Bản tin thời sự sáng 20/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là rút ngắn chu kỳ thanh toán chứng khoán từ ngày 29/8; nghiên cứu xe qua làn thu phí không dừng được trả tiền sau; Hậu Giang đề nghị "rót" 2.100 tỷ đồng cho tái định cư dự án cao tốc; TP.HCM chi xong gói hỗ trợ thất nghiệp cho 95.300 lao động…

Rút ngắn chu kỳ thanh toán chứng khoán từ ngày 29/8

Từ ngày 29/8, nhà đầu tư sẽ giao dịch chứng khoán ngay từ chiều ngày T+2 thay vì đợi đến ngày T+3 như hiện nay.

Từ ngày 29/8, nhà đầu tư sẽ giao dịch chứng khoán ngay từ chiều ngày T+2

Từ ngày 29/8, nhà đầu tư sẽ giao dịch chứng khoán ngay từ chiều ngày T+2

Quy chế giao dịch mới vừa được Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) ký và sẽ có hiệu lực từ ngày 29/8. Nhà đầu tư có giao dịch mua, bán chứng khoán ngày 25/8 (ngày T+0) sẽ nhận được chứng khoán, tiền trước 13h ngày 29/8 (ngày T+2) để có thể thực hiện ngay mua, bán.

Theo quy chế mới, VSD và ngân hàng sẽ đẩy nhanh việc hoàn tất thanh toán chứng khoán và thanh toán tiền cho nhà đầu tư, từ 15h30 - 16h00 như hiện nay lên 11h - 11h30 ngày T+2. Trường hợp có phát sinh thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán tiền, thời gian hoàn tất thanh toán chậm nhất là 12h.

Thành viên lưu ký phải đảm bảo thực hiện phân bổ tiền và chứng khoán cho khách hàng trước 13h, đồng thời thông báo cho VSD về kết quả thực hiện chậm nhất 16h30 cùng ngày.

Với chu kỳ hiện tại, mặc dù khách hàng khi mua, bán chứng khoán sẽ nhận được tiền và chứng khoán vào ngày T+2 nhưng việc giao dịch chỉ có thể bắt đầu từ sáng T+3 bởi thời gian nhận chứng khoán và tiền sau khi phiên giao dịch kết thúc (sau 15h). Với chu kỳ mới, khách hàng có thể giao dịch chứng khoán ngay trong chiều T+2, mà không phải đợi đến sáng ngày T+3 như hiện nay.

Theo VSD, quy chế mới sẽ đáp ứng việc rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm), qua đó mang lại lợi ích cho nhà đầu tư và thị trường.

Nghiên cứu xe qua làn thu phí không dừng được trả tiền sau

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang nghiên cứu hình thức trả tiền sau đối với xe dán thẻ thu phí không dừng (ETC) để khắc phục tình trạng xe thiếu tiền trong tài khoản.

Xe qua trạm thu phí Cao Bồ trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Xe qua trạm thu phí Cao Bồ trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, đơn vị đang nghiên cứu bổ sung quy định đối với ô tô sử dụng dịch vụ ETC và chế tài xử phạt với xe không trả tiền phí. Tuy nhiên, vấn đề cần sự đồng thuận của các cơ quan liên quan như ngân hàng, chủ đầu tư dự án BOT, đơn vị thu phí.

Hiện đơn vị dịch vụ ETC phải thu của chủ xe và trả tiền cho nhà đầu tư dự án BOT mỗi ngày. Nếu chủ xe trả tiền sau, thậm chí chây ì sẽ ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn của nhà đầu tư.

Cùng với đó, Tổng cục sẽ có quy định về trách nhiệm của chủ xe, đơn vị dịch vụ ETC về việc dán thẻ và mở tài khoản hai lần trên một phương tiện, bởi có nhiều xe đang dán chồng hai thẻ gây lỗi khi qua trạm BOT.

Sau gần 20 ngày thu phí không dừng trên 10 tuyến cao tốc, Tổng cục Đường bộ ghi nhận có hai nhóm lỗi phát sinh tại trạm thu phí. Đó là nhóm lỗi chủ quan của chủ phương tiện như chưa dán thẻ trước khi vào tuyến, không có hoặc không đủ số dư trong tài khoản.

Nhiều chủ xe chưa nắm được chủ trương về thu phí không dừng toàn bộ trên các tuyến cao tốc nên đến trạm thu phí mới dán thẻ, vì vậy tài khoản chưa được kích hoạt kịp thời. Ngoài ra, chủ phương tiện không kiểm tra số dư tài khoản giao thông trước khi vào cao tốc, đến trạm thu phí mới nạp tiền nên có trường hợp tiền chưa kịp về tài khoản.

Lỗi chủ quan của hệ thống thu phí phần lớn là do hệ thống thiết bị tại trạm không đọc được thẻ vì nhiều chủ phương tiện dán thẻ đã lâu nhưng chưa sử dụng dịch vụ nên bị hỏng, thẻ bị dán sai quy cách.

