Bản tin thời sự sáng 21/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang trong vụ bán 324.970 m 2 đất công cho Quốc Cường Gia Lai; học sinh Hà Nội sẽ khai giảng trực tuyến vào sáng 5/9; TP.HCM siết chặt giãn cách, người dân ở đâu ở yên đó từ 0h ngày 23/8; đề nghị truy tố cựu Bí thư, Chủ tịch và nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương; huy động nhân viên y tế của 40 tỉnh và lực lượng quân y chi viện cho TP.HCM…

Đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang trong vụ bán 324.970 m2 đất công cho Quốc Cường Gia Lai

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang bị cho là duyệt chủ trương bán rẻ 324.970 m2 đất ở huyện Nhà Bè sai quy định, gây thiệt hại gần 168 tỷ đồng.

Ông Tất Thành Cang - nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM

Ông Tất Thành Cang - nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM

Thiệt hại do ông Tất Thành Cang gây ra được Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM nêu trong kết luận điều tra, chuyển sang Viện Kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố.

Ông Cang và 9 đồng phạm bị cáo buộc tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong đó có 3 cấp dưới của ông Cang là Phạm Văn Thông, Phan Thanh Tân (cùng là cựu Phó Chánh Văn phòng Thành uỷ) và Huỳnh Phước Long - nguyên Trưởng phòng Quản lý Đầu tư - Kinh doanh vốn thuộc Văn phòng Thành ủy.

6 người khác nguyên là lãnh đạo, cán bộ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) gồm: Nguyễn Văn Minh, Trần Công Thiện, Trần Tấn Hải, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Thị Ngọc Bích và Nguyễn Hoàng Việt bị đề nghị truy tố với vai trò đồng phạm.

Kết luận điều tra xác định, Công ty Tân Thuận được UBND huyện Nhà Bè giao nhiệm vụ đầu tư, xây dựng Dự án Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) và được Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án.

Khi Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đề nghị hợp tác, ông Trần Công Thiện ký văn bản kiến nghị Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương. Văn phòng Thành ủy sau đó có các thông báo truyền đạt ý kiến của ông Cang về việc chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần diện tích 324.970 m2 đất tại Dự án Phước Kiển.

Công ty Tân Thuận chuyển nhượng khu đất có vị trí đẹp cạnh sông Sài Gòn cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 374 tỷ đồng.

Cơ quan an ninh điều tra xác định bị can Trần Công Thiện và các đồng phạm thuộc Công ty Tân Thuận đã thực hiện không đúng quy định về xây dựng giá, gây thất thoát số tiền gần 168 tỷ đồng trong việc chuyển nhượng đất dự án.

Ông Cang với tư cách là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, phụ trách Văn phòng Thành ủy đã không báo cáo Ban Thường vụ mà tự ý "bút phê" chấp thuận cho Công ty Tân Thuận bán đất ở Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ.

Học sinh Hà Nội sẽ khai giảng trực tuyến vào sáng 5/9

Sáng 5/9, Thành phố sẽ phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội truyền hình trực tiếp lễ khai giảng đến toàn thể nhân dân, học sinh Thủ đô.

Lễ khai giảng sẽ được truyền hình trực tiếp đến toàn thể nhân dân, học sinh Thủ đô

Lễ khai giảng sẽ được truyền hình trực tiếp đến toàn thể nhân dân, học sinh Thủ đô

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Đại cho biết, Thành phố sẽ tổ chức khai giảng theo đúng tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào 7h30 phút ngày 5/9.

Thành phố sẽ phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức lễ khai giảng trực tuyến và truyền hình trực tiếp đến toàn thể nhân dân, học sinh Thủ đô.

TP. Hà Nội đã hoàn thành tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Ông Phạm Văn Đại cho biết thêm, do nhiều năm nay Hà Nội tổ chức tuyển sinh trực tuyến lớp 1, lớp 6 nên trong tình hình dịch bệnh phức tạp, tuyển sinh trực tuyến đầu cấp đạt tỷ lệ cao. Đến thời điểm hiện tại đã đạt 87,4% lớp 1; lớp 6 trên 86%.

TP.HCM siết chặt giãn cách, người dân ở đâu ở yên đó từ 0h ngày 23/8

TP.HCM sẽ tăng cường biện pháp chống dịch Covid-19 với yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố... từ 0h ngày 23/8.

TP.HCM tăng cường biện pháp chống dịch Covid-19

TP.HCM tăng cường biện pháp chống dịch Covid-19

Theo ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19, thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống Covid-19 nhưng dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy và UBND Thành phố thực hiện siết chặt các biện pháp phòng dịch với phương châm "mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch".

Người dân TP.HCM đảm bảo việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội, "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố ấp cách ly khu phố ấp, phường xã thị trấn cách ly với phường xã, thị trấn.

Tập trung chăm lo cho bệnh nhân F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế tử vong; tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực nguy cơ rất cao "vùng đỏ trên bản đồ Covid-19 TP.HCM"; tăng cường tiêm vaccine cho người dân.

TP.HCM đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn.

TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách, thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động.

Từ 26/7, trong khoảng 18h đến 6h mỗi ngày, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường. Ngày 1/8, UBND TP.HCM ra công văn quyết định kéo dài Chỉ thị 16 cùng các biện pháp siết chặt thêm 2 tuần từ 0h ngày 2/8. Ngày 15/8, TP.HCM tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16 đến 15/9.

Đề nghị truy tố cựu Bí thư, Chủ tịch và nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, cựu Chủ tịch tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm và nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương bị cáo buộc có sai phạm trong việc để khu đất 43 ha thuộc sở hữu của Tổng công ty 3/2 rơi vào tay tư nhân.

