Bản tin thời sự sáng 2/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM siết chặt quy trình cách ly người nhập cảnh; khởi tố Bí thư thành ủy Thái Nguyên Phan Mạnh Cường; chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên đến Việt Nam; Festival Huế 2022 sẽ diễn ra trong bốn mùa trong năm; Quảng Ninh thông xe ba dự án giao thông hơn 15.000 tỷ đồng…

TP.HCM siết chặt quy trình cách ly người nhập cảnh

Chính quyền thành phố đề ra quy trình 5 bước giám sát chặt cách ly y tế người nhập cảnh sau khi ghi nhận một số ca dương tính với biến chủng Omicron.

Hành khách nhập cảnh làm thủ tục kiểm dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh minh họa

Hành khách nhập cảnh làm thủ tục kiểm dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh minh họa

Động thái này nhằm tăng cường quản lý, không để phát sinh chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng sau khi Việt Nam ghi nhận một số trường hợp nhập cảnh có kết quả dương tính với biến chủng Omicron. Trước đó, TP.HCM ghi nhận 5 trường hợp nhập cảnh mắc biến chủng mới này.

Theo quy định mới, người nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất đầu tiên phải đăng ký mã QR cá nhân, cài đặt và sử dụng ứng dụng Pc-Covid để tạo "mã QR cá nhân".

Tiếp đó, cơ quan y tế phối hợp các hãng hàng không xét nghiệm nhanh khách sau khi nhập cảnh. Nếu kết quả dương tính, khách phải xét nghiệm PCR và được chuyển đến bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị số 12. Còn kết quả âm tính, khách hoàn thành các thủ tục về nơi cư trú.

Bước thứ ba, xe đưa đón người nhập cảnh chỉ được chở khách, những người đưa đón phải đi xe riêng...

Bước thứ tư, người nhập cảnh phải được theo dõi sức khỏe và khai báo y tế mỗi ngày. Chỗ tiếp nhận người nhập cảnh cách ly chịu trách nhiệm tạo mã QR địa điểm trên cổng thông tin an toàn Covid-19 của thành phố. Người nhập cảnh phải khai báo y tế trên ứng dụng Pc-Covid, tuân thủ 5K, nếu ho, sốt, khó thở, đau họng... báo trạm y tế.

Cuối cùng, cơ quan y tế phải lấy mẫu xét nghiệm PCR cho người nhập cảnh trong thời gian cách ly tại nơi lưu trú...

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, khách được theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày. Nếu dương tính, cơ quan y tế gửi mẫu đến Viện Pasteur thực hiện giải trình tự gene. Đồng thời, trung tâm y tế quận huyện đưa người nhập cảnh đến Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12.

Khởi tố Bí thư thành ủy Thái Nguyên Phan Mạnh Cường

Ông Phan Mạnh Cường, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên, bị xác định đã tham mưu, đề xuất làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài chính, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Phan Mạnh Cường bị kết luận sai phạm tài chính, xây dựng. Ảnh: Cổng thông tin TP Thái Nguyên.

Ông Phan Mạnh Cường bị kết luận sai phạm tài chính, xây dựng. Ảnh: Cổng thông tin TP Thái Nguyên.

Với cáo buộc "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại tài sản của Nhà nước", ông Phan Mạnh Cường - Bí thư thành ủy TP Thái Nguyên bị cơ quan công an khởi tố để điều tra.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định số 79/QĐ-CSKT khởi tố vụ án "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước" xảy ra tại Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên năm 2014.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Mạnh Cường - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư thành ủy thành phố Thái Nguyên (nguyên Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên) về tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước" theo điều 179 Bộ luật Hình sự 2015.

Các quyết định nêu trên đã được VKSND tỉnh Thái Nguyên phê chuẩn.

Trước đó, ngày 20/8/2021, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên xem xét, thảo luận và thông qua kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm với Đảng ủy các Khu công nghiệp Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2010 – 2015 và ông Phan Mạnh Cường, cựu Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp kiêm Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp, giai đoạn 2010 – 2020.

Chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên đến Việt Nam

Chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên chính thức đến Việt Nam kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đã hạ cánh an toàn tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lúc 18h45 tối ngày 1/1.

Chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên chính thức đến Việt Nam

Chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên chính thức đến Việt Nam

Chuyến bay mang số hiệu VN852 hành trình từ Phnom Penh (Campuchia) đến TP.HCM.

Chuyến bay chính thức đánh dấu giai đoạn mở cửa hàng không quốc tế thường lệ, khôi phục cầu nối hàng không Việt Nam với thế giới và mở ra triển vọng phục hồi du lịch sau đại dịch.

Chuyến bay nằm trong kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với địa bàn có hệ số an toàn cao, bắt đầu từ 1/1 đã được Chính phủ đồng ý.

Chủ trương này nhằm khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế; thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch; không để Việt Nam tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực; tạo điều kiện cho công dân Việt Nam được về quê hương trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến.

Các cơ quan chức năng ngành hàng không đã khẩn trương, nỗ lực đàm phán nối lại đường bay thường lệ ngay trong đầu tháng 1/2022 đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực.

Với chuyến bay VN852, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên thực hiện bay quốc tế theo kế hoạch này. Chuyến bay vận chuyển 121 hành khách. Các hành khách đáp ứng quy định xét nghiệm âm tính, tiêm chủng vắc xin hoặc khỏi bệnh Covid-19 trước khi khởi hành.

Sau chuyến bay giữa Việt Nam và Campuchia ngày 1/1, các chuyến bay quốc tế thường lệ gần nhất tiếp theo của Vietnam Airlines là giữa Việt Nam và Nhật Bản vào ngày 5/1; giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào ngày 9/1.

Festival Huế 2022 sẽ diễn ra trong bốn mùa trong năm

Festival Huế 2022 mở đầu bằng lễ Ban Sóc theo nghi thức dưới triều Nguyễn và sẽ được tổ chức theo chủ đề bốn mùa trong năm.

Lễ Ban Sóc diễn ra sáng 1/1 đã mở đầu cho chương trình Festival Huế 2022

Lễ Ban Sóc diễn ra sáng 1/1 đã mở đầu cho chương trình Festival Huế 2022

Sáng 1/1, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, công bố chương trình lễ hội Festival Huế 2022 tại Ngọ Môn, Đại nội Huế. Trong thời tiết mưa lạnh, 100 người mặc trang phục áo dài, khăn đóng đã tái hiện lại nghi lễ Ban Sóc dưới triều Nguyễn.

Khác với các kỳ trước, Festival Huế 2022 không tập trung các chương trình nghệ thuật diễn ra trong mấy ngày mà tổ chức quanh năm theo chủ đề bốn mùa. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội dân gian, lễ hội cung đình được phân bố theo thời gian nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, thưởng ngoạn của du khách.

Trong đó, lễ hội Mùa Xuân diễn ra từ tháng 1-3 với các lễ hội cung đình, dân gian đặc thù. Khởi động bằng chương trình lễ Ban Sóc; lễ Thượng Nêu; lễ hội Đền Huyền Trân; lễ tế Xã Tắc; Festival thơ Huế; điểm nhấn là lễ hội Huế- Kinh đô Ẩm thực diễn ra vào tháng 3.

Lễ hội mùa Hạ diễn ra từ tháng 4-6 với chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Lễ hội áo dài, lễ hội đường phố "Sắc màu văn hóa", lễ Tế Giao, đêm nhạc Trịnh Công Sơn cũng sẽ được diễn ra trong thời gian này.

Lễ hội mùa Thu diễn ra từ tháng 7-9 với các chương trình như lễ hội "Hương xưa làng cổ"; lễ hội Điện Huệ Nam tháng 7; lễ hội Truyền Lô; lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Hương; lễ hội đèn lồng cố đô; ngày hội Lân Huế.

Lễ hội mùa Đông diễn ra từ tháng 10 – 12 với các chương trình như Liên hoan "Giọng ca vàng Bolero Huế"; Festival âm nhạc – "Giai điệu Mùa Đông" và khép lại là chương trình Countdown 2022.

Festival Huế lần đầu được tổ chức vào năm 2000 với chu kỳ 2 năm một lần. Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Festival Huế không được tổ chức.

Quảng Ninh thông xe ba dự án giao thông hơn 15.000 tỷ đồng

Ngày 1/1, tỉnh Quảng Ninh đưa cầu Cửa Lục 1, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả vào khai thác, đồng thời thông tuyến kỹ thuật cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Cầu Vân Tiên là cây cầu vượt biển dài nhất ở Quảng Ninh nằm trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Cầu Vân Tiên là cây cầu vượt biển dài nhất ở Quảng Ninh nằm trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Dự án cầu Cửa Lục 1 khởi công ngày 28/4/2020, tổng mức đầu tư 2.109 tỷ đồng, từ ngân sách tỉnh, chiều dài toàn tuyến 4.265 m. Cầu chính được thiết kế dạng vòm ống thép nhồi bê tông với 6 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 60 km/h.

Đây là công trình cầu 6 làn xe đầu tiên ở Quảng Ninh, nối 2 khu vực phía Bắc và Nam của TP. Hạ Long qua vịnh Cửa Lục.

Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả khởi công ngày 22/8/2019, với thiết kế 4 làn xe cơ giới, vận tốc tối đa 60 km/h, chiều dài 18,7 km, tổng mức đầu tư 1.364 tỷ đồng. Đến ngày 10/8, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt điều chỉnh toàn bộ tuyến từ 4 lên 6 làn xe; hoàn chỉnh các hạng mục hầm qua núi, cầu, cống qua đường, thoát nước ngang đường. Tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án là 2.290 tỷ đồng.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khởi công ngày 3/4/2019, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn 11.195 tỷ đồng. Tuyến đường dài 80,23 km, rộng 25,25 m, 4 làn xe, tốc độ tối đa 100 km/h.

Đầu tháng 5/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cao tốc này theo hướng tách thành hai dự án độc lập, tăng vận tốc tối đa từ 100 lên 120 km/h và được Thủ tướng đồng ý. Theo đó, tuyến Vân Đồn – Tiên Yên dài 16,8 km được triển khai theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư 3.667 tỷ đồng.

Tuyến Tiên Yên - Móng Cái dài 63,26 km triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư điều chỉnh dự kiến hơn 8.509 tỷ đồng.

Đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng tiếp tục cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc-Nam

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc-Nam nhằm đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt.

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc-Nam. Ảnh minh họa.

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc-Nam. Ảnh minh họa.

Bộ Giao thông Vận tải vừa quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án với tổng vốn hơn 3.100 tỷ đồng để tiếp tục cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc-Nam.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, tiếp theo các dự án quan trọng cấp bách thuộc gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn 2016-2020 đang được triển khai, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc-Nam, thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2022-2025.

Ba dự án thành phần mới được phê duyệt là cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội-Vinh tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh có điểm đầu tại ga Hà Nội (Km0+00), điểm cuối tại ga Vinh (km319+202), tổng chiều dài khoảng 319km.

Tiếp đến là dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh-Nha Trang tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, điểm đầu tại ga Vinh (Km319+202), điểm cuối tại ga Nha Trang (Km1314+930), tổng chiều dài khoảng 996km.

Dự án thành phần thứ 3 là cải tạo, sửa chữa 6 ga khách gồm: Hương Phố, Đồng Lê, Đông Hà, Huế, Tam Kỳ, Nha Trang; cải tạo, sửa chữa 4 ga hàng gồm: Hương Phố, Kim Liên, Quảng Ngãi, Diêu Trì…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư