP. Đà Nẵng xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Bệnh viện Quốc tế Y Đức (trụ sở chính tại 209A Phạm Như Xương, quận Liên Chiểu) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Tây Lan (trụ sở số 63 Tôn Thất Đạm, quận Thanh Khê) về các hành vi như trên.

Công ty Bệnh viện Quốc tế Y Đức đã chậm đóng, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hơn 127 triệu đồng; chậm đóng bảo hiểm y tế cho 17 lao động; đóng không đủ số người bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế với 15 lao động.

Công ty Tân Tây Lan chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến tháng 5/2024 hơn 378 triệu đồng, chậm đóng bảo hiểm y tế cho 55 lao động.

Trong tháng 6, Công ty TNHH Khả Tâm, quận Liên Chiểu cũng bị chính quyền xử phạt hành chính vì chậm đóng 400 triệu đồng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đề nghị truy tố nguyên Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu

Ông Phạm Minh An, nguyên Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu, bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến gói thầu mua sắm thiết bị phòng mổ hybrid.

Trang thiết bị gói thầu 25 tại bệnh viện Vũng Tàu sau khi đầu tư, bàn giao

Trang thiết bị gói thầu 25 tại bệnh viện Vũng Tàu sau khi đầu tư, bàn giao

Ngày 20/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định đấu thầu và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu.

Đây là vụ án có liên quan đến Gói thầu Mua sắm thiết bị phòng mổ hybrid (Gói thầu số 25) thuộc Dự án Trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng.

Kết luận điều tra đề nghị truy tố ông Phạm Minh An, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Trần Mạnh Hải (nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế) và Đỗ Hữu Hải (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Sơn Hà) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ba người khác cùng bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định đấu thầu gồm: Huỳnh Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân), Lê Hữu Lễ (Trưởng phòng Thiết bị y tế - Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex), Tạ Quang Trường (Phó Tổng giám đốc - Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex).

Theo kết luận điều tra, Huỳnh Tuấn Anh đã thông đồng với Lê Hữu Lễ và Tạ Quang Trường cung cấp thông tin không trung thực để Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex trúng Gói thầu số 25.

Thực chất, Công ty Tạ Thiên Ân của Huỳnh Tuấn Anh là doanh nghiệp bán thiết bị y tế cho chủ đầu tư thông qua Công ty Vimedimex. Kết quả Gói thầu số 25 có trị giá hơn 36 tỷ đồng nhưng gây thiệt hại cho chủ đầu tư hơn 18,3 tỷ đồng. Bản thân Công ty Vimedixex được chia hơn 680 triệu đồng.

Đối với ông Phạm Minh An, cơ quan điều tra xác định, do tin tưởng vào thuộc cấp là Trần Mạnh Hải nên nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không kiểm tra tài liệu, không yêu cầu báo cáo dẫn đến ký quyết định tổ chức đấu thầu, thực hiện Gói thầu vào tháng 5/2021 gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên.

4 công trình khu tái định cư sân bay Long Thành bị chậm

11 công trình xã hội khu tái định cư sân bay Long Thành đến nay mới xong 7 công trình, còn 4 công trình đang hẹn ngày hoàn thành.

Một công trình hạ tầng xã hội tại khu tái định cư sân bay Long Thành

Một công trình hạ tầng xã hội tại khu tái định cư sân bay Long Thành

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (tái định cư cho người dân di dời để xây dựng sân bay Long Thành) có diện tích hơn 284 ha được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xây dựng mới 11 công trình xã hội bao gồm: 4 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường THCS, 1 chợ, 1 trung tâm văn hóa và 1 trụ sở UBND xã.

Tuy nhiên, đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh mới hoàn thành 7 công trình, bàn giao đưa vào sử dụng, gồm: 1 trụ sở UBND xã, 4 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS.

Còn lại 4 công trình chưa hoàn thành gồm: Trung tâm văn hóa hiện nay đang thi công phần khung sàn mái bê tông cốt thép (dự kiến hoàn thành tháng 8/2024); Trường tiểu học tại lô đất I-GD-1 đang thi công phần khung bê tông cốt thép (dự kiến hoàn thành tháng 8/2024); Trường THCS tại lô đất II-TH-2 đang thi công các khối lớp học, khối đa năng, khối hiệu bộ; Chợ tại lô đất II-TM-1, hiện, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Đồng Nai đã có kết quả thẩm duyệt điều chỉnh về vật liệu chống cháy cho nhà lồng chợ. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang thực hiện những nội dung tiếp theo để triển khai thi công phần sơn chống cháy, bọc chống cháy cho 2 cấu kiện thép nhà lồng chợ trên công trình (dự kiến hoàn thành tháng 10/2024).

Dự án thành phần xây dựng các công trình hạ tầng xã hội tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có 11 công trình tương ứng với 11 gói thầu xây dựng có tổng mức đầu tư của dự án hơn 407 tỷ đồng. Phần lớn các công trình đều đã được khởi công xây dựng vào thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021.

Do gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, biến động giá vật liệu nên đến năm 2022, toàn bộ dự án mới chỉ có 3 công trình hoàn thành xây dựng.

Chuyên đề