Bản tin thời sự sáng 21/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là trình Chính phủ tăng lương hưu, trợ cấp mức 12,5% - 20,8%; lao động Pouyuen mất việc nhận hỗ trợ cao nhất gần nửa tỷ đồng; Tổng thống Mỹ không đồng ý đánh thuế pin mặt trời nhập từ Việt Nam; kiểm soát đặc biệt Công ty Chứng khoán Tân Việt…

Trình Chính phủ tăng lương hưu, trợ cấp mức 12,5% - 20,8%

Lương hưu, trợ cấp dự kiến tăng 12,5% - 20,8% với người về hưu, người hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngày 1/7, theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Nhân viên bưu điện hướng dẫn chi trả trợ cấp cho người cao tuổi

Nhân viên bưu điện hướng dẫn chi trả trợ cấp cho người cao tuổi

Cơ quan này vừa hoàn thiện tờ trình Chính phủ Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp hàng tháng sau hai tháng lấy ý kiến các bộ, ngành. Tờ trình bổ sung nhóm đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tuất hàng tháng trước năm 1995 để đảm bảo bình đẳng với người hưởng sau thời điểm trên.

Dự kiến lương hưu, trợ cấp tăng cùng thời điểm khi lương cơ sở điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mức tăng 12,5% áp dụng với người đang nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng. Mức tăng này căn cứ vào mức tăng chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và đã được Quốc hội đồng tình.

Mức 20,8% (cùng mức tăng với lương cơ sở) áp dụng cho người nhận lương hưu, trợ cấp chưa được tăng lương từ ngày 1/1/2022 đến trước 30/6/2023, tức người nghỉ hưu sau ngày tăng lương hưu gần nhất. Lý do là năm 2022, lương hưu và trợ cấp tăng thêm 7,4% nhưng lương cơ sở không tăng nên nhóm này sẽ chịu thiệt, hưởng thấp hơn những người nghỉ trước thời điểm trên. Mức này cũng áp dụng với người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tuất hàng tháng trước năm 1995.

Sau khi điều chỉnh mà người nhận lương hưu, trợ cấp trước năm 1995 có tiền hưởng thấp hơn 3 triệu đồng thì được tăng bù sao cho đạt 3 triệu đồng mỗi tháng. Tổng kinh phí dành cho tăng lương hưu, trợ cấp là hơn 12.600 tỷ đồng tính tới hết năm 2023, trong đó, ngân sách nhà nước chi gần 3.000 tỷ đồng và Quỹ Bảo hiểm xã hội gần 9.700 tỷ đồng.

Lao động Pouyuen mất việc nhận hỗ trợ cao nhất gần nửa tỷ đồng

Với mỗi năm làm việc được hỗ trợ 0,8 tháng lương, số tiền cao nhất một lao động Công ty Pouyuen bị cắt giảm nhận được là 475 triệu đồng, thấp nhất là 15 triệu đồng.

Công nhân Công ty Pouyuen, quận Bình Tân

Công nhân Công ty Pouyuen, quận Bình Tân

Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam ở quận Bình Tân đã tiến hành thỏa thuận đợt một với 4.430 lao động, đây là những người sẽ chính thức nghỉ việc vào ngày 24/6.

Người nhận mức hỗ trợ cao nhất là lao động thâm niên trên 20 năm, giữ vị trí quản lý. Đối với công nhân mới, làm việc dưới 5 năm, số tiền trợ cấp từ 15 - 30 triệu đồng. Mức hỗ trợ bình quân cho mỗi người gần 130 triệu đồng. Như vậy, doanh nghiệp chi khoảng 570 tỷ đồng để hỗ trợ lao động bị giảm đợt một.

Trong nhóm bị thôi việc, lao động thâm niên trên 20 năm chiếm 14,9%. Lao động làm việc từ 10 đến 20 năm chiếm đến 68,3%, 5 - 10 năm chiếm 12,7%, chỉ 4,1% là công nhân mới dưới 5 năm.

Từ nay đến 24/6, người lao động không phải đến nhà máy làm việc nhưng vẫn nhận đủ lương, được đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm xã hội. Công ty sẽ quy ra tiền để trả cho người lao động số ngày phép năm chưa sử dụng. Dự kiến, ngày 30/6, họ sẽ nhận các khoản hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng.

Sau đợt này, Pouyuen Việt Nam sẽ tiếp tục thỏa thuận chấm dứt hợp đồng hơn 1.200 lao động với các chính sách hỗ trợ tương tự. Tổng số công nhân bị giảm ở hai đợt khoảng 5.700 người. Trước đó, vào tháng 2, Pouyuen đã cắt giảm 2.358 người cũng do đơn hàng khó khăn. Tháng 6/2020, hơn 2.800 lao động của Công ty bị cho nghỉ việc.

Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam thuộc Tập đoàn quốc tế Pou Chen Đài Loan, chuyên gia công giày. Hoạt động ở TP.HCM từ năm 1996, Pouyuen là doanh nghiệp đông lao động nhất Thành phố, với cao điểm gần 90.000 người. Hiện con số này là hơn 46.000.

Tổng thống Mỹ không đồng ý đánh thuế pin mặt trời nhập từ Việt Nam

Ông Joe Biden đã phủ quyết Nghị quyết của Quốc hội đề xuất bãi bỏ việc miễn thuế với pin mặt trời nhập từ Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

Việt Nam chiếm gần 1/3 lượng pin năng lượng mặt trời nhập khẩu vào Mỹ, Ảnh minh họa

Việt Nam chiếm gần 1/3 lượng pin năng lượng mặt trời nhập khẩu vào Mỹ, Ảnh minh họa

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đây là diễn biến mới nhất trong một loạt sự kiện liên quan đến việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ bốn quốc gia trên.

Sau khi phủ quyết, Tổng thống Mỹ sẽ trả lại Nghị quyết cho Hạ viện - nơi đưa ra đề xuất. Quy trình thông qua Nghị quyết lần thứ hai sẽ được khởi động lại từ đầu tại hai viện. Chỉ khi nào tỷ lệ thông qua đạt hai phần ba số phiếu ở cả hai viện, Quốc hội mới có quyền hủy bỏ quyết định phủ quyết của Tổng thống và Nghị quyết chính thức được thông qua. Đây là lần phủ quyết thứ ba trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden.

Nếu Nghị quyết được thông qua, DOC sẽ không thể thực hiện miễn thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp cho pin mặt trời nhập khẩu từ bốn nước trên trong vòng hai năm như chỉ đạo trước đó của ông Biden. Khi đó, pin năng lượng mặt trời của Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ chịu thuế, làm giảm lợi thế cạnh tranh.

Theo S&P Global, số lượng tấm pin mặt trời được nhập khẩu vào Mỹ trong quý I đạt hơn 850.100 tấn, tăng từ khoảng 673.000 tấn trong quý IV/2022. Việt Nam chiếm gần 1/3 trong số đó, tiếp theo là Thái Lan, Malaysia và Campuchia.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương bị "phê bình nghiêm khắc"

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, bị Bộ Công Thương phê bình nghiêm khắc và yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc. Một số nhân sự của vụ này cũng bị phê bình.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Vụ Thị trường trong nước phê bình nghiêm khắc, yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể, cá nhân liên quan.

Cụ thể, căn cứ kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân tại Vụ Thị trường trong nước có liên quan đến vi phạm, khuyết điểm, hạn chế được chỉ ra trong Thông báo 142 ngày 11/10/2021 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Công Thương đã ra văn bản phê bình nghiêm khắc và yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể Vụ Thị trường trong nước và một số cá nhân của Vụ.

Các cá nhân có tên trong danh sách phê bình nghiêm khắc gồm: ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước; bà Lê Thị Hồng, nguyên Trưởng phòng (nay là Chuyên viên chính của Vụ Thị trường trong nước) và ông Dương Thái Trung, nguyên Trưởng phòng (nay là Chuyên viên chính của Vụ Thị trường trong nước).

Năm 2019, ông Trần Duy Đông cũng từng bị phê bình vì để xảy ra việc cán bộ đi công tác nước ngoài về Việt Nam muộn hơn thời gian trong quyết định.

Bộ Công Thương sau đó có văn bản xử lý kỷ luật hình thức khiển trách với 2 công chức là ông Bùi Đức Điền và ông Phan Hữu Việt Đức. Đối với Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông, Bộ Công Thương quyết định phê bình nghiêm khắc do vi phạm nguyên tắc quản lý điều hành, vi phạm quy chế làm việc.

Kiểm soát đặc biệt Công ty Chứng khoán Tân Việt

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định đưa Công ty CP Chứng khoán Tân Việt vào diện kiểm soát đặc biệt.

Công ty Chứng khoán Tân Việt bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt

Công ty Chứng khoán Tân Việt bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định đưa Công ty CP Chứng khoản Tân Việt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Việc này được quy định trong Thông tư 91/2020 của Bộ Tài chính, quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Thông tư nêu rõ các trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán bị Ủy ban Chứng khoán đặt vào tình trạng cảnh báo, kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt. Trong đó, công ty chứng khoán không thực hiện báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính trong 2 kỳ báo cáo liên tiếp, hoặc không thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính, hoặc không công bố thông tin về báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đã được soát xét, kiểm toán sẽ bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Trong thời hạn tối đa 7 ngày từ khi Ủy ban Chứng khoán ra quyết định kiểm soát đặc biệt, công ty chứng khoán phải gửi báo cáo chi tiết về thực trạng tài chính, nguyên nhân và phương án khắc phục.

Sau 1 tháng, Sở Giao dịch chứng khoán sẽ thực hiện đình chỉ một phần hoạt động của công ty chứng khoán thành viên. Việc đình chỉ sẽ kết thúc khi công ty chứng khoán được đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt.

