Bản tin thời sự sáng 2/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam đặt mục tiêu vận hành đường sắt tốc độ cao năm 2045; đường lên bán đảo Sơn Trà tiếp tục sạt lở; chủ nhà máy lọc dầu Dung Quất gửi ngân hàng 1,5 tỷ USD; Bắc Ninh vận hành nhà máy điện rác 33 triệu USD…

Việt Nam đặt mục tiêu vận hành đường sắt tốc độ cao năm 2045

Chính phủ đặt mục tiêu khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam năm 2030 và hoàn thành, đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2045.

Tàu khách tốc độ cao ở châu Âu

Tàu khách tốc độ cao ở châu Âu

Chính phủ vừa ban hành chương trình hành động về định hướng phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045.

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 sẽ hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư các tuyến đường sắt xây dựng mới, đường sắt đô thị cũng được triển khai. Các tuyến đường sắt đã có được nâng cấp, cải tạo.

Việt Nam sẽ khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam năm 2030, ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang. Một nửa chiều dài đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM được khai thác. Một số đường sắt đô thị tại các thành phố từ một triệu dân cũng được xây dựng.

Năm 2045, Việt Nam sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Các tuyến khu đầu mối TP.HCM và Hà Nội được hoàn thành. Mạng lưới đường sắt đô thị tại hai đô thị lớn nhất cả nước cũng hoàn thành.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó có nguồn tăng thu, tiết kiệm chi. Các thành phần kinh tế được kêu gọi tham gia kinh doanh đường sắt và dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Kết luận của Bộ Chính trị hồi tháng 3 đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khởi công trước 2030. Các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026 - 2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.

Đường lên bán đảo Sơn Trà tiếp tục sạt lở

Bốn tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà đang xuất hiện 11 điểm sạt lở, ban quản lý phải đặt biển cảnh báo, cắt cử người bảo vệ.

Các tuyến đường sạt lở đã đóng barie cảnh báo người dân và du khách

Các tuyến đường sạt lở đã đóng barie cảnh báo người dân và du khách

Sạt lở nặng nhất là tuyến Yếu Kiêu - Bãi Bắc, đoạn cách khu du lịch Intercontinental 300 m về hướng đỉnh Bàn Cờ. Đất đá đang sạt trượt và bị cuốn trôi, trong khi 15 m đường bêtông bị lũ chặt đứt trước đây chưa được khắc phục. Khu du lịch đã xếp hàng trăm bao cát để gia cố điểm sạt này.

Tuyến Tiên Sa có hai điểm sạt lở đất đá; hai cây lớn ngã đổ chắn ngang đường. Tuyến Bãi Bắc - Cây Đa có 5 điểm sạt lở chưa xử lý; tuyến Hồ Xanh - Bãi Bắc có 3 điểm sạt đã được chăng dây và đặt bảng cảnh báo.

Điểm sạt lở xuất hiện sau các đợt mưa lớn từ ngày 13/10 đến nay và hầu hết khởi phát từ điểm sạt một năm trước. Hiện các điểm sạt trượt đá trên đường Hoàng Sa, đoạn đi qua chùa Linh Ứng lên khu du lịch Intercontinental đã được thu dọn đá lăn để phương tiện lưu thông.

Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng hiện tạm dừng tham quan các tuyến Yết Kiêu - Bãi Bắc, Bãi Bắc - Cây Đa, Tiên Sa - Suối Ôm - Đỉnh Bàn Cờ. Đầu các tuyến này đã lắp bảng cảnh báo, đóng barie và cắt cử nhân viên bảo vệ chốt trực.

Ngành du lịch kiến nghị Thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng huy động lực lượng, phương tiện cơ giới sớm khắc phục vị trí sạt lở, hư hỏng hạ tầng trên các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà để tiếp tục mở cửa cho khách tham quan.

Trước đó đầu tháng 10, UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt đầu tư xây dựng kè chống sạt lở. Trong đó, Dự án gia cố hệ thống kè dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và công trình kiên cố hóa đường Hoàng Sa (đoạn nằm trên bán đảo Sơn Trà) có mức đầu tư 104 tỷ đồng, thực hiện đến năm 2025.

Chủ nhà máy lọc dầu Dung Quất gửi ngân hàng 1,5 tỷ USD

Lọc hóa dầu Bình Sơn, chủ nhà máy lọc dầu Dung Quất, có gần 36.500 tỷ đồng gửi ngân hàng, mang về 1.200 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng.

Lọc hóa dầu Bình Sơn, chủ nhà máy lọc dầu Dung Quất, có gần 36.500 tỷ đồng gửi ngân hàng

Lọc hóa dầu Bình Sơn, chủ nhà máy lọc dầu Dung Quất, có gần 36.500 tỷ đồng gửi ngân hàng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, đến cuối tháng 9, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có khoảng 36.470 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD) tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng. Con số này tăng hơn 45% so với đầu năm, tăng nhiều nhất là nhóm tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng. Tiền gửi ngân hàng đang chiếm hơn 41% tổng tài sản doanh nghiệp.

Xét riêng quý III, BSR đã nâng lượng tiền nhàn rỗi thêm hơn 7.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng thay đổi cơ cấu sang gửi ngân hàng kỳ hạn dài hơn, thay vì tập trung gửi không quá 3 tháng như trước.

Khoản "của để dành" này đóng góp lớn cho doanh thu hoạt động tài chính của BSR, tăng thêm 22% lên 420 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Công ty nhận về gần 1.176 tỷ đồng lãi tiền gửi. Trung bình mỗi ngày, BSR có hơn 4 tỷ đồng từ lãi tiết kiệm.

Không giống như kỳ trước, lần này hoạt động kinh doanh của Công ty cũng tăng trưởng đồng đều với hoạt động tài chính. Quý III, tuy doanh thu giảm nhẹ, giá vốn được cắt mạnh tay giúp lợi nhuận gộp cao 5,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm các chi phí thường xuyên cũng đội thêm nhưng BSR vẫn có hơn 3.235 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng hơn 7 lần so với quý III/2022.

Ban lãnh đạo cho biết, giá dầu thô tăng và khoảng cách giá tốt đã làm cho tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh đi lên. Cụ thể, giá dầu thô từ mức trung bình hơn 80 USD một thùng trong tháng 7 đã tăng lên 94 USD một thùng trong tháng 9. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa giá sản phẩm và giá dầu thô trong kỳ này cũng tốt hơn quý III/2022.

Lũy kế 9 tháng, BSR ghi nhận gần 105.500 tỷ đồng doanh thu và gần 6.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Hai chỉ tiêu này giảm lần lượt 17% và 52% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã thực hiện vượt xa kế hoạch có lãi hơn 1.600 tỷ đồng của năm nay.

Bắc Ninh vận hành nhà máy điện rác 33 triệu USD

Nhà máy điện rác Ngôi Sao Xanh, tổng mức đầu tư 33 triệu USD, chính thức đi vào vận hành tại Bắc Ninh từ ngày 1/11.

Toàn cảnh nhà máy điện rác Ngôi Sao Xanh

Toàn cảnh nhà máy điện rác Ngôi Sao Xanh

Nhà máy điện rác Ngôi Sao Xanh đặt tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ do Liên danh Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh - Công ty Chosun Refractory Engineering (Hàn Quốc) làm Chủ đầu tư với tổng kinh phí 33 triệu USD.

Nhà máy có chức năng xử lý chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt với công suất 180 tấn rác/ngày, đêm; công suất phát điện là 6,1MW.

Khởi công từ tháng 7/2020 đến tháng 8/2022, Nhà máy đã tiến hành chạy thử nghiệm và hòa vào lưới điện Quốc gia thông qua đường dây 35kV kết nối với Trạm 110kV Quế Võ 2.

Nhà máy đi vào vận hành chính thức được kỳ vọng góp phần bảo vệ môi trường của tỉnh cũng như có khả năng cung cấp cho địa phương khoảng 40 triệu KWh/năm.

Đồng thời, góp phần là cầu nối thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc nói chung và đặc biệt là dự án về môi trường phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nói riêng.

Đây cũng là nhà máy điện rác đầu tiên hoàn thành và đi vào hoạt động tại Bắc Ninh. Hiện, 3 nhà máy điện rác khác nằm trên địa bàn các huyện Lương Tài, thị xã Thuận Thành và thị xã Quế Võ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, đi vào hoạt động.

Bắt khẩn cấp 2 cán bộ liên quan dự án tái định cư sân bay Long Thành

2 cán bộ này câu kết với 1 người phụ nữ có hành vi nhận hàng trăm triệu đồng của người dân để hứa hẹn cấp suất tái định cư tại dự án sân bay Long Thành.

