Bản tin thời sự sáng 21/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc ở Biển Đông; gần 100.000 thí sinh tại Hà Nội đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; nhà đấu giá Trung Quốc dừng rao bán sắc phong Việt Nam; việc yêu cầu tạm dừng tách thửa đất của Hà Nội bị tuýt còi; đề xuất TP.HCM thí điểm mô hình đô thị phát triển theo dự án giao thông…

Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc ở Biển Đông

Lệnh cấm đánh bắt trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương ban hành là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, theo Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao.

Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc ở Biển Đông

Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc ở Biển Đông

Theo Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt, cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đơn phương ban hành trái phép ở Biển Đông đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, lập trường của Việt Nam nhất quán và đã được khẳng định rõ trong những năm qua. "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển của Việt Nam, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông", ông Việt cho hay.

Phát biểu được Phó phát ngôn viên đưa ra khi bình luận về thông tin giới chức Trung Quốc ban hành "lệnh cấm đánh bắt cá thường niên" có hiệu lực tại 4 vùng biển xung quanh nước này gồm Biển Đông, biển Hoa Đông, Bột Hải và Hoàng Hải từ ngày 1/5 - 16/8.

Lệnh cấm của Trung Quốc tại Biển Đông bao trùm khu vực từ vĩ tuyến 12 đến phía bắc đảo Đài Loan, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Trung Quốc hàng năm ngang nhiên đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt với cả ngư dân nước khác, tuyên bố sẽ tăng cường giám sát để bắt và xử phạt các trường hợp bị coi là vi phạm.

Gần 100.000 thí sinh tại Hà Nội đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Với gần 100.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), chưa kể thí sinh tự do, Hà Nội sẽ là địa phương có số lượng thí sinh tham dự kỳ thi này lớn nhất cả nước.

Gần 100.000 thí sinh tại Hà Nội đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh minh họa

Gần 100.000 thí sinh tại Hà Nội đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh minh họa

Năm 2023, Hà Nội dự kiến có gần 100.000 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, chưa kể thí sinh tự do. Đây cũng là địa phương có số lượng thí sinh dự thi lớn nhất trong các địa phương trên cả nước.

Thông tin trên được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, tại Hội nghị triển khai công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do đơn vị này tổ chức.

Theo ông Cương, với số lượng thí sinh lớn, Hà Nội dự kiến điều động khoảng 19.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi. Sở yêu cầu, thủ trưởng các đơn vị, trường học đặc biệt quan tâm đến công tác tập huấn, phổ biến quy chế thi cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, đặc biệt lưu ý những điểm mới.

Cùng với việc tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu các giáo viên, nhà trường đặc biệt quan tâm diễn biến tâm lý học sinh, phát huy hiệu quả các hoạt động tư vấn tâm lý. Các đơn vị rà soát trang thiết bị, vật tư y tế; duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra vào ngày 28 và 29/6. Thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 4/5 đến 17h ngày 13/5.

Nhà đấu giá Trung Quốc dừng rao bán sắc phong Việt Nam

Hãng đấu giá Dương Minh Thượng Hải hủy phiên rao bán 12 đạo sắc phong có nguồn gốc Việt Nam.

Sắc phong thần được hãng đấu giá giới thiệu của vua Thiệu Trị, ban năm 1844. Ảnh: Yangming Auction

Sắc phong thần được hãng đấu giá giới thiệu của vua Thiệu Trị, ban năm 1844. Ảnh: Yangming Auction

Thông tin liên quan về phiên đấu giá các đạo sắc phong, chủ yếu của vua thời Nguyễn, hiện không còn trên website của công ty.

Đại diện Cục Văn hóa Di sản cho biết, họ nhận được văn bản từ tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương xác nhận hiện vật được rao bán là tài sản của địa phương bị đánh cắp. Trước đó, Cục đề nghị các địa phương xác minh tính xác thực của sắc phong, xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích, bảo tàng và địa điểm liên quan.

Ngày 18/4, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị phối hợp, hỗ trợ triển khai các bước tiếp theo. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải đã làm việc với các cơ quan chức năng liên quan, đề nghị dừng cuộc đấu giá và cung cấp thông tin về các sắc phong. Ngày 19/4, đại diện Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải thông báo yêu cầu dừng đấu giá và sẵn sàng phối hợp để xác minh thông tin.

Bộ Ngoại giao cho biết tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, địa phương liên quan để theo sát vụ việc và có biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.

Trước đó, hãng đấu giá Dương Minh Thượng Hải giới thiệu các cổ vật trong phiên đấu giá Xuân 2023, dự kiến diễn ra vào ngày 22/4. Theo hãng này, có 12 đạo sắc phong - chủ yếu của vua thời Nguyễn. Những thánh chỉ này in trên giấy vàng, họa tiết rồng, còn nguyên vẹn.

Theo website của nhà đấu giá Dương Minh Thượng Hải, từ tháng 6/2016 đến nay, gần 100 đạo sắc phong của hoàng đế, chủ yếu thời Hậu Lê, Nguyễn, được đăng bán qua hãng Dương Minh Thượng Hải, mức giá phổ biến từ 3.000 - 10.000 Nhân dân tệ (từ 10,2 - 34 triệu đồng).

Việc yêu cầu tạm dừng tách thửa đất của Hà Nội bị tuýt còi

Bộ Tư pháp cho rằng, công văn văn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc tạm dừng giải quyết tách thửa đất là không đảm bảo cơ sở pháp lý và không thuộc thẩm quyền.

Khu vực dân cư sát trung tâm hành chính mới của huyện Mê Linh

Khu vực dân cư sát trung tâm hành chính mới của huyện Mê Linh

Ngày 20/4, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đề nghị tự kiểm tra, xử lý Công văn số 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa.

Trong Công văn 1685 đề ngày 22/3/2022 có nội dung: "Đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở".

Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Do đó, yêu cầu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là "không đảm bảo cơ sở pháp lý về nội dung và không thuộc thẩm quyền". Việc này có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Công văn 1685 là văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật, nên việc ban hành văn bản này là hành vi bị nghiêm cấm theo Khoản 2 điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Từ đó, Bộ Tư pháp đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo việc tự kiểm tra, xử lý công văn theo quy định.

Trước quan điểm trên của Cục, Sở Tư pháp Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường huỷ bỏ công văn này. Văn phòng UBND Hà Nội cũng truyền đạt chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thành phố, giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nội dung theo kiến nghị của Sở Tư pháp.

Đề xuất TP.HCM thí điểm mô hình đô thị phát triển theo dự án giao thông

TP.HCM sẽ được thí điểm phát triển mô hình đô thị theo dự án giao thông, thanh toán bằng tiền cho dự án theo hợp đồng BT, cũng như có cơ chế đặc biệt thu hút nhân tài, đầu tư chiến lược.

Đề xuất TP.HCM sẽ thí điểm phát triển mô hình đô thị theo dự án giao thông

Đề xuất TP.HCM sẽ thí điểm phát triển mô hình đô thị theo dự án giao thông

Nội dung này được nêu tại dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP.HCM, được Chính phủ trình Quốc hội. Nghị quyết này khi được cấp có thẩm quyền thông qua sẽ thay thế Nghị quyết 54 thực hiện hơn 4 năm qua, để tạo cơ chế bứt phá hơn cho Thành phố.

Điểm mới tại dự thảo lần này là Chính phủ đề xuất cho TP.HCM thí điểm phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông. Tức Thành phố sẽ huy động nguồn xã hội hóa để đầu tư dự án thuộc vùng phụ cận các nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và các nút giao tuyến vành đai 3.

Để làm được việc này, dự thảo Nghị quyết đề xuất cho phép tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của các dự án vùng lân cận thành dự án độc lập không hạn chế quy mô vốn (Luật Đầu tư công hiện chỉ cho phép tách dự án giải phóng mặt bằng với các dự án quan trọng quốc gia - dự án nhóm A - vốn 10.000 tỷ đồng trở lên). Ngân sách Thành phố sẽ được dùng để làm các dự án đầu tư công độc lập này, nhằm tạo mặt bằng sạch cho đấu giá các khu đất, nguồn lực thực hiện các dự án giao thông quy mô lớn và đồng bộ giữa phát triển đô thị và giao thông.

Hiện một số nơi như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) áp dụng chính sách tương tự.

Dự kiến, dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP.HCM, sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp vào tháng 5 tới.

Đề xuất tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bằng 70% thu nhập

Góp ý Dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, nhiều cơ quan đề xuất tiền lương căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và khoản thu nhập khác.

Đề xuất tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bằng 70% thu nhập. Ảnh minh họa

Đề xuất tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bằng 70% thu nhập. Ảnh minh họa

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.

Phương án một giữ nguyên quy định hiện hành, gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động.

Phương án hai đề xuất khoản tính đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo cách này, tiền tính đóng là tổng các khoản ghi trong hợp đồng lao động và biến động trong quá trình làm việc của người lao động. Mục đích là nâng mặt bằng lương đóng BHXH để hưởng mức lương hưu cao.

Góp ý cho dự thảo, BHXH TP. Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình đồng tình phương án hai, song đề xuất sửa khoản tính đóng BHXH bằng ít nhất 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của lao động. Chính phủ sẽ quy định chi tiết khoản này.

Theo đề xuất này, nếu mỗi tháng lao động có tổng thu nhập 10 triệu đồng bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất như lương thì căn cứ tính đóng BHXH sẽ ít nhất là 7 triệu (70%). Người lao động trích đóng 8%, doanh nghiệp đóng 14% của 7 triệu đồng vào Quỹ Hưu trí tử tuất.

Hà Nội công khai nhiều đơn vị nợ thuế với số tiền lớn

Theo tin từ Cục Thuế thành phố Hà Nội, tính tới 31/12/2022 - thời điểm khóa sổ, đã có 4.383 trường hợp còn nợ 9.250 tỷ đồng tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh minh họa

Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh minh họa

Trong đó, số trường hợp nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, cơ quan thuế đã thực hiện công khai năm 2022 nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước là 3.454 trường hợp, với số tiền hơn 7.758 tỷ đồng. Số trường hợp nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước thuộc diện công khai lần đầu là 929 trường hợp, số tiền trên 1.492 tỷ đồng.

Theo ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội, trong thời gian qua, Cục Thuế Thành phố chỉ đạo các chi cục, các phòng chuyên môn theo dõi chặt chẽ các khoản nợ, nhất là các khoản thuế đã gia hạn; thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để đôn đốc ngay từ khi nợ thuế mới phát sinh và thực hiện liên tục đến khi giảm nợ.

Thể hiện rõ nhất trong việc quyết liệt thu hồi nợ thuế là mới đây, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 18941 ngày 6/4 gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Công trình và thương mại giao thông vận tải.

Lý do tạm hoãn xuất cảnh do người đại diện doanh nghiệp này thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 6/4/2023 đến khi Công ty hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Cổ phiếu Vietnam Airlines bị cảnh báo

Hãng hàng không quốc gia chậm công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 dù đã được nhắc nhở. Do đó, cổ phiếu HVN sẽ bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 25/4.

Cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 25/4

Cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 25/4

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) quyết định đưa cổ phiếu HVN vào diện cảnh báo từ ngày 25/4. Lý do là vì Vietnam Airlines chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.

Hiện, cổ phiếu này thuộc diện kiểm soát do vẫn còn lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lũy kế năm là âm 10.452,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày cuối năm vừa qua âm 34.199,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 10.199,2 tỷ đồng.

Trước đó, Vietnam Airlines đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và HoSE giải trình về việc chậm công bố Báo cáo tài chính năm 2022 và xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán.

Tuy nhiên mới đây, UBCKNN đã đề nghị hãng hàng không quốc gia khẩn trương khắc phục công tác kế toán để hoàn thành việc công bố thông tin theo quy định. Lý do xin tạm hoãn công bố thông tin của Vietnam Airlines không thuộc các trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin theo quy định tại Thông tư 96/2020.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp hàng không này chậm công bố thông tin mà tình trạng này diễn ra thường xuyên hàng năm. Gần đây nhất, giữa năm 2022, Vietnam Airlines cũng xin chậm công bố thông tin với lý do nhiều cán bộ nhân viên kế toán phải cách ly, điều trị Covid-19…

Hà Nội kẻ vạch, cắm cọc trên vỉa hè bờ hồ Linh Đàm để cấm đỗ xe

UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội sẽ tổ chức cắm cọc, kẻ vạch tại khu vực bờ hồ Linh Đàm để ngăn chặn tình trạng đỗ ô tô trái phép.

Hàng loạt xe ô tô vẫn đỗ ở vỉa hè bờ hồ Linh Đàm sau sự cố bị đập phá gương, lấy trộm phụ tùng, chọc lốp...

Hàng loạt xe ô tô vẫn đỗ ở vỉa hè bờ hồ Linh Đàm sau sự cố bị đập phá gương, lấy trộm phụ tùng, chọc lốp...

Trước thực trạng hàng loạt xe ô tô đỗ ở vỉa hè bờ hồ Linh Đàm bị chọc thủng lốp, cào xước sơn gây thiệt hại về kinh tế, Công an quận Hoàng Mai phối hợp cùng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội đã bắt giữ đối tượng gây án là Hồ Ngọc Toàn (trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Hiện cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng này. Tuy nhiên, tình trạng các ô tô đỗ ven hồ Linh Đàm cũng là sai quy định, cần chấn chỉnh, xử lý.

Chiều 20/4, UBND phường Hoàng Liệt cho biết, để ngăn chặn tình trạng đỗ xe sai quy định ven hồ Linh Đàm, ở vỉa hè phố Nguyễn Phan Chánh, đơn vị sẽ tổ chức cắm cọc, kẻ vạch tại khu vực vỉa hè này. Hiện nay, Phường đang tiến hành khảo sát và dự kiến đầu tuần tới thực hiện việc cắm cọc, kẻ vạch. Kinh phí thực hiện được lấy từ ngân sách do UBND Phường quản lý.

Cũng theo vị đại diện UBND phường Hoàng Liệt, việc bãi xe ở Chung cư HH Linh Đàm không đáp ứng đủ nhu cầu gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền.

Thời gian tới, Phường sẽ đề xuất với UBND quận Hoàng Mai tăng cường cấp phép bãi đỗ xe, ưu tiên xử lý xe lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Chuyên đề