Cựu Chủ tịch tỉnh và cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị cáo buộc có sai phạm trong việc để khu đất 43 ha của Tổng công ty 3/2 rơi vào tay tư nhân

Cựu Chủ tịch tỉnh và cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị cáo buộc có sai phạm trong việc để khu đất 43 ha của Tổng công ty 3/2 rơi vào tay tư nhân

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận vụ án, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố ông Trần Văn Nam, ông Trần Thanh Liêm và 19 bị can liên quan đến những sai phạm trong quản lý, chuyển nhượng đất gây thất thoát tài sản nhà nước, xảy ra tại Tổng công ty 3/2.

Theo điều tra, khu đất 43 ha tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương được UBND Tỉnh giao cho Tổng công ty 3/2 quản lý và sử dụng để làm dự án. Năm 2010, Tổng công ty 3/2 liên kết với Công ty Bất động sản Âu Lạc thành lập liên doanh mới là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú để xây dựng dự án trên khu đất 43 ha.

Năm 2017, qua nhiều lần chuyển nhượng lòng vòng, Tổng công ty 3/2 hoàn tất việc thoái vốn, chuyển nhượng quyền sở hữu khu đất. Từ đó, khu đất vốn thuộc quản lý của Tỉnh ủy Bình Dương rơi vào tay tư nhân.

Ông Trần Văn Nam khi đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký nhiều văn bản liên quan việc xác định giá đất không đúng quy định đối với khu đất được giao cho Tổng công ty 3/2. Ông Trần Văn Nam còn bị xác định đã đồng ý cho Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng vốn, tài sản trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Ông Trần Thanh Liêm chịu trách nhiệm là người đứng đầu, đã ký nhiều văn bản phê duyệt phương án cổ phần hóa, cho phép cơ cấu vốn cổ phần liên quan Tổng công ty 3/2. Ông Liêm cũng có trách nhiệm trong việc bổ sung văn bản để hợp thức hóa sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án tại Tổng công ty 3/2.

Huy động nhân viên y tế của 40 tỉnh và lực lượng quân y chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam

Chính phủ yêu cầu lãnh đạo 40 tỉnh, thành huy động bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tăng cường cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Y bác sĩ bệnh viện tuyến trung ương lên đường vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch Covid-19

Y bác sĩ bệnh viện tuyến trung ương lên đường vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch Covid-19

Các tỉnh được đề nghị huy động lực lượng gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã đẩy mạnh đào tạo về hồi sức cấp cứu, thậm chí bổ túc khẩn cấp cho cả bác sĩ chuyên ngành khác. Những ngày tới, Bộ có thể chi viện thêm 3.000 y, bác sĩ cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Cũng những ngày tới, khoảng 1.000 quân nhân sẽ vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch; Học viện Quân y được phân công huy động 120 bác sĩ là học viên đang đào tạo sau đại học, 180 học viên đại học từ năm thứ hai trở lên chia thành các tổ (2 bác sĩ và 3 học viên) sẵn sàng lên đường chi viện cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam ngay khi có lệnh.

Nhằm kịp thời đưa cán bộ, nhân viên quân y và trang thiết bị đến địa bàn có dịch, Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần) đề nghị Cục Hàng không Việt Nam phối hợp tổ chức vận chuyển. Cụ thể, từ 21 đến 23/8, dự kiến có thêm 1.000 cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị được vận chuyển vào Nam chống dịch theo đường hàng không.

Người vào Quảng Ninh phải tiêm đủ 2 mũi vaccine từ 12h ngày 20/8

Ngoài kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR không quá 48 giờ kể từ khi lấy mẫu, người vào Quảng Ninh phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, từ 12h ngày 20/8.

Số lượng người và phương tiện vào Quảng Ninh tăng đột biến trong những ngày qua

Số lượng người và phương tiện vào Quảng Ninh tăng đột biến trong những ngày qua

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết, yêu cầu trên nhằm giữ vững địa bàn an toàn. Tình hình dịch bệnh ở nhiều địa phương khác đang phức tạp, song số lượng người và phương tiện đi qua các chốt kiểm dịch vào Quảng Ninh tăng đột biến trong những ngày qua.

Riêng lái xe, phụ xe của xe tải, xe container chở hàng hóa liên tỉnh phải có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính tối đa 48 giờ kể từ giờ lấy mẫu. Trường hợp này không bắt buộc tiêm đủ 2 mũi vaccine, song được khuyến khích tiêm.

Lực lượng kiểm soát dán tem niêm phong cabin xe chở hàng hóa từ khi đi qua chốt kiểm soát phòng chống dịch cửa ngõ vào Tỉnh đến điểm giao nhận hàng tại Quảng Ninh, chỉ dừng, đỗ khi giao hàng, tiếp nhiên liệu.

Người về từ các địa phương đang áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 và 16 phải tiếp tục cách ly y tế tập trung có trả phí 14 ngày, sau đó cách ly tại nhà 7 ngày.

Người đến Quảng Ninh trên phương tiện thủy nội địa phải có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính không quá 72 giờ kể từ giờ lấy mẫu. Nếu vận chuyển hàng từ các tỉnh cách Quảng Ninh quá 72 giờ di chuyển thì khi đến bến thủy nội địa, các cảng phải test nhanh kháng nguyên.

Theo bà Hạnh, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang khi ra tỉnh ngoài phải được sự đồng ý bằng văn bản của thủ trưởng cơ quan, đơn vị...

Chuyên đề