Bản tin thời sự sáng 18/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM đã bàn giao gần 92% mặt bằng thực hiện Dự án đường Vành đai 3; hơn 1,5 triệu cổ phiếu Đường sắt Hà Thái buộc phải huỷ niêm yết; thủy điện tăng công suất phát hơn 20%; chứng khoán tăng phiên thứ 7 liên tiếp…

TP.HCM đã bàn giao gần 92% mặt bằng thực hiện Dự án đường Vành đai 3

Hiện nay, các địa phương ở TP.HCM đã bàn giao 91,7% mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện Dự án đường Vành đai 3.

Nút giao vành đai 3 - cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ hình thành trong tương lai

Nút giao vành đai 3 - cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ hình thành trong tương lai

Theo Ban Chỉ huy Dự án thành phần 2 (bồi thường, hỗ trợ tái định cư) Dự án Vành đai 3 TP.HCM, tính đến ngày 14/7, các địa phương đã bàn giao 91,7% mặt bằng (đạt 374/410 ha).

Cụ thể, UBND huyện Hóc Môn bàn giao 100% mặt bằng, UBND huyện Củ Chi đã bàn giao gần 98% mặt bằng (đạt 63/65 ha), huyện Bình Chánh bàn giao hơn 94% mặt bằng (đạt 137/145 ha) và TP. Thủ Đức bàn giao hơn 74% mặt bằng (đạt 74/99 ha).

Dự kiến đến trước ngày 31/12 năm nay, các địa phương sẽ bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện Dự án theo đúng tiến độ.

Mới đây, UBND TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị kiểm kê, đảm bảo tiến độ sửa chữa, bàn giao căn hộ tái định cư cho Dự án Vành đai 3 TP.HCM.

Trước đó, Ban Chỉ đạo Bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã họp bàn về một số vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư của Dự án Vành đai 3.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua TP.HCM dài hơn 47 km (qua TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) với tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng (chi phí xây dựng hơn 22.400 tỷ đồng và hơn 18.000 tỷ đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng).

Dự án được khởi công vào ngày 18/6 vừa qua. Theo kế hoạch, công trình cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Hơn 1,5 triệu cổ phiếu Đường sắt Hà Thái buộc phải huỷ niêm yết

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có thông báo về việc huỷ tư cách công ty đại chúng đối với Công ty CP Đường sắt Hà Thái (mã chứng khoán: HTR). Theo đó, hơn 1,5 triệu cổ phiếu của công ty này sẽ buộc phải rời sàn UPCoM.

Hơn 1,5 triệu cổ phiếu Đường sắt Hà Thái buộc phải huỷ niêm yết. Ảnh minh họa

Hơn 1,5 triệu cổ phiếu Đường sắt Hà Thái buộc phải huỷ niêm yết. Ảnh minh họa

Nguyên nhân chính khiến cổ phiếu Đường sắt Hà Thái bị buộc phải huỷ niêm yết trên sàn UPCoM là do vốn điều lệ của Công ty hiện chỉ còn hơn 15 tỷ đồng, thấp hơn mức tối thiểu 30 tỷ đồng theo quy định của Luật Chứng khoán.

Hơn 1,5 triệu cổ phiếu của công ty này sẽ bị hủy đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 4/8/2023. Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu HTR sẽ là ngày 3/8/2023. Cổ phiếu HTR được chính thức niêm yết vào giao dịch trên sàn UPCoM vào tháng 2/2017.

Hồi tháng 6 vừa qua, Đường sắt Hà Thái đã có công văn gửi UBCKNN xin huỷ tư cách công ty đại chúng. Về nguyên nhân hủy tư cách công ty đại chúng, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ban lãnh đạo Đường sắt Hà Thái cho biết vốn điều lệ của Công ty hiện chỉ còn hơn 15 tỷ đồng, thấp hơn ngưỡng 30 tỷ đồng theo quy định của pháp luật hiện hành đối với công ty đại chúng.

Trước khi tiến hành huỷ niêm yết cổ phiếu, Đường sắt Hà Thái cũng ra thông báo về việc chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 11,5%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu HTR sẽ được nhận 1.500 đồng cổ tức. Trong 7 năm vừa qua, Đường sắt Hà Thái chi trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn qua các năm với mức trung bình đạt trên 10%.

Thủy điện tăng công suất phát hơn 20%

Công suất phát các nhà máy thủy điện phía Bắc tăng 23 - 24% so với tuần trước để cung ứng điện, tránh xả tràn khi dự báo lưu lượng nước về lớn do ảnh hưởng của bão Talim.

Thủy điện Lai Châu

Thủy điện Lai Châu

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, các hồ thủy điện đa mục tiêu đã nâng cao mực nước và đang được huy động tối đa. Dự báo những ngày tới sẽ có mưa to tại các tỉnh miền núi phía Bắc do ảnh hưởng của bão Talim, lưu lượng nước các hồ thủy điện phía Bắc tăng cao.

Sáng 17/7, theo số liệu của Cục An toàn kỹ thuật môi trường (Bộ Công Thương), lưu lượng nước các hồ thủy điện về nhiều, như Lai Châu 907 m3/s; Sơn La 2.150 m3/s; Hòa Bình 2.156 m3/s; Tuyên Quang 380 m3/s... Hiện mực nước tại các hồ thủy điện phía Bắc cao hơn mực nước chết (ngưỡng phát tổ máy an toàn) 10 - 20 m, riêng hồ Thác Bà là hơn 2,6 m.

Vì thế, các nhà máy thủy điện như Lai Châu, Tuyên Quang, Hòa Bình và các nhà máy thủy điện nhỏ sẽ được tăng huy động để tránh xả tràn, đảm bảo duy trì mực nước trước lũ theo quy trình vận hành liên hồ, tránh xả thừa. Tính toán của Cục Điều tiết điện lực cho thấy, công suất phát thủy điện những ngày qua tăng 23 - 24% so với đầu tháng 7.

Cũng theo cơ quan này, nhu cầu sử dụng điện tuần trước tăng cao do nắng nóng, trung bình đạt gần 921 triệu kWh một ngày. Công suất cực đại (Pmax) trong tuần đạt 45.474 MW, cao nhất từ trước tới nay và tăng hơn 1.720 MW so với tuần trước đó.

Lũy kế đến 13/7, tổng sản lượng điện toàn hệ thống hơn 147 tỷ kWh, tăng 1,35% so với cùng kỳ 2022 và đạt gần 52% kế hoạch năm (284,5 tỷ kWh).

Thủy điện vẫn là nguồn phát tối ưu khi đạt trên 1,68 tỷ kWh chiếm 27,5% tổng sản lượng nguồn phát.

Chứng khoán tăng phiên thứ 7 liên tiếp

VN-Index giữ sắc xanh trong phiên đầu tuần, khi dòng tiền tập trung vào nhóm bất động sản và một số mã vốn hóa thấp.

Chứng khoán tăng phiên thứ 7 liên tiếp. Ảnh minh họa

Chứng khoán tăng phiên thứ 7 liên tiếp. Ảnh minh họa

Đà tăng liên tiếp của chứng khoán khiến giới phân tích tỏ ra thận trọng về xu hướng, tuy nhiên sắc xanh vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện. VN-Index mở phiên đầu tuần này trong sắc xanh, dù biên độ tăng không quá áp đảo. Dòng tiền phân hóa, hướng vào nhóm bất động sản, penny giúp cân bằng lại với sắc đỏ ở một số mã tài chính và bán lẻ.

Nhịp giao dịch không quá đột biến với xu hướng giằng co trong biên độ hẹp tới khi hết giờ. Chốt phiên, VN-Index tăng 4,73 điểm (0,4%) lên 1.173,13 điểm. VN30-Index tăng gần 4 điểm (0,34%) lên 1.164,58 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng chốt phiên trong sắc xanh.

Sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện, với 260 mã tăng trên HoSE, so với 171 mã giảm. Riêng nhóm vốn hóa lớn, trạng thái cân bằng hơn với số mã tăng và giảm giữ tỷ lệ 14:13.

Trong VN30, nhóm bất động sản cũng áp đảo về sắc xanh. VHM chốt phiên là mã tích cực nhất khi tăng 4,6%, theo sau là PDR, VIC tăng quanh ngưỡng 3%, VRE có thêm 2,3%, GVR, NVL vượt tham chiếu hơn 1%. Sắc xanh của nhóm bất động sản giúp cân bằng lại đà giảm của một số mã ngân hàng và bán lẻ.

Thanh khoản thị trường giữ ở mức cao với giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 18.600 tỷ đồng, riêng nhóm VN30 giao dịch gần 7.700 tỷ đồng.

3 doanh nghiệp Việt nghi bị khách ở UAE lừa đảo

Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, có một doanh nghiệp hội viên cùng với 2 doanh nghiệp khác nghi bị một khách hàng hoặc ngân hàng tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) lừa đảo.

Ngoài Công ty Tín Mai, còn 2 doanh nghiệp khác cũng gặp tình trạng tương tự

Ngoài Công ty Tín Mai, còn 2 doanh nghiệp khác cũng gặp tình trạng tương tự

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), vào cuối tháng 6, Công ty Tín Mai đã nhận ứng trước 15% số tiền cho lô hàng điều nhân nên đã chuyển hàng cho đối tác mua hàng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Ngày 27/6, hàng đã được lấy và trả container rỗng. Nhưng đến nay, Công ty vẫn chưa nhận được thanh toán 85% giá trị lô hàng còn lại dù ngân hàng Sacombank đã gửi 2 lần điện đến ngân hàng bên mua ở UAE là AJMAN Ajman Bank Pjsc - Sheikh Zayed Road Dubai Branch để yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ.

“Qua kiểm tra, được biết, bộ chứng từ của lô hàng đã được đơn vị giao hàng DHL giao cho 1 nhân viên an ninh của ngân hàng Ajman Bank Pjsc nhưng chưa biết sau đó bộ chứng từ đến đâu. Còn bên hãng tàu cho biết là họ giao hàng khi có đầy đủ chứng từ theo quy định”, đại diện Vinacas thông tin.

Theo Vinacas, qua làm việc với Công ty Tín Mai và Hiệp hội Tiêu và cây gia vị Việt Nam, ngoài Công ty Tín Mai còn ít nhất hai công ty khác cũng gặp tình trạng tương tự với cùng 1 khách hàng và ngân hàng trên.

Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo, Vinacas đã liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại UAE để nhờ hỗ trợ. Vinacas sẽ làm việc với Hiệp hội Tiêu và cây gia vị Việt Nam tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp để nắm đầy đủ các thông tin và có những kiến nghị đến các bên liên quan trong thời gian tới.

TP.HCM tiêu hủy 52 tấn đường nhập lậu không rõ nguồn gốc

Lực lượng chức năng tiêu hủy 52 tấn đường tinh luyện không rõ xuất xứ, có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy 52 tấn đường.

Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy 52 tấn đường.

Ngày 17/7, Cục Quản lý thị trường TP.HCM thông tin, Cục phối hợp với các bên liên quan thực hiện việc giám sát tiêu hủy hàng hóa gồm 1.040 bao, loại 50kg/bao (tương đương 52.000kg) đường tinh luyện đã hết hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn sử dụng, có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, số đường tinh luyện nói trên là tang vật vi phạm hành chính với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm và hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu, bị buộc tiêu hủy theo quyết định của UBND TP.HCM về việc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu do vi phạm hành chính gây ra đối với trường hợp không xác định được cá nhân/tổ chức vi phạm hành chính.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá hơn 30 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm trước.

Chuyên đề