Bản tin thời sự sáng 21/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Sơn La xin đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu bằng ngân sách; đầu tư gần 4.000 tỷ đồng làm nút giao 3 tầng ở thành phố Thủ Đức; lộ đường dây làm giả giấy tờ từ hai xe Mercedes trùng biển; Tiền Giang tháo dỡ 8 đập thép ngăn mặn…

Sơn La xin đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu bằng ngân sách

Do khó huy động vốn xã hội hóa nên tỉnh Sơn La đề xuất chuyển cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu sang đầu tư bằng vốn ngân sách.

Cao tốc Hòa Bình - Sơn La sẽ kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện nay

Cao tốc Hòa Bình - Sơn La sẽ kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện nay

Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Sơn La đã kiến nghị Chính phủ chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo Luật Đầu tư công.

Theo đó, đoạn đầu tuyến dài 19 km (huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình) sẽ triển khai theo hình thức đầu tư công, do tỉnh Hoà Bình làm chủ đầu tư. Đoạn giữa tuyến dài 34 km (tỉnh Hoà Bình), bao gồm 2 cầu vượt lòng hố Sông Đà, công trình hầm, nền, mặt đường, tỉnh kiến nghị đầu tư bằng vốn ODA.

Đoạn cuối tuyến dài 32 km thuộc tỉnh Sơn La đầu tư bằng vốn ngân sách, do tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư 21.577 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư huy động là 11.627 tỷ đồng; phần vốn nhà nước tham gia là 9.950 tỷ đồng để thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư, xây dựng một phần tuyến chính.

Tỉnh Sơn La từng dự kiến sử dụng vốn xã hội hóa cho đoạn giữa tuyến. Tuy nhiên, Dự án gặp khó khăn trong thu hút nhà đầu tư tham gia do đây là đoạn tuyến có nhiều công trình hầm, cầu, suất đầu tư lớn; trường hợp tách thành các dự án khác nhau sẽ không đảm bảo thu phí kín do đoạn đầu và cuối tuyến đã được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công.

Dự án xây dựng cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, dài khoảng 85 km, đi qua tỉnh Hòa Bình và Sơn La; giai đoạn một xây dựng quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, giai đoạn hai triển khai khi lưu lượng giao thông tăng cao.

Đầu tư gần 4.000 tỷ đồng làm nút giao 3 tầng ở thành phố Thủ Đức

Nút giao An Phú (TP.HCM) với tổng mức đầu tư 3.926 tỷ đồng dự kiến thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 giúp giải tỏa ùn tắc đoạn đầu tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành.

Là điểm giao của 4 tuyến đường, nút giao An Phú thường xuyên xảy ra ùn tắc

Là điểm giao của 4 tuyến đường, nút giao An Phú thường xuyên xảy ra ùn tắc

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng thẩm định thành phố vừa ký gửi các đơn vị liên quan về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú.

Công trình được đầu tư bằng tiền nhà nước. Trong đó, vốn Trung ương 1.800 tỷ đồng, còn lại là của Thành phố. Riêng chi phí xây dựng khoảng 2.600 tỷ đồng.

Theo phương án thiết kế, nút giao 3 tầng gồm hầm chui hai chiều nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống; mặt đất sẽ xây các tiểu đảo, đảo tại các nút giao kết hợp đèn tín hiệu giao thông; trên cao sẽ xây hai cầu vượt.

Theo hội đồng thẩm định, công trình khi hoàn thành sẽ giảm ùn tắc cho khu vực này.

Là điểm giao giữa các tuyến đường có mật độ xe đông như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Mai Chí Thọ, Lương Định Của, Nguyễn Thị Định, nút giao An Phú hiện thường xuyên bị ùn tắc. Các xe phải dừng đợi đèn đỏ rất lâu mới có thể qua được. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bị ùn ứ.

Lộ đường dây làm giả giấy tờ từ hai xe Mercedes trùng biển

Nguyễn Đình Minh Lãm, bị cáo buộc cầm đầu đường dây làm giả giấy tờ sau việc hai chiếc Mercedes E300 cùng biển số "chạm mặt" nhau trên đường tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Xe do Bảo điều khiển "chạm mặt" chiếc cùng biển số

Xe do Bảo điều khiển "chạm mặt" chiếc cùng biển số

Ngày 20/4, Công an quận Hà Đông cho biết đã khởi tố Lãm cùng Trần Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Chiến và Lê Thị Hiên về tội Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, theo điều 341 Bộ luật Hình sự.

Hồ sơ vụ án đã chuyển cho Công an thành phố Vinh, Nghệ An để điều tra theo thẩm quyền.

Theo cảnh sát, từ đầu năm 2020, Lãm thường tìm các loại xe sang mà chủ sở hữu đã thế chấp giấy tờ tại ngân hàng nhưng sau đó mang cầm cố lấy tiền rồi "bỏ xe". Mua những xe này tại tiệm cầm đồ, Lãm đặt Đức làm sổ đăng kiểm, tem kiểm định, đăng ký giả với giá 4 triệu đồng một sản phẩm.

Tháng 1/2020, Lãm bán chiếc Mercedes E300 với giá 520 triệu đồng cho người tên Bảo song mới nhận 260 triệu đồng và chưa giao giấy tờ.

