Bản tin thời sự sáng 20/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày; Đà Nẵng bắt đầu tiêm vắc xin cho học sinh lớp 8, 9 từ ngày 20/11; Cựu Cục phó quản lý thị trường Trần Hùng bị điều tra nhận hối lộ; Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô lắp ráp trong nước tháng 10 và 11; TP.HCM xin hỗ trợ 21.700 tỷ đồng làm 6 dự án trọng điểm…

TP.HCM kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày

Sở Y tế TP.HCM kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày với F0 không triệu chứng đã tiêm đủ vaccine và kết quả âm tính vào ngày thứ 7.

Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Phước Lộc, huyện Nhà Bè

Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Phước Lộc, huyện Nhà Bè

Đề xuất được Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng nêu trong công văn kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly tập trung gửi Bộ Y tế. Động thái này được ngành y tế Thành phố đưa ra nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung, tăng hiệu quả công tác chăm sóc, điều trị F0.

Theo ông Thượng, thời gian gần đây số ca mắc mới tại các quận huyện ở TP.HCM xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt ở Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức, Bình Tân, 12. Thành phố đang cách ly điều trị 66.722 F0, trong đó hơn 48.900 F0 cách ly tại nhà và 5.185 F0 tại các khu cách ly tập trung (chiếm khoảng 81%). Đây là các trường hợp F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

Để thích ứng tình hình Covid-19 trong giai đoạn mới, Thành phố tiếp tục các phương án cách ly F0 tại nhà trường hợp đủ điều kiện hoặc chuyển vào khu cách ly tập trung quận, huyện nếu không đủ điều kiện. Các trường hợp triệu chứng sẽ được chuyển vào bệnh viện điều trị Covid-19 (tầng 2 và 3).

Theo Sở Y tế, từ khi áp dụng hướng dẫn chẩn đoán điều trị do Bộ Y tế ban hành ngày 6/10, cùng với dùng thuốc Molnupiravir, nhiều trường hợp F0 mất hẳn các triệu chứng sau một tuần cách ly và kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên theo quy định, trường hợp này phải cách ly 14 ngày, cùng với số ca mắc mới gia tăng khiến các khu cách ly tập trung, bệnh viện nguy cơ quá tải.

Đà Nẵng bắt đầu tiêm vắc xin cho học sinh lớp 8, 9 từ ngày 20/11

Sở Y tế TP. Đà Nẵng cho biết sẽ tiến hành tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ đủ 12 tuổi đến dưới 15 tuổi.

Ngày 20/11, Đà Nẵng tiến hành tiêm vắc xin cho học sinh lớp 8,9

Ngày 20/11, Đà Nẵng tiến hành tiêm vắc xin cho học sinh lớp 8,9

Trong đó chủ yếu là học sinh theo học khối lớp 8, 9 với hơn 34.000 em và gần 400 em do các quận lập danh sách.

Thời gian bắt đầu tiêm từ ngày 20/11, dự kiến kéo dài trong 3 ngày. Các em được tiêm vắc xin Pfizer.

Thành phố bố trí 15 điểm tiêm chủng trên địa bàn với gần 100 đội tiêm. Các điểm tiêm có giáo viên của từng trường, lớp túc trực bên ngoài để hỗ trợ khi cần.

Trước đó, Đà Nẵng dự định tiêm chủng cho học sinh lớp 8,9 từ ngày 11/11, tuy nhiên do thiếu mã định danh nên chưa thể triển khai.

Hiện tại, nhóm đối tượng từ 15-18 tuổi trên địa bàn đã được tiêm chủng mũi 1 vắc xin phòng COVID. Ngày 22/11 tới đây, học sinh lớp 12 sẽ đi học trực tiếp trở lại, học sinh lớp 10 và lớp 11 đến trường vào 29/11. Chỉ những cơ sở giáo dục ở địa bàn có cấp độ dịch 1, 2 mới được tổ chức dạy học trực tiếp. Học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên cư trú ở địa bàn có cấp độ dịch 3, 4 chưa tham gia dạy học trực tiếp.

Cựu Cục phó quản lý thị trường Trần Hùng bị điều tra nhận hối lộ

Cựu Cục phó Cục Quản lý trị trường Trần Hùng, bị đổi tội danh từ Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ sang Nhận hối lộ, sau ba tháng bị bắt.

Cựu Cục phó Cục Quản lý trị trường Trần Hùng

Cựu Cục phó Cục Quản lý trị trường Trần Hùng

Ngày 19/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cho biết đã ra quyết định trên với ông Hùng.

Ông Hùng bị khởi tố, tạm giam ngày 17/8 với cáo buộc liên quan vụ án in 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả. Liên quan vụ án, cảnh sát đã khởi tố Nguyễn Duy Hải về tội Môi giới hối lộ.

Nhà chức trách xác định, từ tháng 7/2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện một số doanh nghiệp trên địa bàn có sai phạm trong hoạt động kinh doanh in ấn, phát hành sách giáo khoa trên địa bàn...

Thời điểm đó ông Trần Hùng trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Đội quản lý thị trường số 17 đã kiểm tra kho của Công ty Phú Hưng Phát do Cao Thị Minh Thuận làm giám đốc. Tại đây, lực lượng quản lý thị trường phát hiện, thu hơn 27.000 quyển sách thuộc 68 đầu sách giáo khoa giả.

Ông Hùng bị cáo buộc không chỉ đạo cấp dưới giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hành vi này khiến vụ sản xuất sách giả bị phát hiện nhưng không được điều tra, xử lý hình sự. Việc làm của ông Hùng cùng các bị can khác bị đánh giá đã để cho đường dây sách giả này tiếp tục hoạt động.

Vụ án được khởi tố vào sáng 18/6 khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 Bộ Công an) phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ đột kích Công ty In, văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH Phú Hưng Phát tại Hà Nội. 19 xưởng in, gia công và 15 kho hàng, 3 dây chuyền máy in offset 4 màu... phục vụ sản xuất sách giả bị phát hiện.

C03 đã tạm giữ hơn 3,2 triệu quyển sách giáo khoa giả, hơn 1,5 triệu tem giả của nhiều nhà xuất bản..., cùng 20 tỷ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp.

Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô lắp ráp trong nước tháng 10 và 11

Theo tính toán của cơ quan soạn thảo, sẽ có khoảng 4.400 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt trong tháng 10 và 11 được gia hạn theo dự thảo nghị định mới này.

Xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong tháng 10 và 11

Xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong tháng 10 và 11

Đại diện Tổng cục Thuế vừa có thông tin liên quan dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong đó, cơ quan này cho biết Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về việc ban hành nghị định liên quan.

Theo cơ quan soạn thảo, tình hình đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong năm nay, hiện tại, dịch bệnh đã lây nhanh chóng ra hầu hết tỉnh, thành phố trên cả nước số lượng ca nhiễm mới tăng nhanh và cao kỷ lục.

Trên cơ sở những kết quả đạt được khi thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 109/2020, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã nghiên cứu soạn thảo Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tương tự trong năm 2021, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật quản lý thuế 38/2019.

Theo dự thảo đã được trình Chính phủ, cơ quan quản lý thuế đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh trong tháng 10 và 11 năm nay đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp theo quy định.

Để được gia hạn, người nộp thuế phải gửi giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp cùng thời điểm nộp hồ sơ khai thuế. Nếu không nộp cùng nhau, giấy đề nghị gia hạn phải được nộp về cơ quan thuế trước ngày 15/12.

Theo phương án đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt này, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính ước tính sẽ có khoảng 4.400 tỷ đồng tiền thuế phát sinh trong giai đoạn tháng 10 và 11 được gia hạn.

TP.HCM xin hỗ trợ 21.700 tỷ đồng làm 6 dự án trọng điểm

TP.HCM kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị cho 3 bệnh viện cửa ngõ và 3 công trình phát triển cơ sở hạ tầng với tổng số vốn hơn 21.700 tỷ đồng.

3 dự án nâng cao năng lực y tế, mua sắm trang thiết bị chuyên môn của các bệnh viện đa khoa Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức với số vốn 4.500 tỷ đồng

3 dự án nâng cao năng lực y tế, mua sắm trang thiết bị chuyên môn của các bệnh viện đa khoa Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức với số vốn 4.500 tỷ đồng

Nội dung nêu trong Đề xuất danh mục dự án trọng điểm cần hỗ trợ vốn ngân sách trung ương từ nguồn vốn bố trí cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được UBND TP.HCM gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, Thành phố đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, kiến nghị Thủ tướng chấp thuận hỗ trợ Thành phố tổng số vốn từ ngân sách trung ương hơn 21.700 tỷ đồng để thực hiện 6 dự án trọng điểm trong 5 năm tới. Trong đó, có 3 dự án nâng cao năng lực y tế, mua sắm trang thiết bị chuyên môn của các bệnh viện đa khoa Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức với số vốn 4.500 tỷ đồng (mỗi bệnh viện 1.500 tỷ đồng).

Ba bệnh viện trên đang được Thành phố đầu tư xây mới. Việc đầu tư trang thiết bị đồng bộ cho các cơ sở y tế ở cửa ngõ Thành phố là cần thiết nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh, giảm áp lực cho các bệnh viện hiện hữu ở trung tâm Thành phố.

Ba dự án phát triển cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí hơn 17.200 tỷ đồng gồm: xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (5.901 tỷ đồng); nạo vét rạch Xuyên Tâm (9.353 tỷ đồng) và cải tạo kênh Hy Vọng (1.980 tỷ đồng).

Giá lợn hơi giảm xuống 40.000 đồng một kg

Dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Bắc và miền Tây lại phức tạp khiến sức tiêu thụ yếu đẩy giá lợn hơi một số nơi giảm về 40.000 đồng một kg.

Mua bán lợn hơi ở chợ gia súc An Nội (Bình Lục, Hà Nam).

Mua bán lợn hơi ở chợ gia súc An Nội (Bình Lục, Hà Nam).

Giá lợn hơi tại miền Bắc liên tục giảm trong 3 ngày qua. Bắc Giang, Yên Bái và Thái Nguyên giá lợn hơi từ 46.000 đồng một kg hiện xuống 41.000 - 43.000 đồng một kg. Tuyên Quang tiếp tục là địa phương có giá lợn hơi thấp nhất khu vực khi giao dịch quanh 40.000 đồng một kg.

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng quay đầu đi xuống, hiện về dưới 43.000 đồng. Trong đó, Kon Tum đang được thương lái thu mua với giá 40.000 đồng một kg.

Tương tự, hai ngày nay giá lợn hơi tại miền Nam cũng quay đầu giảm 2.000 - 4.000 đồng một kg. Bến Tre giảm mạnh 4.000 đồng một kg, đưa giá lợn hơi tại đây về mốc thấp nhất khu vực là 40.000 đồng.

Riêng tại Đồng Nai, giá lợn hơi giao dịch quanh 44.000 - 46.000 đồng một kg. Đây là mức giao dịch cao nhất cả nước trong ngày hôm nay (19/11).

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cũng cho biết, giá lợn hơi vừa quay đầu tăng lên 47.000 - 48.000 đồng một kg thì nay lại lao dốc.

Theo ông Đoán, nguyên nhân là các tỉnh miền Bắc, miền Tây và TP.HCM có số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trở lại. Điều này dẫn đến sức tiêu thụ thịt lợn trên thị trường giảm, kéo giá lợn hơi đi xuống.

Người mua xăng Petrolimex thanh toán bằng thẻ, ví điện tử

Khi mua xăng dầu tại các điểm bán của Petrolimex khách hàng có thể dùng nhiều loại thẻ hoặc ví điện tử để thanh toán từ ngày 19/11.

Người mua xăng Petrolimex thanh toán bằng thẻ, ví điện tử từ ngày 19/11

Người mua xăng Petrolimex thanh toán bằng thẻ, ví điện tử từ ngày 19/11

Theo đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đây là chương trình hưởng ứng lời kêu gọi thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, hệ thống cửa hàng xăng dầu thuộc Petrolimex chấp nhận các hình thức thanh toán gồm: Thẻ tín dụng quốc tế (Visa, MasterCard); thẻ ngân hàng nội địa thuộc hệ thống Napas, thẻ đồng thương hiệu Petrolimex - HDBank; các ví điện tử thanh toán qua QR code trong liên minh VNPay.

Petrolimex sẽ triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt theo 3 giai đoạn, với giai đoạn một áp dụng tại 1.017 cửa hàng thuộc các thành phố lớn, quốc lộ; giai đoạn 2 ở các vùng lân cận và giai đoạn 3 lan rộng đến vùng sâu, vùng xa.

Với nhiều khách hàng của Petrolimex, việc được thanh toán bằng thẻ là bước ngoặt bởi từ trước đến nay, họ đều phải trả bằng tiền mặt mỗi khi mua xăng.

Chuyên đề