Bản tin thời sự sáng 19/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hủy gần 200 chuyến bay để tránh bão số 1; khai trừ ra khỏi Đảng nhiều cán bộ lãnh đạo hai tổng công ty tại TP.HCM; lương hưu mới sẽ truy trả vào ngày 14/8; đề xuất mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận; Đà Nẵng rà soát gần 1.000 nhà đất công sản chưa đủ hồ sơ pháp lý…

Hủy gần 200 chuyến bay để tránh bão số 1

Do ảnh hưởng bão số 1, nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách, các hãng hàng không đã hủy gần 200 chuyến bay trong ngày 18/7.

Hàng trăm chuyến bay buộc phải huỷ tránh bão số 1. Ảnh minh họa

Hàng trăm chuyến bay buộc phải huỷ tránh bão số 1. Ảnh minh họa

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, Hãng mới điều chỉnh kế hoạch khai thác (lần 3). Cụ thể, trong ngày 18/7, các chuyến bay nội địa đến và đi từ Hà Nội trong thời gian từ 11h đến 20h sẽ bị hủy hoặc thay đổi giờ khởi hành. Sẽ có 149 chuyến đến và đi từ Hà Nội bị huỷ với khoảng 20.000 khách bị ảnh hưởng.

Với các đường bay quốc tế trong ngày 18/7, Vietnam Airlines sẽ lùi giờ cất cánh từ 2 - 10 giờ.

Cụ thể: VN 311 Narita - Hà Nội; VN417 Incheon - Hà Nội; VN 427 Busan - Hà Nội; VN347 Nagoya - Hà Nội; VN 331 Osaka - Hà Nội; VN 357 Fukuoka - Hà Nội; VN 513 Bắc Kinh - Hà Nội; VN 593 Hồng Kong - Hà Nội; VN 578 Hà Nội - Đài Bắc;VN 586 Hà Nội - Cao Hùng; VN660, VN 662 Singapore - Hà Nội; VN 614, VN 615, VN 618 và VN 619 Hà Nội - Băng Cốc; VN 636, và VN 637 Hà Nội - Siêm Riệp; VN 972 và VN 973 Hà Nội - Mumbai; VN680 và VN 681 Hà Nội - Kuala Lumpur.

Các chuyến bay quốc tế khác tạm thời theo lịch khai thác ban đầu, nhưng có thể được điều chỉnh theo thực tế của cơn bão số 1.

Tương tự, đại diện hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, hãng bay này cũng phải huỷ 28 chuyến bay đến/đi trong khung giờ đóng cửa hai sân bay Nội Bài và Cát Bi.

Tương tự, Vietravel Airlines cũng phải huỷ khai thác với 6 chuyến bay từ Cam Ranh đi Macau và ngược lại, từ Hà Nội đi Đà Nẵng, từ Hà Nội đi Cam Ranh và ngược lại.

Hãng hàng không Vietjet cũng cập nhật hủy hàng loạt chuyến bay nội địa. Cụ thể, hủy chuyến bay VJ486, VJ487 chặng Cần Thơ - Vân Đồn - Cần Thơ; VJ671, VJ670 chặng Hải Phòng - Buôn Ma Thuột - Hải Phòng; VJ731, VJ732 chặng Hải Phòng - Nha Trang - Hải Phòng; VJ288, VJ289, VJ276, VJ275 chặng TP.HCM - Hải Phòng - TP.HCM. Ngoài ra, hãng này cũng phải huỷ các chuyến bay đến và đi từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) trong thời gian sân bay này tạm ngừng tiếp nhận tàu bay.

Khai trừ ra khỏi Đảng nhiều cán bộ lãnh đạo hai Tổng công ty tại TP.HCM

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM vừa có thông báo về việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm và xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với một số tổ chức đảng, đảng viên thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn và Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn do vi phạm pháp luật.

Trụ sở Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - Resco
Trụ sở Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - Resco

Theo đó, qua kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (RESCO), nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Đảng ủy RESCO nhiệm kỳ 2015 - 2020 vì thiếu trách nhiệm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ đơn vị này…

Với những khuyết điểm, vi phạm trên, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đảng viên là cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo RESCO gồm: Ông Nguyễn Tín Trung, nguyên Chủ tịch HĐTV RESCO; ông Nguyễn Phước Ngọc, nguyên Chủ tịch HĐTV, nguyên Tổng giám đốc RESCO; ông Đỗ Văn Phúc, nguyên Thành viên HĐTV, nguyên Phó Tổng giám đốc RESCO…

Liên quan vụ án xảy ra tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (CNS), Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Hoành Hoa, nguyên Chủ tịch HĐTV CNS.

Ông Nguyễn Hoành Hoa được xác định thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh để HĐTV, Ban Tổng giám đốc CNS vi phạm pháp luật khi thực hiện thoái vốn tại Công ty CP TIE, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

Thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Vũ Lê Tùng, nguyên Phó Tổng giám đốc CNS và ông Nguyễn Đức Vượng, nguyên Chánh Văn phòng CNS.

Hai cá nhân này đã thiếu trách nhiệm trong việc sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng theo quy định của pháp luật hiện hành, dẫn đến nhiều lãnh đạo, cán bộ, đảng viên thuộc Tổng công ty thực hiện trái quy định pháp luật, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Lương hưu mới sẽ truy trả vào ngày 14/8

3,4 triệu người sẽ nhận lương hưu mới cùng phần tăng thêm tháng 7 vào giữa tháng 8, khi nghị định lẫn thông tư hướng dẫn có hiệu lực.

3,4 triệu người sẽ nhận lương hưu mới cùng phần tăng thêm vào ngày 14/8

3,4 triệu người sẽ nhận lương hưu mới cùng phần tăng thêm vào ngày 14/8

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, việc thực hiện dựa trên hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và căn cứ vào thời điểm các văn bản liên quan có hiệu lực từ ngày 14/8. Như vậy, kỳ lương hưu, trợ cấp sắp tới sẽ được chi trả vào giữa tháng thay vì đầu tháng như thường lệ.

Theo quy trình, chậm nhất ngày 20 hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện sẽ chốt danh sách người nhận lương hưu, trợ cấp của tháng kế tiếp. Danh sách có người tăng thêm do mới nghỉ hưu, hoặc giảm đi do qua đời hoặc chuyển nơi nhận để đầu tháng sau chi trả trên toàn quốc.

Tháng 11/2022, Quốc hội ra Nghị quyết 69 đồng ý tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu mỗi tháng từ 1/7/2023. Trên cơ sở đó, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng tăng 12,5 - 20,8%, tùy từng nhóm.

Ngày 29/6, Chính phủ ban hành Nghị định 42 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp. Quy định thực hiện từ 1/7 song văn bản 45 ngày sau mới có hiệu lực. Vì thế, kỳ lương đầu tháng 7, người về hưu chưa được lĩnh phần lương tăng thêm đã thắc mắc với các cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương.

Đề xuất mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận

Hai cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận được doanh nghiệp kiến nghị đầu tư mở rộng giai đoạn 2 theo hình thức PPP thay cho đầu tư công.

Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vừa kiến nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải triển khai đầu tư giai đoạn 2 của Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận dài khoảng 110 km với tư cách là một dự án không tách rời, theo phương thức PPP. Nội dung này thay đổi so với phương án đầu tư mở rộng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bằng ngân sách do tỉnh Tiền Giang đề xuất năm 2011.

Theo Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 1 đã được đầu tư công với quy mô 4 làn xe. Khi thực hiện giai đoạn 2, tuyến đường sẽ được mở rộng thêm 4 làn xe, nhà đầu tư chỉ thu phí khi xe đi vào phần đường do mình đầu tư.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 đã đầu tư phương thức PPP với quy mô 4 làn xe. Khi thực hiện giai đoạn 2 sẽ thêm 2 làn xe. Các nhà đầu tư tổ chức thu phí chung, không phát sinh chi phí bù doanh thu theo hợp đồng dự án.

Nếu đầu tư công dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Chính phủ cần bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng. Với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2, Nhà nước phải chi khoảng 11.800 tỷ đồng đầu tư mở rộng và bố trí thêm vốn thanh toán cho nhà đầu tư giai đoạn 1 để bù phần hụt doanh thu do không thể thu phí.

Theo đơn vị quản lý cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, phương án đầu tư PPP sẽ giảm phần vốn nhà nước, đáp ứng được tiến độ khai thác sớm, giảm chi phí từ ngân sách cho duy tu công trình.

Hiện nay, lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận đã mãn tải, gây ùn tắc trên tuyến và mất an toàn giao thông.

Gần 19.000 công chức, viên chức thôi việc trong một năm

Toàn quốc có gần 19.000 công chức, viên chức thôi việc từ tháng 7/2022 đến hết 6/2023, tập trung nhiều nhất tại Hà Nội, TP.HCM, theo báo cáo của Bộ Nội vụ.

Cán bộ làm thủ tục hành chính tại UBND TP. Thủ Đức, TP.HCM

Cán bộ làm thủ tục hành chính tại UBND TP. Thủ Đức, TP.HCM

Theo tổng hợp của Bộ Nội vụ, năm qua bình quân mỗi tháng có 1.899 công chức, viên chức thôi việc, trong khi giai đoạn từ tháng 1/2020 - 6/2022, bình quân mỗi tháng có 1.318 người. Như vậy, số người thôi việc cơ quan nhà nước giai đoạn gần đây tăng gần 600 người mỗi tháng so với trước.

Trong số người thôi việc, có 1.967 công chức, còn lại là viên chức, tập trung chủ yếu ở các địa phương. Viên chức thôi việc nhiều nhất ở lĩnh vực giáo dục, sau đó đến y tế.

Số người thôi việc chủ yếu dưới 50 tuổi, gần một nửa số đó có trình độ đại học, 16% là thạc sỹ.

Các địa phương có số người thôi việc cơ quan nhà nước nhiều nhất là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang.

Để thay thế số người thôi việc, các bộ ngành, địa phương đã tuyển mới gần 65.000 công chức, viên chức, chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục, y tế.

Tình trạng nhiều công chức, viên chức rời bỏ cơ quan nhà nước diễn ra từ năm 2020 đến nay và có xu hướng tăng, dù các cơ quan đã đưa ra nhiều giải pháp.

Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, toàn quốc có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư.

Như vậy, trong ba năm rưỡi qua, toàn quốc có 58.500 người thôi việc cơ quan nhà nước.

Đà Nẵng rà soát gần 1.000 nhà đất công sản chưa đủ hồ sơ pháp lý

TP. Đà Nẵng được giao hoàn thiện pháp lý 996 nhà đất công sản chưa đủ hồ sơ, rà soát các khu đất bỏ hoang, bị lấn chiếm để tránh lãng phí, thất thu ngân sách.

Một khu đất công ven sông Hàn, dưới chân cầu Thuận Phước thành nơi đổ xà bần, phế thải

Một khu đất công ven sông Hàn, dưới chân cầu Thuận Phước thành nơi đổ xà bần, phế thải

Báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Đà Nẵng từ ngày 17 - 19/7, bà Phan Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách cho biết, Thành phố hiện có 1.718 cơ sở nhà đất công sản. Trong đó, 996 cơ sở chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định; 893 cơ sở chưa theo dõi hạch toán giá trị tài sản nguyên giá và giá trị còn lại.

Thành phố cũng đang xử lý một số cơ sở nhà đất kinh doanh, cho thuê và liên doanh, liên kết chưa đảm bảo quy định. Nhiều cơ sở còn bỏ trống hoặc chưa sử dụng hiệu quả ở vị trí đắc địa, một số cơ sở được chuyển về Trung tâm Quản lý và khai thác nhà để nghiên cứu cho thuê nhưng triển khai rất bị động.

"Thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng tài sản thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả không cao", bà Nhung nói và cho biết thêm, việc quản lý và khai thác quỹ đất công thực hiện chậm. Các khu đất lớn và đất chia lô ở các dự án chưa quản lý chặt chẽ nên xảy ra tình trạng đổ rác thải, xà bần gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Theo bà Nhung, việc quản lý quỹ đất cho thuê còn thiếu sót, không chặt chẽ, phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai, thất thu cho ngân sách, ảnh hưởng quyền lợi doanh nghiệp; một số cơ sở đã hết thời hạn thuê đất nhưng vẫn chưa được gia hạn hoặc thu hồi theo quy định.

Phát hiện sai phạm tại 2 dự án đường trăm tỷ ở Bình Phước

Theo kết luận thanh tra, 2 dự án đường giao thông trên địa bàn thị xã Chơn Thành và huyện Hớn Quản (Bình Phước) trong công tác thẩm định dự toán chưa phù hợp, làm tăng chi phí công trình, tự ý cập nhật hướng tuyến trên bản đồ kế hoạch sử dụng đất.

Dự án đường trục chính từ Tân Khai đi Phước An và Tân Quan

Dự án đường trục chính từ Tân Khai đi Phước An và Tân Quan

Ngày 18/7, UBND tỉnh Bình Phước ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường giao thông tại thị xã Chơn Thành và huyện Hớn Quản.

Theo kết luận thanh tra, Dự án đường từ trung tâm hành chính Chơn Thành đi xã Quang Minh kết nối KCN Becamex dài 5.378 m (công trình cấp IV) do UBND thị xã Chơn Thành làm chủ đầu tư với vốn đầu tư được phê duyệt 100 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra chỉ ra, Dự án thiếu báo cáo thẩm định của chủ đầu tư trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; chủ đầu tư không phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu; chậm đăng tải quyết định lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đặc biệt, dự toán bị sai tăng dự toán chi phí đầu tư hơn 1,85 tỷ đồng.

Đối với Dự án đường trục chính từ Tân Khai đi Phước An và Tân Quan (ĐH Tân Khai - Quang Minh) được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình với chiều dài 4.264 m vào ngày 5/3/2021.

Tổng giá trị xây dựng công trình là 180 tỷ đồng. Hiện nay, công trình đang thi công cấp phối, cống dọc và dải phân cách được 3 đoạn không liền nhau với tổng chiều dài khoảng 470 m. Dự án này cũng bị sai tăng dự toán chi phí đầu tư với số tiền là 2,2 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu, thị xã Chơn Thành và huyện Hớn Quản kiểm điểm các cá nhân, phòng, ban trực thuộc liên quan đến việc làm tăng chi phí dự toán công trình đã nêu và có hình thức xử lý theo quy định.

Đối với UBND huyện Hớn Quản, kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, phòng, ban trực thuộc liên quan đến việc tự ý cập nhật hướng tuyến đường ĐH Tân Khai - Quang Minh; dự án chưa trình phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng xong nhưng đã thi công 3 đoạn không liền nhau với tổng chiều dài khoảng 470 m.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư