Bản tin thời sự sáng 18/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quảng Ninh dự kiến cấp điện trở lại cho toàn tỉnh vào ngày 20/9; vàng miếng SJC lên 82 triệu đồng; hủy gần 80 chuyến tàu do bão lũ, đường sắt thiệt hại 28 tỷ đồng; 8 vị trí chưa thể lưu thông trên các tuyến quốc lộ…

Quảng Ninh dự kiến cấp điện trở lại cho toàn tỉnh vào ngày 20/9

Để khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra, ngành điện đang dồn mọi nguồn lực với quyết tâm cao độ, khôi phục để có thể cấp điện cho 100% người dân Quảng Ninh theo đúng dự kiến.

Thi công sửa chữa lưới điện trên địa bàn phường Hà Tu, thành phố Hạ Long

Thi công sửa chữa lưới điện trên địa bàn phường Hà Tu, thành phố Hạ Long

Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết, dự kiến, toàn tỉnh Quảng Ninh sẽ được cấp điện trở lại vào ngày 20/9.

Để khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra, ngành điện đang dồn mọi nguồn lực với quyết tâm cao độ, khôi phục để có thể cấp điện cho 100% người dân Quảng Ninh theo đúng dự kiến nêu trên.

Tính đến 15h ngày 16/9, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 51/59 đường dây 110kV được khôi phục vận hành, 30/30 trạm biến áp 110kV đã đóng điện, 161/180 đường dây trung áp được khôi phục vận hành.

Công ty Điện lực Quảng Ninh đã cấp điện trở lại cho trên 366.000 khách hàng (chiếm tỷ lệ 80%) và hiện còn khoảng 95.000 khách hàng đang mất điện.

Trong số đó có một số địa phương tỷ lệ cấp điện đã đạt trên 90% như thành phố Móng Cái đạt 100% số khách hàng, huyện Hải Hà đạt 99,1%, huyện Bình Liêu đạt 98% và huyện Ba Chẽ đạt tỷ lệ 92%.

Những địa phương còn lại là Hạ Long, Uông Bí, Vân Đồn, Cẩm Phả, Tiên Yên, Đông Triều tỷ lệ cấp điện trở lại đạt từ 71 - 89%.

Riêng có thị xã Quảng Yên, tỷ lệ số hộ dân được cấp điện trở lại sau bão số 3 là thấp nhất toàn tỉnh với trên 35% khách hàng. Nguyên nhân chính là do địa phương này bị thiệt hại nặng nề trong bão số 3, có khoảng 500 cột điện hạ, trung thế, 2 trạm điện Phong Cốc, Phong Hải bị gãy đổ.

Trước đó, cơn bão số 3 đã làm tê liệt toàn bộ lưới điện của tỉnh Quảng Ninh với 54 trạm biến áp trung áp bị hư hỏng, trên 1.000 cột trung áp bị gãy, đổ, gần 2.700 cột điện hạ áp bị hư hỏng, tập trung chủ yếu trên địa bàn các địa phương sau Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều.

Vàng miếng SJC lên 82 triệu đồng

Giá vàng miếng tăng thêm 1,5 triệu, lên 82 triệu đồng một lượng khi thế giới lập đỉnh phiên thứ ba liên tiếp.

Vàng miếng SJC lên 82 triệu đồng

Vàng miếng SJC lên 82 triệu đồng

Sáng 17/9, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở 80 - 82 triệu đồng mỗi lượng. Đây là mức cao nhất từ khi Ngân hàng Nhà nước thay đổi cách bình ổn thị trường từ đầu tháng 6, thông qua bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh và SJC thay vì đấu thầu. Mỗi lượng vàng đắt hơn 1,5 triệu đồng so với hôm qua.

4 nhà băng quốc doanh và SJC được phép bán chênh tối đa 1 triệu đồng so với giá họ mua từ Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, mức bán ra từ cơ quan quản lý cho các đơn vị kinh doanh khoảng 81 triệu đồng một lượng.

Một số thương hiệu khác, như Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh giá loại vàng này lên ngang với SJC.

Cùng với vàng miếng, nhẫn tròn trơn 24K cũng neo ở mức đỉnh. Tại SJC, loại này quanh 77,9 - 79,2 triệu đồng mỗi lượng. Mức này đắt hơn 16,25 triệu đồng (khoảng 26%) so với đầu năm.

Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, mỗi lượng vàng trên thị trường quốc tế hơn 77 triệu đồng. Theo đó, vàng miếng SJC hiện cao hơn thế giới khoảng 5 triệu, còn nhẫn trên 2 triệu đồng.

Hủy gần 80 chuyến tàu do bão lũ, đường sắt thiệt hại 28 tỷ đồng

Vận tải đường sắt thiệt hại 28 tỷ do bão lũ trong nhiều ngày, phải dừng chạy cả tàu khách, tàu hàng.

Cây đổ vào đường sắt Bắc - Nam đợt bão số 3

Cây đổ vào đường sắt Bắc - Nam đợt bão số 3

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng bão số 3 và mưa lũ kéo dài trên các tỉnh phía Bắc, các tuyến bị hư hỏng nặng hạ tầng, thông tin tín hiệu, phải dừng chạy tàu khách, tàu hàng để khắc phục.

Trong đó, từ ngày 7 - 14/9 phải bãi bỏ trên 22 chuyến tàu hàng, trên 54 chuyến tàu khách, dẫn đến thiệt hại doanh thu vận tải đường sắt ước tính 28 tỷ đồng.

Thông tin thêm, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, chỉ riêng đơn vị này đã phải tạm dừng chạy đến 49 chuyến tàu khách trên các tuyến Thống nhất, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai. Nhiều hành khách trả vé, không đi tiếp nữa mặc dù đường sắt có chính sách đổi vé không mất phí, khuyến khích khách đi tàu sau khi tàu chạy lại.

Cùng đó, do tàu khách bị ách tắc dọc đường nhiều giờ vì bão, đường sắt phải chi kinh phí phục vụ hành khách suất ăn, nước uống miễn phí. Vì vậy, thiệt hại doanh thu vận tải khách gần 5 tỷ đồng.

Thiệt hại nặng nhất là vận tải hàng hóa. Từ ngày 8 - 13/9, dừng toàn bộ tàu hàng do sạt đường, nước lũ lên, phong tỏa khu gian trên các tuyến Lào Cai - Hà Nội, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Quán Triều. Gần 20 chuyến tàu chuyên tuyến Bắc - Nam giữa ga Yên Viên - ga Sóng Thần cũng phải dừng chạy.

Điều này khiến Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội thiệt hại khoảng 17 tỷ đồng doanh thu vận tải, cả vận tải khách và vận tải hàng.

Còn theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tạm tính đến nay, bão lũ đã gây thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư khoảng 130 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản do doanh nghiệp đầu tư khoảng 17 tỷ đồng do 17 đầu máy, nhiều phương tiện thiết bị ngập nước, hư hỏng, nhiều khu nhà cung cầu, cung đường, lưu trú, trụ sở làm việc bị tốc mái, đổ tường rào…

8 vị trí chưa thể lưu thông trên các tuyến quốc lộ

8 điểm trên các tuyến quốc lộ miền núi phía Bắc bị đứt gãy do sạt lở đất khiến phương tiện chưa thể qua lại, các đơn vị đang khắc phục để sớm thông xe.

Mưa lớn gây sạt lở cầu đường trên Quốc lộ 4G qua Sơn La

Mưa lớn gây sạt lở cầu đường trên Quốc lộ 4G qua Sơn La

Sáng 17/9, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các địa phương đã xử lý được 559 điểm sạt lở, thông tuyến nhiều tuyến đường. Tuy nhiên, vẫn còn 8 vị trí, trong đó có hai điểm tại Lào Cai chưa thể thông xe do sạt lở nghiêm trọng và địa hình khó khăn. Dự kiến, các điểm này sẽ được thông xe vào ngày 30/9.

Tỉnh Bắc Kạn có một vị trí tắc đường trên Quốc lộ 279, đoạn từ trung tâm huyện Ba Bể sang huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, do sạt lở taluy dương và taluy âm khối lượng lớn. Dự kiến, vị trí này được thông xe từ 25/9.

Tỉnh Tuyên Quang có một vị trí ách tắc trên Quốc lộ 2C do nền đường xuất hiện cung trượt lớn, nguy cơ đá tảng sạt gây mất an toàn giao thông.

Tỉnh Thái Nguyên có một vị trí sụt nền đường do mưa lũ với chiều dài 50 m, bề rộng chiếm gần hết toàn bộ nền mặt đường Hồ Chí Minh qua xã Tân Dương, huyện Định Hóa. Dự kiến hết tháng 9 đường được khôi phục tạm.

Tỉnh Cao Bằng có một điểm trên quốc lộ 3 chưa thông xe do nền đường xuất hiện cung trượt lớn, nguy cơ cao về mất an toàn giao thông, có thể xử lý cho thông xe tạm trước 30/9.

Tỉnh Nam Định có cầu phao Ninh Cường bị hư hỏng chưa bảo đảm an toàn khai thác sử dụng. Đơn vị quản lý sẽ đánh giá toàn bộ và sửa chữa khắc phục sau khi nước rút. Các phương tiện đã được phân luồng sang quốc lộ 21, 21B và các tuyến đường tỉnh để tránh vị trí này.

Tỉnh Quảng Ninh có một đoạn trên Quốc lộ 18B tại khu vực Bình Liêu bị sạt lở nền đường và trôi cống. Hiện phương tiện đã được phân luồng sáng quốc lộ 18, 18C, 4B và các tuyến đường tỉnh.

Sau khi khắc phục, 252/253 điểm ngập nước trên các tuyến đường đã được thông xe. Hiện chỉ còn đầu cầu Kiện Khê trên tuyến tránh thành phố Phủ Lý chưa thể thông xe do ngập lụt diện rộng. Tuy nhiên, giao thông không quá ảnh hưởng do phần lớn phương tiện đã chuyển hướng đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Bắc Kạn công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên toàn tỉnh

Ngày 17/9, Ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn ký ban hành quyết định Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão.

Bắc Kạn chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão số 3

Bắc Kạn chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão số 3

Quyết định nêu rõ, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão, từ ngày 7/9/2024 đến sáng 10/9/2024 trên địa bàn toàn Tỉnh đã có mưa to đến rất to trên diện rộng khiến tình hình sạt lở đất và ngập lụt diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên địa bàn toàn Tỉnh gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu, công trình giao thông, thủy lợi, khu dân cư…

Thiên tai đã làm bị thương 4 người, hơn 2.300 nhà ở bị hư hỏng (Trong đó có 620 nhà phải di dời do sạt lở đất, ngập lụt, 10 nhà bị sập đổ hoàn toàn); Đến ngày 17/9 vẫn còn 215 nhà tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn vẫn đang ngập nước; hơn 2.000 ha cây trồng bị thiệt hại.

Các tuyến giao thông bị sạt lở nghiêm trọng với gần 650 vị trí, 90 công trình thủy lợi, nhiều nhà văn hóa, trụ sở y tế, giáo dục và công trình hạ tầng khác bị hư hỏng; nhiều tài sản của Nhân dân bị vùi lấp, ngập lụt, nhiều khu vực dân cư bị sạt trượt hoặc có nguy cơ sạt trượt cao... với ước tính thiệt hại sơ bộ hơn 860 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu, các ngành chức năng triển khai các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra như: Huy động lực lượng, phương tiện, nguồn lực để chủ động nhanh chóng sơ tán, di dời Nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm. Bố trí chỗ ở và đảm bảo hậu cần cho Nhân dân tại nơi sơ tán, tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho Nhân dân vùng bị thiệt hại.

Tổ chức tiếp nhận và cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu, cung cấp nước sạch, xử lý các vấn đề về môi trường nhằm ổn định đời sống Nhân dân. Tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực thường xảy ra lũ quét, khu vực ngập nước ven sông, suối, vùng trũng thấp, vị trí sườn đồi dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để xây dựng phương án chủ động sơ tán người, tài sản và xem xét có giải pháp xử lý khẩn cấp bước đầu đảm bảo an toàn...

Cục thuế TP.HCM tiếp tục kiến nghị gỡ vướng hồ sơ đất đai

Để tránh ảnh hưởng người dân, Cục Thuế TP.HCM vừa kiến nghị UBND Thành phố họp khẩn để thống nhất cách tính thuế đất cho các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8.

Người dân nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai quận 11

Người dân nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai quận 11

Đây là lần thứ ba Cục Thuế TP.HCM gửi kiến nghị về vấn đề này đến UBND Thành phố trong vòng 1 tháng qua.

Cục Thuế Thành phố cho biết, từ ngày 1 - 27/8 đã tiếp nhận tổng cộng 8.808 hồ sơ nhà đất. Trong đó, có 346 hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất; 277 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất; 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính.

Lượng hồ sơ này chưa được giải quyết do cơ quan thuế vẫn chờ hướng dẫn cách tính thuế mới, khi Luật Đất đai 2024 và Nghị định 103 có hiệu lực từ 1/8.

Hiện, khu vực tiếp nhận thủ tục đất đai ở UBND các quận, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, TP. Thủ Đức... vẫn đông người dân đi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, xin tách thửa hay chứng nhận quyền sử dụng đất... Tuy nhiên, tất cả hồ sơ đều đang bị treo. Việc tồn đọng hồ sơ thuế gây ảnh hưởng lớn đến người dân, tạo dư luận không tốt trên địa bàn.

Cục Thuế kiến nghị UBND Thành phố sớm điều chỉnh bảng giá đất và hướng dẫn cách tính thuế mới. Trong giai đoạn chờ hướng dẫn, cần ưu tiên giải quyết các hồ sơ về nhà, đất thuộc trường hợp miễn thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ (chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận quà tặng) khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận; tránh để tồn đọng, khiếu nại, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Đầu tháng 8, Thành phố cho biết xin ý kiến trung ương, Thủ tướng gỡ vướng thủ tục đất đai với hồ sơ tồn đọng này. TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý vướng mắc này.

Bộ Công an đề xuất lập sàn giao dịch dữ liệu

Dự thảo Luật Dữ liệu đề xuất thành lập sàn giao dịch dữ liệu dưới sự quản lý của Bộ Công an, cung cấp dịch vụ mua bán, trao đổi hợp pháp và an toàn.

Trung tâm dữ liệu của Viettel tại Hòa Lạc

Trung tâm dữ liệu của Viettel tại Hòa Lạc

Bộ Công an đang xây dựng Dự án Luật Dữ liệu quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; bổ sung thiết chế quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tại Điều 51, Bộ Công an đề xuất các quy định về sàn giao dịch dữ liệu. Đây là môi trường giao dịch trực tuyến để trao đổi, mua bán, cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu một cách phù hợp, chính xác và hợp pháp.

Sàn giao dịch dữ liệu do Bộ Công an cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định, có sự giám sát, đảm bảo an toàn. Doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan quản lý nhà nước được triển khai sàn giao dịch dữ liệu và chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ về hoạt động trước cơ quan chủ quản.

Sản phẩm dữ liệu được giao dịch phải tạo ra từ nguồn dữ liệu phi cá nhân hoặc dữ liệu cá nhân khi được chủ thể đồng ý. Dữ liệu giao dịch này không tác động đến an ninh, quốc phòng, xâm phạm bí mật nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Quy chế hoạt động của sàn phải được công khai, bao gồm trách nhiệm các bên tham gia; quy trình giao dịch; đảm bảo bí mật thông tin, chống hành vi gian lận; quản lý rủi ro, xử lý khiếu nại tranh chấp, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bộ Công an cho biết, dự luật hướng đến phát triển mạng lưới sàn giao dịch dữ liệu phù hợp chủ trương chiến lược dữ liệu quốc gia, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Sàn giao dịch dữ liệu sẽ tăng tính kết nối, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực dữ liệu, tư vấn chiến lược quản trị dữ liệu. Đây cũng là nền tảng hỗ trợ giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo Chiến lược dữ liệu quốc gia vừa được Thủ tướng ban hành, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hoàn thành thí điểm, thử nghiệm 5 sàn giao dịch dữ liệu. Dự luật Dữ liệu sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 8 khai mạc tháng 10.

Sụt lún ven quốc lộ ở Đăk Nông

Sau nhiều ngày mưa lớn, ven Quốc lộ 14 đoạn qua dốc Ông Bồ, xã Quảng Tín, huyện Đăk R'lấp, xuất hiện 2 điểm sạt lở, sụt lún.

Điểm lún nứt bên quốc lộ 14, đoạn qua xã Quảng Tín

Điểm lún nứt bên quốc lộ 14, đoạn qua xã Quảng Tín

Vị trí lún, nứt thứ nhất dài khoảng 100 m, từ cửa hàng kinh doanh xăng dầu Trung Dũng 1 đến quán cà phê Phin (bên trái tuyến, hướng từ Đăk Nông đến Bình Phước). Khu vực sạt lở thứ hai dài khoảng 20 m, cách điểm thứ nhất khoảng 300 m, nằm bên phải tuyến.

Hai điểm này cách nơi sụt lún cũ ở TP. Gia Nghĩa hồi giữa năm ngoái (chưa được khắc phục) khoảng 40 km.

Sự cố sụt lún, sạt lở nền đường ảnh hưởng đất sản xuất của 15 hộ. Ngoài ra, một quán cà phê phải đóng cửa, di dời; một cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải tháo dỡ, sửa chữa một phần.

Chính quyền địa phương đã vận động các hộ gia đình trong di chuyển đến nơi an toàn. Cơ quan chức năng giăng dây, cắm biển bảng cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực sụt lún và nguy cơ sạt lở cao.

Chủ tịch UBND xã Quảng Tín Lê Thị Ngọc Điệp cho biết, tình trạng sạt lở, sụt lún dọc đường quốc lộ 14 xuất hiện từ ngày 8 đến 16/9. "Do mưa lớn kéo dài, địa hình đồi dốc khiến khối lượng đất đắp không liên kết được", bà Điệp nói.

Tình trạng sụt lún, sạt lở đất thường xuyên xảy ra ở Tây Nguyên vào mùa mưa, nhất là địa bàn ở vùng đồi núi. Sở Giao thông vận tải tỉnh Đăk Nông đã chỉ đạo đơn vị quản lý tuyến triển khai việc giảm tải các khối đất san lấp mặt bằng dọc đường.

Quốc lộ 14 dài 980 km, điểm đầu ở cầu Đakrông, Quảng Trị, điểm cuối cắt Quốc lộ 13 tại thị xã Chơn Thành, Bình Phước, là quốc lộ dài thứ 2 ở Việt Nam sau Quốc lộ 1.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư