Bản tin thời sự sáng 20/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá test nhanh tối đa 78.000 đồng theo quy định mới của Bộ Y tế; ngành giao thông khẳng định không được giao phê duyệt chuyến bay “giải cứu”; dự án 4.800 tỷ giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất vướng đất quốc phòng; lập trang web lừa đầu tư tài chính trực tuyến; hơn 1.600 tỷ đồng nối lại dịch vụ tư vấn cho Metro số 1…

Giá test nhanh tối đa 78.000 đồng

Giá test nhanh giảm 30% so với trước đây, từ 109.700 đồng xuống còn 78.000 đồng; giá xét nghiệm RT-PCR cũng giảm, theo quy định mới của Bộ Y tế, có hiệu lực từ ngày 21/2.

Bộ Y tế điều chỉnh giá xét nghiệm Covid-19 lần thứ ba trong hai năm qua

Bộ Y tế điều chỉnh giá xét nghiệm Covid-19 lần thứ ba trong hai năm qua

Giá xét nghiệm mới được Bộ Y tế quy định trong Thông tư hướng dẫn giá xét nghiệm SARS-CoV-2 vừa ban hành.

Trong đó, giá dịch vụ xét nghiệm được tạo thành từ ba loại chi phí, gồm: trực tiếp lấy mẫu và bảo quản, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm, tiền lương, sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 tính theo thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Cụ thể, với test nhanh, mức thanh toán không quá 78.000 đồng một xét nghiệm. Trong khi đó, mức thanh toán hiện hành là 109.700 đồng một xét nghiệm, tức là giá mới giảm khoảng 30%.

Với xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR, giá thanh toán tối đa không quá 501.800 đồng một xét nghiệm mẫu đơn, giảm 16.600 đồng so với giá hiện hành.

Nếu xét nghiệm mẫu gộp, mức thanh toán tối đa không vượt quá giá xét nghiệm gộp mẫu. Ví dụ gộp mẫu 5 thì thanh toán tối đa không quá 136.600 đồng, gộp mẫu hai là 223.300 đồng. Như vậy, xét nghiệm mẫu gộp 5 giảm 28.000 đồng, mẫu gộp hai giảm 36.800 đồng so với hiện hành.

Đây là lần thứ ba trong hai năm qua Bộ Y tế điều chỉnh giá xét nghiệm Covid-19. Hiện Bộ Y tế chưa giải thích lý do lần điều chỉnh này.

Ngành giao thông khẳng định không được giao phê duyệt chuyến bay “giải cứu”

Bộ Giao thông vận tải khẳng định không được giao trách nhiệm phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu, "combo".

Công dân trên chuyến bay về nước

Công dân trên chuyến bay về nước

Thông tin trên được Bộ Giao thông vận tải phát ra tối 19/2 để phản hồi công văn của Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị cung cấp thông tin làm rõ vụ án Nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao.

Theo đó, thực hiện chủ trương nhân đạo của Đảng, Nhà nước về tổ chức chuyến bay đưa người Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn về nước khi Covid-19 bùng phát, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng để bảo hộ công dân.

Bộ Giao thông vận tải với vai trò là cơ quan phối hợp chịu trách nhiệm chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam cấp phép bay theo kế hoạch được Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao phê duyệt. Đây là quy trình bắt buộc theo pháp luật về hàng không và thông lệ quốc tế với tất cả các chuyến bay. Hơn nữa, Cục Hàng không chịu trách nhiệm thông báo, hướng dẫn các hãng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu và các quy định về phòng chống dịch.

Bộ Giao thông vận tải khẳng định không được giao trách nhiệm trong việc tổng hợp nhu cầu, phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay giải cứu, chuyến bay "combo". Ngành giao thông trên tinh thần phối hợp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức chuyến bay sớm nhất, đáp ứng nguyện vọng được về nước của người dân.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã tổ chức gần 800 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước. Khi các chuyến bay được mở, nhiều người dân phải mua vé rất đắt và thủ tục rườm rà.

Dự án 4.800 tỷ giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất vướng đất quốc phòng

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà (quận Tân Bình, TP.HCM) hơn 4.800 tỷ đồng nhằm giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất có nguy cơ trễ hẹn khởi công do vướng đất quốc phòng.

Kẹt xe trên đường Trần Quốc Hoàn đầu năm 2022 - khu vực đầu Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà

Kẹt xe trên đường Trần Quốc Hoàn đầu năm 2022 - khu vực đầu Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, dự kiến Dự án được khởi công vào đầu quý II năm nay.

Theo đó, Chủ đầu tư sẽ tiến hành khởi công trước 1 gói thầu hầm chui nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn.

