Bản tin thời sự sáng 2/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Y tế đề nghị tiêm mũi 3 vaccine cho người dân từ tháng 12; TP.HCM tổ chức thí điểm dạy học tại trường từ ngày 13/12; khai thác hai đường băng sân bay Tân Sơn Nhất; doanh nghiệp đầu tiên bị phạt vì chào bán trái phiếu sai quy định; CSGT đề xuất chuyển hồ sơ phạt nguội về địa phương…

Bộ Y tế đề nghị tiêm mũi 3 vaccine cho người dân từ tháng 12

Theo Bộ Y tế, trường hợp ưu tiên tiêm mũi 3 là người có bệnh nền, trên 50 tuổi, cần chăm sóc dài hạn ở cơ sở y tế và lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương ưu tiên tối đa tiêm đủ liều cơ bản cho người dân, sau đó ưu tiêm mũi 3 cho người nguy cơ cao

Bộ Y tế đề nghị các địa phương ưu tiên tối đa tiêm đủ liều cơ bản cho người dân, sau đó ưu tiêm mũi 3 cho người nguy cơ cao

Ngày 1/12, Bộ Y tế có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị liên quan về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại cho người dân.

Theo Bộ Y tế, đề xuất này dựa trên khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các nước.

Liều bổ sung là mũi vaccine dành cho các trường hợp đặc biệt, được tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Vaccine được sử dụng cho mũi bổ sung phải cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine sử dụng công nghệ mRNA.

Theo Bộ Y tế, 3 trường hợp được ưu tiên tiêm liều vaccine phòng Covid-19 bổ sung là người trên 18 tuổi, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine). Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như cấy ghép tạng, ung thư, HIV. Người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng.

Liều nhắc lại là mũi vaccine tăng cường (mũi 3), được tiêm sau ít nhất 6 tháng kể từ thời điểm tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản. Các trường hợp ưu tiên tiêm là người trên 18 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền. Người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế. Người từ 50 tuổi trở lên. Người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.

Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh để quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Việc tiêm liều bổ sung, tiêm mũi 3 sẽ được triển khai từ tháng 12 và căn cứ vào tiến độ cung ứng vaccine.

TP.HCM tổ chức thí điểm dạy học tại trường từ ngày 13/12

Học sinh các khối lớp 1, 9 và 12 sẽ đến trường học trực tiếp kể từ ngày 13/12, kéo dài trong khoảng thời gian hai tuần, từ ngày 13 - 25/12/2021. Riêng trẻ mầm non 5 tuổi sẽ bắt đầu đến trường từ tuần thứ hai (20/12/2021).

TP.HCM tổ chức thí điểm cho học sinh trở lại trường học trực tiếp trong hai tuần kể từ ngày 13/12/2021

TP.HCM tổ chức thí điểm cho học sinh trở lại trường học trực tiếp trong hai tuần kể từ ngày 13/12/2021

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Kế hoạch sẽ thí điểm trong hai tuần.

Riêng đối với huyện Cần Giờ, các trường: Mầm non Thạnh An, Tiểu học Thạnh An, Trung học sở sở - Trung học phổ thông Thạnh An sẽ học trực tiếp ở tất cả các khối lớp từ ngày 13/12...

Sau thời gian nói trên, ngày 27/12 sẽ rút kinh nghiệm 2 tuần thí điểm dạy học trực tiếp. Căn cứ kết quả này, Sở GD&ĐT Thành phố phối hợp với Sở Y tế Thành phố tham mưu UBND TP.HCM xem xét việc quyết định tiếp tục mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp trên toàn Thành phố, kể từ ngày 3/1/2022.

Việc tổ chức thí điểm dạy học tại trường trong hai tuần đối với một số khối lớp, theo UBND TP.HCM là giúp các cơ sở giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Thành phố ưu tiên các cơ sở giáo dục đáp ứng được các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực, có kế hoạch cho học sinh đi học trực tiếp hoàn chỉnh.

Thành phố cũng yêu cầu, các cơ sở giáo dục chuyển trạng thái tổ chức dạy học theo cấp độ dịch được công bố vào sáng thứ 2 hàng tuần, do UBND Thành phố công bố...

Bắt đầu học từ ngày 13/12 đối với ba khối lớp 1, 9 và 12. Từ ngày 20/12, lớp mẫu giáo 5 tuối đi học.

Ở những địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 và cấp độ 4, các cơ sở đào tạo tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến hoặc kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến tùy theo phương án cụ thể của nhà trường được UBND TP.HCM chấp thuận.

Khai thác hai đường băng sân bay Tân Sơn Nhất

Sau hơn 2 tháng tạm đóng để thay hệ thống đèn, đường băng 25R/07L sân bay Tân Sơn Nhất cùng 7 đường lăn khai thác trở lại trước khi hoàn thành toàn bộ dự án trước Tết.

Máy bay hạ xuống đường băng 25R/07L sau khi khai thác trở lại, sáng 1/12

Máy bay hạ xuống đường băng 25R/07L sau khi khai thác trở lại, sáng 1/12

Đây là một trong hai đường cất hạ cánh ở Tân Sơn Nhất, trước đó đưa vào khai thác hồi đầu năm nay sau khi hoàn thành giai đoạn một Dự án Cải tạo, nâng cấp đường băng và các đường lăn ở sân bay. Đầu tháng 9, sân bay tạm đóng đường băng để lắp hệ thống đèn hiệu, đèn tiếp cận hiện đại thay hệ thống cũ từ khoảng 20 năm trước.

Sau các bước thử nghiệm đạt yêu cầu, Cục Hàng không đã chấp thuận cho khai thác trở lại đường băng này cùng các đường lăn P1, P2, P3, P4, P5, P6 và một đoạn đường lăn S5. Ngoài ra, vị trí đỗ 2E trên đường lăn P6 cùng hệ thống thiết bị liên quan được đưa vào khai thác.

Việc cho vận hành trở lại đường băng 25R/07L giúp sân bay Tân Sơn Nhất khai thác cùng lúc hai đường cất hạ cánh, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đồng thời hệ thống đèn hiệu, đèn tiếp cận mới giúp hoạt động bay an toàn hơn.

Dự án Cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 2.015 tỷ đồng, triển khai hồi đầu tháng 7/2020.

Giai đoạn một tại Tân Sơn Nhất, ngoài việc hoàn thành nâng cấp đường băng 25R/07L, một số đường lăn, biển báo hàng không, trạm điện... cũng đã được cải tạo, xây mới. Hiện, Dự án triển khai giai đoạn hai với việc thi công xây mới, cải tạo các đường lăn, giúp tăng khả năng khai thác, chống ùn tắc khi máy bay cất hạ cánh. Công trình cũng xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, đèn hiệu đường lăn, biển báo hàng không...

Doanh nghiệp đầu tiên bị phạt vì chào bán trái phiếu sai quy định

Tập đoàn VSETGroup là doanh nghiệp đầu tiên bị xử phạt vì phát hành trái phiếu sai quy định trong đợt thanh tra về phát hành trái phiếu theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

VSETGroup bị phạt và yêu cầu thu hồi trái phiếu đã chào bán sai quy định
VSETGroup bị phạt và yêu cầu thu hồi trái phiếu đã chào bán sai quy định

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Tập đoàn VSETGroup.

Theo đó, cơ quan quản lý chứng khoán cho biết công ty này đã có hành vi vi phạm hành chính là chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến 27/10/2021, VSETGroup đã thực hiện chào bán trái phiếu của công ty ra công chúng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cho các nhà đầu tư không xác định. Tuy nhiên, toàn bộ giao dịch này không được nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán theo quy định tại Luật Chứng khoán.

Với hành vi này, Tập đoàn VSETGroup bị phạt tiền 600 triệu đồng. Toàn bộ số chứng khoán đã chào bán không đăng ký bị thu hồi.

Đồng thời, Công ty cũng phải hoàn trả toàn bộ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc cho các nhà đầu tư và cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà Công ty mở tài khoản thu tiền từ nhà đầu tư.

Tập đoàn VSETGroup là doanh nghiệp đầu tiên bị Ủy ban Chứng khoán công bố quyết định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực phát hành trái phiếu theo chỉ đạo tuyến thanh tra về phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa qua của Bộ Tài chính.

Trước đó, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho biết thị trường hiện nay đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lách quy định để chào bán trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định, đối tượng, mục đích ra công chúng.

CSGT đề xuất chuyển hồ sơ phạt nguội về địa phương

Đơn vị phát hiện vi phạm giao thông sẽ chuyển hồ sơ về địa phương nơi tài xế cư trú để thuận tiện trong việc hoàn thiện thủ tục xử phạt hành chính.

Tổ công tác thuộc Đội trưởng Tuần tra kiểm soát cao tốc số 1, Cục CSGT, làm nhiệm vụ trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, theo dõi xe vi phạm qua hệ thống camera kết nối với máy tính bảng

Tổ công tác thuộc Đội trưởng Tuần tra kiểm soát cao tốc số 1, Cục CSGT, làm nhiệm vụ trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, theo dõi xe vi phạm qua hệ thống camera kết nối với máy tính bảng

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết đã kiến nghị sửa đổi Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Theo đó, Cục đề xuất trường hợp phát hiện vi phạm giao thông bằng hệ thống camera (phạt nguội) ở tỉnh này song tài xế cư trú tại tỉnh khác (hoặc giữa các huyện khác nhau), cảnh sát sẽ chuyển kết quả thu thập đến cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan cùng cấp nơi người vi phạm cư trú.

Tài xế sẽ đến trụ sở cơ quan chức năng ở địa phương để giải quyết, nộp phạt qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, tránh phải đi lại nhiều lần.

Theo quy định hiện hành, tài xế vi phạm giao thông phải đến trụ sở đơn vị phát hiện vi phạm (thông qua hệ thống camera) để ký biên bản, do vậy thời gian qua nhiều tài xế phải di chuyển quãng đường xa, thậm chí đi lại nhiều lần mới hoàn thiện được thủ tục nộp phạt vi phạm hành chính.

Bộ Giao thông vận tải là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì việc lấy ý kiến và trình dự thảo sửa đổi Nghị định 100/2019 để ban hành vào đầu năm 2022.

Đề xuất thí điểm buýt điện từ quý I/2022

Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị thí điểm tuyến buýt điện đầu tiên từ đầu năm sau, giúp kết nối các khu dân cư mới, đa dạng loại hình giao thông công cộng.

Buýt điện 12 chỗ chạy trên đường Hàm Nghi, Quận 1

Buýt điện 12 chỗ chạy trên đường Hàm Nghi, Quận 1

Đề xuất vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM sau khi cùng nhà đầu tư và các bên liên quan nghiên cứu, hoàn chỉnh kế hoạch. Thời gian thí điểm dự kiến trong 2 năm, Thành phố trợ giá hơn 44%. Đây là lần thứ hai việc mở các tuyến xe điện này được đề xuất do phù hợp mục tiêu phát triển vận tải công cộng, giảm ô nhiễm; đáp ứng nhu cầu đi lại người dân...

5 tuyến buýt được đề xuất thí điểm gồm: VB01 (Vinhome Grand Park - Trung tâm thuơng mại Emart); VB02 (Vinhome Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất); VB03 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn); VB04 (Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới); VB05 (Vinhome Grand Park - Bến xe miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia).

Khoảng 77 xe được đầu tư trên các tuyến buýt nói trên, mỗi xe 65 - 70 chỗ (đứng, ngồi), chạy bằng điện; hoạt động 5 - 21h mỗi ngày. Nhà đầu tư dự kiến sử dụng vé điện tử và đầu tư trung tâm điều khiển, phần mềm quản lý trực tuyến, giám sát tài xế... trên các tuyến.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất hình thức đặt hàng đối với đơn vị cung cấp dịch vụ và áp dụng tạm thời đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dùng nhiên liệu sạch (CNG) ở Thành phố để áp dụng cho loại hình xe buýt điện. Sau thời gian thí điểm, việc này sẽ được đánh giá lại.

Chuyên đề