Bản tin thời sự sáng 21/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cảnh báo người Việt dùng Fan ID tới Nga xem Euro; dự kiến từ ngày 22/6, Hà Nội sẽ mở cửa trở lại các dịch vụ ăn uống trong nhà, hoạt động thể dục ngoài trời; chuẩn bị khánh thành cầu gần 400 tỷ đồng nối Hải Phòng và Hải Dương; Bộ Giao thông vận tải khước từ đề nghị xây dựng sân bay của 11 địa phương…

Cảnh báo người Việt dùng Fan ID tới Nga xem Euro

Bộ Ngoại giao khuyến cáo người Việt sử dụng đúng mục đích Fan ID nhập cảnh vào Nga xem Euro, tránh để bị trục xuất hoặc mắc kẹt tại sân bay.

Bộ Ngoại giao cảnh báo người Việt dùng Fan ID tới Nga xem Euro

Bộ Ngoại giao cảnh báo người Việt dùng Fan ID tới Nga xem Euro

Giới chức Nga gần đây trục xuất, không cho nhập cảnh nhiều trường hợp công dân Việt Nam sử dụng Fan ID sai mục đích hoặc không chứng minh được mục đích nhập cảnh là tham gia cổ vũ các trận đấu bóng đá trong khuôn khổ giải bóng đá Euro 2020, Bộ Ngoại giao cảnh báo trong thông cáo ngày 20/6.

Bởi vậy, Bộ Ngoại giao khuyến cáo cổ động viên Việt Nam sử dụng Fan ID cần tìm hiểu kỹ quy định về điều kiện xuất nhập cảnh, đăng ký tạm trú, vé máy bay, các hành vi, hoạt động bị cấm và quy định khác của Nga.

Fan ID, hay còn gọi là hộ chiếu người hâm mộ, cho phép cổ động viên nước ngoài từ ngày 29/5 đến hết ngày 2/7 được nhập cảnh miễn thị thực vào Nga để xem các trận đấu thuộc giải vô địch bóng đá Euro 2020, theo thông báo trên website của Bộ Phát triển Kỹ thuật số, Liên lạc và Truyền thông Đại chúng Liên bang Nga.

Để nhập cảnh vào Nga, cổ động viên có thể sử dụng Fan ID dưới dạng thẻ nhựa hoặc dạng điện tử, sau đó xuất trình cùng vé xem trận đấu để vào sân vận động.

Bộ Ngoại giao khuyến cáo cổ động viên Việt Nam cần sử dụng Fan ID đúng mục đích, tránh phát sinh vấn đề pháp lý đáng tiếc và không thể về nước do mắc kẹt tại sân bay nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh.

Dự kiến từ ngày 22/6, Hà Nội sẽ mở cửa trở lại các dịch vụ ăn uống trong nhà, hoạt động thể dục ngoài trời

Dự kiến từ ngày 22/6, những cửa hàng ăn uống trong nhà, những hoạt động tập thể dục, thể thao ngoài trời ở Hà Nội sẽ được hoạt động trở lại.

Dự kiến từ ngày 22/6, Hà Nội sẽ mở cửa trở lại các dịch vụ ăn uống trong nhà, hoạt động thể dục ngoài trời

Dự kiến từ ngày 22/6, Hà Nội sẽ mở cửa trở lại các dịch vụ ăn uống trong nhà, hoạt động thể dục ngoài trời

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết đã đề xuất mở dần một số dịch vụ. Thời gian dự kiến theo ông Tuấn từ ngày 22/6.

Theo đó, những cửa hàng ăn uống trong nhà, những hoạt động tập thể dục ngoài trời sẽ được hoạt động trở lại. Trên nguyên tắc không tập trung đông quá 20 người, đảm bảo giãn cách; quan trọng nhất là những dịch vụ ở vỉa hè thời gian tới vẫn chưa được hoạt động trở lại.

Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, dịch ở Hà Nội đã được kiểm soát tốt, đến lúc phải nới lỏng một số hoạt động để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân. Hà Nội có thể mở cửa nhà hàng, quán ăn và sinh hoạt tôn giáo với điều kiện thực hiện nghiêm ngặt khuyến cáo 5K.

Các dịch vụ như quán bia, karaoke, bar, phòng tập gym mở lại sau cùng. Tình hình dịch trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể ở Hà Nội vẫn còn người mắc Covid-19 trong cộng đồng. Việc nới lỏng cần hết sức thận trọng và đi kèm với giám sát chặt chẽ, nếu không sẽ phải làm lại từ đầu.

Trước đó, tại thông báo kết luận của Thường trực Thành uỷ TP. Hà Nội liên quan việc phòng, chống Covid-19, Thành phố có thể cho phép hoạt động thể thao ngoài trời không quá 20 người và mở lại một số dịch vụ kinh doanh. Tuy nhiên, thông báo cũng nói rõ, trước mắt đề xuất cho phép hoạt động trở lại một số dịch vụ, hoạt động thể thao ngoài trời không quá 20 người, một số dịch vụ ăn uống trong nhà…

Chuẩn bị khánh thành cầu gần 400 tỷ đồng nối Hải Phòng và Hải Dương

Sau 13 tháng thi công, cầu Quang Thanh với 2 trụ chính thiết kế theo hình búp sen, kết nối Hải Phòng và Hải Dương, đang chuẩn bị khánh thành.

Chuẩn bị khánh thành cầu gần 400 tỷ đồng nối Hải Phòng và Hải Dương

Chuẩn bị khánh thành cầu gần 400 tỷ đồng nối Hải Phòng và Hải Dương

Cầu Quang Thanh dài 536 m, rộng 12 m, chiều cao thông thuyền 9,5 m; tổng mức đầu tư 398,6 tỷ đồng do UBND TP. Hải Phòng làm chủ đầu tư. Cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, vượt sông Văn Úc kết nối huyện An Lão, Hải Phòng, với huyện Thanh Hà, Hải Dương.

Cầu thiết kế 4 làn xe, gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; 2 trụ cầu chính trên sông được thiết kế theo hình búp sen, có dây văng đỡ dầm.

Tổng giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng Đỗ Tuấn Anh cho biết, hiện nay nhà thầu đã cơ bản hoàn thành thi công xây dựng cầu; chỉ còn một số hạng mục nhỏ đang được gấp rút hoàn thiện như: sơn phản quang thành cầu, đặt nắp rảnh thu nước tại dốc cầu và kè triền đê sông phía xã Quang Thanh, huyện An Lão.

Cầu Quang Thanh được thi công trong 13 tháng, vượt 2 tháng so với kế hoạch dự kiến. Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty CP Cầu 3 Thăng Long - Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng HJC và Tổng công ty Thăng Long.

Bộ Giao thông vận tải khước từ đề nghị xây dựng sân bay của 11 địa phương

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), qua rà soát và đối chiếu các tiêu chí quy hoạch cảng hàng không mới, vị trí và nhu cầu vận chuyển hành khách tại 11 địa phương này không lớn để cần thiết phải xây dựng sân bay.

Bộ Giao thông "khước từ" đề nghị xây dựng sân bay của 11 địa phương

Bộ Giao thông "khước từ" đề nghị xây dựng sân bay của 11 địa phương

Bộ GTVT vừa có dự thảo Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại tờ trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, dự báo, đến năm 2030, tổng nhu cầu sản lượng hành khách dự kiến thông qua các cảng hàng không (CHK) khoảng 278 triệu hành khách/năm. Tổng nhu cầu sản lượng hàng hóa dự kiến thông qua các CHK đến năm 2030 khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa/năm.

Dự báo, tổng nhu cầu sản lượng hành khách thông qua các CHK đến năm 2050 khoảng 490 triệu hành khách/năm. Tổng nhu cầu sản lượng hàng hóa dự báo thông qua các CHK đến năm 2050 khoảng 16 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong quá trình xây dựng quy hoạch sân bay, 11 tỉnh đề nghị bổ sung sân bay cho địa phương mình gồm Bắc Giang, Bắc Kạn, Đắk Nông, Ninh Bình, Hà Giang, Hòa Bình, Bình Phước, Kon Tum, Hà Tĩnh, Trà Vinh và Ninh Thuận.

Với đề nghị của 11 tỉnh về việc bổ sung quy hoạch sân bay mới, điểm đánh giá không cao, không nằm trong 30 tỉnh, thành phố có tổng điểm cao nhất cả nước. Vì vậy, Tư vấn ADPi đề nghị không bổ sung các sân bay theo đề nghị của các địa phương.

Khánh Hòa tạm dừng vận tải hành khách đến TP. Đà Nẵng từ ngày 20/6

Ngày 20/6, Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa thông báo tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô từ tỉnh Khánh Hòa đi thành phố Đà Nẵng để phòng, chống dịch Covid-19.

Một tuyến xe khách Nha Trang- Đà Nẵng

Một tuyến xe khách Nha Trang- Đà Nẵng

Việc tạm dừng bắt đầu từ ngày 20/6 cho đến khi có thông báo mới. Cụ thể, tạm dừng các hoạt động vận tải bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi từ tỉnh Khánh Hòa đi/đến thành phố Đà Nẵng. Các phương tiện có hành trình đi qua địa bàn thành phố Đà Nẵng không được dừng, đỗ để đón, trả khách và phải chấp hành đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Đối với hoạt động vận tải hành khách đến các tỉnh, thành phố khác, các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch giảm tần suất, hạn chế số lượng phương tiện, bố trí giãn cách và thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế. Chủ doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các biện pháp, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc vận chuyển khách, ghi chép đầy đủ thông tin hành khách, lưu trữ danh sách hành khách tối thiểu 21 ngày để phục vụ công tác truy vết phòng chống dịch.

Lực lượng thanh tra giao thông sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị, bến xe, phương tiện. Đồng thời, phối hợp các lực lượng chức năng có liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phát hiện quả bom dài 1,5 mét dưới sông tại Nghệ An

Quả bom dài khoảng 1,5 mét được phát hiện nằm dưới sông Quàng, xã Quang Phong, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An).

Lực lượng chức năng kéo quả bom gần vào bờ

Lực lượng chức năng kéo quả bom gần vào bờ

Chiều 20/6, ông Lô Văn Cường, Chủ tịch xã Quang Phong cho biết, lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo, túc trực không cho người dân tới gần nơi phát hiện bom.

Anh Lô Văn Bá, trú xã Quang Phong, đang đánh cá trên sông thì phát hiện quả bom nằm ở độ sâu hơn một mét. Lực lượng chức sau đó dùng dây thừng kéo quả bom vào chỗ nước cạn.

Ông Cường cho biết, quả bom còn nguyên kíp nổ, có số hiệu nhưng bị mờ, chưa xác định được trọng lượng chính xác. Cơ quan chức năng nhận định vật thể sót lại từ thời chiến tranh.

Dự kiến vài ngày tới lực lượng công binh sẽ trục vớt, đưa bom đi tiêu hủy.

Chuyên đề