Bản tin thời sự sáng 20/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thành phố Bắc Giang giãn cách xã hội từ 15h ngày 19/5; đầu tư gần 11.000 tỷ đồng làm 2 tuyến cao tốc ở Đồng Tháp; Bắc Ninh dừng vận tải hành khách từ 0h ngày 20/5; Trạm BOT Đông Hưng thu phí từ 1/6; khách đi xe buýt, xe taxi, xe ôm ở TP.HCM phải khai báo y tế…

Thành phố Bắc Giang giãn cách xã hội từ 15h ngày 19/5

Thành phố Bắc Giang với hơn 200.000 dân, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 15h ngày 19/5, theo quyết định của UBND Tỉnh.

Thành phố Bắc Giang giãn cách xã hội từ 15h ngày 19/5

Thành phố Bắc Giang giãn cách xã hội từ 15h ngày 19/5

Từ chiều 19/5, tỉnh Bắc Giang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 với một số địa điểm thuộc TP. Bắc Giang, gồm: một phần thôn Yên Khê, Song Khê 1, Liêm Xuyên, xã Song Khê; một phần tổ dân số Dân Chủ, Lê Lợi, Nghĩa Long, phường Lê Lợi.

Thực hiện giãn cách xã hội, TP. Bắc Giang sẽ dừng hội họp, sự kiện tập trung hơn 20 người một phòng; không tụ tập quá 10 người nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m; dừng triệt để nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí nơi công cộng. Dịch vụ không thiết yếu tạm đóng cửa. Người dân được khuyến cáo hạn chế di chuyển từ nơi này đến nơi khác.

Bắc Giang đang là địa phương ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất cả nước, với 527 ca, tính đến chiều nay. Ba ổ dịch chính là xã Phương Sơn (huyện Lục Nam); Công ty Shin Young, Khu công nghiệp Vân Trung; Công ty Hosiden Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên).

Đến nay, Tỉnh đã cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 với 4 huyện là Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang.

Đầu tư gần 11.000 tỷ đồng làm 2 tuyến cao tốc ở Đồng Tháp

Việc làm hai tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh nhằm rút ngắn thời gian từ Đồng Tháp đi TP.HCM xuống còn 2 tiếng thay vì 4 tiếng như hiện nay.

Hai tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh sẽ kết nối với các dự án khác để hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây ở Đồng bằng sông Cửu Long

Hai tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh sẽ kết nối với các dự án khác để hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây ở Đồng bằng sông Cửu Long

Theo ông Trần Trí Quang, Phó chủ tịch UBND Đồng Tháp, trong 5 năm tới, Tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thành hai tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh.

Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km, điểm đầu nối với tuyến N2, điểm cuối tiếp giáp đường dẫn cầu Cao Lãnh, tổng mức đầu khoảng 5.000 tỷ đồng (đề xuất ban đầu khoảng 4.500 tỷ đồng). Hiện Dự án đã được Chính phủ thống nhất ghi vốn ODA Hàn Quốc.

Tuyến An Hữu - Cao Lãnh dài 28 km, sẽ nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, tổng mức đầu tư dự kiến 5.700 tỷ đồng (đề xuất ban đầu khoảng 5.500 tỷ đồng). Dự án này đã được Bộ Giao thông vận tải đưa vào kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và đang chờ Quốc hội thông qua kế hoạch vốn.

Bắc Ninh dừng vận tải hành khách từ 0h ngày 20/5

Từ 0h ngày 20/5, xe buýt, xe khách du lịch, taxi sẽ tạm dừng hoạt động ở Bắc Ninh nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan Covid-19.

Chốt kiểm soát phương tiện của tỉnh Bắc Ninh

Chốt kiểm soát phương tiện của tỉnh Bắc Ninh

Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Bắc Ninh, các tuyến buýt và xe tuyến cố định có lộ trình đi qua Bắc Ninh không được dừng đón, trả khách.

Tỉnh cũng dừng hoạt động các bến xe khách, bến khách ngang sông, trạm dừng nghỉ trên địa bàn; không tiếp nhận lưu trú với các xe chở hàng hóa, xe container và xe chở khách đường dài.

Nhà chức trách sẽ lập chốt kiểm soát cấp tỉnh ở cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh lân cận.

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, tỉnh Bắc Ninh cho phép các xe chở công nhân, chuyên gia, xe chở hàng hóa, công nhân đi xe riêng có biển hiệu hoặc đeo thẻ qua chốt kiểm soát, nhất là ở ba địa phương đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 là TP. Bắc Ninh, huyện Thuận Thanh và Yên Phong.

Các xe chở hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp, xe chở thiết bị, linh kiện, nguyên liệu phục vụ sản xuất ở các khu công nghiệp của Bắc Giang cũng được tạo điều kiện qua chốt kiểm soát với điều kiện: chỉ có một người trên xe, không có biểu hiện ho, sốt, có kết quả xét nghiệm âm tính trong ba ngày, cam kết sau khi giao hàng phải rời khỏi tỉnh.

Trạm BOT Đông Hưng thu phí từ 1/6

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép nhà đầu tư thu phí trạm BOT Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, để hoàn vốn cho tuyến tránh thị trấn từ ngày 1/6.

Trạm BOT Đông Hưng thu phí từ 1/6

Trạm BOT Đông Hưng thu phí từ 1/6

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, mức phí thấp nhất 20.000 đồng/lượt với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt. Mức cao nhất 120.000 đồng/lượt với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet. Trạm BOT có 4 làn đều áp dụng thu phí không dừng (ETC).

Người dân thuộc 4 xã có dự án đi qua gồm Đông Các, Đông Hợp, Đông La và Đông Sơn, huyện Đông Hưng, được miễn phí vé nếu xe không kinh doanh vận tải. Các xe kinh doanh được giảm 40 - 50% giá vé.

Dự án Đầu tư tuyến tránh thị trấn Đông Hưng do Công ty TNHH MTV TASCO 6 đầu tư, được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Dự án BOT Quốc lộ 10 qua Thái Bình từ năm 2015. Dự án được khởi công năm 2019, hoàn thành tháng 3/2020. Quốc lộ 10 là tuyến huyết mạch giữa Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng.

Khách đi xe buýt, xe taxi, xe ôm ở TP.HCM phải khai báo y tế

Ngày 19/5, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, tài xế, nhân viên, khách đi xe buýt, xe taxi, xe ôm... ở Thành phố phải khai báo y tế hàng ngày, tuân thủ biện pháp "5K".

Khách đi xe buýt, xe taxi, xe ôm ở TP.HCM phải khai báo y tế

Khách đi xe buýt, xe taxi, xe ôm ở TP.HCM phải khai báo y tế

Yêu cầu được Sở Giao thông vận tải thông báo đến các bến xe, doanh nghiệp vận tải cùng chính quyền các địa phương. Việc khai báo y tế áp dụng hình thức online, giấy, đảm bảo thông tin họ tên, điện thoại, biển số xe, thời gian di chuyển, thông tin dịch tễ. Riêng loại hình xe chạy hợp đồng điện tử phải lưu trên phần mềm thông tin phương tiện, lái xe, hành khách, lộ trình di chuyển...

Đây là lần đầu tiên tài xế xe ôm truyền thông và khách đi được yêu cầu phải khai báo y tế. Chính quyền địa phương được yêu cầu phải tuyên truyền, vận động từng tổ xe ôm tự quản chấp hành nghiêm. Việc khai báo y tế với các tài xế, nhân viên và khách nhằm sớm phát hiện trường hợp nghi bệnh, ngăn chặn dịch lây lan.

Ngoài khai báo y tế, ôtô khách, buýt, xe hợp đồng... không được chở quá 50% sức chứa và 30 người; khách đi xe phải ngồi cách nhau tối thiểu một mét. Sau hành trình, phương tiện, bến xe, nhà ga cần phun xịt khử khuẩn... Hiện, toàn bộ xe chở khách từ TP.HCM được yêu cầu không dừng đón, trả khách tại vùng có dịch.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM gây thiệt hại hơn 14 tỷ đồng

Nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM Nguyễn Minh Khải, bị cáo buộc sai phạm khi chọn thuỷ tinh thể giá cao, gây thiệt hại cho người bệnh và bảo hiểm hơn 14 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Khải (áo hồng) trong lần cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc

Ông Nguyễn Minh Khải (áo hồng) trong lần cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc

Ngày 19/5, cáo buộc này được Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đưa ra sau hơn 3 tháng điều tra ông Khải; bà Võ Thị Chinh Nga, ông Phí Duy Tiến (cùng là nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt) và ông Nguyễn Quốc Toản (nguyên Trưởng Khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức) về hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan điều tra xác định, năm 2018, Bệnh viện Mắt TP.HCM thực hiện Gói thầu Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu để phục vụ điều trị, khám chữa bệnh. Một số lãnh đạo bệnh viện đã làm trái quy định trong việc đấu thầu, gạt loại thủy tinh thể nhân tạo có giá dự thầu thấp nhất, để mua loại có giá dự thầu cao nhưng chất lượng tương đương.

Theo cơ quan điều tra, sai phạm của nhóm lãnh đạo Bệnh viện đã khiến người bệnh phải chi trả cao hơn khi điều trị. Trong đó, quỹ bảo hiểm y tế thiệt hại hơn 5 tỷ đồng, bệnh nhân có bảo hiểm y tế thiệt hại hơn 7 tỷ đồng, còn người bệnh không có bảo hiểm thiệt hại gần 2 tỷ đồng.

Ngành đường sắt tạm dừng chạy hàng loạt đôi tàu trên các tuyến

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành đường sắt đã tạm dừng chạy hàng loạt đôi tàu trên nhiều tuyến bởi nhu cầu đi lại của hành khách quá thấp.

Ngành đường sắt tạm dừng chạy hàng loạt đôi tàu trên các tuyến

Ngành đường sắt tạm dừng chạy hàng loạt đôi tàu trên các tuyến

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nhiều địa phương, căn cứ vào nhu cầu đi lại của hành khách, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thông báo tiếp tục tạm ngừng chạy các đoàn tàu khu đoạn từ thành phố Hồ Chí Minh đi Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng và ngược lại.

Theo đó, từ nay đến ngày 3/6, các đôi tàu SPT1/SPT2 (Sài Gòn - Phan Thiết), SNT1/SNT2 (Sài Gòn - Nha Trang), SE21/SE22 (Sài Gòn - Đà Nẵng) tạm dừng chạy.

Như vậy, từ nay đến ngày 3/6, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam chỉ còn chạy thường xuyên 2 đôi tàu Thống Nhất SE3/SE4, SE7/SE8 và bổ sung thêm các ga đón, trả khách trong lịch trình.

Tại khu vực phía Bắc, đường sắt chạy hàng ngày duy nhất một đôi tàu LP5/LP6 tuyến Long Biên (Hà Nội - Hải Phòng).

Ngành đường sắt tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các nhà ga và trên các đoàn tàu như trang bị nước rửa tay sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế của hành khách đi tàu, phun khử khuẩn tại các nhà ga và các đoàn tàu,...

Chuyên đề