Đêm 18/10 và ngày 19/10, lũ đặc biệt lớn xuất hiện ở Quảng Bình, Quảng Trị
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong ngày 18/10, tỉnh Quảng Trị đã có mưa đặc biệt to, lượng mưa tại Hướng Sơn 455 mm, Hướng Linh 448 mm, Gia Vòng 243 mm... Lũ trên trên các sông ở Quảng Trị đang lên nhanh.
Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ và phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị |
Từ 11 giờ ngày 18/10 đến 21 giờ ngày 18/10, mực nước trên các sông Hiếu tại trạm Đông Hà lên mức là 5,7 m, trên báo động 3 là 1,7m, cao hơn đỉnh lũ ngày 8/10/2020 (4,69m).
Trên sông Thạch Hãn tại trạm Thạch Hãn lên mức 7,7m, trên báo động 3 là 1,7m, cao hơn lũ lịch sử năm 1999 là 0,41m. Các sông khác ở Quảng Trị lên mức báo động 3 và trên báo động 3.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, ngập lụt tại huyện Đắkrông, Hướng Hóa. Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, khu đô thị tại tỉnh Quảng Trị tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Cam Lộ, thành phố Đông Hà…
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 18/10 đến ngày 20/10, ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa từ 400 - 600 mm; ở Nghệ An 100 - 200 mm, riêng phía Nam có nơi trên 300 mm.
Trong ngày 18/10, lũ trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục lên rất nhanh, các sông ở Quảng Trị dao động ở mức cao (trên báo động 3). Đêm 18/10 và ngày 19/10, trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị mực nước sẽ lên vượt mức báo động 3, lũ đặc biệt lớn sẽ xuất hiện, không ngoại trừ các sông tiếp tục lên vượt mức lịch sử.
Giao thông qua Quảng Bình, Quảng Trị bị chia cắt
Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và đường sắt Bắc - Nam qua Quảng Bình, Quảng Trị bị sạt lở, ngập sâu 0,5 - 2 m, phương tiện không thể qua lại.
Nhiều tuyến đường ngập sâu ở Quảng Bình phải phong tỏa |
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua Quảng Trị ách tắc tại nhiều khu vực do lở núi. Đoạn Km219 thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, nơi Sư đoàn 337 đóng quân có 22 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn, vẫn bị chia cắt, giao thông nguy hiểm kể cả đi bộ.
Cục Quản lý đường bộ 2 đã huy động nhiều công nhân, hơn 20 máy xúc và ôtô, cùng rọ thép, đá hộc để sửa đường.
Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Trị có nơi ngập sâu 1 - 2m, lực lượng chức năng tổ chức chốt chặn, hướng dẫn phương tiện di chuyển qua nhiều tuyến đường vòng, tránh những nơi ngập nặng.
Tại trung tâm TP Đông Hà (Quảng Trị), nhiều tuyến đường bị ngập nặng, người dân phải sử dụng ghe di chuyển trong thành phố.
Thị xã Quảng Trị cũng trong cảnh tương tự, các tuyến đường trung tâm như Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng... đang ngập sâu một mét.
Tại Quảng Bình, trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đoạn qua Troóc, huyện Bố Trạch, nước ngập 0,5 m từ Km945 đến Km946 gây tắc đường.
Hiện quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Bình tại Km673 - Km698, Km681, Km 686... bị ách tắc do mức nước nước sâu 1 - 1,5 m.
Trên tuyến đường sắt Bắc Nam, nước chảy xiết gây trôi đá đoạn khu gian Hà Thanh - Tiên An (Quảng Trị), nên đã bị phong tỏa từ rạng sáng 18/10.
Đề xuất đầu tư hơn 13.000 tỷ xây cao tốc Vân Phong - Nha Trang
Cao tốc dài 83 km này là một trong 10 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.
Cao tốc Vân Phong - Nha Trang sẽ kết nối với đường dẫn vào hầm Cổ Mã |
Ban Quản lý dự án 7 vừa trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, tuyến cao tốc có chiều dài 83 km, phân kỳ 4 làn xe hạn chế với bề rộng nền đường 17 m, cứ 4 - 5 km thì bố trí một đoạn dừng xe khẩn cấp. Tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 585 ha.
Dự án tiếp nối cao tốc Tuy Hòa - Vân Phong ở nút giao phía nam hầm Cổ Mã (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) và kết nối với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm ở nút giao với Quốc lộ 27C (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa).
Ban Quản lý dự án 7 đề xuất tổng mức đầu tư khoảng 13.192 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 8.170 tỷ đồng, được đầu tư bằng hình thức PPP. Với phương án thu phí trong 20 năm, phần vốn Nhà nước tham gia khoảng 4.000 tỷ đồng, tương đương 31,42%. Nếu thời gian thu phí dự kiến 15 năm, Nhà nước phải tham gia tối thiểu 6.550 tỷ đồng, tức 50,61%.
107 doanh nghiệp thua lỗ, Chính phủ đề nghị phương án xử lý dứt điểm
Trước thực trạng có 107/818 doanh nghiệp có vốn Nhà nước kinh doanh bị lỗ (chiếm 13%) năm 2019, Chính phủ đề nghị có phương án xử lý dứt điểm với từng dự án.
Nhà máy Đạm Ninh Bình phải đắp chiếu vì càng sản xuất càng lỗ từ tháng 3/2016 đến nay |
Trong báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN năm 2019, Chính phủ cho biết tính đến hết năm tài chính 2019, có 818 DN có vốn Nhà nước. Trong đó, có 491 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (DNNN); 327 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.
Tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 818 DN là 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2018. Tổng tài sản của các DN có vốn Nhà nước đạt 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2018.
Có 107/818 DN có kết quả kinh doanh bị lỗ (chiếm 13% tổng số DN có vốn Nhà nước).
Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước của các DN có vốn Nhà nước là 396.356 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2018.
Các hãng hàng không Việt Nam đồng loạt nhận chuyển hàng cứu trợ ra miền Trung miễn phí
Nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức từ thiện vận chuyển hàng cứu trợ đến với đồng bào miền Trung bị lũ lụt nhanh hơn, nhiều hãng bay và đơn vị vận chuyển thông báo miễn phí hàng cứu trợ kể từ ngày 18/10.
Doanh nghiệp hàng không, vận tải miễn phí chuyển hàng cứu trợ ra miền Trung |
Ngày 18/10, Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet, Vasco và Bamboo Airways cho biết hàng hóa cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung sẽ được đặt giữ chỗ và ưu tiên vận chuyển trên các chuyến bay từ Hà Nội và TP.HCM đi các tỉnh miền Trung. Các hãng sẽ miễn phí cước vận chuyển, phụ thu nhiên liệu và các phí liên quan đến vận chuyển các hàng hóa này bằng đường hàng không.
Chương trình được áp dụng đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, ủy ban nhân dân các tỉnh/ thành phố, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam các cấp, các quỹ từ thiện (được cơ quan nhà nước cấp phép thành lập, công nhận điều lệ).
Tàu chở hàng mắc cạn đã bị sóng đánh gãy đôi
Tàu hàng JAKATA bị sóng biển đánh trôi dạt vào bờ biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 18/10, lực lượng Đồn Biên phòng Lăng Cô (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã phát hiện tàu JAKATA gãy đôi tại vị trí mắc cạn, phần đầu và đuôi tàu cách nhau khoảng 25 m.
Tàu hàng JAKATA mắc cạn đã bị sóng đánh gãy đôi |
Được sự thông báo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế, Công ty CP Asiatrans Việt Nam (đơn vị đại lý cho tàu JAKATA) đã thông báo cho Công ty CP Dịch vụ biển Tân Cảng và thuê hai tàu gồm tàu Vạn Hoa VH779 của Vùng 3 Hải quân và tàu 52-71-01 của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung ra vị trí tàu JAKATA bị mắc cạn để tiếp cận, nếu có dầu rò rỉ lực lượng sẽ triển khai quây phao ứng phó.
Khoảng 16 giờ ngày 18/10, hai chiếc tàu trên đã đến khu vực tàu JAKATA bị nạn nhưng chưa tiếp cận được do sóng lớn và đá ngầm, hiện chưa phát hiện dầu loang.
Trước đó, ngày 10/10, trong quá trình tuần tra, kiểm soát địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô đã phát hiện có 1 tàu hàng mang nhãn hiệu JAKATA bị sóng biển đánh dạt vào khu vực Bãi Cả thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại thời điểm đó, tàu JAKATA không có người và hàng hóa. Tàu JAKATA có chiều dài khoảng 70m, cao 25m (7 tầng), bề ngang 30m.
Cổ phần hóa chậm chạp, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo
Chỉ 7/98 doanh nghiệp nằm trong danh sách cổ phần hóa năm 2020 được cổ phần hóa.
Còn tới 91 doanh nghiệp nằm trong danh sách cổ phần hóa từ nay đến cuối năm |
Số liệu được Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa công bố cho thấy, tiến độ cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện còn rất chậm khi 9 tháng đầu năm 2020 chỉ mới 7 DN được cổ phần hóa.
Trong khi đó, còn tới 91 doanh nghiệp nằm trong danh sách cổ phần hóa trong năm 2020, trong khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là hết năm.
Cụ thể, TP. Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP.HCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch.
Còn lại, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (3 tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 tổng công ty.
Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong 9 tháng đầu năm 2020 là chậm. Do đó, việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp theo kế hoạch trong 3 tháng còn lại của năm 2020 là khó khả thi.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN.