Điện mặt trời mái nhà có thể được mua bán trực tiếp không qua EVN
Điện mặt trời mái nhà, điện sinh khối, thủy điện nhỏ... sẽ được tham gia mua bán trực tiếp trên thị trường cho khách hàng dùng điện lớn, theo đề xuất của Bộ Công Thương.
Một góc hệ thống điện mặt trời áp mái tại Cảng Đồng Nai |
Nội dung này nêu tại dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA). Theo đó, mô hình DPPA vẫn theo 2 phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia.
Điểm mới là nhà chức trách mở rộng các loại hình năng lượng tái tạo được mua bán trực tiếp qua đường dây riêng (tức không qua EVN). Theo đó, năng lượng tái tạo tham gia cơ chế này gồm điện mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu và hệ thống điện mặt trời mái nhà. Các dự án này không giới hạn về công suất nhưng phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoặc được miễn trừ giấy phép theo quy định.
Điện rác chưa được đưa vào cơ chế này do chưa có quy định rõ ràng là năng lượng tái tạo hay không, theo Bộ Công Thương. Loại năng lượng này sẽ được bổ sung trong trường hợp cấp có thẩm quyền chấp nhận.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà từng yêu cầu Bộ Công Thương khi xây dựng dự thảo Nghị định cần mở rộng loại năng lượng tái tạo tham gia mua bán điện trực tiếp, không qua EVN. Tức là, các dự án năng lượng mặt trời mái nhà hay rác, sinh khối không giới hạn công suất có thể nằm trong nhóm được thực hiện cơ chế này và được mua bán trực tiếp qua đường dây riêng.
Hiện, cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.
Việc mở ra hướng điện mặt trời mái nhà có thể tham gia mua bán điện trực tiếp sẽ gỡ vướng cho loại hình năng lượng này, bên cạnh chính sách khuyến khích phát triển tự sản, tự tiêu đang được Bộ Công Thương soạn thảo.
TP.HCM sẽ xây Nhà hát Thủ Thiêm gần 2.000 tỷ đồng hiện đại bậc nhất thế giới
Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (Nhà hát Thủ Thiêm) tổng vốn 2.000 tỷ đồng sẽ có thiết kế hiện đại bậc nhất trên thế giới, thể hiện được giá trị đặc sắc riêng về nghệ thuật biểu diễn, hình thành di sản văn hóa của TP.HCM.
Vị trí Nhà hát Thủ Thiêm được xây tại góc cầu Ba Son (hướng từ Quận 1 qua Thủ Thiêm) |
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản gửi các sở, ngành liên quan về phương án thiết kế kiến trúc công trình Dự án Nhà hát Thủ Thiêm.
Theo đó, ông Phan Văn Mãi giao Giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp và các sở ngành, đơn vị liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ngày 24/5 về thiết kế kiến trúc Dự án.
Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể về ý tưởng thiết kế kiến trúc Nhà hát, công năng sử dụng, giá trị nghệ thuật, sự đồng bộ, hài hòa, phù hợp với cảnh quan, mỹ quan, không gian kiến trúc đô thị…
TP.HCM yêu cầu, quá trình chuẩn bị các bước triển khai thực hiện cần nghiên cứu, xem xét hết sức kỹ lưỡng, tiếp tục tham khảo, lắng nghe, tiếp thu tối đa ý kiến các chuyên gia về nghệ thuật biểu diễn, giới chuyên môn về thiết kế kiến trúc nghệ thuật, nghệ sĩ chuyên sâu giao hưởng, vũ kịch, cải lương... kết hợp nghiên cứu, tiếp thu thiết kế mỹ thuật các nhà hát nổi tiếng của các nước.
Dự án Nhà hát Thủ Thiêm được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2018.
Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm 1 khán phòng lớn 1.200 chỗ và 1 khán phòng nhỏ 500 chỗ. Nhà hát nằm trên lô đất có ký hiệu 1-21 (bên hông cầu Ba Son), rộng 10.030 m2.
Công trình dự kiến hoàn thành năm 2022, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và điều kiện ngân sách gặp nhiều khó khăn nên TP.HCM chưa thể bố trí vốn đầu tư xây dựng trong năm 2021 và 2022.
UBND TP.HCM đã lập và xác định danh mục các dự án cấp bách cần sớm triển khai thực hiện sử dụng nguồn thưởng vượt dự toán thu năm 2022 và đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù, trong đó có Dự án Nhà hát Thủ Thiêm.
Đến nay, tổng mức đầu tư Dự án tăng lên gần 2.000 tỷ đồng. Hiện UBND TP.HCM giao Sở Văn hóa và Thể thao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án để triển khai các bước tiếp theo.
Đề xuất cấm mua bán thuốc qua mạng xã hội
Chính phủ đề xuất cho phép kinh doanh dược phẩm qua sàn thương mại điện tử song cấm kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, theo dự thảo sửa đổi Luật Dược.
Nhân viên y tế tại nhà thuốc Bệnh viện Quân y 175, quận Gò Vấp phát thuốc cho bệnh nhân |
Ngày 17/6, Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Theo đó, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc trực tuyến phải thực hiện trên sàn giao dịch, ứng dụng thương mại điện tử hoặc website bán hàng.
Người bán phải đăng tải thông tin thuốc phù hợp với quy định về quảng cáo thuốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.
Người kinh doanh thuốc online cũng phải bảo mật thông tin người mua theo quy định về an ninh mạng; tổ chức tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc đúng quy định. Dự thảo nêu rõ, "không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác" ngoài luật này.
Qua thẩm tra, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đồng tình luật hóa quy định này nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và khắc phục khoảng trống pháp lý. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị quy định cụ thể loại thuốc được phép bán lẻ trực tuyến; trách nhiệm của người phụ trách, các bên liên quan khi xảy ra sự cố; điều kiện kinh doanh đối với sàn giao dịch điện tử để tạo sự công bằng với cơ sở bán dược phẩm truyền thống.
Đồng thời, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, có 2 luồng ý kiến về thuốc bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử. Nhóm thứ nhất đề nghị chỉ áp dụng với thuốc không kê đơn, thuốc không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc. Nhóm thứ hai đề nghị không ghi cụ thể mà giao Bộ trưởng Y tế quy định để bảo đảm linh hoạt, đáp ứng với sự thay đổi của khoa học kỹ thuật.
Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm trong kiểm soát quảng cáo thuốc, bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thuốc. Ủy ban này cũng đề nghị nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm quảng cáo thuốc sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng hoặc sản phẩm không phải là thuốc, nhưng quảng cáo như thuốc chữa bệnh trên nền tảng mạng xã hội.
Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng đề xuất nhập khẩu cát Campuchia
Bộ Công Thương vừa báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về khả năng nhập khẩu cát xây dựng từ Campuchia. Theo Bộ Công Thương, phía Campuchia cho biết, sẵn sàng ban hành cả chứng nhận xuất xứ cho cát mua tại Campuchia để giảm thiểu hiện tượng gian lận, buôn lậu.
Theo Bộ Công Thương, Campuchia sẵn sàng cấp chứng nhận xuất xứ cho cát mua |
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, từ ngày 13 - 16/5, đoàn công tác của Bộ, có sự sự tham gia của đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đã đi khảo sát thực tế về việc nhập khẩu cát xây dựng từ Campuchia về Việt Nam.
Qua làm việc với Bộ Mỏ và Năng lượng, Bộ Kinh tế Tài chính (Campuchia), Bộ Công Thương nhận thấy, trữ lượng cát của Campuchia phục vụ san lấp, xây dựng có thể cung cấp đủ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài của các tỉnh phía Nam Việt Nam.
Theo đó, hiện mỗi ngày Campuchia đang xuất khẩu sang Việt Nam khoảng từ 50.000 - 60.000 m3 cát. Chính phủ Campuchia chủ trương để thị trường mua bán tự do, không can thiệp vào giá cả và chỉ quản lý để đảm bảo việc khai thác, vận chuyển, xuất khẩu cát thực hiện đúng giấy phép, nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước.
Bộ Công Thương kiến nghị, lãnh đạo Chính phủ xem xét, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát và nắm bắt tổng nhu cầu, số lượng cát cần mua của các doanh nghiệp, nhà thầu thi công và chủ động làm việc với các doanh nghiệp Campuchia để đàm phán hợp đồng mua bán cát theo đúng quy định của 2 nước.
Được biết, hiện Campuchia mới cấp phép khai thác và xuất khẩu cát cho 3 công ty trong nước (không cấp phép khai thác cho công ty nước ngoài). Trong đó, Công ty Chaktomuk Campuchia mỗi ngày đang xuất khẩu khoảng từ 40.000 - 60.000 m3 cát cho khoảng 15 - 20 công ty của Việt Nam. Công ty Sok Theara sở hữu trữ lượng mỏ cát khoảng hơn 200 triệu m3, nhưng hiện chưa xuất khẩu cát sang Việt Nam. Công ty Global Green Energy đang cung cấp khoảng 10.000 m3/ngày cho 2 - 3 công ty của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, phía Campuchia cho biết sẵn sàng ban hành cả chứng nhận xuất xứ cho cát mua tại Campuchia để giảm thiểu hiện tượng gian lận, buôn lậu.
Giá hạt tiêu quay đầu giảm mạnh
Ngày 17/6, giá tiêu tại một số địa phương xuống 155.000 - 156.000 đồng một kg, giảm 14 - 20% so với tuần trước.
Hạt tiêu tại nhà vườn ở Tây Nguyên |
Sau khi đạt đỉnh 180.000 - 200.000 đồng một kg vào ngày 11/6, giá tiêu đã liên tục đi xuống, hiện còn 155.000 - 156.000 đồng một kg, tức giảm 14 - 27% chỉ trong vài ngày.
Theo ông Lê Việt Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), việc xác định nguyên nhân chính xác của sự biến động giá tiêu là rất khó. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, giá tiêu tăng nóng, giảm mạnh có thể xảy ra khi lượng lớn nhà đầu tư mua để đầu cơ. "Nông dân thường găm hàng khi giá tăng, nhưng doanh nghiệp lại không mua vào, dẫn đến giá giảm khi đạt đỉnh", ông nhận định.
Dự báo giá tiêu sẽ khó xuống dưới 100.000 đồng một kg, nhất là khi mùa thu hoạch đã kết thúc từ tháng 4 và diện tích trồng ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các khu công nghiệp. Ông Việt Anh dự đoán sắp tới giá tiêu sẽ tăng trở lại không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 114.400 tấn hồ tiêu các loại, với kim ngạch trên 493 triệu USD, giảm 13,2% về lượng nhưng tăng 20,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, là thời gian qua, giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.308 USD một tấn, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Hạt tiêu, cùng với gạo và cà phê, là những mặt hàng có giá xuất khẩu tăng cao nhất.
Ngành hạt tiêu Việt Nam chiếm 40% sản lượng và 60% thị phần thế giới. Theo VPSA, quy mô thị trường hạt tiêu toàn cầu có giá trị khoảng 5,4 tỷ USD và dự báo sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong giai đoạn 2024 - 2032. Tính đến hết năm 2023, Mỹ là khách hàng lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23,5% tổng giá trị xuất khẩu hạt tiêu, tiếp theo là Trung Quốc (14,1%), Ấn Độ (5,4%) và Đức (4,3%).
Nhiệt điện Vũng Áng II đề xuất nhận chìm bùn dưới biển và đổ thải trên bờ
Chủ dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vũng Áng II (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đề xuất nhận chìm dưới biển gần 2,4 triệu m3 (vật liệu bùn sét) và đổ thải trên bờ khoảng 397.000 m3 (cát, đá phong hóa).
Vị trí khu vực nhận chìm được chủ đầu tư đề xuất tại vùng biển ngoài khơi |
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.