Công ty chứng khoán được đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt nếu tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong 3 tháng liên tục, trong đó, kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán.

Nếu hết thời hạn kiểm soát đặc biệt, công ty chứng khoán không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt thì sẽ bị đình chỉ hoạt động. Sau 6 tháng tiếp theo, Ủy ban Chứng khoán sẽ ra quyết định rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán.

Chủ tịch Công ty LDG bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu

Sau nhiều lần bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu, ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư LDG - chỉ còn nắm 3,92% vốn điều lệ Công ty.

Công ty CP Đầu tư LDG bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Công ty CP Đầu tư LDG bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) vừa bị công ty chứng khoán bán giải chấp gần 5 triệu cổ phiếu LDG. Giao dịch được thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh trong 2 phiên giao dịch ngày 18 - 19/5. Sau giao dịch, ông Hưng không còn là cổ đông lớn tại LDG nhưng vẫn sở hữu hơn 10 triệu cổ phiếu LDG, tương đương 3,92% vốn điều lệ.

Việc ông Hưng bị bán giải chấp cổ phiếu diễn ra khá thường xuyên trong thời gian gần đây. Hơn 1 tháng trước, ông Hưng đã bị công ty chứng khoán bán 3,5 triệu cổ phiếu vào ngày 13 - 14/4.

Trước đó, ông Nguyễn Khánh Hưng cũng bị bán ra 713.000 cổ phiếu LDG, giảm sở hữu từ 11,29% về còn 11% vốn điều lệ, trong bối cảnh cổ phiếu này liên tục bị bán tháo và giảm mạnh. Trong đợt biến động mạnh của thị trường chứng khoán hồi tháng 3/2022, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng đã bán giải chấp hơn 2,5 triệu cổ phiếu LDG của ông Hưng.

Trên thị trường, cổ phiếu LDG bị chuyển sang diện kiểm soát từ ngày 12/5 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022 quá 30 ngày so với quy định. Kết thúc phiên giao dịch 19/5, thị giá LDG dừng ở mốc 4.370 đồng/cổ phiếu, tương ứng cao hơn 45% so với đáy, song chưa bằng 1/6 mốc đỉnh đạt được đầu tháng 1/2022.

Kè bảo vệ bờ sông Tiền hơn trăm tỷ đồng liên tục sạt lở

Sau hơn 3 năm đưa vào sử dụng, kè bảo vệ bờ sông Tiền, khu vực chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) đã bị sạt lở 4 lần, đe dọa cuộc sống người dân.

Đoạn kè sông Tiền bị sụt lún

Đoạn kè sông Tiền bị sụt lún

Bờ sông Tiền từ rạch Cái Dầu đến Vàm Phong Mỹ dài khoảng 3 km trong nhiều năm bị sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp hàng trăm hộ dân, chợ cùng Quốc lộ 30 - tuyến đường huyết mạch của Đồng Tháp. Năm 2015, tỉnh này quyết định đầu tư 90 tỷ đồng để làm đoạn kè đầu tiên dài 850 m (khu vực chợ và rạch Cái Dầu).

Công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư, Công ty CP Nhân Bình thi công, hoàn thành sau 4 năm. Tuy nhiên, từ khi thi công và đến lúc công trình được đưa vào sử dụng, đoạn kè liên tục bị sạt lở. Năm 2019, 40 m kè bị sạt, sâu vào bờ 9 m khiến toàn bộ cọc bê tông cốt thép, mái kè trôi xuống sông. Hai năm tiếp theo, bờ kè lại bị sạt lở hai lần tại cùng một vị trí dài 60 m, khiến chân kè và đỉnh kè sụt xuống sông.

Sau 3 lần bờ kè sạt lở, đơn vị kiểm định chất lượng xác định do các yếu tố khách quan như: lòng sông cong, co hẹp, dòng chảy phức tạp, địa chất yếu, khai thác cát. Bên cạnh đó cũng có các lý do chủ quan như: hồ sơ thiết kế chưa đánh giá được hết những yếu tố bất lợi, thiếu khảo sát, thu thập số liệu phục vụ thiết kế kè, thi công tạo mái kè bằng bao tải cát chưa đảm bảo kỹ thuật (rơi không đúng thiết kế).

Do kè còn trong thời gian bảo hành nên các bên liên quan, tùy mức độ trách nhiệm, phải bỏ kinh phí khắc phục, tổng cộng khoảng 16 tỷ đồng, ngân sách nhà nước chi thêm 3 tỷ đồng. Ngoài ra, Tỉnh phải rót thêm 19 tỷ đồng để lấp hố xoáy nhằm hạn chế ảnh hưởng công trình. Tuy nhiên, đến giữa tháng 3 năm nay, đoạn kè thuộc Dự án kè sông Tiền tiếp tục bị sạt lở 30 m phía trong rạch Cái Dầu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư