Bản tin thời sự sáng 2/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng tăng tiếp hơn 400 đồng/lít; giá gas tăng gần 80.000 đồng/bình 45 kg từ ngày 1/11; miễn nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên với ông Trần Hữu Thế; gần 20% cửa hàng tại TP.HCM thiếu xăng; đường tránh TP. Pleiku hơn 800 tỷ đồng bị hư hỏng…

Giá xăng tăng tiếp hơn 400 đồng/lít

Từ 15h ngày 1/11, xăng E5 RON 92 tăng 380 đồng/lít, RON 95 tăng 410 đồng/lít. Hiện, giá mặt hàng này đã có lần tăng thứ ba liên tiếp.

Giá xăng dầu tăng lần thứ 3 liên tiếp.

Giá xăng dầu tăng lần thứ 3 liên tiếp.

Chiều 1/11, Liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.

Theo đó, cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 380 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi giá xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.870 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.750 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu kỳ điều hành này được điều chỉnh tăng. Cụ thể, dầu diesel tăng 290 đồng/lít lên 25.070 đồng/lít. Hiện, giá dầu vẫn cao hơn giá xăng trong nước. Như vậy, giá xăng trong nước tăng 3 lần liên tiếp sau 4 lần giảm.

Tính đến nay, mặt hàng này đã trải qua 29 lần điều chỉnh giá, trong đó có 16 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở quanh mức 21.800 - 22.700 đồng/lít, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và tương đương thời điểm cuối tháng 10/2021.

Giá gas tăng gần 80.000 đồng/bình 45 kg từ ngày 1/11

Do giá gas thế giới và tỷ giá USD/VNĐ tăng cao khiến giá gas trong nước quay đầu tăng mạnh từ hôm nay, mức tăng trung bình là 20.000 - 21.000 đồng đối với mỗi bình gas loại 12 kg.

Giá gas tăng gần 80.000 đồng/bình 45 kg

Giá gas tăng gần 80.000 đồng/bình 45 kg

Ngày 1/11, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas thông báo điều chỉnh tăng giá mặt hàng này. Đánh dấu lần tăng đầu tiên sau 6 lần giảm liên tiếp. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng tăng trung bình 20.000 - 21.000 đồng, loại 45 kg tăng 78.000 - 79.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.

Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) thông báo từ ngày 1/11, giá bán gas Saigon Petro tăng 20.000 đồng/bình 12 kg. Với mức giảm này, giá bán lẻ gas thương hiệu này đến tay người tiêu dùng sẽ ở mức 425.000 đồng/bình 12 kg và bình 45 kg ở mức 1.194.000 đồng.

Tương tự, Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng cho biết, từ tháng 11 giá gas tăng 21.000 đồng/bình 12 kg lên gần 429.000 đồng/bình 12 kg và 78.750 đồng/bình 45 kg. Thương hiệu gas City Petro cũng thông báo mức tăng tương tự, theo đó giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 447.500 đồng/bình 12 kg; 1.678.000 đồng/bình 45 kg...

Như vậy, đây là tháng đầu tiên giá gas quay đầu tăng sau sáu lần giảm liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas bán lẻ trong nước đã có 4 lần tăng và 7 lần giảm. Hiện, giá loại nhiên liệu này vẫn ở mức thấp hơn thời điểm đầu năm.

Nguyên nhân giảm do giá gas thế giới bình quân tháng 11 chốt hợp đồng ở mức 610 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn. Đặc biệt, do tỷ giá tăng cao khiến giá gas bán lẻ tăng mạnh hơn. Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới và tỷ giá.

Miễn nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên với ông Trần Hữu Thế

Các đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Phú Yên đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức Chủ tịch UBND Tỉnh đối với ông Trần Hữu Thế.

Ông Trần Hữu Thế

Ông Trần Hữu Thế

Ngày 1/11, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII tổ chức Kỳ họp lần thứ 11 để họp bàn, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng của địa phương.

Đối với công tác nhân sự, HĐND Tỉnh đã tiến hành thủ tục miễn nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Hữu Thế.

Hình thức bỏ phiếu miễn nhiệm là công khai. Qua đó, đã có 45/46 đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên đồng ý việc miễn nhiệm; 1 đại biểu không đồng ý.

HĐND Tỉnh giao Thường trực cơ quan này hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm trên.

Hiện ông Trần Hữu Thế còn là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đang chờ cơ quan có thẩm quyền phân công công tác.

Trước đó, vào tháng 11/2020, HĐND tỉnh Phú Yên đã bầu ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên làm Chủ tịch UBND Tỉnh.

Vào ngày 21/9, Thủ tướng kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nhiệm kỳ 2021 - 2026, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Sau đó, ông Trần Hữu Thế đã viết đơn xin từ chức. Mới đây, Ban Bí thư đã có văn bản cho thôi chức Phó Bí thư Tỉnh ủy đối với ông Thế.

Gần 20% cửa hàng tại TP.HCM thiếu xăng

TP.HCM hiện có 108 trên tổng số 550 cửa hàng thiếu xăng dù vẫn mở cửa phục vụ, tương đương gần 20% cửa hàng xăng dầu của Thành phố.

Tình trạng "hết xăng còn dầu" tiếp tục lan rộng trở lại ở TP.HCM

Tình trạng "hết xăng còn dầu" tiếp tục lan rộng trở lại ở TP.HCM

Tại Phiên họp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm của TP.HCM chiều 1/11, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, tính đến 12h cùng ngày, có 108 cửa hàng thiếu xăng trên tổng số 550 cửa hàng trên toàn địa bàn. Những cửa hàng này vẫn mở cửa nhưng chỉ bán dầu, ngoài ra còn 4 cửa hàng khác đang tạm đóng cửa để sửa chữa.

Như vậy, số lượng cửa hàng thiếu xăng hiện nay tương đương gần 80% con số cao điểm hôm 10/10. Khi đó, TP.HCM có đến 137 cửa hàng hoạt động nhưng không có xăng để bán.

Vị lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng, khó khăn hiện nay của TP.HCM xoay quanh một số vấn đề chính. Thứ nhất, nguồn cung xăng dầu đang thiếu hụt, đặc biệt khi đơn vị đầu mối lớn trước đây cung ứng 100.000 m3/tháng đã bị rút giấy phép.

Thứ hai, cơ chế điều hành chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên trong chuỗi cung ứng và phân phối xăng dầu. Các doanh nghiệp bán lẻ vẫn hoạt động trong tình trạng khó khăn, nhiều đơn vị thua lỗ do chiết khấu thấp.

Theo ông Vũ, khác với Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, thị trường xăng dầu TP.HCM mỗi ngày tiêu thụ 6.880 m3 cả xăng và dầu, được 60 thương nhân phân phối và 15 thương nhân làm đầu mối. Hiện, tại TP.HCM, doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 25% chuỗi phân phối, cung ứng xăng dầu, còn lại là doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, giá xăng tại TP.HCM và Hà Nội được quy định thống nhất, nhưng chi phí vận chuyển từ nhà máy về hai địa phương lại khác nhau.

Vì vậy, TP.HCM hy vọng thời gian tới trong điều hành giá xăng dầu, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ ghi nhận đầy đủ chi phí để có giải pháp điều hành ổn định hơn.

Đường tránh TP. Pleiku hơn 800 tỷ đồng bị hư hỏng

Sau mùa mưa, đường Hồ Chí Minh tuyến tránh TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) xuất hiện nhiều điểm sụt lún, bong tróc thảm nhựa, nguy cơ tai nạn.

Tuyến tránh TP. Pleiku xuất hiện nhiều điểm hư hỏng

Tuyến tránh TP. Pleiku xuất hiện nhiều điểm hư hỏng

Tuyến tránh Pleiku dài hơn 30 km, điểm đầu nối đường Hồ Chí Minh, điểm cuối giao Quốc lộ 19, đi qua các huyện Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông và TP. Pleiku. Công trình được triển khai năm 2016, với chi phí hơn 844 tỷ đồng, do Sở Giao thông vận tải Gia Lai làm chủ đầu tư.

Năm 2020, đường được khai thác và đang thời gian bảo hành. Tuy nhiên, sau mùa mưa vừa qua, tuyến xuất hiện nhiều điểm bong tróc rộng, từng mảng nhựa đường bị vỡ. Có điểm bị lún sâu, kéo dài, nhựa trồi lên cao hơn mặt đường khoảng 10 cm. Nhiều vị trí bị bong tróc nhựa chiếm nửa mặt đường.

Ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Gia Lai cho biết, vị trí hư hỏng do Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức thi công. Sở đã yêu cầu nhà thầu sửa chữa, khắc phục.

Hà Nội sắp có thêm 60 xe điện phục vụ ở 8 khu du lịch

TP. Hà Nội vừa phê duyệt tăng thêm 60 chiếc xe điện tại 8 điểm du lịch để vận chuyển hành khách. Trước đó, loại phương tiện này chỉ được sử dụng ở hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây và sân bay Nội Bài.

Xe điện phục vụ khách du lịch ở Hà Nội là loại 4 bánh, vận tốc thiết kế dưới 30 km/h và chở không quá 15 người. Ảnh minh hoạ

Xe điện phục vụ khách du lịch ở Hà Nội là loại 4 bánh, vận tốc thiết kế dưới 30 km/h và chở không quá 15 người. Ảnh minh hoạ

Theo Đề án Quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông mới được phê duyệt, UBND TP. Hà Nội đã cho phép thí điểm hoạt động xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện (xe điện) đối với 8 khu vực nữa trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Cụ thể, 8 địa điểm mới được phép sử dụng xe điện bao gồm: Làng cổ Đường Lâm (5 chiếc), Khu phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (5 chiếc), Khu du lịch Chùa Hương (5 chiếc), Khu du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng (10 chiếc), Khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân - huyện Thường Tín (10 chiếc), Khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà (10 chiếc), Công viên Yên Sở (5 chiếc), Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao (10 chiếc).

Theo đó, số xe điện trên sẽ phục vụ trung chuyển hành khách từ bãi gửi xe vào các khu du lịch, khu di tích có hạ tầng đáp ứng yêu cầu.

Xe điện là một trong những phương tiện giao thông được sử dụng phổ biến ở các thành phố phát triển du lịch bởi những lợi thế như: hạn chế tối đa lượng khí thải ra môi trường; tiết kiệm nhiên liệu; hạn chế ô nhiễm tiếng ồn; ít xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông…

Loại hình xe điện phục vụ khách du lịch được UBND TP. Hà Nội cho phép thí điểm hoạt động từ tháng 6/2010 với 20 chiếc hoạt động trong khu vực phố cổ. Đến nay, toàn Thành phố đã có 88 phương tiện thuộc 5 doanh nghiệp khai thác vận hành tại 3 địa điểm là Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây và Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.

Chính thức điều chỉnh giờ vào học của gần 1,7 triệu học sinh TP.HCM

Chiều 1/11, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM chính thức có văn bản điều chỉnh giờ vào học của học sinh toàn Thành phố.

TP.HCM chính thức điều chỉnh giờ vào học của học sinh

TP.HCM chính thức điều chỉnh giờ vào học của học sinh

Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM nhằm rà soát và điều chỉnh giờ vào học tiết học đầu tiên của tất cả các trường từ mầm non, tiểu học và THCS, THPT. Toàn Thành phố hiện có gần 1,7 triệu học sinh ở các cấp học.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, căn cứ kết quả khảo sát việc thực hiện "lệch ca, lệch giờ" bảo đảm thời gian tổ chức đi học cho trẻ em, học sinh tại các cơ sở giáo dục vào đầu năm học 2022- 2023, có một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng hướng dẫn của Sở. Vì vậy, Sở GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục rà soát, chấn chỉnh và triển khai thực hiện nghiêm túc một số nội dung.

Cụ thể, rà soát, điều chỉnh giờ bắt đầu tiết học đầu tiên ở bậc học mầm non và tiểu học không trước 7 giờ 30 phút; bậc THCS không trước 7 giờ 15 phút; bậc THPT không trước 7 giờ. Đồng thời, nhà trường xây dựng kế hoạch mở cửa đón học sinh từ 6 giờ 30 phút; không để học sinh đi học trễ hoặc về sớm tập trung ở khu vực phía trước cổng trường.

Hơn 200 kiốt ven bãi tắm Cửa Lò đã được giải tỏa

205/209 kiốt dọc đường ven biển Bình Minh, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), đã được các hộ kinh doanh chủ động tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho chính quyền.

Một dãy kiốt sau khi được giải tỏa

Một dãy kiốt sau khi được giải tỏa

Ngày 1/11, UBND thị xã Cửa Lò cho biết, 4 kiốt còn lại nằm trong khuôn viên Nhà nghỉ dưỡng 382 (Bộ Công an) sẽ được tháo dỡ trong những ngày tới.

Trước đó, tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 10, Chủ tịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung giải thích, thị xã Cửa Lò là đô thị du lịch biển, có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Việc giải tỏa nhằm sắp xếp, quy hoạch lại không gian phát triển du lịch theo hướng hiện đại.

209 kiốt và 20 bãi gửi xe nằm trải dài hơn 4 km dọc đường Bình Minh, thuộc các phường Nghi Thu, Nghi Hương, Thu Thủy, thị xã Cửa Lò. Số kiốt này do chính quyền thị xã xây dựng và một số do người dân tự xây. Tất cả đã hết hạn kinh doanh từ tháng 9/2020, sau đó Thị xã gia hạn từng năm.

Kế hoạch giải tỏa chia làm ba bước, trong đó bước một thông báo cho các hộ kinh doanh, hoàn thành vào tháng 9. Bước hai là thanh lý hợp đồng với các chủ kiốt, yêu cầu họ tự tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho Thị xã, hoàn thành cuối tháng 10. Bước cuối cùng chính quyền sẽ cho san ủi, vận chuyển toàn bộ rác thải xây dựng ra khỏi khu vực, hoàn trả mặt bằng, dự kiến hoàn thành cuối năm.

Chuyên đề