Bản tin thời sự sáng 18/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lũ trên các sông ở Quảng Trị lên nhanh, cao hơn lũ lịch sử năm 1999; đường sắt Bắc Nam sạt lở 10 mét; ACV chưa nên đầu tư Sân bay Điện Biên; hơn 400.000 thuê bao chưa thể chuyển mạng giữ số; ngày 18/10, đoàn tàu metro Nhổn - ga Hà Nội về tới Việt Nam...

Lũ trên các sông ở Quảng Trị lên nhanh, cao hơn lũ lịch sử năm 1999

Lũ trên các sông ở Quảng Trị tiếp tục lên nhanh, vào tối, đêm 17/10, trên sông Thạch Hãn tại trạm Thạch Hãn lên mức 7,7m, trên báo động 3 là 1,7m, cao hơn lũ lịch sử năm 1999 là 0,41m.

Lũ về trên sông Hiếu gây ngập lụt tại thành phố Đông Hà

Lũ về trên sông Hiếu gây ngập lụt tại thành phố Đông Hà

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 12 giờ qua, ở tỉnh Quảng Trị đã có mưa đặc biệt to, lượng mưa tại Tà Rụt 175mm, Đăk Rông 152mm, Hướng Linh 286mm, Hướng Sơn 438mm.

Lũ trên các sông ở Quảng Trị đang lên nhanh. Mực nước lúc 19 giờ ngày 17/10 trên sông Hiếu tại trạm Đông Hà là 4,77m, trên báo động 3 là 0,77m; sông Thạch Hãn tại trạm Thạch Hãn 7,28m, trên báo động 3 là 1,28m.

Dự báo, lũ trên các sông ở Quảng Trị tiếp tục lên nhanh. Vào tối, đêm 17/10, mực nước trên sông Hiếu tại trạm Đông Hà lên mức 5,3m, trên báo động 3 là 1,3m, cao hơn lũ lịch sử năm 1983 là 0,72m. Các sông khác ở Quảng Trị lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, ngập lụt tại các huyện Đắkrông, Hướng Hóa.

Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, khu đô thị tại tỉnh Quảng Trị tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại thị xã Quảng Trị, các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Cam Lộ và TP. Đông Hà. Cấp độ rủi ro thiên tai cho các sông ở Quảng Trị là cấp 3.

Đường sắt Bắc Nam sạt lở 10 mét

80 công nhân đang gấp rút khắc phục đoạn sạt lở kéo dài khoảng 10 m trên đường sắt Bắc Nam đoạn qua tỉnh Quảng Trị, sáng 17/10.

Đoạn đường sắt bị sạt lở sâu khoảng 3m khiến đường sắt Bắc Nam tắc nghẽn

Đoạn đường sắt bị sạt lở sâu khoảng 3m khiến đường sắt Bắc Nam tắc nghẽn

Ngành đường sắt cho hay, khu vực bị nước lũ cuốn trôi nằm dưới chân đường ray, đoạn giữa ga Quảng Trị và Diên Sanh, chiều rộng diện tích sạt lở khoảng 5 đến 6m, sâu 2 đến 3m.

Ông Lê Hồng Hải, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên cho hay, 80 công nhân có mặt ở hiện trường, thả đá hộc để khôi phục tạm tuyến.

Hành khách đi tàu SE1, SE3, SE8 sẽ được chuyển tải bằng ô tô giữa ga Đông Hà (Quảng Trị) và Phò Trạch (Thừa Thiên Huế). Các chuyến tàu này xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn vào ngày 16/10. Ngành đường sắt thông báo, do chuyển tải nên đoàn tàu sẽ đến các ga tiếp theo chậm giờ.

Ủy ban Quản lý vốn: ACV chưa nên đầu tư Sân bay Điện Biên

ACV được khuyến nghị chưa nên đầu tư xây mới Sân bay Điện Biên để đảm bảo cân đối cho các dự án cảng hàng không trọng điểm khác.