Ông Phúc cho biết, các đơn vị đang phối hợp đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, lập kế hoạch chọn nhà thầu cùng các thủ tục liên quan đất quốc phòng để kịp tiến độ khởi công.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã thống nhất phương án một phần Dự án đi qua đất do Bộ quản lý. UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo quận Tân Bình cùng các sở, ngành đẩy nhanh để sớm bàn giao đất cho Dự án.

Tuy nhiên, ông Phúc cho biết, hiện TP.HCM vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện trước việc bàn giao khoảng 11,8 ha đất quốc phòng với hình thức Bộ Quốc phòng chuyển giao cho địa phương quản lý để nhanh chóng triển khai thực hiện Dự án.

Theo ông Phúc, dự án này rất cấp bách, cần sớm khởi công để kịp hoàn thành, kết nối vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến khai thác từ năm 2023.

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa dài 4 km có tổng vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng chiếm gần 1.500 tỷ đồng và hơn 2.400 tỷ để triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, còn lại là kinh phí quản lý dự án, tư vấn, dự phòng...

Lập trang web lừa đầu tư tài chính trực tuyến

Mạc Văn Lai cùng đồng phạm lập hàng chục trang web lôi kéo người dân đầu tư trực tuyến để chiếm đoạt tài sản.

Một số trang web lừa đảo được cơ quan điều tra khôi phục dữ liệu

Một số trang web lừa đảo được cơ quan điều tra khôi phục dữ liệu

Ngày 19/2, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Mạc Văn Lai, Trần Thị Minh, Trần Văn Quân cùng trú TP. Móng Cái (Quảng Ninh), và Lê Ngọc Hoàng Anh (Nghệ An) để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra xác định, Lai là chủ mưu lên kịch bản thuê Hoàng Anh lập trình và giữ vai trò là một admin duy trì hoạt động của các trang web. Sau khi các trang web đi vào hoạt động, Lai đóng vai trò là admin thứ hai để quản trị và là người quản lý các tài khoản nhận tiền chiếm đoạt được.

Trong trường hợp trang web bị người tham gia phát hiện bản chất lừa đảo, Lai chỉ đạo Hoàng Anh nhanh chóng đánh sập để xóa dấu vết, rồi tiếp tục lập trang khác với các dự án đầu tư tài chính mới để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo.

Cảnh sát xác định, đường dây này hoạt động từ tháng 11/2021. Nhóm này đã tạo lập 45 trang web với nội dung đầu tư tài chính để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người tham gia đầu tư. Trong số đó, 38 trang đã bị nhóm này xóa khỏi hệ thống, chỉ còn dữ liệu tên miền. Cơ quan công an đã thu thập và khôi phục được dữ liệu hoàn chỉnh của 16 trang web bao gồm: vuonlanrongnghe.net (đầu tư lan); p88888 (đầu tư nuôi cá Koi); dautunuoichim.net (đầu tư nuôi chim); trainuoibo2021.net (đầu tư nuôi bò)...

Số lượng người bị hại của 16 trang này là 1.608 người với số tiền 3,6 tỷ đồng.

Hơn 1.600 tỷ đồng nối lại dịch vụ tư vấn cho Metro số 1

Dự toán chi phí phát sinh tư vấn chung tuyến Metro số 1 khoảng 1.669 tỷ đồng, đang được sở, ngành TP.HCM thẩm định để sớm ký hợp đồng nối lại dịch vụ.

Đoàn tàu Metro số 1 nhập về TP.HCM cuối năm 2021 chờ triển khai chạy thử

Đoàn tàu Metro số 1 nhập về TP.HCM cuối năm 2021 chờ triển khai chạy thử

Các vấn đề liên quan thẩm định dự toán phụ lục hợp đồng số 19 - hợp đồng tư vấn chung tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vừa được Sở Giao thông vận tải báo cáo UBND TP.HCM, nhằm đảm bảo chặt chẽ trong quản lý chi phí của Dự án. Phụ lục hợp đồng số 19 gồm nhiều nội dung quan trọng như tư vấn; đào tạo lái tàu, nhân viên điều độ, trưởng ga; lắp hệ thống công nghệ thông tin Gói thầu CP4...

Cuối năm ngoái, trong tờ trình UBND Thành phố, Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) cho biết, chi phí phát sinh Phụ lục hợp đồng số 19 được Liên danh NJPT - nhà thầu tư vấn chung của Dự án Metro số 1 lập dự toán khoảng 1.669 tỷ đồng.

Năm 2007, MAUR ký hợp đồng với Liên danh NJPT thực hiện tư vấn cho Dự án Metro số 1, trị giá hơn 9 tỷ yên Nhật. Thời gian thực hiện hợp đồng là 132 tháng, chia làm 5 giai đoạn: thiết kế cơ sở, lập hồ sơ thầu; đấu thầu; giai đoạn sau hợp đồng; giai đoạn bảo trì; giai đoạn tư vấn bảo trì. Hợp đồng được ký dựa trên tiến độ dự kiến ban đầu của công trình với thời gian hoàn thành năm 2015.

Dự án sau đó gặp nhiều vướng mắc, phải điều chỉnh thời gian hoàn thành, dẫn đến hợp đồng tư vấn chung phát sinh nhiều công việc, phải bổ sung các phụ lục hợp đồng. Từ năm 2009 đến 2017, MAUR ký kết với Liên danh NJPT 18 phụ lục, riêng hợp đồng số 19 từ tháng 4/2017 đến nay chưa xong.

Để duy trì công việc của tư vấn khi chờ ký phụ lục hợp đồng số 19, năm 2018, UBND Thành phố chấp thuận bổ sung chi phí tăng thời gian, nhiệm vụ, giao MAUR ký biên bản ghi nhớ với NJPT gia hạn công việc đến tháng 10/2020. Thành phố cũng chấp thuận dùng giá trị còn lại của hợp đồng trước đó thanh toán tạm cho NJPT…

Gỡ bỏ đèn lồng trên thuyền chở khách ở Hội An

Các tàu, thuyền chở khách trên sông Hoài phải gỡ bỏ bớt đèn lồng, chong chóng nhiều màu sắc để không ảnh hưởng khu phố cổ.

Thuyền, ghe chở khách tham quan sông Hoài sẽ phải tháo bỏ đèn lồng, chong chóng, chỉ được giữ lại 2 đèn lồng

Thuyền, ghe chở khách tham quan sông Hoài sẽ phải tháo bỏ đèn lồng, chong chóng, chỉ được giữ lại 2 đèn lồng

Ngày 19/2, nhiều tàu, thuyền du lịch trên sông Hoài (Hội An) đã phải tháo bỏ đèn lồng, chong chóng nhiều màu sắc theo yêu cầu của UBND thành phố Hội An. Mỗi thuyền chỉ được giữ lại 2 đèn lồng, treo trước và sau, chiều cao không quá đầu người ngồi.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Võ Phùng cho biết, việc tháo bỏ đèn lồng và chong chóng này là cần thiết vì quá nhiều màu sắc ảnh hưởng đến cảnh quan phố cổ với màu tường vàng đặc trưng và mái ngói rêu phong, xen lẫn đèn lồng tạo điểm nhấn.

Việc trang trí thuyền chở khách bằng đèn lồng nhiều màu sắc và chủng loại, kết hợp cùng chong chóng xanh, đỏ manh nha trên sông Hoài từ năm 2018. Ông Võ Phùng, khi đó đang là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hội An, kịch liệt phản đối và UBND TP. Hội An đã ra văn bản quy định "mỗi thuyền không quá một chiếc đèn lồng".

Tình trạng nêu trên có giảm một thời gian, nhưng đến năm 2021, khi phố cổ bắt đầu có khách du lịch trở lại, các thuyền lại nở rộ việc gắn đèn lồng. Mỗi buổi chiều khi đông khách lên thuyền, một khúc sông Hoài bát nháo với đủ màu sắc.

Ông Nguyễn Minh Lý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết, ghe, thuyền chở khách trên sông Hoài đã góp phần vào phát triển du lịch thời gian qua, nhưng việc trang trí "không đúng, chưa phù hợp với thẩm mỹ và cảnh quan hai bên sông của phố cổ".

Khánh thành dự án nâng cấp Quốc lộ 30 hơn 800 tỷ đồng

40 km nằm trong giai đoạn hai Dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự (Đồng Tháp) được khánh thành sáng 19/2.

Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự được láng nhựa mặt đường 9 - 11 m

Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự được láng nhựa mặt đường 9 - 11 m

Điểm đầu Dự án tại cầu Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh) và điểm cuối tại tuyến tránh Hồng Ngự. Công trình được thực hiện từ năm 2019, nâng cấp, mở rộng lên 9 - 11 m, thay thế đường xuống cấp, nhỏ hẹp 6 - 8 m. Hơn 4.300 hộ dân bị ảnh hưởng khi Dự án triển khai.

Quốc lộ 30 dài gần 120 km, điểm đầu kết nối Quốc lộ 1, điểm cuối tại Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, là một trong những tuyến quan trọng nhất của Đồng Tháp. Năm 2008, Dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 30 (đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự) được phê duyệt, tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn.

Đến nay, ngoài giai đoạn hai khánh thành sáng 19/2, giai đoạn một làm tuyến tránh TP. Hồng Ngự (kinh phí 544 tỷ đồng) đã hoàn thành năm 2018. Giai đoạn ba xây dựng tuyến tránh TP. Cao Lãnh, tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng, thực hiện từ 2022 - 2024.

Chuyên đề