Bản tin thời sự sáng 2/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Xây dựng nêu tên 9 dự án bất động sản dính sai phạm ở Phú Thọ; ông Đồng Văn Thanh được bầu Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang; ông Hoàng Văn Nghiệm giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn; xuất khẩu thủy sản dự kiến vượt 10 tỷ USD; đề xuất phát hành 100.000 tỷ trái phiếu cho vay ưu đãi mua nhà xã hội…

Bộ Xây dựng nêu tên 9 dự án bất động sản dính sai phạm ở Phú Thọ

9 dự án bất động sản tại Phú Thọ bị Bộ Xây dựng kiểm tra chỉ ra nhiều vi phạm. Bộ này đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ thực hiện kiểm tra, rà soát các dự án.

Mặt bằng tổng thể khu du lịch, biệt thự sinh thái, nghỉ dưỡng Vườn Vua

Mặt bằng tổng thể khu du lịch, biệt thự sinh thái, nghỉ dưỡng Vườn Vua

Bộ Xây dựng vừa có Thông báo số 273 gửi UBND tỉnh Phú Thọ về kết quả kiểm tra công tác quản lý về lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Theo Thông báo, tại 2 dự án Khu du lịch, biệt thự sinh thái, nghỉ dưỡng Vườn Vua, tại xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy và Khu du lịch sinh thái cao cấp bãi nổi La Phù, Đoàn kiểm tra của Bộ Xây dựng phát hiện việc chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư thay đổi nhiều lần, điều chỉnh quy hoạch quá nhiều dẫn đến tiến độ thực hiện kéo dài.

Tại Khu du lịch, biệt thự sinh thái, nghỉ dưỡng Vườn Vua (quy mô 82,89ha) do Công ty CP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ làm chủ đầu tư đã thực hiện kinh doanh bất động sản khi chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản. Dự án này bị điều chỉnh tới 6 lần dẫn tới tiến độ kéo dài 11 năm.

Đối với Dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp bãi nổi La Phù, do Công ty CP Ao Vua đầu tư, quy mô xây dựng 65,3 ha, trong đó đất do tỉnh Phú Thọ quản lý 51,2 ha, đất do TP. Hà Nội quản lý 14,1 ha, Bộ Xây dựng kết luận Dự án được cấp phép năm 2007 nhưng đến năm 2011 mới khởi công xây dựng…

Dự án Khu đô thị mới Tây Nam TP. Việt Trì (quy mô 58,5 ha) do Công ty CP Đầu tư dầu khí Toàn Cầu đầu tư. Dự án này có tên thương mại Palm Manor, đang triển khai trên phần diện tích đất được giao 7,3 ha và đang giải phóng mặt bằng phần còn lại của giai đoạn 1 (khoảng 28,38 ha).

Theo kết luận của Đoàn kiểm tra Bộ Xây dựng, dự án này có diện tích đất được phê duyệt vênh với diện tích đất thực tế dự án hơn 2 ha. Tên chủ đầu tư Dự án được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt trong Quyết định 523 năm 2013 là Công ty CP Đầu tư dầu khí Toàn Cầu nhưng sau này trong các quyết định số 117 và 3151 của UBND tỉnh Phú Thọ thì tên chủ đầu tư dự án lại là Công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn Cầu.

Trong đợt kiểm tra vừa qua, Bộ Xây dựng cũng phát hiện nhiều vi phạm tại các dự án khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, như Dự án Khu nhà ở, đô thị phía Nam Đồng Lạc Ngàn, phường Tân Dân, TP. Việt Trì (6,3 ha) không thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở…

Ông Đồng Văn Thanh được bầu Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang ngày 1/12 thống nhất bầu ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND Tỉnh, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tân Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Đồng Văn Thanh

Tân Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Đồng Văn Thanh

Ông Thanh làm Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang thay ông Nghiêm Xuân Thành được Bộ Chính trị điều động giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cách đây gần một tháng. Khi đó Trung ương cho chủ trương tỉnh Hậu Giang được kiện toàn chức danh người đứng đầu tỉnh ủy từ nguồn nhân sự tại chỗ trong quy hoạch.

Chức danh Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cần được Bộ Chính trị chuẩn y, thông qua.

Ông Thanh năm nay 55 tuổi, quê huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ; trình độ cử nhân xã hội học, từng giữ chức Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. Tháng 11/2020, ông được bầu giữ chức Chủ tịch UBND Hậu Giang.

Hậu Giang được tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ. Địa phương rộng hơn 1.600 km2, dân số hơn 733.000 người, xếp thứ 54 cả nước, là một trong những trung tâm lúa gạo ở miền Tây.

Ba năm qua, Hậu Giang phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Tỉnh tăng 12,27%, xếp thứ hai cả nước và lần thứ hai liên tiếp dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế của Tỉnh tiếp tục duy trì và tăng trưởng khá: tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,04%, đứng thứ hai Đồng bằng sông Cửu Long, xếp ở nhóm cao cả nước.

Ông Hoàng Văn Nghiệm giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn

Ông Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh vừa được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn.

Tân Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm

Tân Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm

Chiều 1/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để bầu Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lạng Sơn khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã trình bày tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc giới thiệu nhân sự bầu Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.

Kết quả, với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối của 100% đại biểu có mặt, ông Hoàng Văn Nghiệm được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ông Hoàng Văn Nghiệm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn thay cho người tiền nhiệm là ông Nguyễn Quốc Đoàn vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Ông Hoàng Văn Nghiệm sinh năm 1968, dân tộc Tày; quê quán xã Bình La, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn; trình độ chuyên môn Thạc sĩ Kinh tế, Cử nhân Kinh tế chính trị, Cử nhân Thương mại; trình độ lý luận chính trị Cao cấp.

Trước đó, ông Nghiệm đã trải qua các chức vụ như Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.

Xuất khẩu thủy sản dự kiến vượt 10 tỷ USD

Sau khi đạt kết quả tích cực trong tháng 10 và 11, xuất khẩu thủy sản tự tin hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2024.

Xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD trong tháng 10 và 924 triệu USD trong tháng 11

Xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD trong tháng 10 và 924 triệu USD trong tháng 11

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi đạt mức 1 tỷ USD trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản tháng 11 đã chững lại. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2023, giá trị xuất khẩu ngành hàng này vẫn tăng 17%, đạt 924 triệu USD.

Lũy kế đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước.

Với đà tăng trưởng hiện tại, Vasep cho rằng, ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu, tăng trưởng gần 12% so với năm 2023. Trong đó, tôm và cá tra tiếp tục là 2 trụ cột chính đóng góp vào thành công của ngành thủy sản, với giá trị xuất khẩu tôm dự báo đạt 4 tỷ USD và cá tra có thể cán mốc 2 tỷ USD.

Trong tháng 11 qua, tôm, cá tra và cá ngừ là 3 sản phẩm mang lại kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Ngoài ra, một số sản phẩm như cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ và mực bạch tuộc cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao. Trong đó, cua ghẹ và nhuyễn thể có vỏ tăng trưởng lần lượt 60% và 66%.

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ trái phiếu cho vay ưu đãi mua nhà xã hội

Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Đề xuất thêm gói tín dụng cho nhà ở xã hội

Đề xuất thêm gói tín dụng cho nhà ở xã hội

Theo Bộ Xây dựng, mục tiêu của nghị quyết nhằm đảm bảo nguồn vốn thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở, hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp, người nghèo gặp khó khăn về nhà ở...

Bộ Xây dựng cho biết, để thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021 - 2030 cần nguồn vốn lên tới 500.000 tỷ đồng. Vì vậy, Bộ Xây dựng đang dự thảo nghị quyết về nguồn vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội.

Lãi vay gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội bằng lãi vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng quyết định trong từng thời kỳ. Thời gian giải ngân gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho đến khi giải ngân hết gói tín dụng này, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2030.

Việc phân bổ giải ngân gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội dự kiến được thực hiện như sau: năm 2025 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2026 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2027 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2028 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2029 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2030 bố trí khoảng 17.500 tỷ đồng.

Để thực hiện gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ để có vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu. Hiện, nhà ở xã hội đang sử dụng 2 nguồn vốn là gói 120.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại tự cân đối vốn và vốn do Ngân hàng Chính sách triển khai theo Nghị định 100 về nhà ở xã hội từ ngân sách.

Dự báo nhu cầu sử dụng than cho điện tăng trong tháng cuối năm

Tập đoàn TKV cho biết, tháng 12/2024 dự báo sẽ thuận lợi cho hoạt động khai thác than, khoáng sản; nhu cầu sử dụng than có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng, đặc biệt là nhu cầu than cho các nhà máy điện.

Hoạt động khai thác khoáng sản của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Hoạt động khai thác khoáng sản của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các đơn vị tập trung mọi nguồn lực để điều hành sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2024.

TKV thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh tháng 12/2024 với một số chỉ tiêu chính là sản xuất 4,34 triệu tấn than, tiêu thụ 4,06 triệu tấn; 121.000 tấn alumin, 5.830 tấn tinh quặng động và 2.270 tấn đồng tấm... Mục tiêu của TKV cũng sản xuất 944 triệu kWh điện và 6.870 tấn thuốc nổ...

Để hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra, TKV sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sản xuất than chủ động, linh hoạt tập trung đẩy mạnh sản xuất, phát huy tối đa nguồn lực và năng lực của các thiết bị; động viên tinh thần người lao động để thi đua lao động sản xuất với tinh thần cao. Điều này nhằm tăng năng suất lao động, bù đắp phần sản lượng thiếu hụt khi phải dừng sản xuất do ảnh hưởng của mưa bão, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2024.

Trong tháng 11/2024, các đơn vị của TKV tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Theo đó, sản lượng than sản xuất đạt 3,42 triệu tấn, tiêu thụ 4,56 triệu tấn; sản xuất khoáng sản alumin quy đổi đạt 110.000 tấn, tiêu thụ 127.000 tấn. Tập đoàn đã sản xuất 7,85 nghìn tấn tinh quặng đồng, sản xuất 2.620 tấn đồng tấm; 708 tấn kẽm thỏi..., đồng thời, sản xuất và tiêu thụ 847 triệu kWh điện...

Nhờ hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản theo kế hoạch điều hành đã đưa doanh thu tổng số của TKV trong tháng 11/2024 đạt 15.435 tỷ đồng.

Như vậy, lũy kế 11 tháng, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 150.157 tỷ đồng. Than thương phẩm đạt 45,33 triệu tấn; than sản xuất 34,17 triệu tấn và tiêu thụ 42,44 triệu tấn than, trong đó cung cấp cho các hộ điện 36,33 triệu tấn.

Tập đoàn cũng sản xuất 1,269 triệu tấn alumin, tiêu thụ 1,3 triệu tấn và sản xuất 8,591 tỷ kWh... Các chỉ tiêu hoá chất, vật liệu nổ công nghiệp cơ bản hoàn thành.

Đề xuất đầu mối đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14D, tỉnh Quảng Nam

Tuyến Quốc lộ 14D kết nối đường Hồ Chí Minh với Cửa khẩu quốc tế Nam Giang là một trong những tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và cũng là một phần của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây 2.

Một đoạn Quốc lộ 14D qua Quảng Nam.

Một đoạn Quốc lộ 14D qua Quảng Nam.

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam về việc đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14D, tỉnh Quảng Nam.

Tại công văn này, Bộ GTVT cho biết thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam về việc đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14D theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền để tăng tính chủ động cho các địa phương, giảm áp lực cho Bộ GTVT khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, Bộ GTVT đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì triển khai Dự án, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo đơn vị liên quan sớm báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nhiệm vụ và kinh phí chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách, trong đó có kinh phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án khoảng 4,6 tỷ đồng.

Đồng thời xem xét, bố trí nguồn vốn cho Dự án từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 hoặc nguồn tăng thu năm 2024, làm cơ sở triển khai thi công trong năm 2025, phấn đấu hoàn thành Dự án vào năm 2026.

Tuyến Quốc lộ 14D kết nối đường Hồ Chí Minh với Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, tỉnh Quảng Nam là một trong những tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; là một phần của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây 2, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế động lực khu vực miền Trung với Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào và là tuyến đường độc đạo lên vùng núi cao, biên giới phía Tây tỉnh Quảng Nam.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, Quốc lộ 14D dài 75 km, có quy mô cấp III - IV, 2 - 4 làn xe.

Hà Nội dự kiến cấp 'thẻ hành nghề' cho xe ôm

TP. Hà Nội dự kiến quy định người hành nghề xe ôm phải đăng ý với UBND phường, xã, thị trấn để xác nhận đóng dấu vào thẻ hoạt động vận chuyển.

Hà Nội dự kiến cấp thẻ hành nghề cho xe ôm

Hà Nội dự kiến cấp thẻ hành nghề cho xe ôm

UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự thảo Quyết định việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn.

Theo dự thảo, đối với người điều khiển các phương tiện trên để chở khách (xe ôm) hay hàng hóa phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để xác nhận đóng dấu vào thẻ hoạt động vận chuyển. Thẻ hoạt động vận chuyển do tổ chức, cá nhân tự in ấn theo mẫu.

Dự thảo quy định người hành nghề xe ôm hay chở hàng hóa khi hoạt động phải mang theo các giấy tờ, gồm: giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy phép lái xe; căn cước công dân còn hiệu lực; thẻ hoạt động vận chuyển đúng theo quy định.

Đối với UBND xã, phường, ngoài việc đóng dấu xác nhận thẻ hoạt động và lập danh sách đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện thì cơ quan này còn được giao bố trí vị trí đón trả khách cho xe ôm và xếp dỡ hàng hóa cho xe gắn máy, xe thô sơ tham gia kinh doanh.

UBND TP Hà Nội khuyến khích cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia, thành lập các tổ chức (hợp tác xã, hội nghề nghiệp) để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động.

Quy định dự kiến được xem xét ban hành trong năm 2024 và có hiệu lực ngay khi được ký.

Năm 2019, ngành giao thông Hà Nội từng đề xuất cấp thẻ hành nghề cho xe ôm nhưng sau đó không thực hiện. Đề xuất này với kỳ vọng tạo thói quen đi lại văn minh cho người dân.

Chuyên đề