Bản tin thời sự sáng 20/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án giao “đất vàng” cho tư nhân không đấu giá; Hà Nội xem xét xén dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển để hạn chế ùn tắc giao thông; kiến nghị chuyển Công an điều tra làm rõ sai phạm liên quan Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ; nhiều sai phạm tại hai dự án điện mặt trời ở Bà Rịa - Vũng Tàu…

Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án giao “đất vàng” cho tư nhân không đấu giá

Cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm trong việc gần 23.000 m2 “đất vàng" lọt vào tay tư nhân không qua đấu giá, để thực hiện Dự án Khu dân cư Bình Đa, TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).

Khu dân cư Bình Đa nằm ở mặt tiền đường Vũ Hồng Phô được xem là "đất vàng" của TP. Biên Hòa

Khu dân cư Bình Đa nằm ở mặt tiền đường Vũ Hồng Phô được xem là "đất vàng" của TP. Biên Hòa

Ngày 19/11, Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 1999. Cơ quan điều tra sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân liên quan để khởi tố bị can.

Động thái trên được nhà chức trách đưa ra sau hơn nửa năm tiếp nhận hồ sơ từ Thanh tra tỉnh Đồng Nai, cho rằng có sai phạm trong việc UBND Tỉnh giao 22.977 m2 (gần 2,3 ha) đất trên đường Vũ Hồng Phô, TP. Biên Hoà cho doanh nghiệp.

Theo kết luận thanh tra, lẽ ra UBND tỉnh Đồng Nai phải giao khu đất này cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của Tỉnh quản lý, đưa ra đấu giá, nhưng lại cho Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) thuê. Doanh nghiệp này sau đó đã dùng khu đất góp vốn (20%) với hai cá nhân, thành lập Công ty CP Phát triển nhà Bình Đa (Bidaco) để thực hiện Dự án.

Theo cơ quan Thanh tra, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án khu dân cư Bình Đa, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định chủ trương đầu tư không đúng quy định; UBND TP. Biên Hòa vi phạm trong thỏa thuận địa điểm; còn Dofico đã có nhiều sai phạm trong thuê đất, gia hạn thuê đất, góp vốn thành lập Bidaco.

Kết luận thanh tra nêu, điều này dẫn đến UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định thu hồi 22.977 m2 đất do Dofico quản lý giao cho Bidaco thực hiện Dự án Khu dân cư Bình Đa không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai 2013 và có dấu hiệu tội phạm Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Từ đó, Thanh tra đề nghị UBND Tỉnh chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra làm rõ sai phạm.

Hà Nội xem xét xén dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển để hạn chế ùn tắc giao thông

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đề xuất xén dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển rộng từ 5 - 6 m và chỉ cho phép ô tô con, xe máy lưu thông để hạn chế ùn tắc giao thông.

Lô cốt thi công chiếm 2/3 mặt đường Nguyễn Xiển

Lô cốt thi công chiếm 2/3 mặt đường Nguyễn Xiển

Sở GTVT Hà Nội có văn bản kiến nghị UBND TP. Hà Nội điều chỉnh phương án phân luồng đảm bảo an toàn giao thông phục vụ thi công Gói thầu số 2 thuộc Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân).

Theo đó, để triển khai thi công, nhà thầu đã rào chắn 2/3 đường Nguyễn Xiển. Do tuyến đường này có mật độ phương tiện đông nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều.

Nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo UBND Thành phố xem xét phương án thi công mới.

Cụ thể, đơn vị thi công tiến hành xén dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển rộng 5 - 6 m cách lòng đường hiện trạng 0,5 m theo chiều đi từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến ngã tư đường Nguyễn Xiển - tuyến đường số 1 bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An làm đường tạm phục vụ công tác phân luồng giao thông.

Làn đường tạm rộng 5 - 6 m chỉ cho phép ô tô con, xe máy lưu thông, đầu nối vào có lắp đặt gông hạn chế chiều cao, hạn chế xe tải lưu thông để đảm bảo an toàn cho kết cấu của đường Vành đai 3 trên cao.

Tổ chức phương án phân luồng từ xa cấm các loại phương tiện xe khách, xe hợp đồng từ 29 chỗ trở lên, xe tải lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Xiển (từ vị trí lối lên đường Vành đai 3 trên cao) hướng Khuất Duy Tiến đi Linh Đàm vào giờ cao điểm và sẽ điều chỉnh cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế.

Kiến nghị chuyển Công an điều tra làm rõ sai phạm liên quan Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ

Thanh tra TP. Cần Thơ kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý mua sắm tài sản công dẫn đến việc cung cấp và giám sát lắp đặt thiết bị không đúng nguồn gốc, liên quan đến Sở Giáo dục và Đào tạo (GĐ&ĐT).

Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Cần Thơ

Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Cần Thơ

Thanh tra TP. Cần Thơ vừa thông báo kết luận thanh tra một số gói thầu mua sắm, sổ sách quản lý, thiết bị dạy và học từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục cấp thành phố tại Sở GD&ĐT và UBND quận, huyện, giai đoạn từ năm 2016 - 2021.

Theo đó, Thanh tra chỉ ra những hạn chế, thiếu sót về lập danh mục thiết bị cho các gói thầu mua sắm. Đối với các gói thầu năm 2017, tổ giúp việc tham mưu Giám đốc Sở ban hành quyết định phê duyệt dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho từng gói thầu là chưa đúng quy định.

Với các gói thầu năm 2018 - 2020, tổ giúp việc tham mưu Giám đốc Sở lập dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thực hiện lựa chọn nhà thầu mua sắm thiết bị theo hình thức tập trung cho các trường thuộc sự quản lý của quận, huyện là chưa đúng quy định.

Theo Thanh tra Thành phố, việc lập chứng thư thẩm định giá xảy ra nhiều thiếu sót, hạn chế. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng có nhiều sai sót, chưa đúng quy định.

Liên quan nghiệm thu, thanh toán, Sở GD&ĐT đã thiếu kiểm tra, giám sát việc bàn giao, nghiệm thu công tác cung cấp, lắp đặt thiết bị cho các trường. Hậu quả là một số gói thầu có thiết bị được nghiệm thu không đúng nguồn gốc xuất xứ.

Thanh tra Thành phố kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ kiến nghị cấp có thẩm quyền căn cứ vào quy định của Đảng để xử lý trách nhiệm nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan để xảy ra những hạn chế, thiếu sót.

Đặc biệt, Thanh tra TP. Cần Thơ kiến nghị Chủ tịch UBND Thành phố chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm trong việc quản lý mua sắm tài sản công dẫn đến việc cung cấp, lắp đặt thiết bị và giám sát lắp đặt thiết bị Gói thầu số 6 năm 2016 không đúng nguồn gốc, xuất xứ...

Thêm cổ phiếu 'họ FLC' bị đình chỉ giao dịch

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố quyết định đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu ART của Công ty CP Chứng khoán BOS.

Từ ngày 21/11, gần 97 triệu cổ phiếu ART sẽ bị đình chỉ giao dịch

Từ ngày 21/11, gần 97 triệu cổ phiếu ART sẽ bị đình chỉ giao dịch

Theo đó, gần 97 triệu cổ phiếu ART sẽ bị đình chỉ giao dịch từ ngày 21/11 do Chứng khoán BOS tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi chứng khoán bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Cụ thể, Chứng khoán BOS tiếp tục chậm nộp báo cáo tài chính quý III/2022.

Cho đến nay, Chứng khoán BOS chưa công bố kết quả kinh doanh các quý năm 2022, báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2022; Báo cáo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022...

Trước đó, cuối tháng 10, Chứng khoán BOS đã có văn bản gửi HNX xin hoãn công bố báo cáo tài chính quý III/2022 do Công ty đang hoàn thiện thủ tục xin cấp phép thay đổi người đại diện theo pháp luật để nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tính tới cuối tháng 6/2022, Chứng khoán BOS ghi nhận có hơn 14.500 cổ đông.

ART là cổ phiếu thứ 4 thuộc "họ FLC" bị đình chỉ giao dịch. Trước đó, Xây dựng Faros (ROS), Tập đoàn FLC (FLC) và Nông dược H.A.I (HAI) đã bị đình chỉ giao dịch trong năm 2022.

Trong “họ FLC”, AMD đã bị đưa vào diện kiểm soát, còn cổ phiếu KLF và GAB bị hạn chế giao dịch. Cổ phiếu GAB có giá cao kỷ lục gần 200 nghìn đồng/cổ phiếu nhưng không có giao dịch từ tháng 3.

Kỷ luật Đảng 14 cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông Hòa Bình

Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an tỉnh Hòa Bình vừa quyết định thi hành kỷ luật 14 cán bộ, đảng viên thuộc Chi bộ VII, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh.

Trụ sở Công an tỉnh Hòa Bình

Trụ sở Công an tỉnh Hòa Bình

Thông tin từ Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy Công an Tỉnh vừa họp xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một tổ chức đảng; xem xét thi hành kỷ luật đối với các đảng viên vi phạm theo quy định.

Kiểm tra Chi bộ VII thuộc Đảng ủy cơ sở Phòng CSGT, UBKT Đảng ủy Công an tỉnh Hòa Bình nhận thấy, nhiệm kỳ 2020 - 2022, Chi bộ VII đã vi phạm quy chế làm việc; nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để nhiều đảng viên trong Chi bộ vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao phải xử lý kỷ luật.

UBKT Đảng ủy Công an tỉnh Hòa Bình kết luận: Vi phạm của Chi bộ VII đã gây hậu quả nghiêm trọng, quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Chi bộ VII; khiển trách đối với 2 đảng viên nguyên Bí thư Chi bộ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Căn cứ các sai phạm của đảng viên theo thông báo kết luận của Thanh tra Bộ Công an, đề nghị xử lý sai phạm của cán bộ Phòng CSGT Công an Tỉnh, UBKT Đảng ủy Công an tỉnh Hòa Bình đã tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật đối với các đảng viên liên quan.

UBKT Đảng ủy Công an tỉnh Hòa Bình quyết định thi hành kỷ luật khiển trách 5 đảng viên; cảnh cáo 7 đảng viên thuộc Chi bộ VII. Các quyết định kỷ luật được thông báo tới Phòng CSGT yêu cầu xử lý về hành chính đảm bảo theo quy định.

Công an tỉnh Hòa Bình nêu rõ, việc thi hành kỷ luật của Đảng đối với tổ chức đảng, đảng viên được UBKT Đảng ủy Công an Tỉnh tiến hành đảm bảo nguyên tắc, quy trình, nội dung, thẩm quyền theo quy định, đảm bảo giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Nhiều sai phạm tại hai dự án điện mặt trời ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Đoàn kiểm tra theo quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về kiểm tra việc phát triển điện mặt trời vừa có báo cáo kết quả kiểm tra tình hình phát triển điện mặt trời trên địa bàn huyện Châu Đức. Đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm tại Nhà máy Điện mặt trời hồ Tầm Bó và Nhà máy Điện mặt trời hồ Gia Hoét.

Công trình điện mặt trời nổi trên hồ Tầm Bó của Công ty TNHH Phát triển năng lượng CY

Công trình điện mặt trời nổi trên hồ Tầm Bó của Công ty TNHH Phát triển năng lượng CY

Đoàn kiểm tra đã chỉ ra nhiều sai phạm về đất đai; điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng; giấy phép hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi… tại Dự án Nhà máy Điện mặt trời hồ Tầm Bó của Công ty TNHH Phát triển năng lượng CY và Dự án Nhà máy Điện mặt trời hồ Gia Hoét của Công ty TNHH Đầu tư năng lượng tự nhiên DTD, đều nằm ở địa bàn xã Quảng Thành, huyện Châu Đức.

Tháng 12/2020, hai nhà máy điện này được đưa vào hoạt động với tổng công suất khoảng 70 MWp. Đây là hai dự án điện mặt trời nổi được xây dựng trên hồ với diện tích sử dụng rất lớn.

Theo báo cáo của đoàn kiểm tra, tại thời điểm kiểm tra, cả hai dự án đều chưa hoàn thành thủ tục thuê đất theo quy định của Luật Đất đai, các hạng mục nhà điều hành, trạm biến áp, đường dây đấu nối… lấn chiếm đất để xây dựng.

Ngoài xây dựng công trình lấn chiếm đất, hai nhà máy trên còn vi phạm về việc chưa đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của Luật Xây dựng nhưng vẫn đưa vào vận hành thương mại.

Tiếp đó, hai công trình nhà máy này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và chưa tuân thủ quy định về đăng ký doanh nghiệp…

Gần 3.000 lao động ở TP.HCM bị cắt giảm

Từ đầu năm đến nay, có 27 doanh nghiệp tại TP.HCM cắt giảm 2.858 lao động vì cơ cấu lại công nghệ, bố trí lại trang thiết bị và ảnh hưởng về kinh tế.

Công ty TNHH Tỷ Hùng cắt giảm 1.185 lao động. Ảnh minh họa

Công ty TNHH Tỷ Hùng cắt giảm 1.185 lao động. Ảnh minh họa

Thông tin trên được Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Văn Thinh báo cáo UBND TP.HCM tại Phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch năm 2023.

Theo ông Thinh, so cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp giảm lao động là tương đồng. Nhưng so với năm 2019 - 2020 thì đang ở số rất thấp (con số này năm 2019 là 74 doanh nghiệp và 2020 là 86 doanh nghiệp). Sở LĐTBXH đã phối hợp các đơn vị liên quan để kết nối cung - cầu từ nơi cắt giảm đến nơi có nhu cầu tuyển dụng mới.

Cụ thể, ngày 10 - 11/11, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã phối hợp với Phòng Lao động huyện Củ Chi giới thiệu việc làm cho 770 người bị Công ty TNHH Việt Nam Samho cắt giảm đến 6 công ty khác.

Với Công ty TNHH Tỷ Hùng, nơi cắt giảm 1.185 lao động, Sở đang phối hợp với quận Bình Tân và Liên đoàn Lao động kết nối cung - cầu như đã làm với Samho.

Hiện TP.HCM có gần 249.000 doanh nghiệp với hơn 4,9 triệu lao động. Đến nay, có gần 2,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 345.000 người so với năm ngoái và tăng 100.000 người so 6 tháng đầu năm. Năm nay, Thành phố đã giải quyết việc làm cho khoảng 315.500 lượt người, đạt 105,1% kế hoạch năm. 10 tháng đầu năm nay, TP.HCM có 128.647 người nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm 2021 (cả năm có 122.700 người nhận trợ cấp thất nghiệp).

Chuyên đề