Bản tin thời sự sáng 20/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chứng khoán tăng mạnh ngày cuối năm; giá vàng SJC lên cao nhất nửa năm; TP.HCM đề xuất tái khởi động công trình cầu cao nhất Việt Nam; Bộ Công an đề xuất sửa đổi nhiều thông tin trên CCCD gắn chip; ông Lê Viết Hải vẫn là Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình…

Chứng khoán tăng mạnh ngày cuối năm

Tiền đổ mạnh vào cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch cuối năm Nhâm Dần giúp VN-Index tích lũy thêm 10 điểm, nối dài chuỗi tăng bảy phiên liên tiếp.

Tiền đổ mạnh vào cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch cuối năm giúp VN-Index tích lũy thêm 10 điểm

Tiền đổ mạnh vào cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch cuối năm giúp VN-Index tích lũy thêm 10 điểm

Tâm lý mua trước để đón sóng tăng sau Tết Nguyên đán giúp thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể. Giá trị giao dịch ngày 19/1 xấp xỉ 12.000 tỷ đồng, cao nhất trong các phiên giao dịch của tuần này.

Chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM cũng duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian nhờ lực cầu mạnh. Trong những phút cuối, VN-Index bật lên 1.108 điểm và đóng cửa tại mốc này. Theo đánh giá của nhóm phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Tân Việt, thị trường chinh phục mốc 1.100 điểm sau hơn ba tháng để mất là tín hiệu xác nhận xu hướng tăng giá đã trở lại.

Đóng góp nhiều nhất cho phiên tăng cuối năm là các mã vốn hóa lớn thuộc nhóm ngân hàng. Danh sách 10 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index có 4 đại diện thuộc nhóm này gồm VCB, BID, ACB và CTG. Trong số này, VCB chi phối mạnh nhất khi đảo chiều từ giảm 2,7% so với tham chiếu thành tăng 3,3% trước giờ đóng cửa.

Sắc xanh còn áp đảo ở nhiều nhóm cổ phiếu khác như chứng khoán, dầu khí, phân bón, cảng biển và hàng không. Nhờ đó, số lượng cổ phiếu chốt phiên cuối năm trong sắc xanh xấp xỉ 300 mã.

Thép và bất động sản là hai nhóm có mức độ phân hóa mạnh nhất khi số lượng cổ phiếu tăng và giảm tương đương nhau. Các mã vốn hóa lớn như VHM, NVL, PDR, HPG đều đóng cửa dưới tham chiếu trong khi những mã vừa và nhỏ như DXS, QCG, LDG, SCR, NKG diễn biến đồng thuận với đà tăng của thị trường.

Giá vàng SJC lên cao nhất nửa năm

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chiều 19/1 nâng giá bán vàng miếng lên 67,9 triệu đồng một lượng, cao nhất nửa năm qua.

Chiều 19/1, giá bán vàng miếng lên 67,9 triệu đồng một lượng

Chiều 19/1, giá bán vàng miếng lên 67,9 triệu đồng một lượng

Trong lần cuối cùng điều chỉnh giá trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, SJC tăng mỗi lượng bán ra thêm 300.000 đồng so với ngày 18/1 và nối dài chuỗi đi lên ngày thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, giá mua vào chỉ tăng 100.000 đồng lên 66,9 triệu đồng. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 7/2022.

Đà tăng giá vàng miếng đồng thuận với xu hướng đi lên của thị trường kim loại quý thế giới. Mỗi ounce vàng thế giới hiện giao dịch quanh mốc 1.913 USD, tăng 9 USD so với lúc mở cửa. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng thì mức chào bán trong nước đang cao hơn thế giới khoảng 13 triệu đồng một lượng.

Giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ đang được SJC bán ra 55,6 triệu đồng, nhích nhẹ so với hôm qua. Một số hệ thống kim hoàn lớn giao dịch cao hơn SJC 200.000 đồng một lượng, còn các tiệm vàng quy mô nhỏ đang bán ra quanh 54,8-55,2 triệu đồng. Tính trong nửa tháng qua, các điểm kinh doanh vàng nhẫn đều tăng khoảng 2 triệu đồng một lượng.

TP.HCM đề xuất tái khởi động công trình cầu cao nhất Việt Nam

Gói thầu J3 (cầu Phước Khánh) trên cao tốc Bến Lức - Long Thành sau hai năm dừng thi công, chủ đầu tư muốn khởi động lại với kế hoạch hoàn thành sau 17 tháng.

