Bản tin thời sự sáng 20/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Khánh Hòa đề xuất lấn 1.500 ha biển ở Vân Phong; VKS kháng nghị việc Phan Sào Nam được tha tù trước hạn; gần 1.000 tỷ đồng đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông; Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho các hãng bay vay ưu đãi; bị mạng xã hội tấn công, Kim Oanh Group đề nghị Bộ Công an vào cuộc…

Khánh Hòa đề xuất lấn 1.500 ha biển ở Vân Phong

Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), đơn vị tư vấn đề xuất lấn 1.500 ha biển tại huyện Vạn Ninh để phát triển kinh tế.

Một góc Khu kinh tế Vân Phong nhìn từ trên cao

Một góc Khu kinh tế Vân Phong nhìn từ trên cao

Theo ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, đơn vị tư vấn đề xuất diện tích lấn biển ở nơi sình lầy, xa khu dân cư và không nằm trong khu bảo tồn biển. Quá trình lấn biển không làm ảnh hưởng môi trường, hệ sinh thái biển.

Trong lần điều chỉnh này, các đơn vị tư vấn còn đề xuất bổ sung 3.500 ha của xã Xuân Sơn, nằm ở đồi núi huyện Vạn Ninh, vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong. Điều này được kỳ vọng giúp đồng bộ các ngành nghề trong vùng, địa phương phát huy được thế mạnh về công nghiệp - nông nghiệp cao để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Theo ông Phi, so với quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong phê duyệt năm 2014, đồ án điều chỉnh quy hoạch lần này xác định mục tiêu xây dựng nơi đây thành trung tâm kinh tế năng động, phát triển ngành nghề mới với trọng tâm là dịch vụ phức hợp cao cấp, công nghệ giải trí hiện đại có casino.

Khu kinh tế Vân Phong thành lập năm 2006, rộng khoảng 150.000 ha (70.000 ha mặt đất và 80.000 ha mặt nước), với lợi thế cảng nước sâu, có thể nhận tàu 200.000 DWT ra vào. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỡ giữ vai trò chủ đạo.

VKS kháng nghị việc Phan Sào Nam được tha tù trước hạn

VKSND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị giám đốc thẩm các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với Phan Sào Nam, trùm đường dây cờ bạc trực tuyến nghìn tỷ.

Phan Sào Nam tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Thọ

Phan Sào Nam tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Thọ

VKSND Cấp cao tại Hà Nội vừa ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TAND cùng cấp hủy các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với phạm nhân Phan Sào Nam - “trùm” đường dây cờ bạc trực tuyến nghìn tỷ.

Vào tháng 12/2018, Phan Sào Nam bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt 5 năm tù về hai tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền. Tháng 3/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, giữ nguyên bản án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với Nam.

Theo cơ quan tố tụng, ông Nam cùng các đồng phạm tổ chức đường dây đánh bạc dưới hình thức game bài Rikvip/Tip.Club, thu lời bất chính hơn 1.400 tỷ đồng.

Sau khi bản án có hiệu lực, Nam thi hành án tại Trại giam Quảng Ninh. Tháng 4/2020, TAND tỉnh Quảng Ninh chấp nhận đề nghị của Trại giam Quảng Ninh, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 19 tháng cho ông Nam.

Đến tháng 2/2021, TAND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chấp nhận đề nghị của Trại giam Quảng Ninh, giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại (3 tháng 7 ngày) cho ông Nam. Ngày 6/2/2021, ông Nam ra trại sớm hơn 22 tháng so với thời hạn.

VKSND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng hai quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh là "không đủ điều kiện và không có căn cứ".

Tháng 4/2021, phát hiện những dấu hiệu vi phạm trong quá trình thi hành án, Vụ 8, VKSND Tối cao có công văn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với hai quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nêu trên của TAND tỉnh Quảng Ninh.

Gần 1.000 tỷ đồng đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông

Dự án kênh chuyển nước từ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) cho vùng biên giới với điểm nhấn là cầu máng vượt sông Vàm Cỏ Đông dài 2,3 km sắp hoàn thành.

