Bản tin thời sự sáng 20/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tiền vào chứng khoán xuống thấp nhất hai năm; Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục tăng chi phí kinh doanh xăng dầu; đề xuất xử lý 1.000 tỷ đồng doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đã cọc; Chính phủ sẽ vay hơn 25 tỷ USD năm nay; ngành đường sắt cung ứng hơn 176.000 chỗ phục vụ Tết Quý Mão…

Tiền vào chứng khoán xuống thấp nhất hai năm

Dù VN-Index đã qua đợt tăng nhanh, giảm sốc, nhà đầu tư vẫn giao dịch thận trọng, thanh khoản ngày 19/10 chưa đến 8.300 tỷ đồng.

Ngày 19/10, tiền vào chứng khoán xuống thấp nhất hai năm

Ngày 19/10, tiền vào chứng khoán xuống thấp nhất hai năm

Nhiều công ty chứng khoán trước phiên ngày 19/10 khuyến nghị nhà đầu tư mạnh dạn giải ngân khi thị trường đã qua đợt tăng nhanh, giảm sốc, minh chứng bằng việc bốn phiên gần nhất VN-Index biến thiên không quá 20 điểm thay vì 30 - 45 điểm như giai đoạn đầu tháng. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết được dự báo tăng trưởng khả quan so với nền thấp của cùng kỳ cũng là yếu tố khiến các chuyên gia tin tưởng giá nhiều cổ phiếu sẽ cải thiện.

Như Công ty Chứng khoán Đông Á đề xuất cho nhà đầu tư ngắn hạn nhà đầu tư ngắn hạn ưu tiên những cổ phiếu có độ nhạy cao với thị trường như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản vốn hoá vừa và nhỏ. Trong khi đó, một số nhóm phân tích khác cho rằng, cổ phiếu ngành sản xuất, điện nước và khu công nghiệp phù hợp để những người có chiến lược nắm giữ 6 - 12 tháng mua vào.

Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy nhà đầu tư vẫn thận trọng. Dòng tiền chảy vào thị trường rất dè dặt, thể hiện việc VN-Index có sắc xanh trong phiên sáng nhưng giá trị khớp lệnh chưa đến 3.000 tỷ đồng. Lực mua khởi sắc hơn trong phiên chiều khi nhiều mã vốn hoá lớn giảm mạnh, nhấn chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM xuống sâu dưới tham chiếu.

Kết thúc phiên ngày 19/10, thị trường có hơn 400 triệu cổ phiếu được sang tay, tương ứng khoảng 8.270 tỷ đồng - giảm 2.000 tỷ đồng so với ngày 18/10 và là mức thấp nhất trong hai năm qua.

Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục tăng chi phí kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi để thực hiện các thủ tục mua xăng dầu kịp thời.

Các doanh nghiệp bán lẻ đang gặp khó khăn về nguồn cung lẫn chiết khấu

Các doanh nghiệp bán lẻ đang gặp khó khăn về nguồn cung lẫn chiết khấu

Bộ Công Thương vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, cơ quan này cho biết thời gian gần đây, các chi phí kinh doanh xăng dầu tiếp tục tăng cao, nhất là chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam (chi phí tăng bất thường do các nhà cung cấp nước ngoài đã điều chỉnh mức phụ phí thị trường lên mức rất cao, chi phí vận chuyển tăng, tiếp cận nguồn hàng khó khăn...).

Tại một số địa phương, chi cục hải quan đã ngừng thông quan đối với một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu do chưa thực hiện việc kết nối dữ liệu điện tử, chậm nộp thuế...

Chính vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị, Bộ Tài chính kịp thời rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức... theo mức phù hợp với thực tế phát sinh.

Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ đề nghị có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ; tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu.

Gần đây, thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk...

Đề xuất xử lý 1.000 tỷ đồng doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đã cọc

Cục Thuế TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị đề xuất cụ thể về việc xử lý số tiền đặt cọc của bốn doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm theo đúng chức năng.

Cục Thuế TP.HCM vừa có văn bản báo cáo về vấn đề xử lý tài chính sau việc hủy kết quả trúng đấu giá đất Thủ Thiêm

Cục Thuế TP.HCM vừa có văn bản báo cáo về vấn đề xử lý tài chính sau việc hủy kết quả trúng đấu giá đất Thủ Thiêm

Mới đây, trong văn bản báo cáo UBND TP.HCM về vấn đề xử lý tài chính sau cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm, Cục Thuế Thành phố cho biết, việc xử lý số tiền đặt cọc tương đương 20% giá khởi điểm không thuộc chức năng xử lý của cơ quan này.

Vì vậy, Cục Thuế TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản nghiên cứu, đề xuất cụ thể về việc xử lý số tiền đặt cọc theo đúng chức năng.

