Bản tin thời sự sáng 19/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM; Công an vào cuộc vụ trúng đấu giá hơn 79.000 m2 "đất vàng" ở Bà Rịa - Vũng Tàu; tàu Cát Linh - Hà Đông sắp chạy thử để nghiệm thu; hơn 100 bộ đội nắn dòng sông Rào Trăng tìm người mất tích…

Xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM

Ba thành phố lớn ở ba miền sẽ xây dựng chính quyền đô thị từ tháng 7/2021 nhằm tinh gọn bộ máy và giải quyết nhanh chóng các vấn đề của người dân.

Hồ Hoàn Kiếm - một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội

Hồ Hoàn Kiếm - một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua nghị quyết xây dựng chính quyền đô thị ở TPHCM. Trước đó, tháng 11/2019 và tháng 6/2020, Quốc hội cũng đã lần lượt thông qua hai nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Đà Nẵng.

Theo Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn, mô hình chính quyền đô thị ở cả ba thành phố có điểm chung là tinh gọn bộ máy, không tổ chức Hội đồng nhân dân một số cấp nhằm mục đích tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của đô thị.

Đều là chính quyền đô thị, ba mô hình ở ba thành phố lại có những điểm khác nhau. Cụ thể, Hà Nội chỉ bỏ HĐND phường; Đà Nẵng và TP.HCM bỏ cả HĐND ở phường và quận. Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng mô hình chính quyền hai cấp đô thị (thành phố, quận), còn TP.HCM và Đà Nẵng là chính quyền địa phương một cấp (thành phố).

Điểm khác biệt lớn nhất của chính quyền đô thị TP.HCM với chính quyền đô thị ở Hà Nội và Đà Nẵng là mô hình thành phố thuộc thành phố.

Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM. Dù thời gian thông qua khác nhau, Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM sẽ cùng bắt đầu xây dựng chính quyền đô thị từ tháng 7/2021.

Công an vào cuộc vụ trúng đấu giá hơn 79.000 m2 "đất vàng" ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được giao phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và các sở, ngành có liên quan rà soát, thẩm tra mối quan hệ giữa các đối tượng người tham gia đấu giá...

Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành đấu giá nhiều khu đất có vị trí đắc địa. Ảnh minh hoạ.

Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành đấu giá nhiều khu đất có vị trí đắc địa. Ảnh minh hoạ.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản gửi Công an Tỉnh, Sở Tư pháp, Sở TN&MT, Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh về kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất khu đất diện tích 79.481 m2 (thuê đất trả tiền một lần) tại khu An Hải - An Hội, huyện Côn Đảo.

Theo đó, UBND Tỉnh đã giao Công an Tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, Sở TN&MT và các sở, ngành có liên quan rà soát, thẩm tra mối quan hệ giữa các đối tượng người tham gia đấu giá, người trực tiếp bỏ giá tại cuộc đấu giá, thống nhất phương án xử lý và đề xuất giải pháp đấu giá trong thời gian tới.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở TN&MT, Sở Tư pháp rà soát, cung cấp hồ sơ, thông tin liên quan các đối tượng người tham gia đấu giá, người trực tiếp bỏ giá tại cuộc đấu giá, gửi về cho Công an Tỉnh. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/11/2020.

Trước đó, Sở TN&MT có văn bản về kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất khu đất diện tích 79.481,9 m2, trong đó xác định có sự trùng hợp về địa điểm, công chứng ủy quyền, thời gian và địa điểm xác nhận tài khoản ngân hàng của 2 người tham gia đấu giá.

Hồi đầu năm 2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bán đấu giá nhiều "khu đất vàng". Các khu đất này chủ yếu ở TP. Vũng Tàu và huyện Côn Đảo.

Trong đó, các khu đất đang bán tại huyện Côn Đảo là khu đất An Hải - An Hội có diện tích hơn 79.400 m2, giá khởi điểm 537,1 tỷ đồng. Sau đó, Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát đã trúng đấu giá lô đất này với giá 537,330 tỷ đồng.

Tàu Cát Linh - Hà Đông sắp chạy thử để nghiệm thu

Tuần đầu tiên tháng 12, đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày để đánh giá an toàn.

Tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thử liên động trên ray vào cuối năm 2018

Tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thử liên động trên ray vào cuối năm 2018

Ngày 18/11, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, việc vận hành thử toàn hệ thống đóng vai trò quan trọng để đơn vị tư vấn Pháp đưa ra các đánh giá, phục vụ nghiệm thu.

Khi hoàn thành xây lắp vào cuối năm 2018, tàu Cát Linh - Hà Đông từng chạy thử liên động để khớp nối các hạng mục thiết bị. Tuy nhiên, lúc đó việc này không có sự tham gia của nhiều nhân sự. Tại lần chạy thử sắp tới, toàn bộ nhân sự vận hành tuyến tàu điện với khoảng 800 người, trong đó 200 người của tổng thầu Trung Quốc, sẽ được huy động; tất cả hạng mục trong nhà ga hoạt động giống như khai thác thương mại để đánh giá an toàn, nghiệm thu.

Cũng theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt, căn cứ kết quả vận hành thử, trong quý I/2021, Liên danh tư vấn độc lập Pháp dự kiến cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho Dự án, sau đó, Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư) sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho TP. Hà Nội quản lý, vận hành.

Cùng với nhóm chuyên gia trên, Tổng thầu Trung Quốc đã đưa gần 100 người sang Dự án. Đây là các chuyên gia kỹ thuật, giám sát thiết bị của Dự án.

Hiện nay, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xây dựng và lắp đặt thiết bị trên toàn tuyến.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km gồm 12 ga và một khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ đồng.

Thừa Thiên Huế: Hơn 100 bộ đội nắn dòng sông Rào Trăng tìm người mất tích

Bốn xe múc cùng hơn 100 bộ đội vận chuyển rọ đá để đắp đập nắn dòng sông Rào Trăng, tìm kiếm 12 công nhân đang mất tích.

Bộ đội thực hiện việc nắn dòng sông Rào Trăng

Bộ đội thực hiện việc nắn dòng sông Rào Trăng

Chiều 18/11, lực lượng chức năng cùng xe chở rọ đá vào đến thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) để tiếp tục tìm kiếm 12 nạn nhân còn mất tích. Thời gian qua việc tìm kiếm tạm dừng do thời tiết xấu.

Ngay khi quay lại hiện trường, các chiến sĩ công binh lội bùn, thay phiên nhau đưa các rọ đá xuống khu vực sẽ đắp đập để nắn dòng sông Rào Trăng. Hai kỹ sư xây dựng cầu đường của Sở Giao thông vận tải tham gia đánh dấu vị trí múc đất, tạo dòng chảy mới cho sông.

Sau khi hai kỹ sư đánh dấu vị trí, 4 xe múc liên tục đào đất, tuy nhiên dòng sông Rào Trăng chảy xiết, nhiều khối đá lớn gây khó khăn cho việc nắn dòng.

Lực lượng chức năng phát hiện nhiều khối bê tông lớn nằm dưới suối, khu vực nghi nhóm công nhân bị vùi lấp.

Theo kế hoạch, ngày 19/11, lực lượng chức năng tiếp tục triển khai xếp rọ đá ngăn đập, nắn dòng sông Rào Trăng. 3 chó nghiệp vụ được huy động tham gia đánh hơi tìm kiếm người mất tích.

Cướp ngân hàng ở Bình Dương

Người đàn ông cầm vật giống súng đe dọa nhân viên ngân hàng ở Bình Dương nhưng không cướp được tiền.

Công an đến ngân hàng điều tra vụ cướp

Công an đến ngân hàng điều tra vụ cướp

Chiều 18/11, Công an thị xã Bến Cát, Bình Dương phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bình Dương đang điều tra vụ cướp ngân hàng ở phường Tân Định.

Trưa cùng ngày, một người đàn ông đi xe máy đến chi nhánh Ngân hàng SHB nằm trên đường ĐT 741, thuộc phường Tân Định, thị xã Bến Cát.

Sau đó, người này cầm vật giống súng ép nhân viên đưa tiền. Những người có mặt nói tiền để trong két sắt và không biết mật khẩu.

Tên cướp ra lệnh cho nhân viên kéo hộc tủ ra kiểm tra nhưng không thấy tiền. Nghe tiếng bảo vệ tri hô, tên này bỏ chạy ra khỏi rồi lên xe máy tẩu thoát.

Nhà chức trách đang trích xuất hình ảnh camera an ninh dọc tuyến đường nghi can bỏ trốn để truy bắt.

Ba dự án đề xuất lấy rừng tự nhiên bị từ chối

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa từ chối ba dự án đề xuất chuyển đổi đất rừng ở các tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Thuận.

Tuyến đường được mở từ UBND xã Trà Linh lên nóc Măng Lùng nằm trên núi Ngọc Linh, Quảng Nam

Tuyến đường được mở từ UBND xã Trà Linh lên nóc Măng Lùng nằm trên núi Ngọc Linh, Quảng Nam

Ngày 18/11, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng hơn 38 ha rừng để thực hiện dự án khai thác mỏ đá vôi nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền II của Nhà máy Xi măng Duyên Hà (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư).

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho rằng, diện tích rừng này thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, việc chuyển đổi để khai thác khoáng sản là trái quy định tại Nghị định 83 về thi hành Luật Lâm nghiệp. Do vậy, dự án trên không được chuyển đổi rừng.

Tỉnh Bình Thuận đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110 kV, quy mô 45,41 ha. Tờ trình của tỉnh này nêu thông tin về 28,52 ha rừng tự nhiên, diện tích còn lại chưa có thông tin cụ thể; chưa thống nhất với diện tích nêu trong báo cáo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng rừng nằm trong Dự án.

Ngoài ra, bản đồ trong hồ sơ dự án không thể hiện rõ hiện trạng tổng thể, thời điểm lập. Vì vậy, Bộ NN&PTNT cho rằng, Dự án chưa đủ điều kiện xem xét, thẩm định trình Thủ tướng việc chuyển mục đích sử dụng rừng.

Tỉnh Quảng Nam đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đường giao thông đến vùng phát triển sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, Tỉnh chưa làm rõ diện tích rừng tự nhiên đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng. Do đó, Bộ chưa có cơ sở để xác định Dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên.

Chuyên đề