Cầu máng bằng ống thép đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông

Cầu máng bằng ống thép đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh cho biết, Dự án đưa nước từ hồ Dầu Tiếng về hai huyện Châu Thành và Bến Cầu sẽ hợp long đoạn cầu máng ống thép qua sông Vàm Cỏ Đông trong tháng 6 tới.

Theo ông Xuân, Dự án khởi công năm 2018, các gói thầu đang được triển khai đúng tiến độ, đã đạt 75% khối lượng. Công trình dự kiến vận hành cuối năm nay.

Dự án gồm kênh chuyển nước dài gần 17 km, kênh tưới chính trên 29 km, kênh cấp một hơn 71 km. Trên các kênh còn có các công trình như cầu máng, cống qua đường, cống qua kênh, cống điều tiết, cống lấy nước, tràn cuối kênh...

Tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 650 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Công trình này sẽ đưa nước về tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp và cấp nước cho sản xuất công nghiệp, chăn nuôi, sinh hoạt của người dân vùng biên giới.

Long An muốn phát triển khu siêu kinh tế 32.000 ha

Dự án Khu kinh tế Long An có quy mô 32.000 ha sẽ là một trong những khu kinh tế lớn nhất khu vực Nam Bộ.

Sơ đồ Khu Kinh tế Long An 32.000 ha tại Cần Giuộc và Cần Đước

Sơ đồ Khu Kinh tế Long An 32.000 ha tại Cần Giuộc và Cần Đước

Ban Quản lý Khu kinh tế Long An vừa đề xuất quy hoạch Dự án Khu kinh tế Long An. Dự án nằm trong quy hoạch phát triển địa phương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ trình các bộ ngành, Chính phủ xem xét.

Khu kinh tế này gồm toàn bộ huyện Cần Giuộc và một phần huyện Cần Đước, dự kiến xây dựng trên nền tảng một số khu công nghiệp, công nghệ cao có sẵn như Long Hậu, Đông Nam Á, Tân Kim, Tân Tập, khu công nghiệp Nam Tân Tập, khu công nghiệp Cầu cảng Phước Đông...

Dự án gồm 7 khu chức năng, gồm khu đô thị vệ tinh 1 (Cần Giuộc); khu đô thị vệ tinh 2 (Cần Đước); khu đô thị giáo dục, y tế, thể dục thể thao; khu đô thị phụ trợ; khu công nghiệp - cảng biển quốc tế; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu đô thị sinh thái.

Trong đó, quy hoạch sử dụng đất, đất đô thị chiếm gần 15.000 ha (hơn 44%); đất nông nghiệp, cảng biển hơn 5.800 ha (18%); đất nông nghiệp công nghệ cao hơn 7.800 ha (24%), còn lại là đất đầu mối giao thông, đất giao thông, đất mặt nước.

Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết, Tỉnh sẽ mạnh dạn định hướng hình thành khu kinh tế công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị thông minh theo mô hình, kiểu mẫu của Hàn Quốc, là nơi thu hút, ươm tạo các dự án công nghệ cao. Hiện Tỉnh đã ký kết 10 bản ghi nhớ để hợp tác về việc chuyển đổi số, phát triển đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ cho các hãng bay vay ưu đãi

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ cho các hãng hàng không vay vốn ưu đãi tương tự gói 4.000 tỷ đồng Vietnam Airlines được vay.

Bộ GTVT cho rằng các hãng hàng không khác tại Việt Nam cũng cần gói vay ưu đãi như gói dành cho Vietnam Airlines để vượt dịch Covid-19

Bộ GTVT cho rằng các hãng hàng không khác tại Việt Nam cũng cần gói vay ưu đãi như gói dành cho Vietnam Airlines để vượt dịch Covid-19

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét một số chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, trong đó có vận tải hàng không đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bộ này kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp hàng không Việt Nam tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa cũng như áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021.

Bộ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét kiến nghị khác của ngành hàng không về hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán… Đây là những hỗ trợ tương tự gói vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng mà Vietnam Airlines đã được phê duyệt.

Trước đó Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải hàng không cũng nhiều lần đại diện cho các hãng bay tư nhân kêu gọi một gói cứu trợ bình đẳng, tương tự như gói Vietnam Airlines được vay ưu đãi.

Công ty Nhiên liệu Phúc Lâm dính đường dây xăng giả bị dừng kinh doanh

Công ty CP Nhiên liệu Phúc Lâm bị đình chỉ hoạt động do Tổng giám đốc bị bắt, liên quan đường dây xăng giả.

Cây xăng Phúc Lâm 79 tại huyện Bù Đăng, Bình Phước

Cây xăng Phúc Lâm 79 tại huyện Bù Đăng, Bình Phước

Đây là một trong 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu hiện nay, có 11 cửa hàng bán lẻ, chủ yếu tại các tỉnh phía Nam.

Động thái đình chỉ kinh doanh được Bộ Công Thương đưa ra sau khi Tổng giám đốc Trần Huy Lập bị bắt ngày 7/4. Trần Huy Lập là một trong số mắt xích trong đường dây buôn lậu, làm giả 200 triệu lít xăng dầu do Phan Thanh Hữu (TP.HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (quê Vĩnh Long) cầm đầu.

Mới thành lập 3 năm nhưng Công ty Phúc Lâm ghi nhận kết quả kinh doanh "khủng". Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp này thành lập cuối năm 2013 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Giao nhận và vận tải Tân Thành. Công ty đăng ký ngành nghề hoạt động chính là vận tải, còn bán buôn nhiên liệu là phụ. Vốn điều lệ ban đầu chỉ 1,8 tỷ đồng.

Năm 2016, Công ty thu gần 590 tỷ đồng doanh thu và lỗ 31 triệu đồng. Doanh thu năm 2017 tăng gấp đôi nhưng vẫn lỗ khoảng nửa tỷ đồng. Số liệu gần nhất là năm 2019, Công ty đăng ký thuế chỉ 3 nhân sự nhưng ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 2.260 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối năm đạt 55 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 320 tỷ đồng.

Trong phần tự giới thiệu trên website, Phúc Lâm khẳng định là nhà phân phối sỉ và lẻ xăng dầu có uy tín. Bên cạnh hợp tác với Petrolimex, Mipec để cung cấp xăng dầu cho khách hàng khu công nghiệp, bãi xe, doanh nghiệp..., Công ty đang phát triển thêm mảng nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo nguồn hàng ổn định.

Bị mạng xã hội tấn công, Kim Oanh Group đề nghị Bộ Công an vào cuộc

Theo bà Đặng Thị Kim Oanh, trong hơn 1 tháng qua các tài khoản Youtube mạo danh bà Kim Oanh đã đăng tải hàng loạt video vu khống.

Tài khoản này được "tội phạm mạng" sử dụng chính tên Công ty của bà Đặng Thị Kim Oanh để "làm nhục" chủ Kim Oanh Group trên mạng xã hội

Tài khoản này được "tội phạm mạng" sử dụng chính tên Công ty của bà Đặng Thị Kim Oanh để "làm nhục" chủ Kim Oanh Group trên mạng xã hội

Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh vừa gửi “Đơn cầu cứu, tố giác tội phạm” đến Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an; Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị điều tra, xử lý và ngăn chặn hành vi xâm hại đến danh dự, nhân phẩm cá nhân; xâm hại quyền và lợi ích chính đáng, uy tín của các công ty thuộc Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh trên mạng internet và cá nhân bà.

Theo bà Đặng Thị Kim Oanh, trong hơn 1 tháng qua trên hai tài khoản Youtube có tên “BĐS Kim Oanh” và “Địa ốc Kim Oanh” cùng được khởi tạo ngày 23/3/2021 và tài khoản Youtube “Tin tức Tài chính và Pháp luật” được khởi tạo từ tháng 8/2020 đăng tải nội dung giống nhau. Nhiều nội dung đăng tải có hành vi vu khống, bôi xấu và xuyên tạc sự thật nhằm vào cá nhân bà Oanh và các công ty thành viên thuộc Tập đoàn.

Mặc dù cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đều đã có kết luận rõ ràng, nhưng các clip này vẫn cố tình bóp méo sự thật, nhục mạ uy tín Tập đoàn Kim Oanh và cá nhân bà Oanh…

Chuyên đề