Cảng hàng không Điện Biên

Cảng hàng không Điện Biên

Khuyến nghị trên được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đưa ra trong báo cáo gửi Chính phủ. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

CMSC cho biết, ACV đã rà soát, tính toán điều chỉnh quy mô đầu tư dự án. Về hiệu quả tài chính, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ IRR (tỷ lệ lợi nhuận được sử dụng trong lập ngân sách vốn để đo lường và so sánh các lợi nhuận đầu tư) chỉ đạt 3,07%, giá trị hiện tại ròng (NPV) âm 1.250 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 50 năm.

Do đó, Dự án không có hiệu quả về mặt tài chính, không phù hợp với quy định của Luật 69 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Cùng với đó, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và ACV, Cảng hàng không Điện Biên không có khả năng hoàn vốn trong 50 năm tới và không phải là cảng hàng không trung chuyển chính, không có tiềm năng du lịch. Hiện tại, sân bay này vẫn khai thác chưa hết công suất.

Theo Ủy ban, việc đầu tư Dự án vì mục tiêu an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế địa phương có thể xem xét. Nhưng việc đầu tư phải đặt trong tổng thể khả năng cân đối nguồn lực của ACV và thứ tự ưu tiên đầu tư giữa các cảng hàng không để bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Hơn 400.000 thuê bao chưa thể chuyển mạng giữ số

400.000 thuê bao muốn chuyển mạng giữ số nhưng bất thành và 30% trong số này bị nhà mạng ngăn cản.

SIM của ba nhà mạng Mobifone, Vinaphone và Viettel

SIM của ba nhà mạng Mobifone, Vinaphone và Viettel

Theo ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hơn 2,6 triệu thuê bao đã đăng ký chuyển mạng giữ số tính từ khi được áp dụng dịch vụ này cuối năm 2018. Tỷ lệ chuyển mạng giữ số thành công thực tế đạt khoảng 80%.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 400.000 thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ số nhưng chưa thành công, khiến người dùng bức xúc. Theo lý giải của lãnh đạo Cục Viễn thông, 70% trong số này do đã có cam kết với nhà mạng như sử dụng 12 tháng, 24 tháng hay SIM số đẹp..., phải hoàn thành điều kiện đã cam kết mới được chuyển mạng.

Còn lại, khoảng 123.000 thuê bao, tương đương dưới 5% tổng lượng yêu cầu chuyển mạng giữ số bị các nhà mạng từ chối chuyển đi sai quy định, theo ông Cường.

Để xử lý tình trạng từ chối sai, Cục Viễn thông đã thiết lập cơ chế đối soát 3 bên giữa nhà mạng chuyển đi, nhà mạng chuyển đến và Cục. Các thuê bao phản ánh, khiếu nại dịch vụ lên Cục sẽ được đưa vào diện đối soát. Hàng tháng, đơn vị này đối soát 50.000 - 80.0000 thuê bao.

Ngày 18/10, đoàn tàu metro Nhổn - ga Hà Nội về tới Việt Nam

Sau 1,5 tháng rời cảng Dunkirk (Pháp), đoàn tàu đầu tiên tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ cập cảng Hải Phòng trong ngày 18/10.

Đoàn tàu đầu tiên tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được cẩu xuống tàu tại cảng Dunkirk (Pháp) để về Việt Nam

Đoàn tàu đầu tiên tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được cẩu xuống tàu tại cảng Dunkirk (Pháp) để về Việt Nam

Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đoàn tàu khởi hành từ cảng Dunkirk (Pháp) ngày 2/9 và dự kiến tới cảng Hải Phòng (Việt Nam) vào ngày 24/10. Tuy nhiên, đoàn tàu về tới Việt Nam sớm hơn một tuần.