Một góc khu tái định cư sân bay Long Thành

Một góc khu tái định cư sân bay Long Thành

Ngày 1/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt khẩn cấp 2 cán bộ làm công tác kiểm đếm, giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành. Các bị can gồm Nguyễn Viết Mạnh (cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành) và Nguyễn Tấn Biên (cán bộ địa chính xã Bình Sơn, huyện Long Thành).

2 cán bộ này bị bắt giữ để điều tra về hành vi nhận hối lộ hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, 1 phụ nữ môi giới trong vụ án cũng bị bắt.

Theo thông tin ban đầu, 2 cán bộ này câu kết với người phụ nữ môi giới trên nhận tiền của người dân hứa hẹn cấp suất tái định cư dự án sân bay Long Thành khi tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Khu tái định cư sân bay Long Thành rộng 282 ha, tại đây bố trí hơn 7.000 lô tái định cư.

Theo báo cáo của huyện Long Thành, tính đến giữa tháng 10/2023, đã xét duyệt tái định cư cho 4.261 hộ, trong đó đã bố trí tái định cư cho 4.112 hộ; số còn lại đang hoàn thành hồ sơ để xét duyệt.

Lợi nhuận chủ đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tăng gần gấp đôi

CII, chủ đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Xa lộ Hà Nội, lãi hơn 96 tỷ đồng trong quý III, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trạm thu phí Cai Lậy trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Trạm thu phí Cai Lậy trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) có hơn 732 tỷ đồng doanh thu. Do hụt bớt hoạt động kinh doanh bất động sản so với cùng kỳ, tổng doanh thu giảm hơn 66%.

Nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng 53%, đồng thời tiết giảm được chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, CII lãi hơn 96 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban lãnh đạo cho biết, lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh các dự án BOT và lợi nhuận chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính đã đóng góp lớn cho kết quả kinh doanh.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, CII ghi nhận hơn 2.300 tỷ đồng doanh thu và hơn 210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 40% và 75% so với cùng kỳ năm trước. Công ty hoàn thành hơn một nửa kế hoạch cả năm.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đi lùi chủ yếu do hụt đi doanh thu bất động sản. Trong khi đó, hoạt động thu phí giao thông vẫn ổn định. Doanh thu mảng này trong 9 tháng đạt gần 1.095 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022. Trung bình mỗi ngày có 4 tỷ đồng từ thu phí giao thông.

CII đang tập trung tái cơ cấu tài chính khi tỷ lệ đòn bẩy luôn ở mức cao suốt nhiều năm qua. Đến cuối tháng 9, tổng nợ phải trả của CII hơn 18.000 tỷ đồng, giảm 11% nhưng vẫn vượt 2,2 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay nợ tài chính chiếm gần 12.900 tỷ đồng.

Mỗi lao động Việt Nam làm ra gần 172 triệu đồng một năm

Bình quân mỗi lao động Việt Nam làm ra gần 172 triệu đồng năm 2021, gấp 2,5 lần so với mức 70,3 triệu đồng năm 2011, theo Ủy ban Văn hóa Giáo dục.

Công nhân dệt may tại một nhà máy ở Thái Nguyên

Công nhân dệt may tại một nhà máy ở Thái Nguyên

Báo cáo thực hiện chính sách việc làm cho thanh niên giai đoạn 2020 - 2023, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho biết, trong 10 năm, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình mỗi năm đạt 6%. Tỷ lệ đã cải thiện, song vẫn còn thấp hơn nhiều các nước cùng khu vực và chênh lệch đang có xu hướng gia tăng.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân là mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo chiều rộng, phụ thuộc quy mô vốn lẫn công nghệ. Trong khi đó, đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng còn thấp.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động cải thiện chậm. Lao động làm việc khu vực nông nghiệp lẫn phi chính thức lớn, đây là nơi có năng suất và tạo ra giá trị gia tăng thấp. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đang thu hút gần 31% thanh niên làm việc, tiếp đến là công nghiệp xây dựng khoảng 42%. Lao động phi chính thức chiếm gần 69% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi.

Già hóa dân số cũng ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động trong tương lai, khi lực lượng lao động thanh niên trong độ tuổi giảm bình quân 170.000 người mỗi năm. Tỷ lệ thanh niên trong cơ cấu dân số cũng đang giảm dần từ 23% năm 2020 xuống còn 21% năm 2022.

Trong khi đó, tỷ lệ thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nhích chậm từng năm, mới đạt trên 29% vào cuối năm 2021. Việt Nam vẫn thiếu hụt lao động có tay nghề lẫn kỹ thuật bậc cao; giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.

"Thực trạng trên cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại về thế hệ lao động tương lai", Ủy ban Văn hóa Giáo dục đánh giá, cho rằng đây là thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.

Đào hơn 1.500 ao trữ nước cho vùng hạn

Hơn 1.500 ao chống hạn sẽ được UNDP bàn giao cho người dân các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Hơn 1.500 ao chống hạn sẽ được UNDP bàn giao cho người dân các tỉnh

Hơn 1.500 ao chống hạn sẽ được UNDP bàn giao cho người dân các tỉnh

Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết, việc xây dựng ao chống hạn nằm trong Dự án tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ (SACCR).

Từ nay đến năm 2026, ngoài việc đào ao, Dự án cũng giúp xây mới và cải tạo 260 ao chống chịu biến đổi khí hậu, hỗ trợ thiết lập hơn 2.300 hệ thống tưới tiết kiệm nước, tập huấn về nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu cho gần 6.000 hộ dân.

Hiện Dự án đã hoàn thành 70 ao tại hai huyện Krông Pắc và Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk với tổng dung tích hơn 60.000 m3, tương đương diện tích tưới hơn 52 ha. Người dân được chọn hỗ trợ đào ao là hộ nghèo, phụ nữ trụ cột gia đình và đồng bào dân tộc thiểu số.

UNDP kỳ vọng các ao sẽ giúp giải cơn khát cho cây trồng vào tháng cao điểm mùa khô. Tại Đăk Lăk, từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, thiếu nước xảy ra nhiều nơi, nhiều công trình thủy lợi xuống mực nước chết, nguồn nước mặt chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu.

Xuất khẩu sầu riêng vượt 1,7 tỷ USD

9 tháng, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đi 9 quốc gia với kim ngạch trên 1,7 tỷ USD, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

9 tháng, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đi 9 quốc gia với kim ngạch trên 1,7 tỷ USD

9 tháng, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đi 9 quốc gia với kim ngạch trên 1,7 tỷ USD

Đây là số liệu thống kê mới nhất của hải quan. Theo đó, sầu riêng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm trái cây. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu với sức tiêu thụ 1,57 tỷ USD sầu riêng trong 9 tháng, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu loại quả này và tăng vài chục lần so với cùng kỳ các năm trước.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, với mức tăng vọt này, xuất khẩu sầu riêng năm nay dự tính đạt 2 tỷ USD. Đây cũng là mức kỷ lục nâng thị phần xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vượt Malaysia và Philippines ở thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng Việt ngày càng có lợi thế khi ký được Nghị định thư với Trung Quốc. Ngoài ra, thời gian vận chuyển ngắn, sản phẩm của Việt Nam luôn tươi ngon nên có sức cạnh tranh mạnh so với hàng Thái, Malaysia và Phillipines. Nếu sầu riêng Việt Nam được chăm chút về kỹ thuật, hàng sản xuất ra chất lượng cao sẽ không lo mất thị phần tại Trung Quốc.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, vụ sầu riêng tại các tỉnh Tây Nguyên đang gần cuối vụ nên sản lượng giảm dần. Do đó, giá sầu riêng thời gian tới có thể tăng lên. Tây Nguyên là vùng trồng có diện tích lên đến 70.000 ha chiếm khoảng 50% của Việt Nam. Sầu riêng Tây nguyên hấp dẫn thị trường Trung Quốc vì thời điểm này hàng Thái đã hết vụ.

Ngoài thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt cũng đang hút khách Mỹ và Canada. 9 tháng đầu năm, sức mua tại 2 thị trường này tăng 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp cho thấy, nếu như năm 2010, cả nước có 92.000 ha sầu riêng, đến năm nay đã tăng lên 131.000 ha. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của cả nước giai đoạn này là 24,5%.

Sản lượng sầu riêng năm nay ước khoảng trên 1 triệu tấn, tăng 15,9% so với năm 2022. Trong đó, quý III sản lượng khoảng 350.000 tấn, quý IV ước đạt 260.000 tấn.

Chuyên đề