Bản tin thời sự sáng 20/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là miền Trung sơ tán hơn 90.000 dân, 102 người chết; Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM bị phê bình; hơn 1 triệu học sinh miền Trung nghỉ học tránh lũ; hủy nhiều đoàn tàu khách qua miền Trung; khởi công Dự án mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng…

Miền Trung sơ tán hơn 90.000 dân, 102 người chết

Mưa lũ và sạt lở đất khiến số người tử vong ở 10 tỉnh miền Trung và Tây nguyên tăng lên 102, số người mất tích là 26.

Đến chiều ngày 19/10, ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có 166.780 hộ dân đang bị ngập

Đến chiều ngày 19/10, ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có 166.780 hộ dân đang bị ngập

Tối 19/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thông tin, 3 tỉnh thiệt hại về người nhiều nhất là Quảng Trị (48 người), Thừa Thiên Huế (27 người) và Quảng Nam (11 người).

Đến chiều ngày 19/10, 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có 166.780 hộ dân đang bị ngập, đã sơ tán hơn 28.900 hộ với khoảng 90.900 người.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính hỗ trợ ngay 5 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo; tạm cấp cho mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để thực hiện cứu hộ, cứu nạn và an sinh xã hội.

Tại Hà Tĩnh, lũ trên sông dao động ở mức cao, lúc 15h chiều ngày 19/10, sông Ngàn Sâu tại trạm Chu Lễ vượt mức báo động 3 (mức cao nhất) là 0,50 m.

Hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả tràn lúc 13h ngày 18/10, hiện xả với lưu lượng 940 m3/s. Hồ thủy điện Hố Hô xả tràn lưu lượng 85 m3/s; hồ thủy điện Hương Sơn xả lưu lượng 15 m3/s. Các hồ thủy lợi khác trên địa bàn cũng đang xả tràn.

Toàn tỉnh có 28.418 hộ dân bị ngập tập trung chủ yếu tại TP. Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Lộc Hà.

Lúc 16h, lũ trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy, vượt mức báo động 3 là 2,18 m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1979 (3,91 m) là 0,97 m; sông Gianh tại (Tuyên Hóa) vượt mức báo động 3 là 2,18 m.

Ngập lụt tiếp tục chia cắt tại 3 điểm trên Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Quảng Bình và một vị trí trên đường Hồ Chí Minh; nhiều tuyến đường nội tỉnh đang ngập lụt, chia cắt.

Tại Quảng Trị, 53.750 hộ dân tại 9 huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, TP Đông Hà, Vĩnh Linh, Gio Linh, Quảng Trị, Triệu Phong, Hải Lăng đang bị ngập. Chính quyền đã sơ tán 11.083 hộ với hơn 34.000 người.

Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM bị phê bình

UBND TP.HCM phê bình nghiêm khắc ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị vì có thiếu sót, khuyết điểm khi làm Giám đốc Sở Giao thông vận tải.

Ông Bùi Xuân Cường khi làm Giám đốc Sở Giao thông vận tải trả lời chất vấn, tháng 12/2018

Ông Bùi Xuân Cường khi làm Giám đốc Sở Giao thông vận tải trả lời chất vấn, tháng 12/2018

Động thái này được đưa ra dựa trên báo cáo của Sở Nội vụ Thành phố về kết quả kiểm điểm các cá nhân có thiếu sót liên quan đến Kết luận thanh tra toàn diện sự cố công trình xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà (ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) của Thanh tra Thành phố.

Theo văn bản phê bình do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký, ông Cường khi làm Giám đốc Sở Giao thông vận tải (8/2015 - 12/2018) có khuyết điểm khi không tổ chức kiểm tra, giám sát đấu thầu dự án theo Luật Đấu thầu năm 2013; để chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu xảy ra sai phạm.

Ông Cường cũng bị cho là chủ quan trong việc thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; chưa sâu sát khi kiểm tra công tác nghiệm thu khi thi công dự án; ký quyết định thành lập tổ điều tra sự cố nhưng không có chuyên gia chuyên ngành kỹ thuật để đánh giá nguyên nhân sự cố, xác định thiếu đơn vị chịu trách nhiệm có liên quan.

Ngoài ông Cường, UBND Thành phố cũng phê bình ông Lê Hoàng Minh, nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (8/2014 - 2/2017), hiện là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Phát triển Tân Thuận cùng với thiếu sót, khuyết điểm tương tự.

Hơn 1 triệu học sinh miền Trung nghỉ học tránh lũ

Từ ngày 19/10, khoảng 1,2 triệu học sinh tại bốn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An và Hà Tĩnh phải nghỉ học vì mưa to, lũ dâng cao.

Trường tiểu học Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình ngập sâu

Trường tiểu học Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình ngập sâu

Chiều 18/10, tỉnh Quảng Bình đã cho hơn 232.000 học sinh các cấp nghỉ học đến khi có thông báo mới. Tại huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, một số xã của huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa và Bố Trạch, nhiều trường đã ngập sâu, gần như không còn nhìn thấy tầng 1.

Ông Võ Văn Minh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, cho biết đã trao quyền cho hiệu trưởng các trường căn cứ tình hình thực tiễn để cho học sinh nghỉ học từ ngày 16/10 đến khi thời tiết không còn diễn biến phức tạp. Đến ngày 19/10, gần như 169.000 học sinh học sinh toàn Tỉnh chưa trở lại trường, chỉ một số nơi không bị ngập mới đi học.

Sáng 19/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cũng cho hơn 300.000 học sinh toàn Tỉnh nghỉ học vì mưa lớn kéo dài, nhiều công trình thủy điện và hồ chứa nước thủy lợi đồng loạt xả lũ gây ngập lụt nhiều nơi. Thời điểm trở lại trường của các em được

Tại Nghệ An, thành phố Vinh, huyện Tương Dương, Kỳ Sơn và nhiều địa phương khác cũng cho học sinh nghỉ từ 19/10 để đảm bảo an toàn. Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, các trường cần xây dựng phương án phòng chống mưa lũ, căn cứ tình hình trên địa bàn để cho học sinh nghỉ học và lên phương án dạy bù khi mưa lũ kết thúc.

Hủy nhiều đoàn tàu khách qua miền Trung

Ngày 19/10, ngành đường sắt chỉ vận hành tàu chặng Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Huế, hủy nhiều chuyến tàu Thống Nhất.

Ngày 18/10, nhiều đoạn đường sắt qua Quảng Bình, Quảng Trị bị ngập nước, xói lở.

Ngày 18/10, nhiều đoạn đường sắt qua Quảng Bình, Quảng Trị bị ngập nước, xói lở.

Ông Trần Thiện Cảnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết mưa lũ khiến đá trôi khỏi đường sắt, nước ngập cao, cây cối đổ... vào nhiều đoạn đường sắt khu vực Quảng Bình, Quảng Trị.

Lúc hơn 1h sáng 19/10, khu gian Hà Thanh - Đông Hà (Quảng Trị) nước ngập trên đỉnh ray 20 cm và chảy xiết nên đơn vị quản lý đường đã cấm tàu chạy qua. Đến 4h30, nhiều vị trí khác tại khu gian này tiếp tục bị ngập đến 40 cm. Một ngày trước đó, một số đoạn đường sắt ở khu gian này bị nước ngập đến 70 cm, đơn vị đường sắt đã kéo 17 xe đá để khắc phục nền đường và thông tuyến.

Lúc 6h15, khu gian Lệ Sơn - Minh Lệ (Quảng Bình) bị ngập 35 cm, đất đá sạt lở vào đường sắt nên tiếp tục phải phong tỏa.

Ngày 19/10, ngành đường sắt đã dừng toàn bộ tàu khách đoạn đường sắt qua miền Trung từ Vinh đến Huế. Trên tuyến này chỉ cho phép tàu hàng lưu thông với tốc độ chậm, có thể tạm dừng tại các ga khi nước ngập.

Tại Hà Nội, ngành đường sắt đã hủy toàn bộ tàu Thống Nhất mác SE1, SE3, SE7. Từ TP.HCM chỉ vận hành tàu SE2, SE4, SE8 với hành trình đến Huế.

Khu vực Quảng Bình, Quảng Trị còn 4 đoàn tàu khách đang chờ thông đường là tàu SE8 xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 17/10 dừng chờ tại ga Đông Hà, tàu SE3 xuất phát tại ga Hà Nội ngày 17/10 đỗ ga Tiên An (Quảng Trị); tàu SE1 và SE7 xuất phát tại ga Hà Nội ngày 17/10 đỗ ga Đồng Hới (Quảng Bình). Ngoài ra, trên tuyến đường sắt còn có 12 đoàn tàu hàng đang dừng chờ tại các ga.

Khởi công Dự án mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng

Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc giai đoạn 2 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng vừa được khởi công vào ngày 19/10.

Khu vực Dự án thi công được bảo vệ nghiêm ngặt

Khu vực Dự án thi công được bảo vệ nghiêm ngặt

Dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư khoảng 420 tỷ đồng, thời gian thi công 11 tháng.

Quy mô của Dự án bao gồm: xây dựng thêm 4 vị trí đỗ máy bay code C và di chuyển 5 vị trí đỗ máy bay (đã được xây dựng trong giai đoạn 1) ra xa đường CHC 35R/17L; xây dựng mở rộng sân đỗ máy bay bằng bê tông xi măng cốt thép với diện tích 66.905m2, xây dựng lề vật liệu bê tông nhựa với diện tích 13.326 m2, xây dựng khu vực dải bảo hiểm với diện tích 19.796 m2.

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là một trong 3 cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước (sau Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) và là cửa ngõ giao thông hàng không quốc tế quan trọng khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Năm 2019, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng phục vụ hơn 15,5 triệu lượt hành khách, hơn 98.700 lượt/chuyến bay cất hạ cánh, sản lượng hàng hóa đạt hơn 45.000 tấn.

TP.HCM: Kiến nghị Bộ Quốc phòng giao đất làm dự án cửa ngõ sân bay

UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Quốc phòng giao đất để thực hiện Dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) nhằm giảm ùn tắc cho cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên kẹt xe vào dịp Tết.

Các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên kẹt xe vào dịp Tết.

Theo UBND TP.HCM, Thành phố đã có văn bản kiến kiến nghị Bộ Quốc phòng thống nhất phương án ranh Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa (quận Tân Bình).

Thành phố đề nghị Bộ Quốc phòng bàn giao phần diện tích đất nằm ngoài ranh Dự án khoảng 1.122m2 để tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn cũng như tái định cư tại chỗ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án.

UBND TP.HCM cho biết, dự án trên nhằm phục vụ việc khai thác nhà ga hành khách T3 theo quy hoạch điều chỉnh chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Đồng thời, dự án này góp phần từng bước kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Hiện nay, Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để thi công công trình, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đồng bộ với tiến độ Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Quốc phòng quan tâm, sớm xem xét thống nhất kiến nghị của Thành phố.

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa dài 4,4km với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp hơn 1.735 tỷ đồng; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 2.640 tỷ đồng.

Ngày 20/10, tạm dừng thu phí tại Trạm BOT Tân Phú

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi các địa phương, đơn vị liên quan để thông báo về việc tạm dừng thu phí tại Trạm thu phí BOT Tân Phú.

Từ 14 giờ ngày 20/10/2020, trạm thu phí BOT Tân Phú sẽ tạm dừng thu phí

Từ 14 giờ ngày 20/10/2020, trạm thu phí BOT Tân Phú sẽ tạm dừng thu phí

Theo quyết định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trạm thu phí BOT Tân Phú trên Quốc lộ 20 tại Đồng Nai sẽ tạm dừng thu phí từ 14 giờ ngày 20/10/2020 để xác định ngày dừng thu phí.

Theo Tổng cục Đường bộ ngày 8/10/2020, đơn vị này đã họp với Công ty CP BOT Quốc lộ 20 (doanh nghiệp dự án) làm rõ các nội dung vướng mắc của Dự án. Từ ngày 12 đến 13/10, Tổng cục Đường bộ và doanh nghiệp dự án đã phối hợp rà soát phương án tài chính của Dự án. Đến nay, Dự án vẫn còn những tồn tại. Theo đó, trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, để bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ đường bộ, Tổng cục Đường bộ đề nghị Tạm dừng thu phí tại trạm thu phí BOT Tân Phú.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm thông báo công khai việc tạm dừng thu phí tại trạm BOT Tân Phú trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các trạm thu phí thuộc Dự án. Đối với những trường hợp chủ xe đã mua vé tháng, vé quý qua trạm, nhà đầu tư phải thực hiện hoàn trả tài chính vé tháng, quý còn hạn sử dụng, thu hồi lại vé bán, lập hồ sơ quyết toán.

Lâm Đồng: Giả thiếu tướng công an 'chạy' sổ đỏ

Nguyễn Văn Hòa, đi ôtô biển số xanh, xưng là thiếu tướng thuộc Bộ Công an làm quen nhiều người rồi lừa tiền làm giấy tờ đất.

Nguyễn Văn Hòa lúc bị bắt cùng thẻ ngành công an giả

Nguyễn Văn Hòa lúc bị bắt cùng thẻ ngành công an giả

Ngày 19/10, Nguyễn Văn Hòa, quê Hải Phòng, bị Công an TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) bắt tạm giam 4 tháng về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra, thời gian qua Hòa xưng là thiếu tướng Nguyễn Văn Gấm, cán bộ cấp cao của Bộ Công an đi công tác ở Tây Nguyên, làm quen nhiều người dân ở huyện Bảo Lộc, Bảo Lâm...

Tuần trước, Hòa hứa giúp ông Nguyễn Viết Liêm làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại TP. Bảo Lộc, yêu cầu ông này đưa một tỷ đồng để "bôi trơn". Ông Liêm phát hiện những dấu hiệu bất thường nên báo công an.

Khám xét khách sạn nơi Hòa tạm trú, Công an TP. Bảo Lộc tìm thấy thẻ ngành công an tên Nguyễn Văn Gấm, dán ảnh Hòa mang quân hàm thiếu tướng, biển kiểm soát ôtô ra vào cổng Bộ Công an, nhiều biển số xe 80B giả...

Hòa thừa nhận đã làm giả các giấy tờ trên. Trước khi đến Bảo Lộc, ông ta cũng dùng "chiêu" lo hồ sơ đất cho 3 người ở huyện Bảo Lâm để lấy gần 400 triệu đồng.

Cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án, nghi ngờ Hòa có đồng phạm và có nhiều nạn nhân khác đã bị nhóm này lừa tiền.

Chuyên đề