Bản tin thời sự sáng 19/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội hoãn học trực tiếp với học sinh tiểu học và lớp 6 ở 12 quận nội thành; TP.HCM cải tạo khu vực hồ Con Rùa vào tháng 4; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nguy cơ chậm tiến độ do vướng mặt bằng…

Hà Nội hoãn học trực tiếp với học sinh tiểu học và lớp 6 ở 12 quận nội thành

Chiều ngày 18/2, UBND TP. Hà Nội quyết định hoãn kế hoạch học trực tiếp từ 21/2 với trẻ tiểu học và lớp 6 đến khi có thông báo mới.

Hà Nội quyết định hoãn kế hoạch học trực tiếp từ 21/2 với trẻ tiểu học và lớp 6

Hà Nội quyết định hoãn kế hoạch học trực tiếp từ 21/2 với trẻ tiểu học và lớp 6

Theo tờ trình chiều ngày 18/2 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, gần đây, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng tăng. Cùng với đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các nơi thuộc Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, khu vực Hà Nội sẽ có những ngày rét đậm, rét hại dẫn đến việc cha mẹ học sinh còn băn khoăn, lo lắng khi cho con đến trường. Tỷ lệ đồng thuận của cha mẹ học sinh chưa cao trong việc cho con em trở lại trường học trực tiếp.

Với những lý do trên, để đảm bảo an toàn và sức khỏe của học sinh, UBND Thành phố đã phê duyệt đề xuất của Sở, cho 400.000 học sinh lớp 1 - 6 ở 12 quận nội thành tiếp tục học trực tuyến đến khi có thông báo mới.

Từ tháng 5/2021, hơn 2,2 triệu học sinh phổ thông và trẻ mầm non ở Hà Nội dừng đến trường vì Covid-19 bùng phát. Sau nửa năm, Thành phố dần cho học sinh đi học trở lại với quy mô và thời điểm khác nhau.

Học sinh khối 9 tại 18 huyện, thị ngoại thành được trở lại trường từ tháng 11/2021. Hai tuần sau, học sinh khối 12 cũng học trực tiếp. Đến ngày 8 và 10/2, Thành phố lần lượt cho học sinh từ lớp 7 đến 11, tiểu học và lớp 6 học trực tiếp.

TP.HCM cải tạo khu vực hồ Con Rùa vào tháng 4

Công trình nâng cấp, cải tạo vỉa hè xung quanh khu vực hồ Con Rùa với kinh phí 50 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa sẽ được thực hiện từ tháng 4/2022.

Việc cải tạo vỉa hè xung quanh khu vực hồ Con Rùa được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa

Việc cải tạo vỉa hè xung quanh khu vực hồ Con Rùa được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa

Chủ tịch UBND Quận 3 Võ Văn Đức cho biết, chính quyền Thành phố đã chấp thuận chủ trương cho phép Quận 3 cải tạo, nâng cấp vỉa hè xung quanh khu vực hồ Con Rùa bằng nguồn vốn xã hội hóa. Quận đang khẩn trương tiến hành các đầu việc để có thể khởi công vào tháng 4 hoặc sớm nhất có thể.

Theo đề xuất trước đó, UBND Quận 3 dự tính sẽ lát đá granite cho hơn 5.100 m2 vỉa hè xung quanh hồ, gồm các tuyến đường: Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ Nguyễn Thị Minh Khai đến Công trường Quốc tế); Trần Cao Vân (từ Hai Bà Trưng đến Công trường Quốc tế); Võ Văn Tần (từ Công trường Quốc tế đến Pasteur) và vỉa hè vòng xoay Công trường.

Tổng chiều dài vỉa hè lát đá khoảng 750 m, rộng 5 - 6 m. Một số đoạn có vỉa hè rộng được bố trí thêm mảng xanh.

Trước đó, cuối năm 2020, Quận 3 đề xuất làm phố đi bộ chất lượng cao ở khu vực hồ Con Rùa với tổng diện tích 19.500 m2, gồm 5 khu chức năng: đài nước ở trung tâm hồ; trình diễn ở đường Phạm Ngọc Thạch; văn hoá - triển lãm ở đường Võ Văn Tần; ẩm thực ở đường Trần Cao Vân; giải trí ở đường Phạm Ngọc Thạch. Tuy nhiên, hiện công trình chưa được triển khai.

Khu vực hồ Con Rùa có tên là Công trường Quốc tế, là nút giao của đường Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân và Võ Văn Tần. Xung quanh hồ có nhiều nhà hàng, quán bar, cà phê, là nơi được nhiều người dân, du khách đến vui chơi, giải trí.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương mở lại dịch vụ karaoke, vũ trường

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành về việc tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trong điều kiện bình thường mới.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cần tuân thủ nghiêm hướng dẫn của địa phương về các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19. Ảnh minh họa

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cần tuân thủ nghiêm hướng dẫn của địa phương về các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19. Ảnh minh họa

Ngày 18/2, Bộ VH,TT&DL có văn bản về việc tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trong điều kiện bình thường mới.

Theo đó, Bộ VH,TT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành căn cứ kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại mỗi địa phương, khu vực để xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch mở cửa lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Hướng dẫn các điều kiện đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch trước khi tổ chức hoạt động trở lại dịch vụ karaoke, vũ trường.

Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh tuân thủ nghiêm hướng dẫn của địa phương về các biện pháp vệ sinh phòng, chống lây nhiễm Covid-19 tại khu vực cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường (khử khuẩn, thông khí...). Đối với người tham gia dịch vụ cần thực hiện nghiêm 5K, tiêm phòng vắc xin đủ liều, không cung cấp dịch vụ cho người đang có triệu chứng mắc Covid-19 (ho, sốt...).

Bộ VH,TT&DL cũng đề nghị các địa phương tổ chức triển khai phương án kiểm tra, rà soát các biện pháp vệ sinh, phòng, chống lây nhiễm tại khu vực cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường. Xây dựng kế hoạch dự phòng với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong khu vực cung cấp dịch vụ để khoanh vùng gọn, không để lây lan ra cộng đồng...

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nguy cơ chậm tiến độ do vướng mặt bằng

11 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng khiến Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có nguy cơ chậm tiến độ.

Nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km đi qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, trong đó đoạn qua Đồng Nai dài hơn 51 km. Dự kiến cao tốc hoàn thành vào tháng 9/2022.

Để phục vụ đầu tư Dự án, Đồng Nai thu hồi 431 ha của hơn 1.200 hộ dân và 8 tổ chức ở ba huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TP. Long Khánh. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Quế cho biết, đến nay địa phương đã bàn giao cho Chủ đầu tư 99,8% diện tích. Toàn Dự án hiện còn 11 hộ dân (gồm 4 hộ có 3 ha tại huyện Thống Nhất và 7 hộ tại huyện Cẩm Mỹ) chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng.

Các hộ dân ở huyện Thống Nhất chưa đồng ý nhận tiền bồi thường do còn có những khiếu nại về giá, vị trí đất và đề nghị nâng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.

Trong khi đó, 7 hộ dân tại huyện Cẩm Mỹ chưa bàn giao mặt bằng do khiếu nại về thời hạn thông báo thu hồi đất không đảm bảo thời gian theo quy định. Đồng thời, những hộ này khiếu nại về giá đất, giá bồi thường tài sản, cây trồng khi thực hiện thu hồi đất.

Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu chính quyền huyện Thống Nhất và Cẩm Mỹ củng cố hồ sơ đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, đồng thời vận động các hộ dân lần cuối đồng thuận với chủ trương chính sách của Nhà nước để nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư. Trường hợp 7 hộ dân huyện Cẩm Mỹ không đồng thuận, đề nghị cơ quan, ban ngành có trách nhiệm thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính thu hồi đất ngay trong tháng 2.

Đà Nẵng sẽ đón khách quốc tế trên chuyến bay đầu tiên vào ngày 27/3

Đà Nẵng sẽ đón du khách quốc tế đến Thành phố trên chuyến bay quốc tế đầu tiên vào ngày 27/3 năm nay sau gần 2 năm phải đóng cửa vì dịch Covid-19.

Đà Nẵng sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại

Đà Nẵng sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại

Ngay sau khi có chủ trương mở cửa lại đường bay quốc tế, các hãng hàng không đã lên kế hoạch khôi phục đường bay quốc tế tới Đà Nẵng. Theo đại diện hãng hàng không Singapore Airlines, vào ngày 27/3, hãng sẽ đưa đoàn khách quốc tế đầu tiên tới Đà Nẵng.

Đại diện các hãng hàng không mong muốn TP. Đà Nẵng sớm công bố tình hình kiểm soát dịch bệnh, mở cửa lại tất cả các dịch vụ vui chơi, giải trí ở các khu, điểm; công bố quy trình tiếp nhận và xử lý đối với khách quốc tế khi là F0; xóa bỏ mọi hạn chế khi đến Đà Nẵng để du khách yên tâm đến với Thành phố. Nếu chậm triển khai, Đà Nẵng sẽ mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch mà còn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, 45% số cơ sở lưu trú tại Thành phố mở cửa phục vụ khách và 150 đơn vị lữ hành đang hoạt động trở lại. Trung tuần tháng 3, các khu, điểm du lịch mở cửa trở lại với nhiều sản phẩm du lịch mới.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết, Đà Nẵng đã sẵn sàng mở cửa đón du khách và đề nghị các hãng hàng không trong tháng 3 tới tổ chức được vài chuyến bay đón khách quốc tế tới Thành phố, sớm khôi phục lại ngành du lịch vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Khởi công 2 tháng, dự án quốc lộ chưa có mặt bằng thi công

Dự án mở rộng gần 20 km Quốc lộ 1A qua tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng khởi công cuối năm 2021 nhưng đến nay chưa được bàn giao mặt bằng để thi công.

Đoạn Quốc lộ 1A qua TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang nhỏ hẹp, xuống cấp

Đoạn Quốc lộ 1A qua TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang nhỏ hẹp, xuống cấp

Công trình có điểm đầu tại TP. Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), điểm cuối tại huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng), tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua Hậu Giang gần 9 km, Sóc Trăng 11 km. Khởi công ngày 30/12/2021, Dự án mở đường từ 11 m lên 20 m với 4 làn xe, vận tốc 80 km/h, hoàn thành sau một năm.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải), đến nay Dự án chỉ mới triển khai các công việc như rà phá bom mìn, vật nổ; bàn giao hệ thống tim, mốc; thành lập các văn phòng hiện trường... Về giải phóng mặt bằng, đến nay, Chủ đầu tư và tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng gần như chưa bàn giao được km nào cho đơn vị thi công.

Đoạn thuộc tỉnh Hậu Giang đến nay đã chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho 236 trong tổng số 442 hộ dân bị ảnh hưởng, diện tích thu hồi hơn 5,3 ha. Tại Sóc Trăng, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh này đã phê duyệt hồ sơ cho 940 trong tổng số 988 hộ bị ảnh hưởng, với tổng diện tích thu hồi hơn 1,9 ha.

Cơ quan chức năng Hậu Giang dự kiến sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng thi công trong quý I/2022 và giao phần còn lại trong quý II. Còn tỉnh Sóc Trăng hiện bắt đầu chi trả tiền bồi thường cho 187 hộ dân và sẽ bàn giao khoảng 1,8 km cuối tuyến tại thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành. Tiếp đó, Tỉnh chi trả cho các hộ dân còn lại, bàn giao mặt bằng trong đầu quý II.

Ông Bùi Đức Hòa (Trưởng phòng Điều hành Dự án) cho biết, tất cả hợp đồng thi công xây dựng hiện nay được Ban Quản lý dự án ký trong thời gian một năm. Dự án được khởi công từ năm 2021, nghĩa là đến tháng 12/2022 là hoàn thành nhưng theo tiến độ hiện nay, công trình nguy cơ bị chậm.

Chuyên đề