Trước đó, ngày 9/9, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về việc hủy các quyết định về công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với các lô đất thuộc Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Căn cứ quyết định này, ngày 6/10, Cục Thuế Thành phố ban hành các thông báo thu hồi, hủy bỏ các thông báo nghĩa vụ tài chính cho các tổ chức trúng đấu giá.

Theo đó, tiền đặt trước được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định pháp luật, sau khi trừ chi phí đấu giá. Việc xử lý tiền đặt cọc thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tính chung cả 4 doanh nghiệp trúng đấu giá ngày 10/12/2021, tổng số tiền cọc là hơn 1.051 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Sheen Mega đặt cọc gần 204 tỷ đồng. Công ty CP Dream Republic mất cọc hơn 115 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt mất cọc hơn 588 tỷ đồng và Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh nhà thương mại Bình Minh mất cọc hơn 145 tỷ đồng.

Chính phủ sẽ vay hơn 25 tỷ USD năm nay

Dự tính tổng huy động vốn Chính phủ năm 2022 khoảng 619.492 tỷ đồng (khoảng 25,2 tỷ USD), tăng gần 105.200 tỷ đồng so với năm ngoái.

Dự tính tổng huy động vốn Chính phủ năm 2022 khoảng 25,2 tỷ USD

Dự tính tổng huy động vốn Chính phủ năm 2022 khoảng 25,2 tỷ USD

Tại báo cáo gửi Quốc hội về nợ công năm 2022 và dự kiến năm 2023, Chính phủ cho biết, năm nay huy động vốn đạt khoảng 619.492 tỷ đồng, tương đương 25,2 tỷ USD.

Trong đó, vay cân đối ngân sách trung ương chiếm khoảng 97%, còn lại vay ODA, ưu đãi nước ngoài về cho vay lại (hơn 19.440 tỷ đồng).

Khoảng 92% vốn từ trong nước được huy động qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Bối cảnh thu ngân sách trung ương năm 2022 vượt dự toán, giải ngân vốn đầu tư công chậm..., phát hành trái phiếu Chính phủ những tháng cuối năm sẽ phù hợp, đáp ứng yêu cầu chi ngân sách.

Về huy động vốn nước ngoài, các khoản vay ưu đãi theo hiệp định vay đạt gần 185 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, với mức lãi suất vay 0,1% một năm trong 40 năm, ân hạn 10 năm. Từ nay tới cuối năm dự kiến có thêm 188 triệu USD từ khoản vay này.

Năm nay, tổng trả nợ của Chính phủ ước khoảng 324.583 tỷ đồng, gần 91% trong số này là trả nợ trực tiếp (294.300 tỷ đồng), còn lại 8% trả nợ vay nước ngoài về cho vay lại (30.283 tỷ đồng).

Năm 2023, Chính phủ dự kiến huy động vay 644.515 tỷ đồng, tăng khoảng 27.000 tỷ đồng so với 2022 và hơn 130.210 tỷ đồng so với 2021.

Nguồn huy động kết hợp linh hoạt các công cụ như phát hành trái phiếu Chính phủ; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Trường hợp cần thiết sẽ tính tới vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước.

TP.HCM có dự án bị thu hồi, hủy bỏ nhiều nhất cả nước

Trong giai đoạn 2018 - 2021, TP.HCM có 121 dự án, công trình phải thu hồi, hủy bỏ do chậm đưa đất vào sử dụng, chiếm số lượng lớn nhất cả nước.

Bất động sản khu Nam TP.HCM

Bất động sản khu Nam TP.HCM

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 được Đoàn giám sát gửi đến Quốc.

Một trong những nội dung đáng chú ý là kết quả kiểm tra, rà soát và xử lý đối với dự án chậm đưa đất vào sử dụng từ năm 2018 đến năm 2021. Cụ thể, cả nước có 336 trên tổng số 575 dự án, công trình đã có quyết định giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ, đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ. Tổng diện tích các dự án này là trên 99.500 ha.

22 tỉnh, thành phố có dự án thu hồi hoặc hủy bỏ, trong đó TP.HCM là địa phương có số dự án, công trình thu hồi nhiều nhất cả nước (121); tiếp đó là Lâm Đồng (61), Thanh Hóa (24). TP.HCM cũng đứng đầu cả nước về số dự án, công trình chấm dứt theo giấy phép đầu tư hoặc chủ trương đầu tư với 469 trên tổng số 710 dự án của cả nước.

Theo báo cáo, trong giai đoạn này, cả nước có 908 dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng đất với diện tích 28.100 ha. Trong đó, cơ quan chức năng đã thu hồi đất và chấm dứt hoạt động 172 dự án; gia hạn sử dụng đất 226; đang xử lý 106. Có 404 dự án được chưa xử lý.

Giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có 743,7 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa; nhưng đến nay các cơ quan mới xử lý thu hồi được 495,4 triệu m2. Số tiền xử phạt vi phạm cả giai đoạn chỉ đạt 286 tỷ đồng.

Ngành đường sắt cung ứng hơn 176.000 chỗ phục vụ Tết Quý Mão

Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, dịp Tết năm nay, ngành đường sắt cung ứng 356 chuyến tàu với 176.046 chỗ, tăng 130 chuyến, 67.000 chỗ so với Tết 2022.

Dịp Tết năm nay, ngành đường sắt cung ứng 356 chuyến tàu với 176.046 chỗ

Dịp Tết năm nay, ngành đường sắt cung ứng 356 chuyến tàu với 176.046 chỗ

Ngày 19/10, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn chính thức công bố kế hoạch chạy tàu và công tác phục vụ hành khách trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Dự kiến, ngành đường sắt cung ứng 356 chuyến tàu với 176.046 chỗ phục vụ hành khách dịp Tết. Vé tàu Tết Quý Mão chính thức mở bán từ 8 giờ sáng 25/10.

Trước đó, từ ngày 11/10, ngành đường sắt đã nhận đăng ký vé tập thể. Tính đến ngày 19/10, đã có 55 tập thể (22 tập thể đăng ký tại ga Biên Hòa và 33 tập thể tại ga Sài Gòn) đăng ký vé Tết, với gần 3.300 vé.

Kế hoạch chạy tàu Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tính từ ngày 9/1 đến 5/2/2023 (từ 18 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến 15 tháng Giêng năm Quý Mão). Ngành đường sắt chạy 10 đôi tàu khách Thống Nhất (Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại) gồm SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8, SE9/SE10, SE11/SE12, SE19/SE20, SE23/SE24, TN3/TN4, TN5/TN6.

Cùng với đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn tổ chức chạy 9 đôi tàu khu đoạn từ ga Sài Gòn đến các địa phương và ngược lại: Sài Gòn - Vinh (SE13/SE14, SE15/SE16); Sài Gòn - Đồng Hới (SE17/SE18); Sài Gòn - Đà Nẵng (SE21/SE22); Sài Gòn - Quảng Ngãi (SE25/SE26); Sài Gòn - Quy Nhơn (SQN1/SQN2); Sài Gòn - Nha Trang (SNT1/SNT2, SNT11/SNT12); Sài Gòn - Phan Thiết (SPT1/SPT2).

Ngoài ra, từ ngày 21 - 24/1/2023, Công ty tổ chức chạy thêm một số đôi tàu trên các tuyến Sài Gòn - Huế, Sài Gòn - Đà Nẵng, Sài Gòn - Tam Kỳ, Sài Gòn - Quảng Ngãi và Sài Gòn - Nha Trang.

Ông Thái Văn Truyền, Tổng giám đốc Công ty cho biết, dịp Tết năm nay, ngành đường sắt cung ứng 356 chuyến tàu với 176.046 chỗ (tăng 130 chuyến, 67.000 chỗ so với Tết 2022).

Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ 8 doanh nghiệp sang công an

Có tới 7 doanh nghiệp tại Hải Phòng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản và 1 vụ việc có dấu hiệu trốn thuế trong chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu...

Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra

Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra

Theo kế hoạch kiểm toán năm 2022, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 178 nhiệm vụ kiểm toán, được tổ chức thành 231 Đoàn kiểm toán.

Tại báo cáo Dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023 gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho biết, đến ngày 26/9/2022, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức xét duyệt 216 kế hoạch kiểm toán, triển khai 207 đoàn kiểm toán, trong đó 151 đoàn kiểm toán đã kết thúc; hoàn thành và tổ chức xét duyệt 219 dự thảo báo cáo kiểm toán và đã phát hành chính thức 188 báo cáo kiểm toán.

Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong đó, 7 vụ việc qua kiểm toán chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017 - 2021 tại thành phố Hải Phòng với 7 công ty lập dự án để được cấp phép nhưng không tổ chức khai thác mà chuyển cho doanh nghiệp khác khai thác.

Tại Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2022 vừa gửi Quốc hội, Chính phủ đã nêu đích danh lần lượt 7 công ty này.

Cụ thể gồm có: Công ty CP Khai thác cát phục vụ Khu kinh tế; Công ty CP Thương mại Duy Linh; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Thái Việt; Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Hải Nam; Công ty TNHH Đầu tư Công trình và Thương mại Hoàng Phát; Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Duyên Hải; Công ty CP Phát triển dịch vụ và Thương mại Tín Thành.

Một vụ việc còn lại có dấu hiệu trốn thuế của Công ty CP Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp - tỉnh Tây Ninh trong việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu.

Chuyên đề