Bản tin thời sự sáng 18/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là xuất hiện cung sạt trượt thứ hai ở Tà Xùa; Hà Nội cần 55 tỷ USD để làm 15 tuyến đường sắt đô thị; mở rộng đường phía Đông TP.HCM ngưng trệ vì vướng 250 m; Đà Nẵng tiếp tục đầu tư Dự án Đường vành đai phía Tây 2 sau thời gian tạm dừng…

Xuất hiện cung sạt trượt thứ hai ở Tà Xùa

Cung sạt trượt thứ hai vừa xuất hiện ở Tà Xùa (huyện Bắc Yên, Sơn La) dài 300 m, rộng 80 cm, buộc chính quyền phải di dời khẩn cấp 19 hộ dân và 7 homestay.

Vị trí sạt lở ngày 10/8 ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La

Vị trí sạt lở ngày 10/8 ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La

Chiều 17/8, UBND huyện Bắc Yên cho biết, có ba vết nứt xuất hiện tại khu vực xảy ra sạt lở ngày 10/8 ở xã Tà Xùa.

Chủ tịch UBND huyện Đào Văn Nguyên nói, việc di dời 19 hộ dân và 7 homestay đang được triển khai khẩn trương. Việc thông tuyến Tỉnh lộ 112 gặp nhiều khó khăn dù 6 máy xúc, ủi và 16 ô tô làm việc ngày đêm. Nguyên nhân là lượng đất đá quá lớn và điều kiện thời tiết bất lợi.

Ngày 16/8, tỉnh Sơn La đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai mưa lớn, sạt lở đất trên địa bàn xã Tà Xùa để tập trung nguồn lực ứng phó. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh được giao chủ trì phối hợp với các ngành đánh giá mức độ sạt lở ở bản Tà Xùa. Sở Giao thông vận tải duy trì cảnh báo tại các vị trí cung trượt lớn và thường xuyên theo dõi diễn biến hiện trạng cung trượt để tổ chức phân luồng giao thông.

UBND huyện Bắc Yên có nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố, nếu phát hiện nguy cơ mất an toàn phải tổ chức di dời đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Huyện cũng phân công người cảnh giới, không cho người dân quay lại nơi nguy hiểm.

4h ngày 10/8, khoảng 100.000 m3 đất đá sạt xuống Tỉnh lộ 112 thuộc bản Tà Xùa, huyện Bắc Yên, vùi lấp hoàn toàn một homestay, làm hư hại một cơ sở khác, khiến 1 người chết, 2 người bị thương.

Hà Nội cần 55 tỷ USD để làm 15 tuyến đường sắt đô thị

Hà Nội đặt mục tiêu sở hữu hệ thống đường sắt đô thị hiện đại gồm 15 tuyến vào năm 2045, với tổng mức đầu tư dự kiến 55 tỷ USD.

Tàu của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội nằm ở Depot Nhổn

Tàu của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội nằm ở Depot Nhổn

Ngày 17/8, tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu phương án hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị của Thủ đô.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị có 10 tuyến với trên 410 km. Thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200 km. Như vậy đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị tổng chiều dài 617 km.

Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho hay, việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị thời gian qua gặp nhiều thách thức, hiện chỉ có tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội hoạt động.

Thành phố phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng, vận hành 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 418 km, nhu cầu vốn 37 tỷ USD. Qua rà soát các nguồn vốn đầu tư công và tổng hợp khả năng cân đối các nguồn vốn có thể huy động khác, Thành phố dự kiến cân đối được trên 28 tỷ USD, cần Trung ương hỗ trợ hơn 8 tỷ USD.

Đến năm 2045, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 5 tuyến còn lại (200 km) để hoàn thành đưa vào vận hành, với nhu cầu vốn khoảng 18 tỷ USD.

