Bản tin thời sự sáng 21/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 7 năm, Kho bạc gửi ngân hàng gần 7,8 triệu tỷ tiền nhàn rỗi; giá USD giảm sâu; cần công bố kế hoạch lương thưởng trước Tết 20 ngày; Cần Thơ dự kiến huy động 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu; đề xuất đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng xây cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành…

7 năm, Kho bạc gửi ngân hàng gần 7,8 triệu tỷ tiền nhàn rỗi

Trong gần 7 năm, gần 7,8 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi của ngân quỹ nhà nước được gửi có kỳ hạn ở ngân hàng thương mại, hưởng lãi 25.100 tỷ đồng.

Giao dịch tiền mặt tại một ngân hàng

Giao dịch tiền mặt tại một ngân hàng

Thông tin trên được Bộ Tài chính đưa ra trong tờ trình gửi Chính phủ sửa đổi Nghị định 24 năm 2016 về chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước.

Theo đó, từ năm 2017 đến 31/10/2023, số tiền lãi từ khoản ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại là gần 25.100 tỷ đồng. Con số này cao hơn khoảng 18.100 tỷ đồng so với chỉ gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước.

Bộ Tài chính đã sử dụng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương vay hơn 208.000 tỷ đồng; cho ngân sách địa phương tạm ứng hơn 5.600 tỷ đồng. Ngân quỹ nhà nước cũng được mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ với tổng giá trị giao dịch 7.000 tỷ đồng. Số lãi thu được là 6 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, thông qua việc quản lý hiệu quả ngân quỹ nhà nước, đến 31/10, Bộ đã góp hơn 19.078 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Ngân quỹ nhà nước là toàn bộ tiền mặt tại các đơn vị Kho bạc; các khoản tiền của Nhà nước có trên các tài khoản của Kho bạc mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.

Hiện ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được sử dụng theo các thứ tự ưu tiên như sau: cho ngân sách nhà nước vay để bù đắp bội chi, trả nợ gốc và tạm ứng cho ngân sách khi nguồn thu chưa tập trung kịp; gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh lãi suất; và mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa đổi quy định để điều chỉnh thứ tự ưu tiên cho các mục đích có tính cấp thiết cao hơn, mức độ an toàn cao hơn.

Giá USD giảm sâu

Sáng 20/11, mỗi USD ngân hàng tiếp tục giảm thêm 70 đồng, đưa tỷ giá chính thức về thấp hơn 1,6% so với đầu tháng này.

Sáng 20/11, mỗi USD ngân hàng tiếp tục giảm thêm 70 đồng

Sáng 20/11, mỗi USD ngân hàng tiếp tục giảm thêm 70 đồng

Ngày 20/11, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.954 đồng, giảm 18 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch USD trong vùng 22.756 - 25.151 đồng.

Trên thị trường ngân hàng, giá USD sáng 20/11 giảm mạnh. Vietcombank niêm yết tỷ giá mua bán 23.975 - 24.345 đồng một USD, giảm 70 đồng cả hai chiều so với cuối tuần trước. Tại BIDV, giá USD giảm 80 đồng về 24.020 - 24.320 đồng. Eximbank cũng giảm 70 đồng cả hai chiều mua bán, xuống 23.940 - 24.330 đồng một USD.

Như vậy sau chuỗi ngày liên tiếp đi xuống, mỗi USD ngân hàng hiện thấp hơn 400 đồng, tương đương mức giảm 1,6% so với đầu tháng 11. Còn so với hồi đầu năm, hiện tỷ giá ngân hàng cao hơn khoảng 2,6%.

Trái với tỷ giá chính thức, giá USD trên thị trường tự do những ngày gần đây không có biến động đáng kể. Sáng 20/11, giá USD tại các điểm thu đổi ngoại tệ lại tăng thêm vài chục đồng, lên 24.570 - 24.650 đồng.

Cần công bố kế hoạch lương thưởng trước Tết 20 ngày

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giao công đoàn cơ sở chủ động cùng chủ doanh nghiệp công khai kế hoạch trả lương, thưởng Tết Nguyên đán trước kỳ nghỉ 20 ngày.

Chuyến xe 0 đồng do Công đoàn Hà Nội tổ chức, đưa công nhân tỉnh xa về quê ăn Tết Nguyên đán 2023

Chuyến xe 0 đồng do Công đoàn Hà Nội tổ chức, đưa công nhân tỉnh xa về quê ăn Tết Nguyên đán 2023

Trong kế hoạch chăm lo Tết 2024, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giao công đoàn cơ sở giám sát việc chi trả các chế độ lương, thưởng Tết cũng như thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tăng ca hợp lý cho người lao động.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài từ ngày 29 tháng Chạp Quý Mão đến hết mùng 5 tháng Giêng Giáp Thìn (ngày 8/2 - 14/2/2024). Do vậy, theo kiến nghị của công đoàn, doanh nghiệp cần công khai kế hoạch thưởng Tết chậm nhất trước ngày 19/1/2024.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc trong Bộ luật Lao động. Nhưng với người lao động, dù khó khăn bao nhiêu thì vẫn mong ngóng tiền thưởng Tết. Thưởng Tết ngoài giá trị vật chất, còn động viên tinh thần lớn của người lao động.

Ông Hiểu cho rằng, doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao luôn coi thưởng Tết là cách giữ chân người lao động, tăng năng suất làm việc.

Dự báo từ nay đến đầu năm 2024, tình hình kinh tế xã hội còn nhiều thách thức, ảnh hưởng đến tiền lương, thu nhập của lao động. Vì vậy, nếu thưởng Tết không đạt được như kỳ vọng, người lao động cũng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, bởi mục tiêu của quan hệ lao động là hài hòa, tiến bộ.

Tổng liên đoàn Lao động cũng giao cấp cơ sở phân loại mức độ khó khăn của doanh nghiệp để lựa chọn hình thức thương lượng phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho lao động.

Cần Thơ dự kiến huy động 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu

TP. Cần Thơ sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động khoảng 2.000 tỷ đồng trong 2 năm tới phục vụ đầu tư phát triển.

Một góc TP Cần Thơ tại quận trung tâm Ninh Kiều

Một góc TP Cần Thơ tại quận trung tâm Ninh Kiều

Kế hoạch phát hành trái phiếu đang được TP. Cần Thơ triển khai. Theo đó, số tiền huy động khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm (hai năm là 2.000 tỷ đồng) sẽ được đầu tư xây dựng công trình trọng điểm của địa phương, dự án tái định cư, chống sạt lở, chỉnh trang đô thị. Nguồn kinh phí hoàn trả khi đến hạn từ ngân sách Thành phố.

Việc phát hành trái phiếu được thực hiện theo Nghị quyết số 45/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ. Theo đó, địa phương được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, từ các tổ chức tài chính trong nước, nguồn vay nước ngoài của Chính phủ... với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.

Năm 2023, số thu ngân sách của Cần Thơ ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Như vậy, địa phương sẽ được vay tối đa hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ dự kiến đến hết năm 2023 của Cần Thơ là 2.685 tỷ đồng nên số tiền được vay thêm khoảng 3.329 tỷ đồng. Năm 2024, dự kiến số dự toán thu nội địa của Cần Thơ hơn 11.600 tỷ đồng. Khi đó số thu ngân sách địa phương được hưởng là 11.115 tỷ đồng, tương ứng với tổng mức dư nợ tối đa của Thành phố trên 6.600 tỷ đồng.

Theo kế hoạch năm sau, địa phương này tiếp tục thực hiện Dự án Phát triển và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị có sử dụng vốn vay lại từ nguồn Chính phủ vay ODA với số tiền trên 1.320 tỷ đồng và dự kiến thực hiện phát hành trái phiếu chính quyền địa phương 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng dư nợ vay dự kiến đến cuối năm 2024 của Thành phố không vượt quá hạn mức cho phép (trên 4.700 tỷ đồng).

Cần Thơ là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và là đô thị lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 1,2 triệu dân. Giai đoạn 2020 - 2025, Cần Thơ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7,5 - 8% mỗi năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 145 - 160 triệu đồng, tương đương từ 6.200 - 6.800 USD…

Đề xuất đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng xây cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 129 km, đi qua hai tỉnh Đăk Nông và Bình Phước được đề xuất đầu tư giai đoạn một với tổng vốn 25.540 tỷ đồng.

Hướng tuyến của ba dự án cao tốc được nghiên cứu ở Tây Nguyên

Hướng tuyến của ba dự án cao tốc được nghiên cứu ở Tây Nguyên

UBND tỉnh Bình Phước vừa hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trên cơ sở ý kiến thẩm định của các bộ ngành, địa phương có tuyến cao tốc đi qua. Theo phương án mới nhất, tuyến cao tốc đi qua tỉnh Đăk Nông gần 28 km và Bình Phước 101 km.

Giai đoạn một, cao tốc được thiết kế 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m (riêng đoạn TP. Đồng Xoài rộng 25,5 m), tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h tùy địa hình, hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).

Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, các địa phương sẽ giải phóng mặt bằng trong năm 2024, thi công từ cuối năm 2024, hoàn thành năm 2026. Công tác giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 32,25 m.

Tỉnh Bình Phước đề xuất chia thành 5 dự án, trong đó 2 dự án thành phần giải phóng mặt bằng và 2 dự án xây dựng đường gom, cầu vượt ngang cao tốc do hai tỉnh Đăk Nông và Bình Phước làm chủ đầu tư bằng vốn ngân sách. Dự án thành phần xây đường chính tuyến với chi phí hơn 19.610 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách nhà nước là 6.840 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư là 12.770 tỷ đồng.

Về phương án thu phí, mức phí khởi điểm được đề xuất 2.100 đồng/km với xe tiêu chuẩn, thời gian hoàn vốn là 18 năm một tháng.

Tàu nước ngoài cứu toàn bộ 14 người trôi dạt trên biển

Sau khoảng 10 giờ đu bám trên biển, 14 thuyền viên đã được tàu nước ngoài đi ngang qua cứu vớt thành công.

14 thuyền viên đã được tàu Barzan đi ngang qua cứu vớt thành công

14 thuyền viên đã được tàu Barzan đi ngang qua cứu vớt thành công

Chiều 20/11, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 3 ở TP. Vũng Tàu cho biết, các thuyền viên Bình Định được tàu Barzan (quốc tịch Đức) đang trên đường chở hàng từ Trung Quốc sang Singapore cứu lúc 12h20 cùng ngày.

Sau khi đưa nạn nhân lên tàu, thuyền trưởng đã thông báo qua điện thoại tới trực ban Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 3. Hiện sức khỏe các thuyền viên đều ổn định. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã điều tàu cảnh sát biển 6007 ra để nhận ngư dân, dự kiến tiếp cận trong chiều 20/11.

Tàu Barzan dài 400 m, rộng 58,6 m, trọng tải hơn 190.000 tấn, chở hàng container, đăng ký hoạt động ở cảng Hamburg (Đức). Ở chuyến hải trình này, tàu sẽ cập bến Singapore ngày 22/11.

Trước đó, lúc 3h30 ngày 20/11, tàu của anh Huỳnh Văn Bạn, ở phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, chở 13 người đánh bắt cách đảo Phú Quý 92 hải lý (hơn 165 km) bị sóng đánh chìm. Thuyền trưởng phát tín hiệu cầu cứu khẩn cấp. Các thuyền viên bám víu các vật nổi của tàu. Trước khi xảy ra sự cố, tàu đã hơn hai tuần đi biển.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị tỉnh Bình Thuận khẩn trương cứu nạn. Địa phương yêu cầu Bộ đội Biên phòng Tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng trực thuộc phối hợp tàu ở gần khu vực bị nạn tham gia ứng cứu.

VNG bị phạt 85 triệu đồng vì không công bố báo cáo tài chính

Không công bố Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2023 đã được soát xét và Báo cáo thường niên năm 2022, VNG bị xử phạt 85 triệu đồng.

Trụ sở VNG ở quận 7, TP.HCM

Trụ sở VNG ở quận 7, TP.HCM

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP VNG (mã VNZ, địa chỉ trụ sở chính: Z06 đường số 13, phường Tân Thuận Đông, Quận 7, TP.HCM).

Cụ thể, cơ quan thanh tra phạt tiền VNG 85 triệu đồng do không công bố trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và của công ty này các tài liệu gồm: Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2023 đã được soát xét; Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2022.

VNG kinh doanh trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán và tài chính, dịch vụ đám mây. Trong đó, mảng hoạt động mang lại nhiều doanh thu nhất cho VNG là dịch vụ trò chơi trực tuyến, chiếm khoảng 70 - 80% tổng doanh thu những năm gần đây.

Hồi cuối tháng 5, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG vào diện hạn chế giao dịch do Công ty chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định.

VNZ được biết đến là cổ phiếu đắt giá nhất nhất sàn chứng khoán, khi lập đỉnh 1,5 triệu đồng/cổ phiếu.

Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh ở 5 thị trường chính

Xuất khẩu thủy sản qua Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Australia lao dốc khiến kim ngạch 10 tháng chỉ đạt 7,4 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công nhân Navico đang sơ chế cá tra

Công nhân Navico đang sơ chế cá tra

Số liệu trên vừa được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố. Theo đó, xuất khẩu tôm 10 tháng đạt 2,8 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái; cá tra đạt 1,5 tỷ USD, giảm 29%; cá ngừ khoảng 693 triệu USD, giảm 22%; mực, bạch tuộc, cua ghẹ, giáp xác và thủy sản khác giảm từ 9 - 15%.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản giảm mạnh do top 5 các thị trường nhập khẩu của Việt Nam đồng loạt giảm mua. Cụ thể, Mỹ - thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam - có kim ngạch nhập giảm 32% trong 10 tháng và chỉ đạt 1,3 tỷ USD. Thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản sang đây cũng giảm 15% so với cùng kỳ, đạt 1,3 tỷ USD. Các thị trường còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia giảm 14-21%.

VASEP cho biết, trong hơn một năm qua, ngành thủy sản đã trong tình trạng dư thừa tôm trên toàn thế giới. Tại Mỹ, EU và Trung Quốc, giá nhập khẩu trung bình năm 2023 giảm lần lượt 13,4%, 10% và 2,7%. Dự báo tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tại Mỹ sẽ khả quan hơn trong tháng 11 và 12 này.

Với ngành hàng cá tra, Hiệp hội cho rằng, nhu cầu sản phẩm này ở Trung Quốc giảm mạnh, nhưng doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn. Tại Mỹ, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang tìm mua 5,96 triệu pound phi lê cá tra, cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước. Đây là thương vụ mua cá da trơn lớn thứ hai của bộ này vào năm 2023, sau thương vụ mua 6,2 triệu pound phi lê cá da trơn chưa tẩm bột với tổng trị giá 41,8 triệu USD vào tháng 3.

Cảnh sát Giao thông bắt hai tàu hút cát trái phép trên Sông Hồng

Cục CSGT phối hợp cùng Công an Hà Nội và Vĩnh Phúc vây bắt 2 tàu "cát tặc" trên sông Hồng (Mê Linh, Hà Nội), thu giữ hơn 600 m3 cát.

Hai tàu hút cát và tang vật đã bị lực lượng CSGT tạm giữ

Hai tàu hút cát và tang vật đã bị lực lượng CSGT tạm giữ

Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát và Đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thông tin, đơn vị vừa phối hợp với Cảnh sát Đường thủy Công an thành phố Hà Nội và Cảnh sát Đường thủy Công an tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện, bắt giữ 2 phương tiện khai thác cát trái phép trên tuyến sông Hồng, đoạn thuộc địa phận xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Vào hồi 23 giờ ngày 19/11, Tổ công tác thuộc Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát và Đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa phối hợp với Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc mật phục bắt quả tang một nhóm đối tượng đang thực hiện hành vi hút cát trái phép tại lòng Sông Hồng.

Các đối tượng gồm P. Đ.T, thường trú thôn Điệp Thôn, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội; T. H. C, thường trú xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và B. V. T, thường trú xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Theo lời khai ban đầu của P.Đ.T, nhóm đối tượng đã sử dụng 2 tàu hút và chở cát, sau đó san mạn bán cho các tàu khác của Hải Dương và Nam Định.

Tang vật thu giữ gồm 2 phương tiện mang biển số VP-1519, TB-1986 cùng khối lượng cát ước khoảng 600 m3. Tổ Công tác đã hoàn thiện hồ sơ ban đầu và bàn giao lại Đội Cảnh sát Kinh tế Công an huyện Mê Linh để tiếp tục điều tra giải quyết theo quy định.

Chuyên đề