Bản tin thời sự sáng 21/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Tài chính yêu cầu thanh tra các công ty bảo hiểm; Hà Nội duyệt dự án giải phóng mặt bằng 10,2 ha phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất; lượng xe hàng xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn tăng gấp đôi; HNX duy trì diện bị cảnh báo với cổ phiếu VIG…

Bộ Tài chính yêu cầu thanh tra các công ty bảo hiểm

Bộ Tài chính đã yêu cầu Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm.

Nhiều người dân, doanh nghiệp cho biết bị ngân hàng ép mua bảo hiểm khi đăng ký vay vốn

Nhiều người dân, doanh nghiệp cho biết bị ngân hàng ép mua bảo hiểm khi đăng ký vay vốn

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm để yêu cầu cơ quan này tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, công ty môi giới bảo hiểm nhằm hạn chế tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm cũng như đảm bảo tối đa quyền lợi của người mua bảo hiểm.

Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn xảy ra tình trạng nhân viên một số ngân hàng tiếp tục giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn. Do đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp tục yêu cầu, "thanh tra các hãng bảo hiểm, gồm cả đại lý và môi giới, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm mới được vay vốn hoặc giới thiệu người gửi tiền đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái quy định".

Bộ Tài chính cũng yêu cầu, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng của NHNN để tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.

Hà Nội duyệt dự án giải phóng mặt bằng 10,2 ha phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất

UBND TP. Hà Nội vừa duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 Dự án giải phóng mặt bằng phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, để xây dựng công trình phục vụ cộng đồng dân cư, và chỉnh trang đô thị tại ô đất ký hiệu C3, C4, C5 xã Yên Viên, Gia Lâm…

Hà Nội duyệt dự án giải phóng mặt bằng 10,2 ha phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất

Hà Nội duyệt dự án giải phóng mặt bằng 10,2 ha phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất

Theo thông tin từ Thành phố, khu vực nghiên cứu quy hoạch có tổng diện tích khoảng 10,2 ha. Phía Tây Bắc giáp đường nội bộ và sông Thiên Đức; phía Tây Nam giáp đất nông nghiệp và ao; phía Đông giáp đất nông nghiệp xã Yên Viên; phía Tây giáp đất nông nghiệp và sông Thiên Đức.

Việc lập quy hoạch Dự án nhằm đấu giá xây dựng cụm các công trình thương mại dịch vụ kết hợp công viên cây xanh mặt nước, nhằm phục vụ dân cư khu vực, tăng nguồn thu ngân sách, tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho địa phương. Bên cạnh đó, hình thành điểm nhấn kiến trúc khu vực kết hợp không gian cây xanh mặt nước.

Về tính chất, đây sẽ là khu công cộng thương mại, dịch vụ trong khu vực phát triển đô thị, bố trí các trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng... các khu ở, cây xanh, mặt nước, đường giao thông.

Với các ô đất có chức năng đất công cộng thành phố, mật độ xây dựng tối đa cho phép là 40%, công trình cao 3 - 12 tầng. Tỷ lệ đất giao thông không lớn hơn hoặc bằng 18%.

Lượng xe hàng xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn tăng gấp đôi

Số lượng xe hàng thông quan qua các cửa khẩu Lạng Sơn tăng gấp đôi từ khoảng 500 xe/ngày lên 1.000 xe/ngày.

Xe hàng chuẩn bị xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)

Xe hàng chuẩn bị xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)

Nếu như những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2, lượng xe hàng hoá thông quan qua các cửa khẩu Lạng Sơn vẫn ở mức thấp khoảng 500 - 600 xe mỗi ngày, thì những ngày trung tuần tháng 2, số lượng này tăng đều qua các ngày, lên mức 800 - 1.000 xe/ngày.

Theo đó, số liệu mới nhất từ Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho thấy, trong ngày 16/2 đã có 906 xe hàng hoá được thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, xuất khẩu 373 xe (trong đó gần 70% là xe hoa quả); nhập khẩu 533 xe.

Cùng ngày cũng có 328 xe hàng hoá từ nội địa đến các cửa khẩu Lạng Sơn, nâng tổng số xe hàng chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh lên là 453 xe (tính đến 20h ngày 16/2).

Theo số liệu báo cáo hàng ngày từ Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, từ khoảng hơn một tuần trở lại đây, số lượng xe hàng hoá thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn đã đạt ngưỡng 800 - 1.000 xe/ngày. Trong đó, hàng Việt xuất khẩu qua Trung Quốc chủ yếu vẫn là nông sản, hoa quả.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt trên 162 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch thương mại hai chiều qua Khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn chiếm 10,12% trong tổng kim ngạch thương mại.

HNX duy trì diện bị cảnh báo với cổ phiếu VIG

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định về việc duy trì diện bị cảnh báo với cổ phiếu VIG.

HNX duy trì diện bị cảnh báo với cổ phiếu VIG. Ảnh minh họa

HNX duy trì diện bị cảnh báo với cổ phiếu VIG. Ảnh minh họa

Cụ thể, HNX quyết định duy trì diện bị cảnh báo với cổ phiếu VIG của Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kể từ ngày 21/2/2023.

Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 tại báo cáo tài chính của Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY ký báo cáo kiểm toán ngày 10/2/2023) là số âm.

Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày 21/2, phải gửi HNX và công bố thông tin kèm theo biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng bị cảnh báo. Định kỳ hàng quý, Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phải giải trình, báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và công bố thông tin.

Hà Nội thu hồi hơn 800 ha đất làm vành đai 4

Để xây dựng vành đai 4 vùng Thủ đô và đất hành lang dự trữ đường sắt quốc gia, chính quyền Hà Nội sẽ thu hồi 812 ha đất từ nay đến năm 2024.

Hướng tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô qua địa bàn Hà Nội

Hướng tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô qua địa bàn Hà Nội

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi mới được Chủ tịch TP. Hà Nội phê duyệt, trong số đất thu hồi có 796 ha thuộc chỉ giới đường đỏ, 15 ha hoàn trả kênh mương nội đồng, hệ thống điện cao thế, vuốt nối đường hiện hữu và gần 40 ha xây dựng các khu tái định cư.

Thành phố sẽ xây dựng 13 khu tái định cư trên địa bàn 5 huyện. Trong đó, huyện Mê Linh xây 3 khu ở các xã Văn Khê, Đại Thịnh và Chu Phan. Huyện Đan Phượng xây 2 khu ở xã Hạ Mỗ và Hồng Hà.

Huyện Hoài Đức xây 2 khu tái định cư tại xã Đức Thượng và Đông La. Huyện Thanh Oai xây 2 khu ở Cự Khê và Tam Hưng. Huyện Thường Tín xây 4 khu tái định cư ở các xã Khánh Hà, Văn Bình, Hồng Vân và Vân Tảo.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội (chủ đầu tư vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội), có hơn 800 hộ phải tái định cư, trong đó Mê Linh gần 300 hộ; Đan Phượng 115 hộ; Hoài Đức 115 hộ; Hà Đông 53 hộ; Thanh Oai 40 hộ; Thường Tín 201 hộ.

Tổng đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 11.000 tỷ đồng; di chuyển điện cao thế 530 tỷ đồng; xây dựng các khu tái định cư 960 tỷ đồng; chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư tổng thể hơn 7 tỷ đồng; các chi phí khác liên quan của dự án 611 tỷ đồng.

Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng chính thức thông quan trở lại

Sau hơn 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc cửa khẩu khôi phục toàn diện hoạt động xuất, nhập cảnh và thông quan hàng hóa giúp người dân 2 nước thăm thân, trao đổi buôn bán hàng hóa.

Cán bộ Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng làm thủ tục xuất cảnh cho người dân Việt Nam sang Trung Quốc

Cán bộ Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng làm thủ tục xuất cảnh cho người dân Việt Nam sang Trung Quốc

Sáng ngày 20/2, Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng chính thức mở cửa phục vụ các hoạt động xuất, nhập cảnh và thông quan hàng hóa sang huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và ngược lại.

Sau hơn 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc cửa khẩu khôi phục toàn diện hoạt động xuất, nhập cảnh và thông quan hàng hóa giúp người dân 2 nước thăm thân, trao đổi buôn bán hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo ông Vũ Huy Hòa, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, vừa qua, phía Châu Hồng Hà và huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã có công hàm thông báo hủy bỏ tất cả các biện pháp kiểm tra Covid-19 đối với hàng hóa và từ ngày 20/2 khôi phục toàn diện việc xuất nhập cảnh cho công dân qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà.

Theo các cơ quan chức năng, từ ngày 20/2, Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng mở cửa từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày theo giờ Việt Nam.

Công ty thủy điện Đăk Psi bị thu hồi đất do vi phạm Luật Đất đai

Công ty CP Đầu tư và Phát triển thủy điện Đăk Psi bị tỉnh Kon Tum thu hồi 13.914 m2 đất vì vi phạm Luật Đất đai năm 2013.

Công ty thủy điện Đăk Psi bị thu hồi đất do vi phạm luật đất đai

Công ty thủy điện Đăk Psi bị thu hồi đất do vi phạm luật đất đai

UBND tỉnh Kon Tum vừa quyết định thu hồi một phần diện tích đất đã cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển thủy điện Đăk Psi (gọi tắt là Công ty Thủy điện Đăk Psi) thuê tại Quyết định số 390/QĐ-UBND ngày 21/4/2009 của UBND Tỉnh để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở Ban điều hành và nhà ở công nhân vận hành thủy điện Đăk Psi.

Diện tích bị thu hồi là 13.914 m2, tại Khối phố 9, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Lý do thu hồi là Công ty Thủy điện Đăk Psi đã vi phạm theo quy định tại Điểm I, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013.

Vi phạm này được xác định tại Kết luận thanh tra số 07/KL-STNMT ngày 18/10/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum. Diện tích này sau khi thu hồi được giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Kon Tum quản lý theo quy định.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp, chi phí đầu tư vào đất còn lại và giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất quy định.

Chuyên đề