Công trường cầu Phước Khánh

Công trường cầu Phước Khánh

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA - nhà tài trợ) để sớm chấp thuận kế hoạch chọn nhà thầu thi công các hạng mục còn lại của cầu Phước Khánh trên tuyến cao tốc. Động thái này đưa ra sau hai năm công trình dừng thi công, nhà thầu cũ cũng đã chấm dứt hợp đồng.

VEC ước tính, phần việc còn lại để hoàn thành cầu Phước Khánh khoảng 750 tỷ đồng. Công tác lựa chọn nhà thầu dự kiến thực hiện quý một năm nay, bắt đầu thi công từ cuối tháng 6 và kết thúc tháng 1/2025 (17 tháng). Kế hoạch này chưa được JICA chấp thuận.

Trước đó, VEC ký hợp đồng xây lắp Gói thầu xây cầu Phước Khánh với Liên danh Sumitomo Mitsui - Cienco 4, bắt đầu triển khai từ tháng 1/2016. Tuy nhiên, do vướng mắc trong việc bố trí vốn và gia hạn hiệp định vay, nên từ năm 2020 đến nay, gói thầu này tạm dừng, khi đã giải ngân hơn 2.300 tỷ đồng (chiếm 87,4%). Chủ đầu tư đã nhiều lần đàm phán với nhà thầu trên, đề nghị tiếp tục thi công nhưng không được đồng ý.

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), Gói thầu xây cầu Phước Khánh sử dụng vốn ODA của JICA, nên phải tuân thủ theo các quy định về đấu thầu của nhà tài trợ này. Do vậy, ý kiến của JICA kế hoạch chọn nhà thầu là cơ sở để chủ đầu tư cùng các bên liên quan triển khai các phần việc tiếp theo.

Cầu Phước Khánh trên tuyến cao tốc bắc qua sông Lòng Tàu (nối huyện Cần Giờ, TP.HCM và Nhơn Trạch, Đồng Nai). Khi hoàn thành, đây là cây cầu cao nhất nước với tĩnh không 55 m, dài hơn 3 km, rộng gần 22 m cho bốn làn xe. Hồi tháng 2/2021, cẩu thi công cầu Phước Khánh bị tàu container đâm gãy gây thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.

Hoàn thành cải tạo tháp điểm nhấn TP. Nha Trang

Tháp Trầm Hương (tỉnh Khánh Hòa) đã hoàn thành cải tạo, sửa chữa sau 4 tháng thi công, bên ngoài đổi từ màu hồng nhạt sang màu trắng.

Bên ngoài tháp Trầm Hương trước và sau khi được sửa chữa

Bên ngoài tháp Trầm Hương trước và sau khi được sửa chữa

Ngày 19/1, ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết, các hạng mục sửa chữa như các tầng, cầu thang bộ, thang máy, tường, sân thượng... đều được sử dụng vật liệu cao cấp. Hiện, ngành văn hóa lắp đặt không gian Tết xung quanh khuôn viên tháp. Về không gian bên trong, sắp tới đơn vị thi công hoàn thiện trang nội thất, bố trí không gian phù hợp.

Hồi tháng 4/2022, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đề xuất cải tạo tháp Trầm Hương nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển địa phương. Việc sửa chữa tiến hành từ giữa tháng 9/2022, với tổng chi phí gần 11 tỷ đồng.

Tháp Trầm Hương khánh thành năm 2008, có 6 tầng hầm, nằm ở quảng trường 2/4 dọc đường Trần Phú. Đây được xem điểm nhấn TP. Nha Trang, là nơi trưng bày hình ảnh, sản vật địa phương. Tuy nhiên, thời gian xây dựng đã lâu, nằm sát biển nên công trình bị xuống cấp, thấm nước; sơn bong tróc, sắt thép hoen gỉ...

Bộ Công an đề xuất sửa đổi nhiều thông tin trên CCCD gắn chip

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đề xuất đổi "Quê quán" thành "Nơi đăng ký khai sinh", đổi "Nơi thường trú" thành "Nơi cư trú" trên mặt trước CCCD gắn chip.

Những thông tin trên mặt của của CCCD gắn chip

Những thông tin trên mặt của của CCCD gắn chip

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo lần này đề ra nhiều quy định về căn cước công dân (CCCD), đề xuất thay đổi một số thông tin trên mặt trước và mặt sau của thẻ căn cước.

Theo dự thảo, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên các thông tin in trên mặt trước của CCCD, gồm: Hình quốc huy; dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ngày, tháng, năm hết hạn.

Những thông tin được đề xuất sửa đổi ở mặt trước gồm: Đổi "Quê quán" thành "Nơi đăng ký khai sinh"; đổi "Nơi thường trú" thành "Nơi cư trú".

Tại mặt sau của thẻ gắn chip, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên các thông tin gồm: Ngày, tháng, năm cấp thẻ; đặc điểm nhân dạng; chip điện tử. Còn thông tin về chữ ký và danh tính của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội được đề xuất đổi thành dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an”. Ngoài ra, dữ liệu sinh trắc học vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải) cũng được đề xuất lược bỏ.

Ngoài những điểm mới nêu trên, Bộ Công an cũng đề xuất chứng minh nhân dân chỉ được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Còn CCCD gắn chip sẽ được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Ông Lê Viết Hải vẫn là Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cho biết vừa nhận quyết định từ Cục Thi hành án dân sự TP.HCM buộc Công ty hoãn ba nghị quyết HĐQT ban hành nửa cuối tháng 12/2022.

Ông Lê Viết Hải

Ông Lê Viết Hải

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) chiều 19/1 gửi công văn đến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM để thông báo sự việc này. Theo đó, ông Lê Viết Hải sẽ tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của Công ty.

Theo thông tin công bố, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM buộc HBC tạm dừng thi hành Nghị quyết số 50 và 51 với năm nội dung chính là chấp thuận đơn từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT; từ nhiệm tư cách Thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải; bổ nhiệm chức Tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu (con trai ông Hải); thành lập Hội đồng sáng lập và bổ nhiệm thành viên HĐQT độc lập Nguyễn Công Phú vào chức Chủ tịch HĐQT.

Nghị quyết 53 được ban hành sau đó để hoãn thực hiện hai nghị quyết trên cũng được Cục Thi hành án dân sự TP.HCM yêu cầu tạm dừng thi hành "cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài".

Quyết định của Cục Thi hành án dân sự Thành phố được đưa ra căn cứ theo yêu cầu từ Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chi nhánh TP.HCM. Trước đó, hội đồng trọng tài này đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoãn ba nghị quyết trên theo đơn khởi kiện từ một cổ đông của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.

Phát hiện nhiều xe hợp đồng nghi chạy 'dù'

Cục Đường bộ Việt Nam phát hiện 16 đơn vị vận tải có nhiều xe hợp đồng chạy tần suất liên tục, đón khách tại điểm cố định như xe khách.

Thanh tra giao thông xử phạt xe hợp đồng dừng đỗ sai quy định

Thanh tra giao thông xử phạt xe hợp đồng dừng đỗ sai quy định

Cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu các Sở GTVT kiểm tra, xử lý 16 đơn vị với 42 xe có biểu hiện vi phạm về hành trình, lịch trình chạy xe, địa điểm đón trả khách và hai đơn vị có 10 xe không truyền dữ liệu theo quy định. Các sở phải báo cáo kết quả xử lý về Cục trước ngày 15/2.

Số liệu phương tiện nói trên được Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, trích xuất dữ liệu trong tháng 12/2022. Cục phát hiện các xe hợp đồng này có tần suất hoạt động liên tục, lặp hành trình, lặp điểm đón trả khách, hoạt động giống xe vận tải khách cố định.

Các đơn vị vận tải có nhiều xe bị rà soát như Công ty CP Vận tải và Thương mại Văn Phúc (Thái Nguyên), Phạm Huy Cường (Thái Nguyên), Công ty Dịch vụ vận tải Tú Tài (Ninh Bình)...

Các Sở GTVT được yêu cầu bố trí cán bộ theo dõi, khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam, từ đó có thể rà soát hoạt động phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định và xe hợp đồng.

Tình trạng xe hợp đồng "trá hình", hoạt động tương tự xe tuyến cố định xuất hiện nhiều ở các tỉnh thành. Từ đầu năm 2022 đến nay, xe hợp đồng ứng dụng phần mềm hợp đồng điện tử, xe limousine tham gia kinh doanh vận tải ngày càng tăng.

Chuyên đề