Sau khi cập cảng Hải Phòng, đoàn tàu sẽ được vận chuyển bằng xe siêu trường siêu trọng tới khu Depot Nhổn (Hà Nội), thực hiện lắp đặt lên ray để vận hành thử nghiệm trước khi vận hành chính thức.

Quá trình bốc dỡ đoàn tàu tại cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng) sẽ kéo dài khoảng 4 đến 5 tiếng.

Quảng Bình: Tàu hàng hơn 28.000 tấn mắc cạn

Tàu hàng VTB Star bị đứt dây neo, trôi dạt và mắc cạn tại vùng biển thị xã Ba Đồn. 20 thuyền viên trên tàu hiện an toàn.

Tàu hàng VTB Star đang mắc cạn cách bờ biển thị xã Ba Đồn 30m

Tàu hàng VTB Star đang mắc cạn cách bờ biển thị xã Ba Đồn 30m

Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình cho biết, 3h30 ngày 17/10, tàu hàng VTB Star đang tránh trú gió mùa đông bắc tại cảng Hòn La thì bị gió giật đứt dây neo, trôi vào vùng biển phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn. Thuyền trưởng thả neo để tàu tránh bị sóng xô dạt. Hiện tàu đậu cách bờ 30 m, trạng thái cân bằng.

Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Quảng Bình cho biết, tàu không bị hư hỏng gì sau sự cố, nhà chức trách đã liên lạc với thuyền trưởng, đề nghị đưa 20 thuyền viên vào bờ, song ông này báo "tất cả thuyền viên đều đảm bảo an toàn, trước mắt họ ở lại sinh hoạt trên tàu, chưa vào đất liền".

Tàu VTB Star trọng tải hơn 28.000 tấn, dài gần 170 m, do ông Tạ Minh Phương, trú Hải Phòng làm thuyền trưởng, đi từ cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh) vào neo đậu tại Hòn La (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) hôm 15/10.

Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng khóa hết két dầu và nhiên liệu để tránh rò rỉ ra môi trường; chủ động xử lý sự cố. Phương án lai dắt tàu từ khu vực mắc cạn ra ngoài khơi đang được cân nhắc.

Bắt giữ và xử lý 6 tàu vận chuyển cát trái phép ở Quảng Ninh

Công an thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) vừa phát hiện, bắt giữ, xử lý 6 tàu vỏ sắt vận chuyển cát trái phép, không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

6 phương tiện này đều không có biển kiểm soát, không có giấy đăng ký, đăng kiểm theo quy định

6 phương tiện này đều không có biển kiểm soát, không có giấy đăng ký, đăng kiểm theo quy định

Qua quá trình kiểm tra tại khu vực ven sông Khoai, giáp bãi chứa vật liệu xây dựng của Công ty CP Gốm sứ Phương Nam, Thôn 7, xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, Công an thị xã Quảng Yên phát hiện 6 tàu thủy đang có hoạt động vận chuyển, kinh doanh cát có dấu hiệu vi phạm. Khi phát hiện lực lượng chức năng, 6 tàu thủy trên đã nhổ neo bỏ chạy, Công an thị xã Quảng Yên nhanh chóng phối hợp với Thủy đoàn I, Cục Cảnh sát giao thông triển khai lực lượng, phương tiện truy đuổi và bắt giữ.

Kiểm tra ban đầu, 6 tàu trên đều không có biển kiểm soát, không có giấy đăng ký, đăng kiểm theo quy định, đang vận chuyển hơn 430 m3 cát không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Các chủ tàu khai nhận thu mua số cát trên từ khu vực cầu Đá Bạc, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng vận chuyển về bán cho các cá nhân có nhu cầu trên địa bàn.

Công an thị xã Quảng Yên đã hoàn thiện hồ sơ, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 phương tiện về hành vi vận chuyển, kinh doanh cát trái phép với số tiền 8.800.000 đồng, đồng thời tịch thu, bán phát mại hơn 430 m3 cát trên.

Chuyên đề