Ngày 28/2, một người đàn ông phát hiện xe Mercedes E300 do Bảo điều khiển cùng chủng loại và biển kiểm soát với phương tiện của mình nên trình báo cảnh sát. Vụ án bị phát giác từ đây.

Cảnh sát phát hiện đường dây này hoạt động chính tại Nghệ An dưới sự hợp tác của Đức, Chiến và Hiên. Khám xét nhà Hiên, công an thu 5 máy in, nhiều máy móc các loại, 18.000 phôi giấy chứng nhận kiểm định, 13.500 phôi giấy chứng nhận đăng ký xe. Cơ quan điều tra còn thu 5 ôtô BMW, Mercedes, Toyota Camry không có giấy tờ.

Đức khai đặt mua qua mạng 50 con dấu giả của cơ quan đăng ký, đăng kiểm xe cùng các mẫu phôi sau đó tự làm giấy tờ giả. Ngoài bán cho Lãm, Đức còn bán khoảng 500 bộ giấy tờ ôtô giả khác cho nhiều người.

Tiền Giang tháo dỡ 8 đập thép ngăn mặn

Tình hình hạn mặn đã giảm sau những cơn mưa lớn, tỉnh Tiền Giang cho tháo dỡ 8 đập thép trên các kênh để tạo điều kiện cho ghe tàu qua lại.

Đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành sẽ được tháo dỡ trong 10 ngày

Đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành sẽ được tháo dỡ trong 10 ngày

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang cho biết, Tỉnh đã cho tháo đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành (dài 19 km, rộng 65 m, qua huyện Châu Thành và huyện Tân Phước), đoạn giáp sông Tiền. Ngoài ra, 7 đập nhỏ khác tại huyện Châu Thành và Cai Lậy cũng được tháo dỡ. Công việc này hoàn tất trong 4 - 10 ngày.

Các đập thép ngăn mặn, trữ ngọt này được Tỉnh đầu tư với kinh phí 45 tỷ đồng, thi công hồi tháng 1. Năm nay đã ngăn được mặn, đảm bảo đủ nước ngọt cho 1,1 triệu dân cùng 128.000 ha sản xuất nông nghiệp tại hai tỉnh Tiền Giang và Long An.

Các dầm thép từ đập tạm sẽ được bảo quản để sử dụng cho mùa hạn mặn năm sau. Về lâu dài, Tiền Giang kiến nghị Trung ương đầu tư hệ thống cống đóng, mở trên kênh Nguyễn Tấn Thành làm hồ trữ nước ngọt với kinh phí 400 tỷ đồng.

Khởi tố cựu trưởng Ban Dân tộc Nghệ An

Ông Lương Thanh Hải, cựu Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, bị xác định liên quan tới vụ án tham ô xảy ra tại đơn vị này.

Ông Lương Thanh Hải khi đang đương chức Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An

Ông Lương Thanh Hải khi đang đương chức Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An

Ngày 20/4, ông Hải bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị can được áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ông Hải là người thứ 3 ở Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An bị cáo buộc liên quan tới vụ án tham ô tài sản tại đơn vị này, từ khi khởi tố vụ án hồi tháng 7/2020. Trước đó, cấp dưới của ông Hải là Nguyễn Tâm Long, Phó phòng Chính sách bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi Kim Bốn, cán bộ Phòng Chính sách, về tội Tham ô tài sản.

Liên quan vụ án, Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty Xây dựng Văn Sơn và cấp phó Nguyễn Đình Thịnh, bị khởi tố cùng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo hồ sơ, Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 90% và 10% ngân sách đối ứng địa phương.

Bản Đửa (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) không có người dân tộc Ơ Đu sinh sống song cán bộ Ban Dân tộc vẫn lập danh sách 45 hộ với 231 nhân khẩu. Tháng 9/2019, phát hiện việc này, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định loại 231 nhân khẩu khỏi danh sách hỗ trợ.

Trong quá quá trình thực hiện đề án, các bị can nói trên bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lập khống hồ sơ một số hạng mục để rút tiền.

Thuê canô từ Campuchia vượt biên vào Phú Quốc với giá hơn 1.000 USD mỗi người

Nhóm phụ nữ khai thuê tàu vượt biên về nước với giá 1.000 - 1.200 USD mỗi người, bị phát hiện khi đến Phú Quốc.

Nhóm phụ nữ vượt biên bị lực lượng biên phòng phát hiện tại cảng An Thới, Phú Quốc

Nhóm phụ nữ vượt biên bị lực lượng biên phòng phát hiện tại cảng An Thới, Phú Quốc

Sáng 20/4, 5 phụ nữ này bị đưa vào cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế TP. Phú Quốc, lấy mẫu xét nghiệm nCoV.

Cả nhóm khai quê ở Kiên Giang, Bạc Liêu, Bình Phước và Bình Định, sang Campuchia được 3 - 12 tháng để làm thuê, sống với chồng người Trung Quốc. Gần đây, do Covid-19 tại nước này bùng phát mạnh nên họ thuê tàu về nước.

Sau khi trả đủ tiền, 5 người được đưa lên canô chạy từ cảng Sihanoukville về đảo Phú Quốc, do lái thuyền người bản địa. Trên tàu còn có một người đàn ông nói tiếng nước ngoài nhưng họ không rõ lai lịch.

Cơ quan chức năng đang truy tìm chiếc canô chở nhóm người vượt biên.

Chuyên đề