Hậu Giang đề nghị phân bổ 2.100 tỷ đồng bồi thường, tái định cư dự án cao tốc

Ngày 19/8, UBND tỉnh Hậu Giang có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT); Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận về việc phân bổ kinh phí thực hiện các khu tái định cư (TĐC) phục vụ Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.

Kinh phí xây dựng 4 khu tái định cư phục vụ 2 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam qua địa bàn tỉnh Hậu Giang dự kiến là 246 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Kinh phí xây dựng 4 khu tái định cư phục vụ 2 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam qua địa bàn tỉnh Hậu Giang dự kiến là 246 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 911/QĐ-BGTVT ngày 13/7/2022 và Quyết định số 912/QĐ-BGTVT ngày 13/7/2022.

Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, TĐC đoạn Cần Thơ - Hậu Giang là hơn 1.338 tỷ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau là 767 tỷ đồng.

UBND tỉnh Hậu Giang đã có công văn gửi Ban QLDA Mỹ Thuận về kinh phí đầu tư xây dựng 4 khu TĐC phục vụ 2 dự án thành phần nêu trên, với tổng kinh phí 246 tỷ đồng.

Trong đó, khu TĐC tại thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành là 55 tỷ đồng; khu TĐC tại xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp là 102 tỷ đồng. Hai khu này phục vụ Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang.

Khu TĐC tại thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy là 53 tỷ đồng; khu TĐC tại thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ là 36 tỷ đồng. Hai khu này phục vụ Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

TP.HCM chi xong gói hỗ trợ thất nghiệp cho 95.300 lao động

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM đã chi gần 266 tỷ đồng cho 95.300 lao động được hưởng 1,8 - 3,3 triệu đồng từ gói bổ sung quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15.

Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp một lần tại Bảo hiểm Xã hội Quận 12

Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp một lần tại Bảo hiểm Xã hội Quận 12

Thông tin được ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết tối 18/8. Chưa đầy một tuần sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sử dụng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ lao động đã nộp hồ sơ nhưng chưa nhận tiền, Thành phố cơ bản hoàn thành chi trả gói hỗ trợ với tỷ lệ 99,8%. Gần 500 người chưa nhận tiền do chờ rà soát thông tin, tránh chi trùng.

Số người được nhận tiền hỗ trợ thuộc hơn 1.800 doanh nghiệp. Trong đó, hơn 71.600 lao động làm việc, các trường hợp còn lại đã nghỉ việc từ năm 2020 nhưng còn bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Cả nước có hơn 414.000 người thuộc nhóm được hưởng gói bổ sung từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15, riêng TP.HCM chiếm hơn 23%.

Trước đó, Văn phòng Quốc hội công bố Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15. Các cơ quan sẽ chi trả cho người lao động chậm nhất là ngày 10/9.

Theo thống kê, sau 31/12/2021 - hạn cuối giải ngân gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, còn nhiều người đủ điều kiện hưởng 1,8 - 3,3 triệu đồng, đã nộp hồ sơ đúng thời hạn, nhưng chưa được nhận tiền, với lý do: kê khai sai thông tin nên không liên lạc được; vì lý do bất khả kháng chưa đến nhận tiền; nguyện vọng đổi hình thức nhận tiền...

Tàu hàng Hong Kong va vào trụ cẩu giàn ở Hải Phòng bị cầm giữ

Tàu Tiger Maanshan treo cờ Hong Kong bị Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng ra lệnh cầm giữ hàng hải để giải quyết vụ va vào trụ cẩu giàn ở cảng Đình Vũ.

Tàu Maanshan va vào trụ cẩu giàn tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng

Tàu Maanshan va vào trụ cẩu giàn tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng

Ngày 19/8, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết, chủ tàu Tiger Maanshan bị Công ty CP Phát triển và Đầu tư cảng Đình Vũ kiện ra tòa do hai bên không thỏa thuận được phương án đền bù sau tai nạn.

Theo đó, khoảng 17h30 ngày 10/8, tàu Tiger Maanshan có chiều rộng 37 m, dài 192 m, chở container từ Philippines về cảng Đình Vũ, Hải Phòng thì phần mũi cùng bộ phận cánh gà ca bin mũi đã va chạm mạnh vào trụ cần cẩu giàn trên cầu cảng.

Nguyên nhân sơ bộ được xác định do tàu Tiger Maanshan mất kiểm soát trong quá trình điều khiển tàu cập cầu cảng. Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người hay ảnh hưởng đến tuyến luồng hàng hải song khiến cần cẩu giàn bị hư hỏng, không thể hoạt động.

Chủ tàu Tiger Maanshan và cảng Đình Vũ không thống nhất được việc đền bù. Nhận được đơn kiện từ phía cảng Đình Vũ, Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng đã ra lệnh cầm giữ hàng hải với tàu Tiger Maanshan để xử lý vụ việc.

Chuyên đề