Theo ông Dương Đức Tuấn, Hà Nội đang tổ chức nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị: Tuyến số 2.1 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), Tuyến số 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai), Tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), Tuyến số 2A kéo dài (Hà Đông - Xuân Mai). Tuy nhiên, nếu vẫn xây dựng các tuyến còn lại theo phương thức cũ thì Thành phố sẽ gặp thách thức lớn về nguồn lực, vốn...

Hà Nội kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để phân cấp, phân quyền chủ động cho Thành phố tập trung nguồn lực, rút ngắn trình tự thủ tục; cân đối nguồn vốn để đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, về các yếu tố đầu máy, toa xe, đường ray và đặc biệt là đồng bộ về kết nối hệ thống, kết nối liên vùng giữa các tỉnh, thành.

Mở rộng đường phía Đông TP.HCM ngưng trệ vì vướng 250 m

Hoàn thành 81% nhưng công trình mở rộng đường Liên Phường, TP. Thủ Đức (TP.HCM), vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng đình trệ gần 3 năm qua do vướng 250 m chồng ranh dự án khác.

Đoạn 250 m trên đường Liên Phường bị "thắt cổ chai" do chồng ranh dự án

Đoạn 250 m trên đường Liên Phường bị "thắt cổ chai" do chồng ranh dự án

Khởi công tháng 9/2018, Dự án Nâng cấp đường Liên Phường dài 2,5 km, điểm đầu ở tuyến Đỗ Xuân Hợp, điểm cuối nối vào đường Bưng Ông Thoàn. Tuyến đường được mở rộng từ 7 - 8 m lên 30 m, 6 làn xe; xây một nhánh cầu Ông Cày và các hạng mục thoát nước, cây xanh, chiếu sáng...

Liên Phường là một trong những trục giao thông chính ở khu Đông TP.HCM. Trong đó, đoạn đang triển khai Dự án nằm ở giữa tuyến, kết nối trực tiếp với đường Đỗ Xuân Hợp ra cầu Nam Lý. Lưu lượng xe qua đây dự kiến sẽ tăng lên rất cao do cây cầu trên chuẩn bị thông xe, kéo theo nguy cơ ùn tắc ở ngã ba Đỗ Xuân Hợp - Liên Phường.

Sau 6 năm triển khai, toàn tuyến Liên Phường đã cơ bản được nâng cấp nhưng đang bị vướng đoạn dài 250 m giáp đường Đỗ Xuân Hợp. Dù chỉ chiếm khoảng 10% tổng chiều dài Dự án, song do chồng lấn ranh khu nhà ở thuộc Công ty Coopimex, mặt bằng chưa được bàn giao đủ. Vì chưa được mở rộng đồng bộ, tuyến đường bị cong, tạo "thắt cổ chai", dễ gây ùn tắc, tai nạn.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), công trình nâng cấp đường đã tạm dừng từ cuối năm 2021 khi tiến độ chung đạt khoảng 81%. Ba năm qua, đơn vị đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương tìm hướng giải quyết việc chồng lấn ranh ở các dự án nhưng đến nay chưa xử lý xong.

Tại buổi kiểm tra Dự án đầu tháng 8/2024, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường giao TP. Thủ Đức điều chỉnh quy hoạch đoạn 250 m bị chồng lấn ranh và một vị trí khác ở giáp tuyến Bưng Ông Thoàn ngay trong tháng để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

"Nếu được giao đủ mặt bằng, Dự án sẽ hoàn thành sau 5 tháng, giúp kết nối đồng bộ giao thông ở khu vực", đại diện Chủ đầu tư cho biết.

Đà Nẵng tiếp tục đầu tư Dự án Đường vành đai phía Tây 2 sau thời gian tạm dừng

TP. Đà Nẵng tái khởi động đầu tư hoàn thiện Dự án Đường vành đai phía Tây 2, sau thời gian tạm dừng vì chi phí đền bù giải tỏa đội lên quá cao.

TP. Đà Nẵng đã hoàn thiện đoạn cuối tuyến Vành đai phía Tây 2

TP. Đà Nẵng đã hoàn thiện đoạn cuối tuyến Vành đai phía Tây 2

TP. Đà Nẵng vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Lê Trung Chinh về phương án điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến Dự án Đường vành đai phía Tây 2 (đoạn từ Khu công nghiệp Hòa Khánh tới đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa); giao các địa phương Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang phối hợp các đơn vị liên quan khái toán kinh phí giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư xây dựng…

Dự án Đường vành đai phía Tây 2 trước đây đã được phê duyệt chủ trương đầu tư có chiều dài 14,3 km, tổng vốn đầu tư 1.427 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, chi phí đền bù giải tỏa của Dự án đội lên rất lớn, không thể tiếp tục thực hiện toàn tuyến.

Vì vậy, TP. Đà Nẵng tập trung đầu tư hoàn thiện đoạn cuối tuyến dài 4,6 km (từ đường tránh Nam hầm Hải Vân tới Đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh). Hiện đoạn cuối tuyến 4,6 km đã đưa vào vận hành khai thác.

Dự án Đường vành đai phía Tây 2, đoạn từ Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu tới đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, huyện Hòa Vang sẽ được Đà Nẵng tiếp tục đầu tư. Thành phố đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư đoạn từ Đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh đến đường Hoàng Văn Thái.

Ban Quản lý dự án hạ tầng cơ sở ưu tiên Đà Nẵng đã phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh phương án tuyến. Sau khi các ban giải phóng mặt bằng quận, huyện cung cấp số liệu khái toán kinh phí giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Với việc điều chỉnh hướng tuyến từ Đường số 8 KCN Hòa Khánh đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Dự án Đường vành đai phía Tây 2 chính thức tái khởi động.

Dự kiến đến năm 2027, đoạn từ Đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh đến đường Hoàng Văn Thái sẽ được đầu tư hoàn chỉnh, đưa vào khai thác. Đoạn từ Hoàng Văn Thái tới Nam Kỳ Khởi Nghĩa sẽ hoàn thành, khai thác vào năm 2030.

Hoa Kỳ kết luận vụ việc chống bán phá giá với tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cho rằng, việc ngừng áp thuế chống bán phá giá đối với tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam có khả năng dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá với biên độ bình quân gia quyền lên đến 58,24%.

Lắp đặt điện gió tại tỉnh Bình Thuận

Lắp đặt điện gió tại tỉnh Bình Thuận

Đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 12/8, DOC đã đăng công báo kết luận cuối cùng vụ việc "rà soát hoàng hôn" lần thứ hai lệnh áp thuế chống bán phá giá với tháp gió có mã HS: 7308.20.0020 và 8502.31.0000 nhập khẩu từ Việt Nam.

Tại kết luận này, DOC cho rằng, việc ngừng áp thuế chống bán phá giá đối với tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam có khả năng dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá với biên độ phá giá bình quân gia quyền lên đến 58,24%.

Các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam cần liên hệ với DOC trước khi xuất khẩu để được tính toán mức thuế riêng, nếu không sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá 58,24%. Đồng thời, doanh nghiệp có thể liên hệ với Cục Phòng vệ thương mại để được hỗ trợ kịp thời.

Thanh Hóa yêu cầu Aeon khởi công trung tâm thương mại trước 30/8

Tỉnh Thanh Hóa đề nghị Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam chuẩn bị đầy đủ thủ tục để khởi công trung tâm thương mại trước 30/8.

Trung tâm thương mại Aeon Mall Thanh Hóa có quy mô sử dụng đất gần 105.000 m2 tại phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa

Trung tâm thương mại Aeon Mall Thanh Hóa có quy mô sử dụng đất gần 105.000 m2 tại phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa gửi công văn đề nghị Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam hoàn thành các thủ tục, hồ sơ để được cấp giấy phép xây dựng Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Thanh Hóa trước ngày 23/8.

Bên cạnh đó, Aeon Mall Việt Nam phải chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, UBND TP. Thanh Hóa, cùng các đơn vị liên quan để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho việc khởi công trước ngày 30/8.

Tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi để Nhà đầu tư hoàn thành hồ sơ, thủ tục, đảm bảo khởi công Dự án đúng mốc thời gian trên.

Trước đó, vào cuối tháng 7, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định chấp thuận cho Công ty TNHH hai thành viên Miền Trung Nam Thành phố chuyển nhượng toàn bộ Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Thanh Hóa tại khu đất thương mại dịch vụ thuộc khu đô thị Nam TP. Thanh Hóa (phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa) cho Aeon Mall Việt Nam.

Dự án có quy mô sử dụng đất gần 105.000 m2 với mục tiêu đầu tư, xây dựng, vận hành trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp, kinh doanh thương mại điện tử hiện đại, đa chức năng... Tổng vốn đầu tư khoảng 4.157 tỷ đồng.

Quyết định của UBND Thanh Hóa nêu rõ, Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam phải đảm bảo cam kết thực hiện nghĩa vụ góp vốn, đảm bảo tiến độ thực hiện.

Trường hợp chậm tiến độ thực hiện do yếu tố chủ quan mà thuộc trường hợp phải thu hồi dự án theo quy định thì Công ty không được bồi hoàn bất cứ chi phí nào liên quan đến Dự án.

Theo tiến độ đã được phê duyệt, trong thời gian 48 tháng kể từ ngày được bàn giao đất, chủ đầu tư phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại 1 và các công trình phụ trợ.

Trong thời gian 48 tháng tiếp theo, chủ đầu tư phải hoàn thành xây dựng các khối công trình còn lại theo quy hoạch như khu trung tâm thương mại 2, khu kết hợp trung tâm thương mại và để xe...

Kon Tum thu hồi 39 thông báo giới thiệu địa điểm đất xây dựng biệt thự ở Kon Plông

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kon Plông ra thông báo thu hồi 39 trường hợp được Phòng ban hành thông báo giới thiệu địa điểm xây dựng biệt thự.

26 trường hợp tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xây dựng công trình khi chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
26 trường hợp tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xây dựng công trình khi chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thực hiện Kết luận thanh tra số 09/KL-STNMT ngày 13/6/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum về việc quản lý, sử dụng đất đai trong các lĩnh vực thu hút đầu tư (ngoài ngân sách nhà nước), huyện Kon Plông đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND thị trấn Măng Đen triển khai khắc phục các sai phạm.

Theo đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kon Plông ra thông báo thu hồi 39 trường hợp được Phòng ban hành thông báo giới thiệu địa điểm xây dựng biệt thự nhưng chưa hoàn tất các thủ tục (Thông báo số 02/TB-TNMT ngày 5/7).

Trong số này có 26 trường hợp chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã xây dựng công trình trên đất, nhiều trường hợp đã xây dựng xong, đưa vào sử dụng kinh doanh dịch vụ khách sạn.

Ngoài ra, phòng Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các trường hợp nêu trên không được tự ý lấn chiếm, sử dụng, xây dựng các công trình trên đất, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Lê Thành Diễn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kon Plông thừa nhận, trước đây Phòng Tài nguyên và Môi trường Huyện đã ban hành thông báo giới thiệu địa điểm xây dựng biệt thự cho các cá nhân, hộ gia đình là không đúng thẩm quyền và trái cơ sở pháp lý.

Thông báo của Phòng chỉ là giới thiệu địa điểm cho các hộ dân này hoàn thiện thủ tục về đất đai để được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến thời điểm kết luận thanh tra, có 39 trường hợp chưa thực hiện các thủ tục này nên phải thu hồi lại thông báo trên.

Với 26 trường hợp chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã xây dựng công trình trên đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường yêu cầu phải tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm hoàn trả lại hiện trạng, thời gian hoàn thành trong quý III/2024…

Chuyên đề