Dự án được phát triển theo hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II (VAPCO) đầu tư. Tháng 12/2020, VAPCO đã ký hợp đồng BOT với Bộ Công Thương. Nhà máy dự kiến vận hành thương mại các tổ máy vào năm 2025.
Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM dự án (lập lần 3) nhưng không bao gồm hạng mục nạo vét và xử lý vật liệu nạo vét (nhận chìm).
Đến tháng 6/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn thay đổi biện pháp thi công trong quá trình nạo vét và chuyển vật liệu nạo vét lên bãi chứa của Dự án.
Chủ đầu tư cho biết, hiện nay Dự án triển khai theo tiến độ hợp đồng BOT đã ký với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, đối với hạng mục nạo vét khu vực cửa nhận, cửa xả, vũng quay tàu và luồng hàng hải chưa thể đáp ứng tiến độ do có sự sai khác về đặc điểm địa chất trong quá trình thi công thực tế so với phương án đề xuất trong các hồ sơ môi trường được chấp thuận trước đó. Điều đó dẫn tới việc điều chỉnh phương án thi công để có thể đưa được vật liệu lên bãi san lấp.
Tuy nhiên, việc này chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận do tiềm ẩn nguy cơ tác động tới môi trường ven biển so với đánh giá tác động môi trường phê duyệt năm 2018.
Để bảo đảm tiến độ vận hành thương mại theo hợp đồng BOT, chủ đầu tư cho rằng, thời điểm đốt than lần đầu sẽ được thực hiện vào tháng 10/2024. Vì vậy, việc nhập than dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 tới.
Hiện nay các công tác thi công nạo vét khu vực cảng than đã tạm thời ngừng hoạt động để thực hiện báo cáo ĐTM điều chỉnh có liên quan đến nội dung thay đổi phương án xử lý vật liệu nạo vét từ đổ thải hoàn toàn trên bờ đến nhận chìm dưới biển gần 2,4 triệu m3 và đổ thải trên bờ (vật liệu cát, đá phong hóa) khoảng 397.000 m3.
Khu vực thực hiện nhận chìm tại vùng biển ngoài khơi trên diện tích khoảng 200 ha, cách Dự án 22 - 25km về phía Đông Bắc. Do đó, Dự án thuộc loại hình dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thuộc thẩm quyền cấp giấy phép nhận chìm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trưởng khoa của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I bị bắt
Ông Hà Huy Dũng, Trưởng khoa Điều trị bắt buộc, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ.
Ông Hà Huy Dũng khi nhận tống đạt quyết định khởi tố |
Ngày 17/6, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Dũng 54 tuổi, theo điều 354 Bộ luật Hình sự.
Các quyết định, lệnh nêu trên đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn, tuy nhiên sai phạm cụ thể chưa công bố.
Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an Hà Nội phát hiện Khoa Điều trị bắt buộc đã cho bệnh nhân ra khỏi khu điều trị trái quy định. Khi việc bại lộ, bác sĩ, cán bộ tại khoa đã làm giả hồ sơ thành bệnh nhân hành hung nhân viên y tế rồi bỏ trốn, để hợp thức hóa.
Mở rộng điều tra, công an phát hiện thêm ông Dũng, Trưởng khoa Điều trị bắt buộc, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhận tiền của gia đình và bệnh nhân để làm trái quy tắc quản lý, chữa bệnh.
Một năm trước, trong vụ án khác liên quan việc bệnh nhân mua chuộc bác sĩ, nhân viên y tế để được sử dụng, mua bán và tàng trữ hơn 15 kg ma túy trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, bà Đỗ Thị Lưu, cựu Trưởng khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền) bị TAND Hà Nội phạt 3 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nguyễn Anh Vũ, cựu kỹ thuật viên, 7 năm tù về tội Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý.
Nguyễn Minh Huệ và Bùi Thị Hạt, điều dưỡng viên và hộ lý, cùng bị phạt 5 năm tù về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.